Quyết định 44/2013/QĐ-UBND phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020
Số hiệu: | 44/2013/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nghệ An | Người ký: | Huỳnh Thanh Điền |
Ngày ban hành: | 19/08/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bưu chính, viễn thông, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2013/QĐ-UBND |
Nghệ An, ngày 19 tháng 08 năm 2013 |
PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23/11/2009; Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23/11/2009; Luật Bưu chính ngày 17/6/2010;
Căn cứ Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Viễn thông quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 259/TTr-STTTT ngày 28/6/2013; Ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 742/BCTĐ-STP ngày 18/6/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020 với nội dung chính như sau:
1. Bưu chính
- Phát triển Bưu chính theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại dịch vụ, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với dịch vụ thương mại, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;
- Phát huy mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ bưu chính và chuyển phát trong môi trường cạnh tranh lành mạnh;
- Phát triển đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; bảo vệ quyền lợi khách hàng và người tiêu dùng;
- Phát triển Bưu chính gắn kết với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; phù hợp với thế trận quốc phòng toàn dân và đảm bảo an ninh quốc phòng;
- Phát triển Bưu chính theo hướng tin học hóa, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động;
- Phổ cập dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hệ thống điểm phục vụ.
2. Viễn thông
- Phát triển viễn thông và Internet trong xu thế hội tụ với công nghệ thông tin và truyền thông, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh;
- Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông, tin học có công nghệ hiện đại, hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy, phủ sóng rộng, đảm bảo chất lượng phủ sóng đến tận vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh;
- Phát huy mọi nguồn lực để mở rộng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông. Tạo lập thị trường cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường dịch vụ viễn thông, Internet. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ, phát triển dịch vụ mang tính công ích.
- Phát triển hạ tầng Viễn thông gắn kết với phát triển hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, phù hợp với thế trận quốc phòng toàn dân và đảm bảo an ninh quốc phòng.
- Phát triển Viễn thông chủ yếu theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng, tiết kiệm chi phí đầu tư và đảm bảo mỹ quan đô thị.
- Phát triển hạ tầng Viễn thông đi đôi với sử dụng hiệu quả hạ tầng mạng lưới; phát triển bền vững hạ tầng mạng Viễn thông (ngầm hóa, cáp quang hóa).
1. Bưu chính
- Phát triển các dịch vụ tài chính mới như: dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ thanh toán, dịch vụ nhờ thu phát cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (thu tiền bảo hiểm nhân thọ, tiền điện, nước…).
- Phát triển các dịch vụ đại lý cho viễn thông như: phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu cung ứng dịch vụ…
- Bố trí thêm các điểm phục vụ tại các khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới điểm phục vụ Bưu chính, từng bước hiện đại hóa mạng lưới điểm phục vụ.
- Tiếp tục triển khai cung cấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ Bưu chính cơ bản, phổ cập các dịch vụ Bưu chính công ích đến tất cả các vùng miền trong tỉnh, với chất lượng phục vụ ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của mọi người dân và thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ thông tin của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.
- Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ Bưu chính mới.
- Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các tuyến đường thư hiện tại.
- Cung cấp tối đa các loại hình dịch vụ Bưu chính phù hợp với đặc điểm từng địa bàn cấp xã.
2. Viễn thông
- Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng rộng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
- Cung cấp các dịch vụ viễn thông với chất lượng tốt, giá cước hợp lý trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng dịch vụ. Tăng cường phát triển các dịch vụ ứng dụng viễn thông trên cơ sở hạ tầng viễn thông đã được xây dựng nhằm phát huy tối đa sự hội tụ của công nghệ và dịch vụ.
- Phát triển bền vững thị trường viễn thông, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông theo các quy định của pháp luật. Phát huy nội lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông.
- Ưu tiên áp dụng các công nghệ viễn thông tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, và sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông.
- Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin cho các hoạt động ứng dụng viễn thông, công nghệ thông tin, đặc biệt là trong việc thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử.
1. Bưu chính
- Đến năm 2015: Đạt 40 - 50% điểm Bưu điện – Văn hóa xã cung cấp dịch vụ Internet băng rộng.
- Đến năm 2020:
+ Đạt 90 - 95% điểm Bưu điện – Văn hóa xã cung cấp dịch vụ Internet băng rộng. Bán kính phục vụ bình quân 2,5 - 3,0km/điểm phục vụ.
+ Dân số phục vụ bình quân 4.500 - 5.500 người/điểm phục vụ.
+ Tốc độ tăng trưởng 15 - 25%/năm
+ Hoàn thành ứng dụng công nghệ tự động hóa cấp tỉnh.
+ Hoàn thành tin học hóa hệ thống điểm phục vụ.
2. Viễn thông
- Đến năm 2015: Đạt 80 – 90% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng; năm 2018 hoàn thành lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng.
- Đến năm 2020:
+ Đạt khoảng 800.000 đường dây thuê bao cố định, tỷ lệ đường dây thuê bao cố định đạt 25 đường/100 dân, 20% hộ gia đình có máy điện thoại cố định;
+ 75% dân số sử dụng điện thoại di động;
+ Cáp quang đến 30% các thôn, bản trong xã;
+ 100% xã, phường có đài truyền thanh cơ sở hoạt động ổn định;
+ 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng, 38% hộ gia đình có kết nối Internet, 60% dân số sử dụng Internet.
IV. NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020
1. Phát triển Bưu chính
a) Mạng bưu chính
- Rà soát hệ thống điểm phục vụ, chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc hủy bỏ các điểm phục vụ hoạt động không hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống điểm phục vụ;
- Hiện đại hóa mạng bưu cục theo hướng mở rộng phạm vi kinh doanh, kết nối mạng tin học bưu chính các điểm phục vụ. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bưu chính phục vụ việc định vị và truy tìm bưu phẩm, bưu kiện;
- Đa dạng hóa loại hình cung cấp dịch vụ tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã.
Giai đoạn đến 2015: Rà soát hệ thống điểm phục vụ, hủy bỏ hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh các điểm hoạt động không hiệu quả. Từng bước hiện đại hóa hệ thống điểm phục vụ, đa dạng hóa loại hình dịch vụ cung cấp.
Giai đoạn 2016 – 2020: Hiện đại hóa, tin học hóa hệ thống điểm phục vụ, ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý, khai thác.
b) Mạng vận chuyển Bưu chính
- Duy trì và nâng cao chất lượng các tuyến đường thư hiện tại, rút ngắn thời gian chuyển phát thư tới khu vực các huyện;
- Kết hợp sử dụng các phương tiện vận tải công cộng (xe buýt, xe khách…) nhằm nâng cao hiệu quả mạng vận chuyển Bưu chính;
c) Dịch vụ Bưu chính
Phát triển dịch vụ Bưu chính theo hướng đa dạng hóa, đảm bảo chất lượng các dịch vụ theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định; cung cấp tất cả các dịch vụ bưu chính đến các điểm phục vụ, chú trọng tới phát triển các dịch vụ mới, dịch vụ tài chính và các dịch vụ ứng dụng trên nền công nghệ thông tin;
Giai đoạn 1 (đến 2015): Cung cấp tối đa các loại hình dịch vụ bưu chính phù hợp với đặc điểm từng địa bàn cấp xã. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng…Triển khai thí điểm dịch vụ bưu chính điện tử (E – post).
Giai đoạn 2 (2016 – 2020): Phát triển mạnh dịch vụ bưu chính điện tử, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; hoàn thành ứng dụng công nghệ tự động hóa cấp tỉnh, hoàn thành tin học hóa hệ thống điểm phục vụ.
2. Phát triển Viễn thông
a) Mạng truyền dẫn
- Phát triển tuyến truyền dẫn mới tới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới…;
- Phát triển tuyến truyền dẫn trên các tuyến đường mới, tuyến đường trục…;
- Phát triển tuyến truyền dẫn phục vụ cho các nút chuyển mạch đa dịch vụ mới lắp đặt;
- Phát triển tuyến truyền dẫn đến các khu du lịch, khu vực dịch vụ… phục vụ các nhu cầu về giải trí, thương mại, du lịch...;
- Phát triển tuyến truyền dẫn đến các khu vực có lưu lượng cao, nhu cầu sử dụng lớn;
- Phát triển tuyến truyền dẫn nối vòng Ring giữa các huyện, thị, thành đảm bảo an toàn thông tin;
- Phát triển truyền dẫn quang ven biển, tuyến truyền dẫn quang khu vực biên giới đảm bảo an ninh, quốc phòng và phòng chống thiên tai.
Giai đoạn đến 2015: Xây dựng tuyến truyền dẫn cáp quang đến 100% trung tâm xã, với những xã có địa hình khó khăn, có thể kéo cáp quang đến trung tâm của cụm xã (bao gồm các xã lân cận).
Giai đoạn 2016 – 2020: Xây dựng, phát triển mạng truyền dẫn cáp quang đảm bảo độ phủ tới 30% các thôn trong xã; phục vụ nhu cầu phát triển các dịch vụ băng thông rộng.
b) Mạng ngoại vi
- Khu vực đô thị: Trước mắt tiến hành chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng hệ thống mạng cáp; đảm bảo mỹ quan đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ;
- Khu vực nông thôn: Cải tạo hạ tầng mạng ngoại vi, rút ngắn cự ly cáp phục vụ, xây dựng hạ tầng cống bể ngầm hóa mạng ngoại vi trên các tuyến đường trục, tuyến truyền dẫn chính, khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan.
Giai đoạn đến 2015: Chỉnh trang, cải tạo 100% hạ tầng mạng cáp trên các tuyến đường, tuyến phố chính, khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan tại khu vực đô thị; ngầm hóa một số tuyến, một số khu vực cụ thể (khu vực xây dựng mới hạ tầng (khu đô thị, tuyến giao thông mới…)).
Giai đoạn 2016 – 2020: ngầm hóa 100% các tuyến đường, tuyến phố chính tại khu vực đô thị, khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan, khu du lịch; cải tạo hạ tầng mạng ngoại vi tại khu vực nông thôn.
c) Mạng di động
- Quy hoạch phát triển hạ tầng mạng thông tin di động đồng bộ với phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại (3G, 4G…);
- Phát triển mạng thông tin di động theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp;
- Phát triển hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường; phát triển trạm thu phát sóng ngụy trang đảm bảo cảnh quan kiến trúc và mỹ quan đô thị;
- Phát triển hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động tại khu vực biển đảo; phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo thông tin cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và quốc phòng – an ninh;
- Rà soát hệ thống các trạm thu phát sóng thông tin di động và xây dựng lộ trình di dời các vị trí trạm ra khỏi phạm vi đất công (Ủy ban nhân dân xã, huyện…); đến hết năm 2014 hoàn thiện quá trình di dời.
Giai đoạn đến 2015: Bổ sung, nâng cấp các trạm thu, phát sóng thông tin di động phủ sóng đến tất cả các xã, đồn biên phòng, tuyến đường biên giới quốc gia. Đảm bảo đến 2015, 100% xã có trạm thu phát sóng hoạt động; 96% các xã được phủ sóng mạng 3G.
Giai đoạn 2016-2020: Bổ sung, nâng cấp, phát triển mới các vị trí trạm thu phát sóng. Đảm bảo đến năm 2020, phủ sóng thông tin di động đến 100% các thôn; đảm bảo tối thiểu mỗi xã được phủ sóng thông tin di động của 02 nhà cung cấp dịch vụ khác nhau.
d) Quy hoạch mạng truy nhập Internet
- Khu vực đô thị:
+ Bổ sung, nâng cấp hạ tầng hệ thống mạng Internet, nâng cao tốc độ truy nhập, nâng cao chất lượng mạng, chất lượng dịch vụ.
+ Triển khai cung cấp dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao bằng cáp quang đến thuê bao (FTTx: FTTH, FTTB…), đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ băng thông rộng.
+ Cung cấp dịch vụ Internet băng rộng bằng cáp quang đến Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, ban, ngành; đảm bảo đến 2015, 100% Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, ban, ngành sử dụng dịch vụ Internet tốc độ cao bằng cáp quang.
+ Tiếp tục triển khai cung cấp dịch vụ Internet băng rộng tới trường học, hỗ trợ phát triển giáo dục.
- Khu vực nông thôn:
+ Lắp đặt bổ sung thiết bị truy nhập DSLAM đến khu vực các xã trên địa bàn các huyện, đặc biệt là các huyện khu vực vùng sâu, vùng xa (Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… );
+ Đến năm 2020, cung cấp dịch vụ Internet băng rộng tới 100% các xã, phục vụ phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao dân trí và đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới.
e) Quy hoạch truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện
- Quy hoạch truyền dẫn phát sóng
+ Tiếp tục duy trì các phương thức truyền dẫn phát sóng đa dạng: truyền dẫn phát sóng tương tự (Analog), truyền dẫn phát sóng trên mạng lưới truyền hình cáp, truyền dẫn phát sóng trên mạng Internet, truyền dẫn phát sóng trên vệ tinh, truyền dẫn phát sóng số mặt đất;
+ Từng bước xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng số trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đảm bảo đến cuối 2018 chuyển toàn bộ sang phát sóng truyền hình số;
+ Xây dựng, phát triển hệ thống đài truyền thanh cơ sở đến cấp xã, phường trên địa bàn. Quy hoạch đến 2020, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đài truyền thanh cơ sở hoạt động ổn định.
- Quy hoạch tần số vô tuyến điện
Đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của cả nước, quy hoạch băng tần cho hệ thống phát sóng phát thanh, truyền hình mặt đất như sau:
+ Băng MF (526,25 - 1606,5 KHz): phát thanh AM, phát thanh số.
+ Băng I VHF (54 - 68 MHz): phát thanh FM công suất nhỏ, phát thanh số. Quy hoạch dành để triển khai hệ thống đài truyền thanh không dây cấp xã phường. Ưu tiên thiết bị hoạt động tại dải tần (60-68)MHz.
+ Băng II VHF (87 - 108 MHz): phát thanh FM, phát thanh số. Quy hoạch băng tần này dành cho các đài phát thanh FM (Đài Trung ương/tỉnh/huyện).
+ Băng III VHF (174 - 230 MHz): truyền hình tương tự, truyền hình số và phát thanh số.
+ Băng UHF (470 - 806 MHz): truyền hình mặt đất công nghệ tương tự và số. Theo lộ trình số hóa thì một phần băng tần này sẽ được chuyển đổi sang cho các nghiệp vụ thông tin vô tuyến khác.
+ Băng tần L (1.452 - 1.492 MHz): căn cứ vào điều kiện thực tế, băng tần này có thể được nghiên cứu phân bổ cho phát thanh công nghệ số
g) Phát triển mạng lưới thông tin biển đảo
- Tận dụng cơ sở hạ tầng, phương tiện hiện có, xây dựng và duy trì các tuyến đường thư, báo tới các đảo, đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
- Phát triển các điểm truy nhập công cộng tại các đảo nhằm cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và truy cập Internet.
- Phát triển hệ thống thông tin liên lạc theo hướng nâng cao dung lượng, chất lượng.
- Tận dụng tối đa các phương thức thông tin vệ tinh, đặc biệt là sử dụng vệ tinh Vinasat để phủ sóng phát thanh truyền hình đến đại đa số ngư dân khai thác trên vùng biển. Đến 2015, 100% người dân sống trên các đảo thu được các chương trình phát thanh truyền hình.
- Xây dựng hệ thống các trạm thông tin di động ven biển và các trạm thông tin di động công suất lớn trên các đảo, đảm bảo cho các tàu thuyền hoạt động quanh khu vực các đảo này có thể sử dụng các dịch vụ thông tin di động.
1. Công tác tuyên truyền
Nâng cao và thống nhất nhận thức, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các quan điểm, mục tiêu, định hướng và nội dung của Quy hoạch này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo cho mọi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến phát triển Bưu chính, Viễn thông và mọi người dân.
2. Xây dựng ban hành các quy định, cơ chế hỗ trợ phát triển
- Xây dựng ban hành quy định về sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông; quy định về xây dựng (bao gồm cả cấp phép xây dựng) trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) trên địa bàn tỉnh; quy định về phát triển hạ tầng mạng ngoại vi (ngầm hóa, cáp quang hóa…);
- Nghiên cứu xây dựng ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới Bưu chính, Viễn thông tại các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn (miền núi, vùng sâu, hải đảo...), khu vực có số người sử dụng dịch vụ thấp; xây dựng hạ tầng Bưu chính, Viễn thông ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại (công nghệ 4G, trạm thu phát sóng ngụy trang…);
- Kiến nghị ban hành cơ chế hỗ trợ thu nhập cho cán bộ làm công tác tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã.
3. Về công tác quản lý nhà nước
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở ứng dụng: Công nghệ thông tin, bản đồ số, cơ sở dữ liệu quản lý mạng lưới; thiết bị đo kiểm, giám sát hệ thống các trạm thu phát sóng di động…để quản lý phát triển Quy hoạch;
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hiện tốt Quy hoạch để đầu tư, phát triển có hiệu quả và bền vững;
- Tăng cường công tác thanh - kiểm tra các hoạt động về xây dựng, phát triển hạ tầng Bưu chính Viễn thông; Xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, lĩnh cung cấp dịch vụ Bưu chính, Viễn thông;
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước và giám sát chặt chẽ về chất lượng thiết bị và dịch vụ Bưu chính, Viễn thông, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng;
- Quản lý việc thực hiện Quy hoạch đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương, Quy hoạch phát triển đô thị toàn tỉnh và Quy hoạch của các ngành có liên quan như: Giao thông, Xây dựng, Điện lực, Cấp nước… nhằm phát triển hạ tầng mạng Bưu chính, Viễn thông đồng bộ.
4. Về nguồn vốn đầu tư
- Vận động doanh nghiệp có dịch vụ Bưu chính, Viễn thông đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng lưới để phát triển theo Quy hoạch được duyệt;
- Tỉnh tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình hỗ trợ phát triển viễn thông công ích và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác để đầu tư phát triển mạng lưới dịch vụ Bưu chính, Viễn thông theo các đề án, dự án cụ thể (dịch vụ công ích, phát triển đài truyền thanh cơ sở...).
5. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Tranh thủ các nguồn vốn từ doanh nghiệp, vốn hỗ trợ hợp pháp để tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Bưu chính Viễn thông, các cán bộ làm công tác tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã, đài truyền thanh cơ sở.
6. Giải pháp về khoa học công nghệ
- Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong khai thác và cung cấp các dịch vụ Bưu chính, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mã vạch, chuẩn hóa các loại bao bì, túi gói bưu chính; từng bước hình thành mạng bưu chính điện tử;
- Phát triển công nghệ Viễn thông đi đôi với sử dụng hiệu quả hạ tầng: công nghệ vô tuyến băng rộng, công nghệ truyền dẫn cáp quang (thay thế cáp đồng), cáp ngầm… Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng trạm thu phát sóng ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường, trạm ngụy trang, đảm bảo mỹ quan đô thị;
- Truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình phát triển ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng chương trình, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phát thanh truyền hình và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số. Phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng theo xu hướng hội tụ; một mạng hội tụ duy nhất có thể truyền tải các dịch vụ phát thanh truyền hình và viễn thông.
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Công bố, công khai Điều chỉnh Quy hoạch trên toàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền, triển khai, theo dõi và hướng dẫn các tổ chức có liên quan thực hiện đúng nội dung Quy hoạch được duyệt; Đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp thực tế nếu cần thiết;
- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư (theo Phụ lục kèm theo Quy hoạch), đảm bảo đúng nguồn vốn, lộ trình thực hiện;
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện Quy hoạch theo lộ trình, đảm bảo đạt chỉ tiêu đã đề ra;
- Chủ trì tổ chức lập Quy hoạch hạ tầng mạng viễn thông thụ động;
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực Bưu chính Viễn thông trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề xuất các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng Bưu chính, Viễn thông;
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về sử dụng chung cơ sở hạ tầng Viễn thông (mạng thông tin di động, mạng truyền dẫn…), ngầm hóa mạng ngoại vi…;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Quỹ Bill&Melinda Gates, Quỹ viễn thông công ích;
- Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh tình hình thực hiện Quy hoạch.
2. Sở Kế hoạch Đầu tư
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và Sở Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch được duyệt, kế hoạch hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác, cân đối ngân sách đối ứng, tham mưu UBND tỉnh dự toán đầu tư xây dựng lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông theo kế hoạch hàng năm;
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai các dự án đầu tư (theo Phụ lục kèm theo Quy hoạch);
- Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Quỹ Bill&Melinda Gates, Quỹ viễn thông công ích, tham mưu UBND tỉnh;
- Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề xuất các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng Bưu chính Viễn thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối và bố trí nguồn vốn hàng năm, đảm bảo kinh phí thực hiện các chương trình, dự án phát triển Bưu chính, Viễn thông theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
4. Sở Giao thông Vận tải
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, thẩm định và cấp phép thi công đối với các công trình, mạng lưới viễn thông trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ thuộc thẩm quyền.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Quy hoạch hạ tầng Viễn thông thụ động phù hợp với quy hoạch ngành giao thông vận tải.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông triển khai các dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ, thông qua mạng điểm phục vụ Bưu chính dưới các hình thức tài liệu, thông tin dữ liệu, hệ thống tra cứu thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định các đề tài khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông.
6. Sở Xây dựng
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Quy hoạch hạ tầng Viễn thông thụ động;
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện quy hoạch, xây dựng các công trình, mạng lưới Bưu chính, Viễn thông.
- Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh quy định về cấp phép xây dựng các trạm BTS, các công trình, mạng lưới Bưu chính Viễn thông theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng.
7. Sở Tài Nguyên và Môi Trường
- Rà soát, bổ sung quy hoạch quỹ đất sử dụng cho phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông đến năm 2020.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức có trạm BTS thực hiện các nghĩa vụ về đất đai theo quy định của pháp luật;
8. Công an tỉnh
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành có liên quan, thường xuyên thanh - kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về dịch vụ Bưu chính Viễn thông, bảo vệ quyền lợi khách hàng.
- Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn, an ninh mạng lưới Bưu chính, Viễn thông trên địa bàn tỉnh.
9. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp Viễn thông xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phát triển kinh tế xã hội gắn với Quốc phòng an ninh tại các KVPT của tỉnh, huyện.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới Bưu chính, Viễn thông theo lộ trình quy hoạch được duyệt;
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải trong việc lập Quy hoạch hạ tầng mạng viễn thông thụ động; các quy định về cấp phép xây dựng, cấp phép thi công và phân cấp quản lý hệ thống mạng lưới Bưu chính, Viễn thông trên địa bàn.
11. Các doanh nghiệp
- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông trên địa bàn căn cứ vào nội dung điều chỉnh Quy hoạch này để xây dựng chiến lược kinh doanh và kế hoạch đầu tư nâng cấp, phát triển mạng lưới, đảm bảo đạt chỉ tiêu Quy hoạch đề ra, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đúng quy định của pháp luật;
- Tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và doanh nghiệp khác để thống nhất việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông; chủ động phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện và kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài Nguyên và Môi Trường, Công an tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
(Kèm theo Quyết định số 44/2013/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2013 của UBND tỉnh Nghệ An Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Bưu chính, Viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020)
STT |
Dự án |
Nguồn vốn |
Lộ trình |
Nhu cầu vốn đầu tư (Tr.đồng) |
1 |
Dự án xây dựng hạ tầng dùng chung mạng thông tin di động |
Doanh nghiệp |
2013 - 2015 |
245.000 |
2016 - 2020 |
210.000 |
|||
2 |
Dự án phát triển đài truyền thanh cơ sở đến cấp xã, phường |
Ngân sách Trung ương, Ngân sách tỉnh, huyện, xã |
2013 - 2015 |
31.946 |
2016 - 2020 |
96.348 |
|||
3 |
Dự án cung cấp dịch vụ Internet băng rộng tại các điểm Bưu điện văn hóa xã |
Quỹ Bill & Melinda Gates; Ngân sách Trung ương, Bưu điện tỉnh. |
2013 - 2015 |
6.000 |
2016 - 2020 |
10.000 |
|||
4 |
Dự án Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động |
Ngân sách tỉnh |
2014 - 2015 |
1.000 |
5 |
Dự án nâng cao năng lực quản lý nhà nước quản lý, thực hiện quy hoạch |
Ngân sách tỉnh |
2013 - 2015 |
700 |
2016 - 2020 |
1.300 |
|||
6 |
Dự án xây dựng hạ tầng ngầm hóa mạng ngoại vi |
Doanh nghiệp, Xã hội hóa |
2013 - 2015 |
160.000 |
2016 - 2020 |
240.000 |
|||
7 |
Dự án xây dựng hạ tầng hệ thống cột treo cáp |
Doanh nghiệp |
2013 - 2015 |
40.000 |
2016 - 2020 |
20.000 |
|||
Tổng |
|
|
1.062.294 |
Quyết định 22/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 Ban hành: 16/02/2009 | Cập nhật: 24/02/2009