Quyết định 46/2015/QĐ-UBND quy định về mức thu thủy lợi phí, tiền nước và phí dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh An Giang
Số hiệu: 46/2015/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Lê Văn Nưng
Ngày ban hành: 31/12/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/2015/QĐ-UBND

An Giang, ngày 31 tháng 12 năm 2015

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC VÀ PHÍ DỊCH VỤ THỦY LỢI NỘI ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BTC ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 313a/TTr-SNN&PTNT ngày 25 tháng 12 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và phí dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- TT.TU, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Báo, đài PTTH An Giang;
- Lưu HCTC.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

QUY ĐỊNH

MỨC THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC VÀ PHÍ DỊCH VỤ THỦY LỢI NỘI ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 46/2015/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này điều chỉnh về mức thu, đối tượng nộp và miễn giảm thủy lợi phí; mức trần và mức sàn dịch vụ thủy lợi nội đồng được áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sdụng nguồn nước hoặc làm dịch vụ từ hệ thống công trình thủy lợi (bao gồm: hồ chứa, đập, cống, kênh, rạch tạo nguồn nước…) kể cả nguồn nước từ sông rạch tự nhiên trên địa bàn tỉnh nhưng do nhà nước đầu tư nạo vét.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. “Thủy lợi phí” là phí dịch vụ về nước thu từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi cho mục đích sản xuất nông nghiệp để góp phần chi phí cho việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

2. “Tiền nước” là giá tiền trong hợp đồng dịch vụ về nước thu từ tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thuỷ lợi ngoài mục đích sản xuất nông nghiệp.

3. Mức trần và mức sàn phí dịch vụ thủy lợi nội đồng là mức cao nhất và thấp nhất tiền phí dịch vụ thủy lợi nội đồng. Mức thu cụ thể tiền phí dịch vụ thủy lợi nội đồng dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa tổ chức cá nhân, tổ chức Hợp tác dùng nước với các tổ chức, cá nhân sử dụng nước.

4. Cống đầu kênh là cống phục vụ tưới, tiêu cho diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 400 ha.

5. Tưới, tiêu bằng động lực là công trình tưới, tiêu được sử dụng bằng động cơ (điện hoặc dầu).

6. Tưới, tiêu bằng trọng lực là các công trình lấy nước trực tiếp từ các nguồn nước thiên nhiên (sông, kênh, rạch,..) hoặc từ các hồ chứa và các công trình tiêu nước tự chảy (không phải tưới, tiêu bằng động lực).

Điều 3. Đối tượng, phạm vi và mức miễn thủy lợi phí

1. Đối tượng miễn thu thủy lợi phí:

Thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và Điều 2 Thông tư số 41/2013/TT-BTC ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

2. Phạm vi và mức miễn thu thủy lợi phí:

Thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 67/2012/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư số 41/2013/TT-BTC .

Điều 4. Các tổ chức được ngân sách cấp bù kinh phí do thực hiện miễn thủy lợi phí

Các tổ chức được ngân sách cấp bù kinh phí do thực hiện miễn thủy lợi phí được áp dụng tại Điều 4 Thông tư số 41/2013/TT-BTC .

Chương II

MỨC THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC VÀ PHÍ DỊCH VỤ THỦY LỢI NỘI ĐỒNG

Điều 5. Mức thu thủy lợi phí

1. Mức thu thủy lợi phí đối với đất trồng lúa, nếp:

a) Trường hợp tưới tiêu bằng trọng lực (nguồn nước tự nhiên hoặc công trình thủy lợi tạo nguồn do nhà nước đầu tư như kênh, mương, hồ chứa):

- Đất trồng lúa, nếp: mức thu lấy diện tích đất của vụ sản xuất chính trong năm để thu, không thu theo từng vụ; đối với các vùng đất trồng lúa, nếp có tận dụng nuôi cá trong mùa nước nổi thì không thu thủy lợi phí cho vụ nuôi cá. Cụ thể mức thu như sau:

+ Đất sản xuất 3 vụ/năm: 990.000 đồng/ha/năm.

+ Đất sản xuất 2 vụ/năm: 660.000 đồng/ha/năm.

+ Đất sản xuất 1 vụ/năm: 330.000 đồng/ha/năm.

- Đất trồng lúa, màu hoặc lúa, tôm: 660.000 đồng/ha/năm.

b) Trường hợp tưới tiêu bằng động lực (máy bơm, trạm bơm): mức phí cung ứng dịch vụ cấp nước tưới và tiêu nước của các tổ chức, cá nhân đối với người sử dụng nước được quy định tại Điều 7 Quy định này.

2. Mức thu thủy lợi phí đối với đất không sửdụng vào mục đích trồng lúa (bằng 40% mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa, nếp): 264.000đồng/ha/năm.

Điều 6. Tiền nước

1. Cấp nước để nuôi trồng thủy sản (ao, hầm nuôi cá): 250 đồng/m2 mặt nước/năm.

2. Diện tích mặt nước trên các sông, rạch để khai thác nuôi trồng thủy sản: 125 đồng/m2 mặt nước/năm.

3. Các đối tượng khác theo quy định tại Nghị định số 143/2003/NĐ-CP và Nghị định số 67/2012/NĐ-CP tạm thời chưa thu.

Điều 7. Mức trần và mức sàn phí dịch vụ bơm tưới và tiêu nước

Mức trần và mức sàn phí dịch vụ bơm tưới, tiêu nước được tính trên đơn vị héc ta, nhằm đảm bảo đủ nước tưới, tiêu úng kịp thời cho từng vụ hoặc cả năm sản xuất; cụ thể như sau:

1. Mức trần phí dịch vụ bơm tưới và tiêu nước không quá 1,15 lần giá thành hoạt động dịch vụ bơm tưới và tiêu nước (giá do Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hàng năm).

2. Mức sàn phí dịch vụ bơm tưới và tiêu nước không nhỏ hơn 1,05 lần giá thành hoạt động dịch vụ bơm tưới và tiêu nước (giá do Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hàng năm).

3. Giá thành hoạt động dịch vụ bơm tưới và tiêu nước được tính trên cơ sở:

a) Định mức điện năng tiêu thụ của từng khu vực, theo điều kiện thời tiết bình thường.

b) Khấu hao tài sản cố định đã đầu tư hệ thống trạm bơm điện.

c) Duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống công trình đầu mối và nội đồng điều tiết nước tưới, tiêu nước.

d) Chi phí quản lý, công nhân vận hành, điều tiết nước và thu phí (bao gồm cả bảo hiểm xã hội, y tế, đào tạo, tập huấn).

đ) Thuế các loại và lãi vay vốn lưu động, vốn cố định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Quản lý và sử dụng nguồn thu

1. Nguồn thu thủy lợi phí, tiền nước và nguồn cấp miễn thủy lợi phí của ngân sách Trung ương được sử dụng để tổ chức quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi.

2. Các đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm lập kế hoạch chi sự nghiệp thủy lợi hàng năm gửi về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tổng hợp kế hoạch chung cho toàn tỉnh, sau khi thống nhất Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện mức thu thủy lợi phí, tiền nước và phí dịch vụ thủy lợi nội đồng đến các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

2. Thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt diện tích và hình thức tưới, tiêu của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi trên cơ sở hồ sơ liên quan có xác nhận của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

3. Hướng dẫn và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi đảm bảo công tác vận hành công trình, điều hành tưới, tiêu hiệu quả, tiết kiệm nước, điện.

4. Phối hợp Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thủy lợi phí, tiền nước theo quy định.

2. Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xác định giá thành phí dịch vụ bơm tưới, tiêu nước theo từng khu vực, từng vụ sản xuất. Hằng năm, điều chỉnh và thông báo cho địa phương biết tổ chức thực hiện.

3. Quyết toán nguồn thu thủy lợi phí, tiền nước theo quy định.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Thẩm tra, chịu trách nhiệm xác nhận về phạm vi, đối tượng, diện tích; hình thức tưới nước, tiêu nước; cơ cấu cây trồng; kinh phí cấp bù miễn thu thủy lợi phí của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn, tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Kiểm tra, giám sát thực hiện phí dịch vụ thủy lợi nội đồng và sử dụng nguồn kinh phí miễn thủy lợi phí của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn.

3. Tổng hợp và quyết toán kinh phí miễn thủy lợi phí theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Bố trí kinh phí trong nguồn chi sự nghiệp kinh tế hàng năm để hỗ trợ các phòng, ban chức năng trực thuộc trong việc kê khai diện tích miễn thu thủy lợi phí, lập hồ sơ kê khai diện tích miễn thu thủy lợi phí.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.