Quyết định 45/2007/QĐ-UBND về quy chế phối hợp liên ngành về công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Long An
Số hiệu: | 45/2007/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Long An | Người ký: | Dương Quốc Xuân |
Ngày ban hành: | 06/09/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bưu chính, viễn thông, Hình sự, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2007/QĐ-UBND |
Tân An, ngày 06 tháng 9 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Chỉ thị số 03/2005/CT-BBCVT ngày 28/3/2005 của Bộ Bưu chính - Viễn thông về đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tham nhũng trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;
Theo sự thống nhất giữa Sở Bưu chính - Viễn thông với các sở ngành chức năng liên quan tại biên bản cuộc họp số 180/BB-SBCVT ngày 02/5/2007;
Xét đề nghị của Sở Bưu chính - Viễn thông tại Tờ trình số 207/TTr-SBCVT ngày 11/7/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy chế phối hợp liên ngành về công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông chủ trì phối hợp với thủ trưởng các đơn vị có liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau mười (10) ngày kể từ ngày ký ban hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành theo Quyết định số 45/2007/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Long An)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về công tác phối hợp của liên ngành trong việc phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Long An nhằm ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu tối đa tội phạm trộm cắp cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, kinh doanh trái pháp luật dịch vụ điện thoại Internet, các loại thẻ điện thoại lậu; với phương châm “chủ động phòng chống tích cực và hiệu quả trên cơ sở phối hợp liên ngành và áp dụng các giải pháp tổng hợp, đồng bộ”.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
- Thực hiện trên nguyên tắc kịp thời, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Quá trình phối hợp không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các bên có liên quan.
- Trong quá trình phối hợp, việc cung cấp thông tin, các dấu hiệu nghi vấn trộm cắp cước viễn thông quốc tế; kinh doanh trái pháp luật dịch vụ điện thoại Internet và các loại thẻ điện thoại lậu; gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát phải được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo bí mật và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Thông tin phải được cung cấp bằng văn bản thể hiện trên giấy hoặc văn bản điện tử nhưng phải có chữ ký điện tử xác nhận của thủ trưởng cơ quan cung cấp.
- Sở Bưu chính - Viễn thông, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Sở Thương mại và Du lịch, Cục Hải quan và các doanh nghiệp phải cử người có trách nhiệm phụ trách việc theo dõi, cập nhật thông tin, làm đầu mối trong việc phối hợp, giao nhận tài liệu, số liệu liên quan. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm đảm bảo bí mật thông tin, kịp thời báo cáo người có thẩm quyền trong việc xử lý thông tin, chỉ đạo công tác phối hợp.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH VÀ CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN
Điều 3. Trách nhiệm của Sở Bưu chính - Viễn thông
- Làm đầu mối tiếp nhận thông tin về các dấu hiệu nghi vấn vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, trộm cắp cước viễn thông quốc tế.
- Chủ trì hoặc tham gia thanh tra, kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm hành chính hoặc lập hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp cần sự hỗ trợ của các đơn vị quản lý chuyên ngành (Cục Tần số, Cục Quản lý chất lượng Bưu chính - Viễn thông và Công nghệ thông tin) trong quá trình thanh tra, kiểm tra thì chủ trì đề nghị phối hợp.
- Tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định, làm thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập Hội đồng giám định về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Pháp lệnh Giám định tư pháp ngày 29/9/2004 và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp.
Điều 4. Trách nhiệm của Công an tỉnh
- Chủ trì công tác điều tra, xác minh các đối tượng trộm cắp cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trong trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc trong trường hợp có thông báo của Sở Bưu chính - Viễn thông.
- Đối với các vụ việc khác do Công an tỉnh phát hiện, trường hợp cần có sự phối hợp thì kịp thời thông báo cho Sở Bưu chính - Viễn thông và các đơn vị phối hợp liên quan bằng văn bản, bằng điện thoại (nếu sự việc mang tính cấp bách và cần sự bảo mật). Đồng thời cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác phối hợp để cùng thực hiện.
- Sau khi xác minh rõ đối tượng và tiến hành phá án, Công an tỉnh có trách nhiệm thông báo cho Sở Bưu chính - Viễn thông và đơn vị tham gia phối hợp biết thời gian, địa điểm tiến hành thanh tra, kiểm tra, khám xét. Tổ chức lực lượng giám sát đối tượng trong quá trình thanh tra, kiểm tra hành chính, không để đối tượng xóa dấu vết, tẩu tán phương tiện, thiết bị, tang vật sử dụng để vi phạm.
Điều 5. Trách nhiệm của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng
- Chủ trì công tác điều tra, xác minh các đối tượng trộm cắp cước viễn thông quốc tế, kinh doanh trái pháp luật dịch vụ điện thoại Internet, các loại thẻ điện thoại lậu qua đường biên giới trong trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc trong trường hợp có thông báo của Sở Bưu chính - Viễn thông, Công an.
- Đối với các vụ việc khác do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng phát hiện, trường hợp cần có sự phối hợp thì kịp thời thông báo cho Sở Bưu chính - Viễn thông và các đơn vị phối hợp liên quan bằng văn bản, bằng điện thoại (nếu sự việc mang tính cấp bách và cần sự bảo mật). Đồng thời cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác phối hợp để cùng thực hiện.
- Sau khi xác minh rõ đối tượng và tiến hành phá án, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm thông báo cho Sở Bưu chính - Viễn thông và đơn vị tham gia phối hợp biết thời gian, địa điểm tiến hành thanh tra, kiểm tra, khám xét. Tổ chức lực lượng giám sát đối tượng trong quá trình thanh tra, kiểm tra hành chính, không để đối tượng xóa dấu vết, tẩu tán phương tiện, thiết bị, tang vật sử dụng để vi phạm. Xây dựng các qui định cụ thể để lực lượng làm nhiệm vụ khi cần thiết có thể qua lại biên giới.
Điều 6. Trách nhiệm của Cục Hải quan
- Chủ trì công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hàng lậu, hàng cấm xuất, nhập khẩu qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn, địa bàn hoạt động của Hải quan.
- Trường hợp nhận được thông báo và đề nghị phối hợp của Sở Bưu chính, Viễn thông về vụ việc xuất - nhập hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, Cục Hải quan có trách nhiệm kịp thời cùng với Sở Bưu chính - Viễn thông trong việc kiểm tra, kiểm soát các túi bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng hóa. Nếu phát hiện thấy có hành vi vi phạm pháp luật thì phối hợp với Sở Bưu chính - Viễn thông trong việc xử lý đối tượng vi phạm.
- Khi phát hiện vụ việc xuất - nhập khẩu hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, Cục Hải quan có trách nhiệm kịp thời thông báo và phối hợp với Sở Bưu chính - Viễn thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Thương mại và Du lịch
- Phối hợp việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng lậu, hàng cấm vận chuyển qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát.
- Trường hợp nhận được tin báo về vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, Sở Thương mại và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kịp thời phối hợp với Sở Bưu chính - Viễn thông kiểm tra, kiểm soát các túi bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng hóa, phương tiện vận chuyển. Nếu phát hiện thấy có hành vi vi phạm pháp luật thì phối hợp với Sở Bưu chính - Viễn thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Nếu phát hiện các vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, Sở Thương mại và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kịp thời thông báo và phối hợp với Sở Bưu chính - Viễn thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các sở, ngành tỉnh có liên quan
1. Phối hợp, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan, kịp thời thông tin về công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.
2. Phối hợp xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo quy định của Pháp luật.
Điều 9. Trách nhiệm của doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin
- Trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn trộm cắp cước viễn thông quốc tế; việc kinh doanh trái phép dịch vụ điện thoại Internet, các loại thẻ điện thoại lậu; gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, các hành vi vi phạm liên quan đến việc cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet, các doanh nghiệp có trách nhiệm kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan cho Sở Bưu chính - Viễn thông và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ làm giảm thiệt hại, tác hại do hành vi vi phạm gây ra, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng xác minh đối tượng vi phạm.
- Các doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với nhau nhằm kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật.
- Kịp thời cung cấp số liệu liên quan đến hoạt động giám định theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định; chịu trách nhiệm về tiến độ và tính chính xác của số liệu đã cung cấp.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Xử lý vi phạm
1. Mọi hành vi vi phạm khi phát hiện phải được xử lý kịp thời theo qui định hiện hành của pháp luật. Trường hợp các vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm hình sự phải kịp thời chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.
2. Vụ việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì việc xử lý, các đơn vị khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp các vụ việc vượt thẩm quyền xử lý thì kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Điều 11. Điều khoản thi hành
1. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện quy chế này.
2. Sở Bưu chính - Viễn thông trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và báo cáo UBND tỉnh.
Trong quá trình thực hiện Sở Bưu chính - Viễn thông thường xuyên cập nhật thông tin, kịp thời đề xuất trình UBND tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung qui chế cho phù hợp với tình hình thực tế../.
Nghị định 67/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Giám định tư pháp Ban hành: 19/05/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Chỉ thị 03/2005/CT-BBCVT về đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tham nhũng trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin Ban hành: 28/03/2005 | Cập nhật: 09/12/2009