Quyết định 45/2002/QĐ-UB phê duyệt 9 chương trình, 7 đề án kinh tế - xã hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ X tỉnh Đảng bộ Cần Thơ và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001-2005 tỉnh Cần Thơ
Số hiệu: | 45/2002/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Cần Thơ | Người ký: | Nguyễn Phong Quang |
Ngày ban hành: | 29/03/2002 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2002/QĐ-UB |
Cần Thơ, ngày 29 tháng 3 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
"V/V PHÊ DUYỆT 9 CHƯƠNG TRÌNH, 7 ĐỀ ÁN KINH TẾ - XÃ HỘI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ X TỈNH ĐẢNG BỘ CẦN THƠ VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI 5 NĂM 2001-2005 TỈNH CẦN THƠ"
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ X tỉnh Đảng bộ Cần Thơ (nhiệm kỳ 2001-2005);
Căn cứ Quyết định số 31/2001/QĐ-UB ngày 09/4/2001 của UBND tỉnh Cần Thơ về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 tỉnh Cần Thơ;
Căn cứ Chương trình số 02/Ctr-UB ngày 04/9/2001 của UBND tỉnh Cần Thơ V/v thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ X tỉnh Đảng bộ Cần Thơ, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 tỉnh Cần Thơ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 142/KHĐT ngày 14/3/2002,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt 9 chương trình,7 đề án kinh tế-xã hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ X tỉnh Đảng bộ Cần Thơ và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 tỉnh Cần Thơ, với những nội dung chủ yếu sau:
I/- VỀ 9 CHƯƠNG TRÌNH:
1/- Chương trình xây dựng vùng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu:
a/- Mục tiêu:
Xây dựng vùng lúa hàng hóa có qui mô sản xuất lớn, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, có khả năng cạnh tranh, thâm nhập, ổn định được thị trường tiêu thụ ở nước ngoài đạt hiệu quả kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân trong vùng trồng lúa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, xây dựng nông thôn mới.
b/- Chỉ tiêu chủ yếu (đến năm 2005):
- Quy mô: 110.000- 140.000 ha; diện tích gieo trồng 340.000 ha, sản lượng: 1.664.000 tấn/ năm.
- Sản lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao: 600-650 ngàn tấn/ năm.
- Giá trị xuất khẩu gạo: 170-180 triệu USD/ năm.
c/- Các hạng mục đầu tư :
-Thủy lợi, thủy nông, cải tạo đồng ruộng.
- Nghiên cứu, nhân giống, khuyến nông.
- Đầu tư nhà kho, máy sấy, hệ thống bảo quản lúa gạo sau thu hoạch.
- Máy móc, thiết bị cơ giới hóa.
d/- Vốn đầu tư:
Tổng số: 214.125 triệu đồng.
Trong đó:
+ Vốn ngân sách hỗ trợ: 16.200 triệu đồng.
+ Vốn vay: 197. 925 triệu đồng.
2/- Chương trình trồng cây bông vải, cây bắp lai, đậu xanh, đậu nành:
a/- Mục tiêu:
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ độc canh lúa sang luân canh lúa-màu hoặc cây công nghiệp ngắn ngày bằng các loại cây đang có thị trường tiêu thụ nội địa lớn, ổn định, đạt hiệu quả cao. Tăng hiệu quả sử dụng, cải thiện độ màu mỡ của đất. Tạo việc làm, tăng thêm thu nhập và giảm nghèo cho nông dân. Giảm bớt áp lực về tiêu thụ và giá cả đối với lúa.
b/- Chỉ tiêu chủ yếu:
Diện tích: 20.000 ha.
Bố trí:
- Bông vải: 4.600 ha, sản lượng 12.000 tấn.
- Bắp lai: 4.550 ha, sản lượng 26.000 tấn.
- Đậu nành: 3.800 ha, sản lượng 7.200 tấn.
- Đậu xanh: 5.400 ha, sản lượng 8.100 tấn.
- Mè: 1.000 ha, sản lượng 1.200 tấn.
c/- Tổng vốn đầu tư:
Tổng số 107.088 triệu đồng.
Trong đó:
- Vốn ngân sách hỗ trợ: 5.330 triệu đồng.
- Vốn vay ngắn hạn, trung hạn: 101.758 triệu đồng.
3/- Chương trình trồng cây có múi sạch bệnh, cây ăn quả đặc sản:
a/- Mục tiêu:
Tổ chức mạng lưới nhân giống cây ăn quả 3 cấp, sản xuất cây giống xác nhận, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn. Nhân nhanh và ưu tiên trồng các giống cây có múi sạch bệnh, các loại cây ăn quả đặc sản chất lượng cao. Lựa chọn một số vườn cây ăn trái có điều kiện để khai thác kinh tế vườn kết hợp dịch vụ du lịch, tạo cảnh quan, xây dựng nông thôn mới.
b/- Định hướng các nhóm cây ăn trái chủ lực:
- Nhóm cây lâu năm: măng cụt, sầu riêng (giống Monthong, giống Ri6), xoài (xoài cát Hoà Lộc, xoài cát Chu), bòn bon, dâu.
- Nhóm cây trung bình: nhãn (giống tiêu da bò, xuồng cơm vàng), cam quýt (cam sành, cam mật, quýt đường, quýt tiều), bưởi Năm Roi, vú sữa, mận.
- Nhóm cây khai thác nhanh: táo, sơri, chuối, ổi kết hợp hai nhóm trên (trồng xen) để nông dân có thu nhập sớm, lấy ngắn nuôi dài.
c/- Quy mô sản xuất:
- Diện tích vườn cây ăn trái 35.000 ha, sản lượng 535.000 tấn, gồm: cây có múi 13.000 ha, nhãn 6.000 ha, xoài 5.000 ha, cây ăn quả khác 11.000 ha.
- Trong 5 năm, cải tạo và trồng mới 10.500 ha, trong đó: cải tạo 2.500 ha; trồng mới 8.000 ha, gồm 3.500 ha cây có múi sạch bệnh, xoài 3.000 ha, sầu riêng và một số cây có giá trị khác 1.500 ha. Riêng cây khóm, tùy tình hình đầu tư cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ sẽ cải tạo và trồng mới 1.000-2.000 ha.
- Hình thành vườn cây ăn quả đặc sản xuất khẩu:10.000 ha, sản lượng 100.000 tấn, trong đó có một số vườn kết hợp khai thác du lịch.
- Sản xuất và cung ứng cây giống có chất lượng: cam, quýt sạch bệnh 1,5 triệu cây; xoài 2 triệu cây; sầu riêng và các giống cây ăn quả khác 0,5 triệu cây; khóm (giống Cayene) 20 triệu cây.
- Thiết lập và trồng tập đoàn cây mẹ để lấy mắt ghép, diện tích 5 ha.
d/- Vốn đầu tư:
Tổng số 432.061 triệu đồng.
Trong đó:
- Vốn ngân sách hỗ trợ: 10.835 triệu đồng.
- Vốn vay: 421.226 triệu đồng (chi phí cải tạo, trồng mới).
4/- Chương trình phát triển đàn bò sữa và nuôi thủy sản:
a/- Phát triển bò sữa:
- Mục tiêu:
Phát triển vật nuôi mới, từng bước đưa chăn nuôi bò, nhất là bò sữa thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình tham gia chương trình. Tạo thêm nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Xây dựng đàn bò cái nền lai Sind, từng bước nâng cao chất lượng đàn bò của tỉnh, tiến tới cung cấp con giống bảo đảm chất lượng cho tỉnh và một số tỉnh lân cận.
- Qui mô dự kiến (năm 2005):
Đàn bò khoảng 5.200-5.500 con, trong đó có 2.000-2.500 con bò sữa, sản lượng sữa 2.500 tấn, 200 tấn thịt bò hơi và da bò cho công nghiệp thuộc da.
- Vốn đầu tư:
Tổng số 22.150 triệu đồng.
Trong đó:
Vốn ngân sách: 3.150 triệu đồng
Vốn vay: 19.000 triệu đồng.
b/- Nuôi thủy sản:
- Mục tiêu:
Khai thác tiềm năng mặt nước, tăng hiệu quả sử dụng đất và mặt nước; nâng dần nuôi quản canh lên nuôi bán công nghiệp, công nghiệp, tăng sản lượng đối với những đối tượng thủy sản xuất khẩu và một số loại cá đồng; giải quyết đồng bộ từ khâu quy hoạch nuôi- vốn đầu tư- kỹ thuật- chế biến - tiêu thụ.
- Đối tượng nuôi:
Tôm càng xanh, cá tra, cá basa, cá rô phi, cá bống tượng, cá đen, cá đồng.
- Quy mô (đến năm 2005):
Tổng diện tích nuôi: 29.375 ha, trong đó: nuôi ruộng 20.325 ha, nuôi ao: 9.050 ha, nuôi bè:180 bè, nuôi lồng:160 lồng.
Sản lượng nuôi thủy sản: 59.716 tấn.
- Vốn đầu tư:
Tổng số: 806.000 triệu đồng.
Trong đó:
+ Vốn ngân sách : 32.500 triệu đồng.
+ Vốn vay: 773.500 triệu đồng.
5/- Chương trình phát triển các khu công nghiệp và công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm:
a/- Về phát triển các khu, trung tâm công nghiệp:
- Mục tiêu:
Tập trung các nguồn lực đầu tư thỏa đáng để tăng tốc phát triển, đẩy mạnh vận động thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung, các Trung tâm công nghiệp - TTCN tại các địa phương nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách toàn diện cả khu vực thành thị và nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển đô thị.
- Kế hoạch triển khai:
+ Năm 2002 hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 và dự án đầu tư Trung tâm CN-TTCN ở thành phố Cần Thơ (36,5 ha), huyện Thốt Nốt (20,2 ha), huyện Phụng Hiệp (23 ha), thị xã Vị Thanh (52,5 ha). Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng vào năm 2003 .
+ Năm 2003 lập quy hoạch chi tiết 1/500 và dự án đầu tư Trung tâm CN-TTCN ở huyện Ô Môn (15 ha), huyện Châu Thành (3,5 ha), huyện Châu Thành A(10 ha), huyện Vị Thủy (0,6 ha), huyện Long Mỹ (15 ha). Triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2004.
+ Vận động các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp-TTCN nằm xen lẫn trong khu dân cư đăng ký di dời vào các Trung tâm CN-TTCN tại địa phương. Phổ biến,vận động các cơ sở, doanh nghiệp mới thành lập xây dựng cơ sở sản xuất trong các Trung tâm công nghiệp-TTCN.
- Phương án thực hiện:
Chọn phương án 2 có sự tham gia đầu tư và quản lý của nhà nước. Vốn ngân sách sẽ đầu tư lập qui hoạch chi tiết 1/500, dự án đầu tư khả thi và tham gia khoảng 30% vốn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng.
- Vốn đầu tư:
Tổng số: 281.724 triệu đồng.
Trong đó:
+ Vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư: 59.268 triệu đồng.
+ Vốn vay tín dụng ưu đãi: 222.456 triệu đồng.
b/- Phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm:
- Xay xát, chế biến gạo:
+ Nâng cao khả năng xay xát và chế biến gạo khu vực quốc doanh để chiếm tỷ trọng lớn với sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Khuyến khích khu vực dân doanh tổ chức liên kết để nâng cấp, thay đổi thiết bị, công nghệ hiện đại hơn ở các vùng nguyên liệu.
+ Tiếp tục tạo điều kiện nâng qui mô và phát triển thành khu chuyên ngành chế biến lương thực cho xuất khẩu tại một số địa bàn ở các huyện Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, thị xã Vị Thanh, thành phố Cần Thơ.
+ Xây dựng hệ thống kho chứa, nhà máy chế biến đồng bộ bằng công nghệ tiên tiến tại huyện Ô Môn, diện tích 5 ha, công suất chế biến 50 tấn sản phẩm/ngày, kho chứa 20.000 tấn.
- Chế biến đường:
+ Tập trung giải quyết đồng bộ từ khâu nguyên liệu mía đến công nghệ chế biến đường nhằm đạt mục tiêu 120 ngàn tấn đường kết RS và đường RE, 20.000 tấn đường mật vào năm 2005.
+ Nâng công suất Nhà máy đường Vị Thanh lên 1.500 tấn/ngày, nhà máy đường Phụng Hiệp 2.000 tấn/ngày; đầu tư nâng cấp, tự động hóa một số khâu liên quan đến chất lượng sản phẩm để sản xuất đường RE từ mía, tăng thời gian hoạt động sau vụ mía, sản xuất đường RE từ đường thô. Sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư thêm cơ sở sản xuất sản phẩm sau đường.
+ Hỗ trợ tín dụng ưu đãi đầu tư, nâng cấp cơ sở sản xuất đường ngoài quốc doanh sản xuất đường thô cung cấp cho 2 nhà máy đường quốc doanh với nhu cầu khoảng 18.000 tấn.
- Chế biến thủy hải sản, súc sản xuất khẩu:
Tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị xuất khẩu và hiệu quả kinh tế cao: tôm đông lạnh và chế biến 13.000 tấn/ năm, cá đông lạnh và chế biến 10.000 tấn/ năm, mực và các sản phẩm khác 10.000 tấn/năm, thịt gia súc-gia cầm đông lạnh 2.800 tấn/năm.
+ Nâng cấp một số thiết bị cũ nhưng còn sử dụng được, nhanh chóng thay đổi những thiết bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
+ Để giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường, có kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến thủy sản có quy mô vừa, công nghệ tự động hóa hiện đại tương ứng với vùng nguyên liệu đã quy hoạch.
+ Tăng cường đội ngũ kỹ thuật kiểm tra chất lượng có trình độ cao; khuyến khích các nhà máy sản xuất thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Chế biến rau quả:
+ Đầu tư cơ sở chế biến rau quả với qui mô vừa và nhỏ, công nghệ tiên tiến, sản phẩm chế biến chất lượng cao, giá thành hợp lý có khả năng cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
+ Đối với trái cây tươi: đầu tư xây dựng môt số phòng, kho trữ lạnh, xử lý và bảo quản trái cây sau thu hoạch nhằm kéo dài thời gian tiêu thụ và chế biến.
+ Chế biến tinh: tìm kiếm đối tác đầu tư nhà máy nước quả quy mô vừa, sản phẩm là nước khóm, nước quả cam, quýt, bưởi, chanh, đa dạng các sản phẩm chế biến như các loại rau muối, sấy khô, dầm dấm, chiên sấy chân không, các loại mứt trái cây... để đáp ứng mọi yêu cầu, phù hợp nhiều đối tượng của thị trường.
- Chế biến thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản:
Tập trung vào các loại sản phẩm: thức ăn gia súc hỗn hợp, Premix các loại, thức ăn cho tôm- cá, bột cá từ nguồn cá tạp.
- Dự kiến vốn đầu tư:
Tổng số: 678.530 triệu đồng. Chủ yếu là nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn liên doanh, liên kết và vốn tự có của các doanh nghiệp, dân cư.
+ Công nghiệp xay xát, chế biến gạo: 74.000 triệu đồng.
+ Công nghiệp chế biến đường: 288.000 triệu đồng.
+ Công nghiệp chế biến thuỷ súc sản: 172.000 triệu đồng.
+ Công nghiệp chế biến rau, quả: 84.100 triệu đồng.
+ Công nghiệp chế biến thức ăn gia súc: 60.430 triệu đồng.
6/- Chương trình phát triển thương mại:
a/- Hoạt động thương mại:
- Mục tiêu:
Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để phát triển thương mại với nhiều thành phần kinh tế tham gia, kết hợp chặt chẽ với sản xuất, chế biến, làm tốt vai trò cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, dự báo, thông tin thị trường. Tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường hàng hóa trong nước.
- Các chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu:
+ Giữ vững tốc độ tăng trưởng thương mại trên địa bàn ở mức cao, trong đó tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán buôn tăng bình quân 11-12%/năm, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng bình quân 10-11%/năm.
+ Đẩy mạnh liên kết, phát triển thị trường với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ và một số địa phương khác trong cả nước.
+ Nâng cao vai trò trung tâm thương mại của thành phố Cần Thơ và thị xã Vị Thanh, thị trấn Phụng Hiệp, thị trấn Thốt Nốt trên cơ sở tăng cường thu hút hàng hóa mua vào, cung ứng cho xuất khẩu, cho sản xuất chế biến và trung chuyển hàng hóa.
+ Phát triển mạng lưới chợ theo hướng xây dựng chợ đầu mối ở thị trấn các huyện; nâng cấp và mở rộng hệ thống chợ ở các cụm kinh tế - xã hội và khu dân cư có đủ điều kiện. Phấn đấu đến năm 2005, hầu hết các chợ đầu mối ở cấp huyện đều được hình thành và có 50% được xây dựng hoàn chỉnh, 60-70% các chợ cụm kinh tế - xã hội được xây dựng lại kiên cố hoặc bán kiên cố.
b/- Xuất, nhập khẩu:
- Mục tiêu:
Kết hợp chặt chẽ với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và tăng tốc phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, sao cho không chỉ tăng năng lực xuất khẩu mà còn phải đứng vững và mở rộng thị trường ở nước ngoài. Phấn đấu tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, giảm tỷ trọng sản phẩm thô, sơ chế, gia công, tạo ra một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh, có thương hiệu đối với thị trường nước ngoài. Nâng cao tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị từ các nước có công nghệ nguồn để đẩy nhanh tốc độ đổi mới và hiện đại hóa ngành công nghiệp.
Các chỉ tiêu cụ thể:
- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 530-550 triệu USD, tốc độ tăng bình quân 18,2%/năm, gấp 1,7-1,8 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.
- Tổng kim ngạch nhập khẩu 200 triệu USD, tăng bình quân 19%/năm.
- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đến năm 2005: hàng nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản xuất khẩu 44%; hàng thủy sản và sản phẩm chế biến từ thủy sản xuất khẩu 41,6%; hàng công nghiệp nhẹ 8,4%; hàng hóa, dịch vụ khác 6,1%.
- Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu: nguyên nhiên liệu 80%; máy móc, thiết bị, phụ tùng 16%; hàng hóa tiêu dùng 3,95%; hàng hóa khác 0,05%.
c/- Vốn đầu tư:
Tổng số: 980.000 triệu đồng.
- Nguồn vốn:
+ Ngân sách hỗ trợ đầu tư 12.000 triệu đồng.
+ Vay tín dụng: 678.000 triệu đồng.
+ Vốn huy động khác: 290.000 triệu đồng.
Hạng mục đầu tư:
+ Trung tâm thương mại: 165.000 triệu đồng.
+ Hệ thống chợ: 420.000 triệu đồng
+ Siêu thị :100.000 triệu đồng.
+ Cơ sở hạ tầng thương mại và dịch vụ: 295.000 triệu đồng.
7/- Chương trình phát triển du lịch:
a/- Mục tiêu:
Phát triển theo hướng du lịch xanh, sinh thái trên cơ sở khai thác lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan kết hợp với tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, nhân văn; nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng về tìm hiểu, tham quan, giải trí, an dưỡng của du khách trong và ngoài nước.
b/- Chỉ tiêu phát triển ( đến năm 2005):
Tổng lượng khách đến tỉnh 480.000 lượt, tăng bình quân 13-14%/năm, trong đó khách quốc tế 120.000 lượt, tăng bình quân 14-15%/ năm. Tổ chức cho khách du lịch nội địa 15.000 lượt vào năm 2005.
c/- Nội dung chủ yếu phát huy tiềm lực du lịch:
- Tập trung phát triển du lịch bằng các dịch vụ phong phú, chất lượng cao, gần với thiên nhiên. Nâng cấp, phân loại nhà hàng khách sạn để khai thác có hiệu quả năng lực hiện có; tiếp tục chỉnh trang, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; tổ chức các dịch vụ đi lại trong nội ô thành phố Cần Thơ và một số huyện, thị ; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao giới thiệu đậm nét lịch sử văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa đặc thù ĐBSCL; phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức một số lễ hội dân gian; tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhân viên nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách.
- Phát triển các tuyến du lịch tham quan trong nước: xây dựng các chương trình du lịch xanh, du lịch sông nước ở các tỉnh ĐBSCL, thăm thắng cảnh thiên nhiên ở Tây nguyên, các tỉnh duyên hải miền Trung, các tỉnh biên giới phía Bắc. Mở tuyến du lịch đi dọc đường Trường Sơn, các khu căn cứ địa cách mạng.
- Mở các tuyến du lịch nước ngoài để phục vụ khách du lịch nội địa ĐBSCL có nhu cầu đi du lịch nước ngoài.
- Triển khai các dự án phục vụ phát triển du lịch, gồm:
+ Dự án phát triển tổng hợp khu du lịch sinh thái Cồn ấu: Qui mô 114 ha, vốn đầu tư 178.352 triệu đồng.
+ Dự án xây dựng Trung tâm du lịch dã ngoại tại Cồn Cái Khế: qui mô 8,98 ha, vốn đầu tư 65.000 triệu đồng.
+ Dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái-khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lung Ngọc Hoàng, vốn đầu tư: 81.730 triệu đồng.
+ Dự án cảng đón tàu du lịch: vốn đầu tư 60.000 triệu đồng.
+ Dự án đầu tư, xây dựng phát triển khu du lịch liên hoàn Phụng Hiệp, vốn đầu tư: 8.000 triệu đồng.
d/- Vốn đầu tư:
-Tổng vốn đầu tư: 393.082 triệu đồng.
Trong đó :
+ Vốn ngân sách: 3.000 triệu đồng.
+ Vốn vay và vốn huy động khác: 390.082 triệu đồng.
8/- Chương trình phát triển giao thông, thủy lợi, khu tuyến nhà ở dân cư nông thôn:
a/- Giao thông:
- Mục tiêu:
Phấn đấu đến năm 2005, mạng lưới đường tỉnh và các tuyến đường huyện được tráng nhựa; xoá các cầu gỗ tạm, bảo đảm có đường xe 4 bánh đến được trung tâm các xã (trừ những xã cù lao); 100% các tuyến đường xã xuống ấp được trải mặt cứng và xây dựng cầu kiên cố cho xe 2 bánh đi lại được trong 2 mùa mưa nắng.
- Các công trình Trung ương sẽ đầu tư trên địa bàn: cầu Cần Thơ, nâng cấp 4 tuyến Quốc lộ IA, 61, 91, 80, đầu tư mới Quốc lộ 91B, Quốc lộ Nam sông Hậu, Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp; nâng cấp và đưa vào hoạt động sân bay Trà Nóc, nạo vét luồng Định An bảo đảm tàu 10.000 tấn đầy tải ra vào cụm cảng Cần Thơ, nạo vét 2 tuyến đường thủy TP Hồ Chí Minh- Kiên Lương và TP Hồ Chí Minh- Cà Mau đi qua Cần Thơ; đầu tư xây dựng mới cảng Cái Cui.
- Các tuyến đường nội ô quan trọng trong thành phố Cần Thơ như Mậu Thân-Trà Nóc, Trà Nóc-Ô Môn, lộ Vòng Cung, Quang Trung- Cái Cui.
- Cải tạo và làm mới các tuyến lộ đạt tiêu chuẩn cấp III, IV đồng bằng như lộ 921, 922, 923, 924, 925, 926, 927, 927A, 928, 929, 931, 932, 933, làm cơ sở cho các địa phương phát triển hệ thống giao thông nông thôn về xã, ấp.
- Mở thêm các tuyến đường tỉnh mới: đường tỉnh 934 (Khu Công nghiệp Trà Nóc đến Trung Nhứt, Thốt Nốt); tuyến kênh Bốn Tổng- Một Ngàn (kết hợp xây dựng tuyến dân cư).
- Đường huyện: xây dựng các tuyến đường huyện đạt cấp VI đồng bằng.
- Đường xã - ấp: tiếp tục trải mặt đường, thay cầu khỉ, cầu vỉ, cầu tạm, bảo đảm giao thông xe 2 bánh đi được trong 2 mùa mưa nắng.
- Hệ thống bến bãi:
+ Dời bến xe khách Cần Thơ về Quốc lộ 91B; đầu tư mới thêm bến xe tại khu vực phía Nam thành phố Cần Thơ (Hưng Phú) khi cầu Cần Thơ hoàn thành; bến tàu khách dời về khu vực bến phà Cần Thơ hiện tại khi cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng.
+ Mỗi huyện, thị xây dựng một bến tàu vận tải hành khách, tổng số 9 bến; bến xe khách diện tích 1-2 ha/bến, tổng số 15 bến.
- Nguồn vốn đầu tư:
+ Vốn đầu tư: 1.023.576 triệu đồng (không tính công trình Trung ương đầu tư trên địa bàn):
Chia ra:
Đường tỉnh: 518.068 triệu đồng.
Giao thông nông thôn: 505.508 triệu đồng.
Ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ: 382.508 triệu đồng.
Tín dụng và huy động đầu tư: 123.000 triệu đồng
Trong tổng vốn Trung ương và tỉnh đầu tư, thì ngân sách địa phương đảm nhận bình quân hàng năm khoảng 90-100 tỷ đồng, còn lại tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, vốn ODA và các tổ chức quốc tế.
b/- Thủy lợi:
-Mục tiêu:
Đầu tư các công trình thủy lợi đa mục tiêu, kết hợp thủy lợi- giao thông- xây dựng tuyến và cụm dân cư; ưu tiên đầu tư cho các chương trình sản xuất cây, con phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
- Các công trình triển khai:
Phối hợp triển khai các dự án thủy lợi đa mục tiêu do Trung ương đầu tư:
Dự án Bắc Cái Sắn (huyện Thốt Nốt): quy mô phục vụ 15.000 ha.
Dự án Nam Cái Sắn (huyện Thốt Nốt): quy mô phục vụ 25.000 ha.
Dự án Thốt Nốt - Ô Môn: quy mô phục vụ 28.000 ha.
Dự án Ô Môn - Xà No: quy mô phục vụ 36.000 ha.
Dự án Cần Thơ - Long Mỹ: quy mô phục vụ 150.000 ha.
Triển khai dự án khai thác 1.000 ha đất bãi bồi huyện Long Mỹ, dự án kiên cố hóa kênh mương quy mô 10.000 ha cho Nông trường sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ, vùng sản xuất giống trọng điểm. Hạn chế đầu tư những công trình thủy lợi chưa bức thiết (nạo vét, không đào mương).
- Vốn đầu tư:
Tổng vốn đầu tư: 1.433.000 triệu đồng.
Trong đó:
Trung ương đầu tư trên địa bàn 1.024.800 triệu đồng;
Ngân sách tỉnh đầu tư 146.800 triệu đồng;
Tín dụng và huy động dân cư 261.400 triệu đồng.
c/- Nhà ở, khu tuyến dân cư:
- Về khu dân cư:
Năm 2002: Ưu tiên đầu tư cho các nơi ngập lũ gồm: xã Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Quới (huyện Thốt Nốt); Thới Đông, Đông Bình, Đông Hiệp (huyện Ô Môn); Trường Long Tây (huyện Châu Thành A); Cồn Sơn (thành phố Cần Thơ) và Khu tái định cư Hưng Phú ( 34 ha).
Năm 2003:Thạnh Lộc (Thốt Nốt); Tân Thuận, Trường Long (Châu Thành A), Đông Phước A, Đông Phước (Châu Thành); Phương Bình, Phương Phú, Hiệp Hưng (Phụng Hiệp), Xà Phiên, Vĩnh Viễn (Long Mỹ); Vị Thủy, Vĩnh Tường (Vị Thuỷ); Hoả Tiến, khu tái định cư Hoả Tiến 10 ha, khu tái định cư Vị Tân 10 ha (thị xã Vị Thanh); Long Hoà, Long Tuyền, tiếp tục đầu tư khu tái định cư Hưng Phú (thành phố Cần Thơ).
Năm 2004:Thạnh Phú (Thốt Nốt); Định Môn (Ô Môn); Trường Long A (Châu Thành A); Phú Hữu A (Châu Thành); Phụng Hiệp ( Phụng Hiệp), Lương Tâm ( Long Mỹ); Vĩnh Trung, Vị Thắng, Vĩnh Thuận Tây (Vị Thuỷ), Vị Tân (thị xã Vị Thanh); Giai Xuân, Thới An Đông và tiếp tục đầu tư khu tái định Hưng Phú (thành phố Cần Thơ).
Năm 2005: Trung Hưng (Thốt Nốt); Đông Thuận, Đông Hiệp (Ô Môn), Phú Hữu, Phú An (Châu Thành).
- Về tuyến dân cư:
Hình thành dọc theo các tuyến giao thông thủy bộ. Trên tuyến giao thông thủy, tuyến dân cư dọc theo sông lớn và kênh cấp 2 trở lên. Trên tuyến giao thông bộ, tuyến dân cư theo tuyến quốc lộ, đường tỉnh và đường huyện.
- Vốn đầu tư:
Tổng số: 1.250.495 triệu đồng.
Chia ra:
+ Đầu tư tôn nền, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư: 161.650 triệu đồng.
+Tuyến dân cư 139.392 triệu đồng.
+ Nhà ở : 19.456 căn, 949.453 triệu đồng.
Nguồn vốn đầu tư:
+ Vốn ngân sách hỗ trợ : 161.648 triệu đồng.
+ Vốn tín dụng, huy động, tự đầu tư:1.088.847 triệu đồng.
9/- Chương trình an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội:
a/- Công tác bảo vệ an ninh quốc gia:
- Tổ chức tốt công tác nắm tình hình có liên quan đến an ninh quốc gia, chủ động phát hiện đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại. Thường xuyên nâng cao cảnh giác, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ kế hoạch bảo vệ các mục tiêu trọng điểm.
- Tăng cường công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh nội bộ; phòng, chống nội gián; có kế hoạch quản lý chặt chẽ các đoàn ra, đoàn vào trên địa bàn tỉnh. Bảo vệ tốt an ninh thông tin, bí mật quốc gia, an ninh xã hội.
- Phối hợp với các ban ngành chức năng nắm, giải quyết và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện không để tập trung đông người.
b/- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội:
- Phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng ở cơ sở đủ mạnh để làm nòng cốt trong công tác quản lý trật tự xã hội ở địa phương.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục Luật Giao thông. Phấn đấu kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông đến mức thấp nhất. Không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đua xe trái phép, đưa trật tự giao thông, trật tự đô thị vào nề nếp.
- Tăng cường các biện pháp quản lý hành chính; phòng, chống cháy nổ; lập lại trật tự đô thị; quản lý tốt các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
c/- Công tác phòng, chống tội phạm:
Tạo chuyển biến mạnh mẽ về trật tự an toàn xã hội, làm giảm các loại tội phạm bình quân 3-4%/năm, nhất là trọng án, trộm cắp, cướp giật và tệ nạn xã hội.
Coi trọng công tác phòng ngừa, nhất là phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp với tấn công các loại tội phạm, nhất là ở địa bàn trọng điểm. Từng bước làm giảm và xóa bỏ các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên.
Triển khai tốt nội dung 4 đề án của chương trình quốc gia phòng chống tội phạm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
d/- Công tác phòng, chống AIDS; phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm:
- Công tác phòng chống AIDS:
Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông cả bề rộng và chiều sâu, cả khu vực thành thị và nông thôn để huy động cộng đồng cùng tham gia phòng chống HIV/AIDS. Duy trì và nâng cao chất lựơng các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng lây nhiễm HIV; kết hợp tuyên truyền phòng, chống AIDS với chương trình phòng, chống ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.
- Công tác phòng chống ma túy:
Triển khai mục tiêu và nội dung 6/8 đề án thuộc Chương trình hành động phòng, chống ma tuý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Công tác phòng, chống mại dâm:
Phòng ngừa và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức vi phạm tệ nạn mại dâm. Không để cơ sở kinh doanh dịch vụ do Nhà nước quản lý vi phạm tệ nạn mại dâm hoặc tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí mang tính chất khiêu dâm. Ngăn chặn phát sinh tệ nạn mại dâm đối với trẻ em, học sinh. Ngăn chặn được tệ nạn mại dâm ở đô thị, khu du lịch, địa bàn trọng điểm. Ngăn chặn được các tụ điểm mại dâm có tổ chức, các đường dây mua bán phụ nữ; các nhà hàng, khách sạn ... có mại dâm trá hình.
đ/- Kinh phí hoạt động chương trình 4 năm 2002-2005:
Tổng số 9.350 triệu đồng từ nguồn các chương trình, mục tiêu quốc gia. Bao gồm:
- Công tác phòng, chống tội phạm : 1.480.000 triệu đồng.
- Công tác phòng, chống AIDS: 2.800.000 triệu đồng.
- Công tác phòng, chống ma tuý: 1.600.000 triệu đồng.
- Công tác phòng, chống mại dâm: 3.470.000 triệu đồng.
II- VỀ 7 ĐỀ ÁN:
1/- Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 5 năm 2001-2005, định hướng đến năm 2010:
a/- Chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
- Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất có tính đột phá theo hướng công nghiệp hóa, hiệu quả cao và phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách vững chắc theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp; cơ sở hạ tầng được tăng cường; bảo đảm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là dân cư vùng lũ lụt.
- Chuyển dịch cơ cấu sản xuất trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả, người sản xuất có lãi, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất đai và mặt nước, tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng, có khối lượng lớn, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời bảo đảm bảo vệ môi trường, sinh thái.
- Phát huy vai trò nồng cốt của kinh tế nhà nước, tính năng động của kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, kinh tế tư nhân; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các thành phần kinh tế, trên cơ sở đó mà phát huy nội lực.
- Đến năm 2005, cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp.
b/- Chuyển dịch cơ cấu lao động:
Theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và giảm tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm ngư nghiệp bằng cách tổ chức các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp, đầu tư mạng lưới chợ, cung cấp dịch vụ ở các trung tâm công nghiệp- TTCN, cụm kinh tế -xã hội ngay tại vùng nguyên liệu và nông thôn. Đến năm 2005, tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm 68%, tỷ trọng lao động phi nông nghiệp (công nghiệp-TTCN, dịch vụ) 32%; tỷ trọng dân cư thành thị chiếm 23-25% và dân cư nông thôn chiếm 75-77% dân số.
c/- Chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế:
Cơ cấu thành phần kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước do tiến hành cổ phần hóa hoặc bán, khoán, cho thuê một số doanh nghiệp theo chủ trương chung của Chính phủ, tỷ trọng khu vực kinh tế dân doanh và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng phù hợp với xu hướng chung. Đến năm 2005, khu vực kinh tế nhà nước tạo ra 36% giá trị sản xuất và đóng góp 32% GDP; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra 8% giá trị sản xuất và đóng góp 6% giá trị GDP; thành phần kinh tế hợp tác- hợp tác xã và kinh tế tư nhân tạo ra 56% giá trị sản xuất và đóng góp 62% giá trị GDP.
d/- Đẩy nhanh đô thị hóa:
Xây dựng và phát triển hệ thống đô thị để nâng dần chất lượng đời sống và sinh hoạt, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển đô thị trên cơ sở triển khai đồng bộ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kết hợp với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Đối với vùng lũ, xây dựng các khu, tuyến, cụm dân cư bảo đảm sống an toàn, sản xuất và sinh hoạt bình thường trong mùa lũ.
- Xây dựng phát triển đô thị thành phố Cần Thơ tương xứng với vị trí, vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng đối với toàn vùng, là động lực quan trọng quyết định đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
- Phát triển đô thị thị xã Vị Thanh tương xứng với chức năng trung tâm tiểu vùng để làm động lực quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho tiểu vùng Tây Nam của tỉnh.
- Đầu tư xây dựng thị xã Ngã Bảy làm động lực quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiểu vùng Đông Nam của tỉnh.
- Thị trấn và cụm kinh tế- xã hội: ngoài các thị trấn hiện có, một số đóng vai trò huyện lỵ, một số đóng vai trò cụm kinh tế - xã hội. Đến năm 2005, sẽ thành lập thêm một số thị trấn mới và có 21 cụm kinh tế - xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở từng địa phương.
- Lập lại trật tự kiến trúc và xây dựng đô thị, chủ động kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật. Tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch sử dụng đất đai, tăng cường quản lý sử dụng đất đô thị.
2/- Đề án phát triển hệ thống giống cây trồng và vật nuôi chủ yếu:
a/- Mục tiêu:
Tăng cường tổ chức mạng lưới sản xuất, kiểm tra, quản lý và phân phối giống đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương; khắc phục tình trạng lây truyền dịch bệnh; cây, con giống không đạt tiêu chuẩn do mua giống trôi nổi, tăng hiệu quả và uy tín nông sản hàng hóa trên thị trường.
b/- Địa bàn:
Triển khai tại Trung tâm giống nông nghiệp, Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ, một số hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ khuyến nông và lựa chọn một số hộ nông dân sản xuất giỏi ở các địa phương.
c/- Đối tượng giống cây, con chủ yếu:
Lúa, cây ăn quả chất lượng cao, heo, bò và thuỷ sản.
d/- Xây dựng mạng lưới sản xuất và nhân giống:
- Hệ thống sản xuất và phóng thích giống tác giả, giống nguyên chủng: Viện lúa ĐBSCL, Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Thủy sản ĐBSCL, Khoa Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Thuỷ sản (Trường Đại học Cần Thơ).
- Hệ thống sản xuất và nhân giống:
+ Trung tâm Giống nông nghiệp, Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ nhận từ các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu các giống được phóng thích... để sản xuất giống nguyên chủng, giống xác nhận (đối với cây trồng) và giống F1,F2 (đối với vật nuôi) sẽ trồng, chăm sóc, theo dõi các chỉ tiêu sinh học, quản lý dịch hại và bảo vệ nguồn giống sạch bệnh trong suốt quá trình nhân giống, một số dòng tốt sẽ được nhân ra, cung cấp cho nông dân sản xuất để tiếp tục nhân giống cung cấp cho sản xuất đại trà.
+ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trạm khuyến nông cấp huyện và lực lượng khuyến nông viên làm nhiệm vụ hướng dẫn trực tiếp cho nông dân sản xuất giỏi của các câu lạc bộ khuyến nông, các hợp tác xã nông nghiệp bảo đảm sản xuất giống đúng quy trình kỹ thuật.
đ/-Tổng vốn đầu tư:
- Tổng số 38.677 triệu đồng.
Trong đó:
Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư: 3.237 triệu đồng.
Vốn vay, huy động :35.440 triệu đồng.
3/- Đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn:
a/- Về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp:
- Mục tiêu:
Cơ giới hóa các khâu trước, trong và sau thu hoạch, thích ứng với nền sản xuất nông sản hàng hóa, tăng năng suất lao động, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
- Các chỉ tiêu đạt được đến năm 2005:
Cơ giới hoá khâu làm đất 100%.
Nâng tỷ lệ cơ giới hoá việc sạ lúa theo hàng lên ít nhất 40% diện tích.
Cơ giới hóa khâu thu hoạch lên 30% sản lượng lúa.
Nâng tỷ lệ sấy lúa lên 60%.
Nâng tỷ lệ tưới tiêu chủ động bằng máy lên 100% diện tích, tỷ lệ dùng động cơ điện tưới tiêu lên 30%.
b/- Phát triển lưới điện, điện khí hoá nông nghiệp, nông thôn:
- Mục tiêu:
Đến năm 2005, đầu tư phủ lưới cấp điện để có 90-95% hộ dân sử dụng điện; tăng cường phát triển lưới điện phục vụ chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chống quá tải, năng cao chất lượng điện cung cấp, cấp điện- sử dụng điện bảo đảm an toàn.
- Vốn đầu tư : 191.400 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách đầu tư 138.670 triệu đồng; vốn tài trợ 7.800 triệu đồng; vốn vay ngân hàng và huy động dân 44.930 triệu đồng.
c/- Dự kiến vốn đầu tư cho đề án:
- Đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp: 30.000 x 9 đơn vị =270.000 triệu đồng
- Điện khí hoá nông thôn:191.400 triệu đồng.
Tổng cộng: 461.400 triệu đồng.
- Nguồn vốn:
Vốn ngân sách đầu tư: 138.670 triệu đồng.
Vốn tài trợ: 7.800 triệu đồng.
Vốn vay và huy động: 314.930 triệu đồng.
4/- Đề án xây dựng nông thôn và phát triển đô thị:
a/- Mục tiêu:
- Xây dựng nông thôn và phát triển đô thị một cách đồng bộ, bền vững có mối quan hệ hỗ tương, không mâu thuẫn giữa trước mắt và lâu dài.
- Phát triển toàn diện cả về kinh tế và xã hội. Trọng tâm là phát triển kinh tế nhanh, ổn định, song song với xây dựng nếp sống văn hóa, xóa bỏ dần hủ tục, thói quen chưa tốt, kém văn minh trong sinh hoạt của dân cư nông thôn và đô thị.
- Xây dựng các thiết chế văn hóa, quy ước, hương ước, quy chế dân chủ ở cơ sở, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Tăng cường phòng, chống tệ nạn xã hội, an ninh trật tự nông thôn và đô thị.
b/- Nhiệm vụ cụ thể:
- Đối với đô thị:
Xây dựng và phát triển hệ thống đô thị, đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, nâng cao chất lượng đời sống, đưa khoa học công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển đô thị tạo ra tiền đề thực hiện các dự án đầu tư đồng bộ, cải thiện môi trường sinh thái bảo đảm phát triển bền vững.
- Đối với nông thôn:
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bảo đảm tốc độ tăng trưởng của từng ngành, tăng dần tỷ trọng công nghiệp- TTCN và dịch vụ.
Xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu phát triển KT-XH, giao lưu kinh tế - văn hóa, thông tin liên lạc thông suốt, dịch vụ phát triển, chủ động sống an toàn và sinh hoạt, sản xuất bình thường trong mùa lũ.
ổn định và phát triển các tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa theo nhu cầu dân sinh, thực hiện an toàn xã hội.
Bảo vệ tốt vệ sinh môi trường, nhất là môi trường sinh thái, xử lý chất thải trong đời sống, sản xuất... chú trọng trồng cây xanh phân tán, nâng độ che phủ.
c/- Dự kiến vốn đầu tư:
- Tổng vốn đầu tư: 2.661.770 triệu đồng.
Trong đó:
Vốn ngân sách: 1.886.100 triệu đồng, chiếm 70,86% vốn đầu tư, bao gồm: ngân sách tập trung của Trung ương, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế (qua ngân sách Trung ương), ngân sách tỉnh.
Vốn tín dụng,huy động, tự có 775.670 triệu đồng, chiếm 29,14%
- Hạng mục đầu tư:
Cơ sở hạ tầng các cụm KT-XH, thị trấn- đô thị khác: 2.450.000 triệu đồng.
Các mục tiêu văn hoá - xã hội (ngoài 9 chương trình, 7 đề án): 211.770 triệu đồng.
5/- Đề án đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 5 năm 2001-2005 và định hướng đến năm 2010:
a/- Phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo:
- Nâng cao dân trí:
Phát triển giáo dục-đào tạo bằng nhiều loại hình với quy mô phù hợp, hiệu suất đào tạo cao, duy trì các lớp học linh hoạt, lớp sau xoá mù chữ và bổ túc văn hóa, nâng mặt bằng học vấn của dân cư lên ngang lớp 9, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi người dân tự học.
- Đào tạo nhân lực:
Huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển dạy nghề theo hướng mở rộng quy mô ngành nghề phổ cập để đáp ứng nhu cầu học nghề trong xã hội; nâng cao chất lượng, phát triển đào tạo nghề chuyên sâu trong các trường trọng điểm, bảo đảm từ năm 2005 về sau đáp ứng phần lớn yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa về nhân lực kỹ thuật cho các ngành nghề mũi nhọn của tỉnh.
- Bồi dưỡng nhân tài:
Chọn những học sinh, sinh viên có năng khiếu, có triển vọng đưa vào học tại các trung tâm đào tạo chất lượng cao hoặc đài thọ cho du học nước ngoài, khuyến khích du học tự túc. Sau khi tốt nghiệp được ưu tiên bố trí giảng dạy ở các cơ sở sau đại học, trường phổ thông chất lượng cao hoặc các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ. Chọn lọc lực lượng trẻ có triển vọng công tác ở các lĩnh vực mũi nhọn để bồi dưỡng sau hoặc trên đại học.
- Nhu cầu vốn đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo ( 2002-2005):
Tổng số : 2.724.000 triệu đồng.
Trong đó:
+ Kinh phí đầu tư cho các ngành học, cấp học: 1.138.000 triệu đồng.
+Xây dựng cơ sở vật chất, trường học: 538.000 triệu đồng.
+ Đào tạo nhân lực (giáo dục chuyên nghiệp): 233.000 triệu đồng.
+Thực hiện các dự án: 815.000 triệu đồng.
b/- Đào tạo lực lượng cán bộ, công chức:
- Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức về kiến thức, kỹ năng hành chính cơ bản, nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm phục vụ, tài năng và ý chí kiên định lập trường cách mạng. Bước đầu hình thành một lớp công chức hành chính mới được đào tạo chính quy.
- Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và cải cách hành chính; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức. Xác định cơ cấu cán bộ, công chức hợp lý gắn với chức năng, nhiệm vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Hoàn thiện chế độ tuyển dụng cán bộ, công chức Nhà nước, thực hiện quy chế về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức Nhà nước.
- Đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ, công chức, tổ chức hệ thống cơ sở bồi dưỡng đào tạo công chức; kết hợp đào tạo chính quy với các hình thức đào tạo không chính quy, đào tạo trong nước và gởi đi đào tạo ngoài nước; khuyến khích cán bộ, công chức tự học, có sự hỗ trợ của Nhà nước.
- Kế hoạch đào tạo bảo đảm các mục tiêu cơ bản như sau: đến năm 2005, tất cả cán bộ, công chức loại A,B cấp tỉnh, thành phố, thị xã và huyện phải hoàn chỉnh tiêu chuẩn chức danh theo ngạch đã định. Phấn đấu giảm tỷ lệ công chức loại C,D còn 20%.
- Vốn đầu tư (2002-2005): 19.934 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh (không kể kinh phí Trung ương cấp hàng năm để bồi dưỡng cán bộ, công chức được phân bổ cho tỉnh của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ).
c/- Kinh phí đầu tư cho đề án:
Tổng số: 2.743.934 triệu đồng.
Năm 2002: 494.628,6 triệu đồng.
Năm 2003: 646.731,6 triệu đồng.
Năm 2004: 754.920,350 triệu đồng.
Năm 2005: 847.653,4 triệu đồng.
6/- Đề án giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo:
a/- Mục tiêu:
Tiến hành song song với nhiệm vụ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sử dụng tốt hơn nguồn lao động, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của xã hội về việc làm, xoá đói giảm nghèo, ổn định và cải thiện đời sống bộ phận dân nghèo, đẩy lùi tệ nạn xã hội, rút ngắn khoảng chênh lệch thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp.
b/- Các chỉ tiêu cụ thể:
- Trong 5 năm giải quyết việc làm cho 175.000- 200.000 lao động (bình quân mỗi năm giải quyết 35.000-40.000 lao động).
- Giảm tỷ lệ lao động lao động thất nghiệp thành thị còn 4,5%; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 80%.
- Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 20% tổng số lao động.
- Bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%.
c/- Kinh phí triển khai đề án:
- Tổng nhu cầu 202.180 triệu đồng, bao gồm:
Vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 24.000 triệu đồng.
Vốn đào tạo nghề 54.880 triệu đồng.
Đầu tư cơ sở hạ tầng xã nghèo 13.500 triệu đồng.
Trợ giúp người nghèo xây dựng nhà tình thương: 37.800 triệu đồng.
Hỗ trợ vốn cho người Khmer: 2.000 triệu đồng.
Vốn tín dụng cho người nghèo:70.000 triệu đồng.
- Nguồn vốn đầu tư:
Vốn ngân sách: 70.380 triệu đồng.
Vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm: 24.000 triệu đồng.
Vốn vốn tín dụng cho vay: 70.000 triệu đồng.
Vốn huy động: 37.800 triệu đồng.
7/- Đề án cải cách thủ tục hành chính:
a/- Mục tiêu, nhiệm vụ:
Tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính có liên quan trong thực hiện công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho nhân dân. Tạo điều kiện cho người có yêu cầu giải quyết công việc chỉ phải đến một cơ quan đầu mối để làm thủ tục, tiết kiệm thời gian, tiền của.
b/- Nội dung:
- Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quản lý nhà nước đúng thẩm quyền, đúng pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
- Loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo, dễ lợi dụng sách nhiễu dân.
- Rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ công việc của công dân và tổ chức; đơn giản hóa các thủ tục có liên quan đến nhân dân và tổ chức
- Mẫu hóa thống nhất các loại giấy tờ trong hồ sơ của công dân, tổ chức và doanh nghiệp có nội dung cần thẩm định.
- Mọi thủ tục, trình tự, lệ phí, lịch làm việc, thời gian hoàn thành hồ sơ đều phải niêm yết công khai.
- Ban hành cơ chế kiểm tra cán bộ, công chức tiếp nhận và giải quyết công việc của dân; mở rộng thực hiện cơ chế "một cửa"; quy định cụ thể và rõ ràng trách nhiệm cá nhân khi thi hành công vụ.
- Từng bước hiện đại hóa công sở và đưa công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý nhà nước.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình tổ chức triển khai thực hiện 9 chương trình, 7 đề án kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2005 của tỉnh, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chủ trương, chính sách, giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện của các Sở, Ngành và địa phương.
Các Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, Ngành tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm cụ thể hóa 9 chương trình,7 đề án liên quan tới ngành, địa phương bằng kế hoạch, dự án cụ thể trong từng năm, xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đề ra các giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành mục tiêu từng chương trình, đề án nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ Cần Thơ lần thứ X (nhiệm kỳ 2001-2005) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 đã đề ra; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong tổ chức triển khai thực hiện, hàng năm có báo cáo kết quả cụ thể những mặt làm được, chưa làm được, những khó khăn vướng mắc và những biện pháp để tháo gỡ về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, Ngành tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
TM. UBND TỈNH CẦN THƠ |