Quyết định 4478/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tỉnh Bình Dương đến năm 2020, có xét đến năm 2025
Số hiệu: 4478/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Trần Thanh Liêm
Ngày ban hành: 31/12/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4478/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI KINH DOANH KHÍ DẦU MỎ HÓA LỎNG TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ quy định về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng;

Căn cứ Quyết định số 9858/QĐ-BCT ngày 24/12/2013 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng Việt Nam giai đoạn đến 2020, xét đến 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1385/TTr-SCT ngày 10/12/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tỉnh Bình Dương đến năm 2020, có xét đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN.

- Quy hoạch cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) phải văn minh, hiện đại, an toàn và đảm bảo môi trường, gắn kết với kết cấu hạ tầng hiện có và dự kiến phát triển trong tương lai. Cơ sở kinh doanh LPG phải mang tính chuyên nghiệp, chuyên doanh mặt hàng LPG, không kinh doanh LPG chung với các loại hàng hóa khác.

- Quy hoạch phải đảm bảo tính khách quan, ổn định lâu dài, phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, Quy hoạch đô thị, Quy hoạch phát triển ngành thương mại và các quy hoạch khác có liên quan.

- Phát triển mạng lưới kinh doanh LPG phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, từng bước hình thành hệ thống và liên kết tạo thành chuỗi từ kho dự trữ đến trạm nạp LPG vào chai, kho thành phẩm chai LPG, trạm nạp LPG vào ô tô, trạm cấp LPG bằng đường ống và cửa hàng kinh doanh bán lẻ.

- Các chủ thể tham gia kinh doanh LPG phải thực hiện đúng các tiêu chuẩn và quy định của nhà nước về điều kiện kinh doanh.

- Quy hoạch mạng lưới kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh đảm bảo cho việc lưu thông LPG diễn ra bình thường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho sản xuất và đời sống nhân dân, phân bố mạng lưới cửa hàng hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN.

1. Mục tiêu chung.

Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm mục đích thiết lập hệ thống kinh doanh LPG từ kho dự trữ đến trạm nạp LPG vào chai, trạm cấp LPG bằng đường ống, trạm nạp LPG vào ô tô, cửa hàng chuyên doanh LPG,... đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng cá nhân. Phát triển mạng lưới cửa hàng kinh doanh LPG có trật tự theo quy hoạch, tăng hiệu quả đầu tư, khai thác tốt cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có của các doanh nghiệp, khai thác có hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Quy hoạch là căn cứ pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc quản lý các cơ sở kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch đảm bảo độ an toàn về cung cấp LPG đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

2. Mục tiêu cụ thể.

- Phát triển mới cơ sở kinh doanh LPG, trạm nạp LPG vào chai, trạm cấp LPG bằng đường ống, hệ thống kho dự trữ LPG và hệ thống kho thành phẩm chai LPG; đồng thời cải tạo, điều chỉnh trạm chiết nạp và xóa bỏ cơ sở kinh doanh LPG không đảm bảo các điều kiện kinh doanh.

- Từ nay đến hết năm 2015, tập trung phát triển các loại hình cửa hàng kinh doanh bán lẻ LPG chai độc lập, cửa hàng bán lẻ LPG chai kết hợp với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu và một số trạm cấp LPG bằng đường ống cho khu chung cư (đối với công trình sắp hoàn thành).

- Giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo đến 2025, căn cứ theo tình hình phát triển các khu đô thị và nhu cầu sử dụng sẽ phát triển thêm các trạm cấp LPG bằng đường ống cho các tòa nhà chung cư nhằm phục vụ người dân sống ở trong các tòa nhà, chung cư cao tầng và các nhà máy trong khu, cụm công nghiệp có sử dụng LPG.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN.

Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020, có xét đến năm 2025 phải bảo đảm tập trung, gắn kết theo chuỗi, đồng bộ, hợp lý giữa kho dự trữ, trạm nạp LPG vào chai, trạm cấp LPG, mạng lưới cửa hàng kinh doanh; khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của nhà nước; phát triển gắn liền với cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có để bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường,…

IV. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN.

1. Quy hoạch kho dự trữ LPG, trạm chiết nạp vào chai.

1.1. Giai đoạn đến năm 2020:

- Phát triển 01 đến 02 kho chứa LPG có kết hợp trạm chiết nạp, với tổng sức chứa khoảng 5.000 m3 (tương đương 2.500 tấn) để làm đầu mối cung cấp LPG trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự kiến có hình thành 01 kho ở gần tuyến đường sông Sài Gòn, thuộc địa bàn ở phường Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một.

- Phát triển 01 đến 02 trạm chiết nạp LPG vào chai và nâng cấp, điều chỉnh công suất đối với các trạm chiếc nạp hiện hữu để đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển, lưu trữ và chiết nạp LPG. Trong đó, dự kiến có hình thành mới 01 trạm chiết nạp LPG vào chai ở địa bàn thị xã Dĩ An.

1.2. Giai đoạn 2021 - 2025:

- Phát triển 02 đến 03 kho chứa LPG có kết hợp trạm chiết nạp, với tổng sức chứa khoảng 3.000 m3 đến 5.000 m3 (tương đương 1.500 tấn đến 2.500 tấn). Trong đó, dự kiến có hình thành 01 kho ở gần đường sông Đồng Nai thuộc địa bàn phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, với sức chứa khoảng 2.000 m3 (tương đương 1.000 tấn) và 01 kho tại Cảng Tân Vạn thuộc phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, với sức chứa khoảng 1.000 m3 (tương đương 500 tấn).

- Xem xét nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và điều kiện thực tế sẽ phát triển thêm khoảng 02 đến 03 trạm chiết nạp ở các huyện phía Bắc của tỉnh (dự kiến hình thành ở các huyện phía Bắc như Phú Giáo; Bắc Tân Uyên...).

Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh kho chứa và trạm chiết nạp LPG vào chai trang bị phương tiện vận tải chuyên dùng để phục vụ vận chuyển LPG. Cần đầu tư tàu thủy chuyên dùng để vận chuyển LPG nhập vào kho và đầu tư xe tải chuyên dùng để vận chuyển LPG phục vụ các trạm chiết nạp LPG vào chai, các trạm cấp bằng đường ống. Số lượng, chủng loại, tải trọng các loại phương tiện vận tải phải phù hợp, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp; đảm bảo được các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định để an toàn trong quá trình vận chuyển LPG.

2. Quy hoạch hệ thống kho thành phẩm chai LPG.

2.1. Giai đoạn đến năm 2020: Phát triển từ 04 đến 06 kho thành phẩm chai LPG ở các địa bàn có mức tiêu thụ chai LPG nhiều. Ít nhất, mỗi địa bàn có một kho, gồm:

- Thị xã Dĩ An: 01 kho;

- Thị xã Bến Cát: 01 kho;

- Thành phố Thủ Dầu Một: 01 kho;

- Thị xã Tân Uyên: 01 kho.

2.2. Giai đoạn 2021 - 2025: Phát triển từ 05 đến 06 kho thành phẩm chai LPG ở các địa bàn chưa có kho. Ít nhất, mỗi địa bàn có một kho, gồm:

- Thị xã Thuận An: 01 kho;

- Huyện Bắc Tân Uyên: 01 kho;

- Huyện Bàu Bàng: 01 kho;

- Huyện Phú Giáo: 01 kho;

- Huyện Dầu Tiếng: 01 kho.

3. Quy hoạch trạm cấp LPG bằng đường ống.

Quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ phát triển 05 đến 06 trạm cấp LPG bằng đường ống để phục vụ sản xuất và tiêu dùng ở khu, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung cao và tòa nhà chung cư. Trong đó, tùy theo điều kiện thực tế sẽ phát triển thí điểm 02 đến 03 trạm trong khu, cụm công nghiệp hoặc khu dân cư và khoảng 03 trạm trong các tòa nhà cao tầng. Giai đoạn 2021-2025, sẽ tiếp tục phát triển mô hình trạm cấp LPG bằng đường ống từ 08 đến 10 trạm trên địa bàn tỉnh, dự kiến khoảng 05 trạm đến 06 trạm trong khu, cụm công nghiệp hoặc khu dân cư và khoảng 03 đến 04 trạm trong tòa nhà cao tầng.

4. Quy hoạch trạm nạp LPG vào ô tô.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 chưa quy hoạch phát triển hệ thống trạm nạp LPG vào ô tô, do chưa có nhu cầu. Khi phát sinh nhu cầu, sẽ điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch các trạm nạp LPG vào ô tô tại một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên các tuyến giao thông chính của tỉnh và trong nội ô thành phố, thị xã để nạp LPG cho ô tô.

5. Quy hoạch phát triển cửa hàng bán lẻ.

- Từ nay đến năm 2020, trên toàn tỉnh có khoảng 1.015 cửa hàng bán lẻ LPG. Đến năm 2025, tùy vào tình hình thực tế sẽ điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, dự kiến có khoảng 1.160 cửa hàng. Như vậy, giai đoạn đến năm 2020 tăng thêm khoảng 80 cửa hàng chuyên kinh doanh LPG; giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 145 cửa hàng, trong đó, chủ yếu bổ sung ở những nơi có nhu cầu tiêu thụ LPG cao và ở các khu dân cư mới. Đảm bảo điều hoà mức bình quân số lượng cửa hàng theo khoảng cách và dân số từ 09 đến 12 cửa hàng chuyên kinh doanh LPG/01 xã, phường.

- Đối với các phường, thị trấn đã có số lượng cửa hàng bán lẻ LPG đang hoạt động nhiều hơn so với số lượng theo định mức quy hoạch (như ở địa bàn thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An) thì trước mắt duy trì số lượng cửa hàng như hiện trạng. Từng bước loại bỏ dần các cửa hàng không còn đảm bảo điều kiện theo quy định hiện hành: có quy mô nhỏ, nằm trong khu vực dân cư chật hẹp, không có cửa hàng riêng biệt, bán chung với hàng hóa khác…; đồng thời phát triển bổ sung ở các xã, phường, thị trấn còn thiếu để phân bổ đều mạng lưới trên toàn địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Hình thành mạng lưới bán lẻ LPG văn minh, hiện đại với những cửa hàng chuyên doanh, quy mô lớn và đảm bảo được điều kiện an toàn theo quy định.

- Tuyệt đối không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các cửa hàng LPG bán chung với các loại hàng hoá khác dễ gây cháy, nổ. Đối với hình thức kinh doanh này sẽ vận động chủ cửa hàng không kinh doanh LPG hoặc chuyển đổi sang mô hình chuyên doanh LPG để đảm bảo điều kiện theo quy định.

Quy hoạch cửa hàng LPG đến năm 2020 phân theo đơn vị hành chính:

Căn cứ dự báo nhu cầu LPG tỉnh đến năm 2025, tổng số cửa hàng dự báo sẽ khoảng 1.160 cửa hàng (giai đoạn đến 2020 khoảng 1.015 cửa hàng), gồm:

STT

Địa bàn

Hiện có đến năm 2013

Tăng trong giai đoạn đến 2020

Tổng số đến 2020

Tăng trong giai đoạn 2021-2025

Tổng số đến 2025

1

TP. Thủ Dầu Một

152

10

162

13

175

2

Thị xã Thuận An

220

-32 (*)

188

5

193

3

Thị xã Dĩ An

234

-35 (*)

199

3

202

4

Thị xã Tân Uyên

86

16

102

18

120

5

Thị xã Bến Cát

88

15

103

15

118

6

H. Bắc Tân Uyên

23

29

52

24

76

7

Huyện Bàu Bàng

41

23

64

16

80

8

Huyện Phú Giáo

32

28

60

26

86

9

Huyện Dầu Tiếng

60

25

85

25

110

Tổng cộng

936

79

1.015

145

1.160

(Chi tiết từng địa bàn xã, phường, thị trấn: có bảng phụ lục kèm theo)

* Ghi chú: (*) Số liệu giảm do sắp xếp lại các cửa hàng không còn đảm bảo điều kiện theo quy định hiện hành: có quy mô nhỏ, nằm trong khu vực dân cư chật hẹp, không có cửa hàng riêng biệt, bán chung với hàng hóa khác…

6. Tổng hợp quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, có xét đến năm 2025.

6.1. Tổng số cơ sở kinh doanh LPG:

- Kho dự trữ kết hợp trạm nạp LPG vào chai: Đến năm 2025 có khoảng 03 đến 05 kho, giai đoạn đến 2020 phát triển 01 đến 02 kho; giai đoạn đến 2021 – 2025 phát triển 02 đến 03 kho.

- Trạm nạp LPG vào chai: Đến năm 2025 có khoảng 10 đến 13 trạm, giai đoạn đến 2020 phát triển 01 đến 02 trạm, giai đoạn 2021 - 2025 phát triển 02 đến 03 trạm.

- Kho thành phẩm chai LPG: Đến năm 2025 có 09 đến 12 kho, giai đoạn đến 2020 phát triển 04 đến 06 kho, giai đoạn 2021 - 2025 phát triển 05 đến 06 kho;

- Trạm cấp LPG bằng đường ống: Đến năm 2025 có khoảng 19 đến 22 trạm, giai đoạn đến 2020 phát triển 05 đến 06 trạm, giai đoạn 2021 - 2025 phát triển 08 đến 10 trạm.

- Trạm nạp LPG vào ô tô: Tùy thuộc vào nhu cầu thực tế, sẽ bổ sung vào hoạch.

- Cửa hàng bán lẻ LPG: Đến năm 2025 có khoảng 1.160 cửa hàng, giai đoạn đến 2020 phát triển khoảng 79 cửa hàng, giai đoạn 2021 - 2025 phát triển khoảng 145 chửa hàng.

6.2. Nhu cầu diện tích đất:

- Kho dự trữ LPG kết hợp trạm nạp LPG vào chai: Giai đoạn đến 2020 khoảng 40.000 m2 đến 50.000 m2; giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 20.000 m2 đến 30.000 m2.

- Trạm nạp LPG: Giai đoạn đến năm 2020 khoảng 5.000 m2 đến 6.000 m2; giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 9.000 m2 đến 10.000 m2.

- Kho thành phẩm chai LPG: Giai đoạn đến 2020 khoảng 8.000 m2 đến 12.000 m2; giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10.000 m2 đến 12.000 m2.

- Trạm cấp LPG bằng đường ống: Diện tích phát sinh không đáng kể trong kỳ quy hoạch, diện tích này tính chung trong các dự án khu, cụm công nghiệp, khu dân cư và trong các công trình tòa nhà cao tầng.

- Trạm nạp LPG vào ô tô: Diện tích không phát sinh thêm trong kỳ quy hoạch, do khi có nhu cầu, sẽ hình thành trong các trạm xăng dầu lớn, có diện tích rộng.

- Cửa hàng bán lẻ chai LPG: Giai đoạn đến 2020 khoảng 1.975 m2; giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 3.625 m2.

6.3. Nhu cầu vốn đầu tư:

- Kho dự trữ LPG kết hợp trạm nạp LPG vào chai: Giai đoạn đến 2020 khoảng 30 tỷ đến 60 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 60 tỷ đến 90 tỷ đồng.

- Trạm nạp LPG vào chai: Giai đoạn đến 2020 khoảng 15 tỷ đến 30 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 30 tỷ đến 45 tỷ đồng.

- Kho thành phẩm chai LPG: Giai đoạn đến 2020 khoảng 08 tỷ đến 12 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10 tỷ đến 12 đồng.

- Trạm cấp LPG bằng đường ống: Giai đoạn đến 2020 khoảng 40 tỷ đến 60 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 tỷ đến 120 tỷ đồng.

- Trạm nạp LPG vào ô tô: Vốn đầu tư trung bình khoảng 10 tỷ đồng/trạm (khi có nhu cầu sẽ bổ sung vào quy hoạch.

- Cửa hàng bán lẻ chai LPG: Giai đoạn đến 2020 khoảng 11,68 tỷ đồng đến 14,6 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 11,6 tỷ đồng đến 14,5 tỷ đồng.

V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU.

1. Giải pháp về khuyến khích đầu tư.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cửa hàng chuyên doanh LPG, từng bước hình thành mạng lưới kinh doanh LPG văn minh, hiện đại và an toàn.

- Khuyến khích đầu tư các dự án LPG tại khu vực nông thôn, phía Bắc của tỉnh, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và nhà đầu tư thiết kế, lắp đặt hệ thống cung cấp LPG đến từng hộ dân trong các khu dân cư, nhà cao tầng, khu đô thị mới…

- Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

2. Giải pháp về đất đai, vốn đầu tư.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng kinh doanh phù hợp với xu hướng gia tăng nhu cầu tiêu thụ LPG, đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường.

- Trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế, khu dân cư mới, thương nhân có nhu cầu sử dụng đất đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai (nếu có).

- Vốn đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh LPG được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, nguồn vốn do các chủ đầu tư tự huy động và bố trí sử dụng. Chủ đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh LPG được vay vốn ngân hàng thông qua hợp đồng tín dụng, tài sản thế chấp có thể là dự án cơ sở kinh doanh LPG sẽ được xây dựng.

3. Giải pháp về cải cách thủ tục hành chính và thị trường.

- Hỗ trợ các thương nhân kinh doanh LPG tiếp cận những văn bản hướng dẫn, quy định về thủ tục hồ sơ và các vấn đề có liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Website của các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Hỗ trợ cung cấp thông tin về quy định pháp luật, thông tin khách hàng trong và ngoài tỉnh; các thông tin về giá cả thị trường mặt hàng LPG trên bản tin và Website của Sở Công Thương.

4. Giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Phối hợp với các trường đào tạo của Bộ, các ngành của tỉnh, mở các lớp đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên kinh doanh LPG. Từng bước nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện.

5. Giải pháp về tuyên truyền phổ biến quy hoạch, chính sách pháp luật.

- Công khai quy hoạch, thông báo rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư kinh doanh LPG về Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, có xét đến năm 2025.

- Phổ biến kịp thời những văn bản quy định về điều kiện kinh doanh LPG cho thương nhân biết để thực hiện.

- Tuyên truyền người dân đề cao cảnh giác, tố giác những địa điểm kinh doanh, sang chiết nạp LPG trái phép; hỗ trợ các cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn trước nguy cơ cháy, nổ do hoạt động kinh doanh trái phép gây ra.

6. Giải pháp về tăng cường công tác quản lý nhà nước.

- Phổ biến kịp thời các văn bản pháp quy về sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh LPG cho các doanh nghiệp trong tỉnh và trên cơ sở đó tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các doanh nghiệp.

- Thường xuyên thực hiện công tác phòng, chống hành vi gian lận trong kinh doanh LPG.

- Tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ kinh doanh và bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ cho các cán bộ, nhân viên kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cán bộ, nhân viên mới tham gia kinh doanh LPG.

7. Giải pháp về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát.

7.1. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành.

Công tác phối hợp được thực hiện trên một số nội dung cụ thể:

- Hướng dẫn thực hiện việc thiết kế và xây dựng cửa hàng, kho chứa.

- Xây dựng đầu mối tiếp nhận nhu cầu học tập đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ bảo quản đo lường chất lượng; phòng cháy và chữa cháy; an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường của cán bộ, nhân viên tại cơ sở kinh doanh LPG.

- Xây dựng và kiểm tra về đo lường, chất lượng hàng hóa, nhãn hiệu sản phẩm.

7.2. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra:

- Tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng và hành vi gian lận thương mại tại các cơ sở kinh doanh LPG.

- Tăng cường công tác kiểm tra phòng chống cháy nổ, tuyên truyền vận động người dân, người kinh doanh LPG nâng cao ý thức phòng cháy và chữa cháy.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và với các thương nhân kinh doanh LPG trong việc cung cấp thông tin có liên quan và sử dụng loại tem chống hàng giả.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Sở Công Thương.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh về việc xác định địa điểm đầu tư kinh doanh LPG phù hợp với quy hoạch trong từng thời kỳ.

- Hướng dẫn trình tự thủ tục, thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh về ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành.

- Tiến hành xem xét thẩm định điều kiện thực tế, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh LPG theo đúng quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt và các quy định hiện hành của pháp luật.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan trong việc quản lý cơ sở kinh doanh LPG để làm căn cứ trong việc tổ chức thực hiện.

- Hàng năm hoặc định kỳ, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch về UBND tỉnh, Bộ Công Thương để có hướng chỉ đạo.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Hướng dẫn, thẩm định các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh LPG cho doanh nghiệp trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Tổ chức thẩm định hồ sơ môi trường cho doanh nghiệp và cơ sở theo quy định phân cấp của ngành và bổ sung quy hoạch sử dụng đất theo kế hoạch hàng năm.

- Phối hợp Sở Công Thương đào tạo nghiệp vụ về bảo vệ môi trường cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh LPG theo quy định.

4. Sở Giao thông Vận tải.

Phối hợp với UBND huyện, thị, thành phố và các ngành có liên quan để xác định lộ giới, hành lang an toàn giao thông trên địa bàn theo quy định làm cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cửa hàng, trạm nạp LPG vào chai và kho chứa LPG theo quy hoạch của ngành giao thông.

5. Sở Khoa học và Công nghệ.

- Thực hiện việc kiểm tra chất lượng, đo lường đối với các cơ sở kinh doanh, chiết nạp, sản xuất, tồn chứa, cấp, phân phối và vận chuyển LPG trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ và cấp Giấy chứng nhận về nghiệp vụ quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh LPG cho người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh LPG.

- Phối hợp với các Sở, ngành tổ chức kiểm tra việc thực hiện quản lý chất lượng, đo lường đối với LPG và các thiết bị cho hoạt động kinh doanh, chống gian lận thương mại trong kinh doanh LPG. Định kỳ, tổ chức kiểm tra thiết bị, hệ thống đo lường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG.

6. Sở Xây dựng.

Kiểm tra, cấp phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trạm chiết nạp, kho chứa theo thẩm quyền và các quy định của pháp luật.

7. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy.

- Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của các cơ sở kinh doanh, trạm chiết nạp, kho tồn trữ LPG trên địa bàn theo quy định của ngành và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

- Kiểm tra và xác nhận điều kiện về phòng cháy và chữa cháy để các cơ sở kinh doanh thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

- Phối hợp Sở Công Thương đào tạo nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh LPG theo quy định.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Căn cứ quy hoạch đã được phê duyệt thông báo chỉ tiêu số lượng quy hoạch mới cửa hàng LPG cho các xã, phường, thị trấn làm căn cứ để xác định địa điểm khi thương nhân có nhu cầu đầu tư để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Phối hợp quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các trạm nạp LPG vào chai, kho chứa, cửa hàng kinh doanh LPG trên địa bàn, hàng năm báo cáo Sở Công Thương về tình hình thực hiện quy hoạch trên địa bàn địa phương quản lý để Sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương;

9. Các thương nhân kinh doanh LPG.

- Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định trong Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh về “Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, có xét đến năm 2025” và các văn bản quy định của nhà nước.

- Thực hiện đúng các quy định của nhà nước về giấy phép kinh doanh, xây dựng, an toàn cháy nổ, bảo vệ môi trường, điều kiện giao thông… trước khi tiến hành xây dựng và sản xuất kinh doanh.

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tỉnh Bình Dương đến năm 2020, có xét đến năm 2025 phù hợp với quy hoạch phát triển chung của tỉnh. Đồng thời tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch theo định kỳ để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo quy hoạch đạt hiệu quả cao nhất.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài chính, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Liêm