Quyết định 46/2005/QĐ-UB về Quy định tạm thời chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại do Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành
Số hiệu: | 46/2005/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hưng Yên | Người ký: | Nguyễn Văn Cường |
Ngày ban hành: | 15/06/2005 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/2005/QĐ-UB |
Hưng Yên, ngày 15 tháng 06 năm 2005 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/2/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại;
Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TU ngày 08/9/2003 của Ban thường vụ tỉnh ủy về khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 88/TT-NN ngày 02/6/2005,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Điều 2. Giao sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định này.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 46/2005/QĐ-UB ngày 15/6/2005 của UBND tỉnh Hưng Yên)
Điều 1. Khái niệm về kinh tế trang trại:
Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi thủy sản; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Điều 2. Mục đích phát triển kinh tế trang trại:
Phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, tiền vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng giá trị thu được trên một ha canh tác, khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo, phân bố lại lao động, xây dựng nông thôn mới; góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Điều 3. Tiêu chí xác định kinh tế trang trại:
1- Đối với hộ chuyên sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được xác định là trang trại phải đạt đồng thời hai tiêu chí về giá trị sản lượng hàng hóa và quy mô sản xuất. Cụ thể như sau:
1.1. – Giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân một năm phải từ 100 triệu đồng trở lên.
1.2 – Quy mô sản xuất:
1.2.1. – Đối với trang trại trồng trọt:
- Trang trại trồng cây hàng năm từ 0,7 ha trở lên.
- Trang trại trồng cây lâu năm từ 1,0 ha trở lên.
1.2.2. – Đối với trang trại chăn nuôi.
- Chăn nuôi bò sinh sản lấy sữa, thường xuyên có 10 con trở lên.
- Chăn nuôi trâu, bò lấy thịt, thường xuyên có 30 con trở lên.
- Chăn nuôi lợn nái sinh sản, thường xuyên có 20 con trở lên.
- Chăn nuôi lợn thịt, thường xuyên có 100 con trở lên (không kể lợn sữa).
- Chăn nuôi khép kín, thường xuyên có 10 lợn nái và 50 lợn thịt trở lên.
- Chăn nuôi gia cầm, thường xuyên có 1.500 con trở lên (không tính số con dưới 07 ngày tuổi).
- Chăn nuôi gia cầm sinh sản, thường xuyên có 700 con trở lên.
1.2.3. – Đối với trang trại nuôi trồng thủy sản.
- Diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản có 1,0 ha trở lên.
- Diện tích mặt nước chuyên giống thủy sản có 0,5ha trở lên.
2- Đối với hộ sản xuất nông nghiệp đang trong thời kỳ đầu tư xây dựng cơ bản (3 năm đầu) thì tiêu chí để xác định trang trại là quy mô sản xuất của trang trại theo quy định tại mục 1.2 của điều này.
3- Đối với hộ sản xuất, kinh doanh tổng hợp có nhiều loại hàng hóa của ngành nông nghiệp, thủy sản thì tiêu chí xác định trang trại là giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân một năm theo quy định tại mục 1.1 của điều này.
4- Đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.
ĐỊNH HƯỚNG, QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI
Điều 4. Định hướng phát triển:
1- Kinh tế trang trại là mô hình tổ chức sản xuất hàng hóa có hiệu quả, vượt trội so với sản xuất hộ nông dân kể cả về giá trị, quy mô và hiệu quả sản xuất. Để khuyến khích kinh tế trang trại phát triển mạnh mẽ cần phải có các chính sách thích hợp về đất đai, vốn, khoa học công nghệ, chế biến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng… tạo môi trường thuận lợi để kinh tế trang trại phát triển góp phần tạo thêm nhiều việc làm, phân bổ lại dân cư, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn; xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
2- Phát triển kinh tế trang trại theo nhiều loại hình sản xuất khác nhau; khuyến khích các trang trại chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thực hiện đầu tư chiều sâu, hướng vào các mô hình trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp, mô hình trang trại sản xuất các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, KHCN mới vào sản xuất, chế biến – tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt coi trọng, thúc đẩy phát triển mô hình trang trại liên kết, hợp tác với nhau, liên kết liên doanh với các doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, kinh tế hợp tác và các thành phần kinh tế khác để phát triển sản xuất hàng hóa ổn định, bền vững.
3- Ưu tiên cho thuê đất đối với những hộ nông dân có dự án sản xuất, có khả năng tổ chức, quản lý sản xuất, có điều kiện về tài chính, có kinh nghiệm và nguyện vọng tạo dựng cơ nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Điều 5. Quy hoạch phát triển kinh tế trang trại:
Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch đất đai đã được phê duyệt của tỉnh, các địa phương tập trung xây dựng và triển khai quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất; hoàn chỉnh quy hoạch từng vùng, tiểu vùng cho phát triển kinh tế trang trại với hướng cơ bản và lâu dài là ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kể cả về lĩnh vực quản lý, chế biến nông sản và đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái.
1- Vùng đất bãi ven sông tập trung phát triển các trang trại cây ăn quả đặc sản nhãn, vải, cam, quýt, rau các loại; chăn nuôi lợn, bò thịt, bò sữa, gà thả vườn.
2- Các huyện phía Nam tỉnh, chủ yếu xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, nuôi cá – kết hợp trồng cây ăn quả, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến. Những vùng ruộng trũng tập trung có thể khoanh vùng cấy 1 vụ lúa + 1 vụ cá.
3- Vùng khác, chủ yếu xây dựng các trang trại sản xuất các sản phẩm có chất lượng và công nghệ tiên tiến, yêu cầu ít đất như nuôi lợn (lợn choai), gia cầm, thủy đặc sản, sản xuất cây giống, rau các loại (nhất là rau an toàn), trồng hoa, cây cảnh… gắn sản phẩm với dịch vụ thương mại.
Quy hoạch các vùng sản xuất trang trại gắn với quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng về hệ thống các công trình thủy lợi, giao thông, các cơ sở chế biến nông sản, xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Bố trí các trang trại chăn nuôi tách xa khu dân cư, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, tránh ô nhiễm môi trường.
CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI
1- Đất sử dụng cho kinh tế trang trại bao gồm: Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất (đất trong hạn mức); đất do thuê, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho; đất do nhận khoán; đất do hộ gia đình, cá nhân góp.
Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân thuê đất thùng vũng, chân đất chua xấu, đất ngoài bãi để phát triển kinh tế trang trại. Việc thuê đất, kể cả thuê đất công ích để làm kinh tế trang trại, phải thực hiện hợp đồng theo quy định của luật đất đai năm 2003. Các chủ trang trại được làm nhà tạm trên diện tích sử dụng của trang trại để chứa sản phẩm, dụng cụ, vật tư sản xuất và bảo vệ, diện tích xây dựng nhà tạm không quá 36m2 xây dựng. Không xây dựng nhà ở kiên cố trên đất làm trang trại.
2- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp làm kinh tế trang trại phải sử dụng đúng mục đích đã được xác định, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng phải lập phương án sản xuất kinh doanh trình UBND huyện, thị xã xét duyệt.
3- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất làm kinh tế trang trại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền xét duyệt, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là không có tranh chấp thì được tiếp tục sử dụng theo quy định sau đây:
- Trường hợp đất được giao không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn còn lại.
- Trường hợp đất được giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thì phải chuyển sang thuê đất.
- Trường hợp sử dụng đất do nhà nước cho thuê, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận khoán của tổ chức, do hộ gia đình, cá nhân góp vốn thì được tiếp tục sử dụng theo Luật đất đai năm 2003.
4- Các địa phương tổ chức tốt công tác điều tra, thống kê những diện tích đất đai chưa sử dụng, có kế hoạch và tạo điều kiện cho hộ nông dân, chủ trang trại thuê đất phát triển kinh tế trang trại. Khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu chủ trang trại, hộ nông dân thực hiện tốt các nghĩa vụ theo quy định nhà nước, thì tiếp tục được thuê lại đất cũ. Giá hợp đồng thuê đất tính ổn định 05 năm theo nhiệm kỳ của HĐND xã, hết 05 năm phải hợp đồng lại theo nhiệm kỳ của HĐND khóa mới, giá thuê đất theo quy định của UBND tỉnh tại thời điểm.
Khi tiến hành cho thuê đất phải có hợp đồng sử dụng đất đai chặt chẽ theo đúng quy định của Luật đất đai.
5- Không lợi dụng hình thức kinh tế trang trại để bao chiếm, tích tụ đất đai không vì mục đích sản xuất hoặc sử dụng đất sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu sử dụng đất sai mục đích thì bị thu hồi theo quy định của pháp luật.
1- Khuyến khích và hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, thu hút, tạo thêm việc làm cho người lao động, ưu tiên sử dụng lao động của các hộ nông dân nghèo ở nông thôn. Đối với trang trại sử dụng trên 20 lao động thường xuyên được nhà nước hỗ trợ tập huấn miễn phí về khoa học kỹ thuật, công nghệ, kiến thức quản trị kinh doanh.
2- Chủ trang trại được thuê lao động không hạn chế về số lượng; trả công lao động trên cơ sở thỏa thuận với người lao động theo quy định của luật pháp. Chủ trang trại có trách nhiệm trang bị đồ dùng bảo hộ lao động theo từng loại nghề cho người lao động và có trách nhiệm với người lao động khi họ gặp rủi ro, tai nạn, ốm đau trong thời gian làm việc theo hợp đồng lao động tại trang trại.
1- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức đến năm 2010 như đối với hộ nông dân.
2- Tạm thời chưa thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 164/2003/NĐ-CP , ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với các trang trại sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
1- Các chủ trang trại (đã có giấy Chứng nhận) khi có nhu cầu vay vốn sản xuất, được xét cho vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển để mở rộng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, cây lâu năm và cây hàng năm, trên cơ sở dự án được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
2- Chủ trang trại đã được cấp giấy Chứng nhận, có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và phương án trả nợ khả thi được vay vốn không phải thế chấp tài sản tại các tổ chức tín dụng với mức vay tối đa đến 30 triệu đồng hoặc dưới 50 triệu đồng đối với chủ trang trại vay vốn để sản xuất giống thủy sản theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 4 - Quyết định số 103/2000/QĐ-TTg , ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 03/2003/TT-NHNN , ngày 24/2/2003 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
3- Đối với các chủ trang trại vay trên 30 triệu đồng hoặc trang trại sản xuất giống thủy sản vay từ 50 triệu đồng trở lên được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp, cầm cố theo quy định tại mục 16,17 – Điều 1 Nghị định số 85/2002/NĐ-CP , ngày 25/10/2002 của Chính phủ và mục 4 Thông tư số 07/2003/TT-NHNN , ngày 19/5/2003 của Ngân hàng Nhà nước.
4- Các chủ trang trại tự nguyện tham gia Câu lạc bộ trang trại Việt Nam trực thuộc Trung tâm hỗ trợ kinh tế VAC, được vay vốn theo sự hướng dẫn của Câu lạc bộ trang trại và các tổ chức tín dụng.
Điều 10. Chính sách đầu tư, KHCN và đào tạo:
1- Tỉnh hỗ trợ kỹ thuật và một phần kinh phí đối với các trang trại sản xuất có đủ điều kiện về đất đai, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, tham gia sản xuất cung ứng giống-đối với những giống đã qua kiểm nghiệm, giống nằm trong cơ cấu giống chỉ đạo.
2- Các chủ trang trại, những người làm công tác kỹ thuật, kế toán của trang trại được dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn miễn phí về kiến thức quản lý, xúc tiến thương mại, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ về sản xuất chế biến, bảo quản sau thu hoạch, sử dụng máy móc phù hợp để làm đất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Điều 11. Chính sách thị trường và tiêu thụ sản phẩm:
1- Tỉnh có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các đường giao thông, các cơ sở công nghiệp chế biến ở các vùng nông sản hàng hóa tập trung chuyên canh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp chế biến nông sản và tiêu thụ nông sản hàng hóa của trang trại và nông dân trên địa bàn.
2- Quy hoạch phát triển hệ thống chợ nông thôn, chợ đầu mối, các trung tâm giao dịch, mua bán nông sản và vật tư nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở các cấp.
3- Tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ thành lập Câu lạc bộ các chủ trang trại ở cấp tỉnh và huyện; thực hiện liên kết, liên doanh giữa trang trại với các doanh nghiệp, các HTX dịch vụ nông nghiệp để phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo đúng Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.
4- Khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ các chủ trang trại có khả năng tham gia xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của mình và sản phẩm thu gom của các trang trại, hộ nông dân, làm đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân trong vùng.
5- Tổ chức tốt việc cung cấp thông tin thị trường, để các trang trại sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường khu vực, trong nước và ngoài nước để phát triển ổn định, bền vững.
Điều 12. Chính sách bảo hộ tài sản và nghĩa vụ của trang trại:
1- Nhà nước bảo vệ quyền lợi và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của các chủ trang trại. Trong trường hợp nhà nước thu hồi đất trang trại để sử dụng vào mục đích quốc phòng – an ninh, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội thì chủ trang trại được bồi thường theo quy định.
2- Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các chủ trang trại phải có nghĩa vụ bảo vệ, làm giàu đất đai, chấp hành tốt các quy định khác của pháp luật về đất đai. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định; tuân thủ các quy định của pháp luật về các giải pháp an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
- Thẩm định và ra quyết định cấp giấy chứng nhận cho các chủ trang trại đạt đủ tiêu chí trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ theo đề nghị của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã.
- Phối hợp với các ngành, đoàn thể và các địa phương, thành lập Câu lạc bộ các chủ trang trại tỉnh.
- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trường Trung học kinh tế kỹ thuật Tô Hiệu và các đơn vị thuộc sở, tổ chức tốt công tác đào tạo, tập huấn về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, xúc tiến thương mại…cho các chủ trang trại.
- Hàng năm phối hợp với Hội nông dân tỉnh và các ngành có liên quan; tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm, tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động các trang trại trên địa bàn tỉnh.
2- Các sở ngành: Tài chính, Khoa học và công nghệ; Tài nguyên môi trường; Thương mại du lịch; Hội nông dân; Ngân hàng; Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển và các sở ngành liên quan, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của ngành tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của nhà nước.
3- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã: Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; của huyện, thị xã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn, đồng thời ra quyết định phê duyệt dự án phát triển kinh tế trang trại (trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ), trong trường hợp chưa ra quyết định được vì lý do nào đó thì phải trả lời, giải đáp bằng văn bản cho chủ hộ. Hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định và cấp giấy chứng nhận trang trại.
4- Các xã, phường, thị trấn: Xây dựng vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại phù hợp với quy hoạch của các cấp và quy hoạch kinh tế xã hội của địa phương, hướng dẫn các chủ trang trại, các hộ nông dân lập dự án xây dựng trang trại và trình duyệt theo quy định.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức và hướng dẫn thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc chính sách của Nhà nước thay đổi, các đơn vị báo cáo phản ảnh về UBND tỉnh (qua sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Nghị định 164/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp Ban hành: 22/12/2003 | Cập nhật: 17/09/2012
Thông tư 07/2003/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng Ban hành: 19/05/2003 | Cập nhật: 06/02/2013
Thông tư 03/2003/TT-NHNN hướng dẫn về cho vay không bảo đảm bằng tài sản theo Nghị quyết 02/2003/NQ-CP Ban hành: 24/02/2003 | Cập nhật: 18/09/2012
Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng Ban hành: 24/06/2002 | Cập nhật: 24/12/2009
Quyết định 103/2000/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển giống thuỷ sản Ban hành: 25/08/2000 | Cập nhật: 24/11/2010
Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP về kinh tế trang trại Ban hành: 02/02/2000 | Cập nhật: 18/11/2010
Nghị định 85/2002/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 178/1999/NĐ-CP về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng Ban hành: 25/10/2002 | Cập nhật: 15/09/2010