Quyết định 430/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Đề án giao rừng cho thuê rừng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010-2014
Số hiệu: | 430/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế | Người ký: | Nguyễn Văn Cao |
Ngày ban hành: | 02/03/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 430/QĐ-UBND |
Huế, ngày 02 tháng 3 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2010-2014
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 2740 /QĐ-BNN-KL ngày 20 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án “Giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007-2010”;
Căn cứ Quyết định số 1501/2008/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2010;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại tờ trình số 57/TTr-NN.PTNT ngày 15 tháng 01 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án giao rừng cho thuê rừng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010-2014 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên đề án: Đề án Giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010-2014.
2. Mục tiêu
- Bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng tự nhiên hiện có trên địa bàn tỉnh.
- Tạo động lực kinh tế khuyến khích nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo thu nhập từ rừng trở thành một nguồn thu chính của người lao động nghề rừng, ổn định cuộc sống của nhân dân sống ở trong rừng và ven rừng.
- Đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước với người trực tiếp bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng, gắn lợi ích kinh tế của rừng với lợi ích phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn thiên nhiên, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.
Phấn đấu đến năm 2014, hoàn thành về cơ bản việc giao, cho thuê 240.854,46 ha rừng và đất lâm nghiệp đến các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
3. Nội dung, khối lượng nhiệm vụ chủ yếu
- Rà soát, xác định đặc điểm khu rừng, hoàn thiện hồ sơ giao rừng và cấp sổ chứng nhận quyền quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng không thu tiền sử dụng rừng cho 6 Ban quản lý rừng phòng hộ diện tích với tổng diện tích 95.931,75 ha; Vườn Quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền với tổng diện tích 75.366,10 ha.
- Rà soát, xác định đặc điểm khu rừng, hoàn thiện hồ sơ giao rừng và cấp sổ chứng nhận quyền quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng có thu tiền sử dụng rừng cho các Công ty Lâm nghiệp với tổng diện tích 25.138,31 ha.
- Kiểm tra rà soát, xác định đặc điểm khu rừng, hoàn thiện hồ sơ các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ không thu tiền sử dụng rừng đã được giao đất có rừng để cấp sổ chứng nhận quyền quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng với tổng diện tích 5.355,12 ha.
- Xác định đặc điểm khu rừng, vị trí, ranh giới, loại rừng, diện tích, trạng thái, trữ lượng rừng và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, sử dụng rừng đã được giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng với tổng diện tích 5.549,58 ha.
- Giao mới 33.513,60 ha rừng tự nhiên hiện đang do UBND các cấp tạm thời quản lý đến các chủ rừng cụ thể, ưu tiên các chủ rừng là lực lượng vũ trang, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân là người địa phương.
Riêng huyện A Lưới, diện tích rừng tự nhiên còn lại khoảng 7.400ha ở vùng sâu vùng xa giáp biên giới Việt - Lào gồm các tiểu khu 302, 303, 304, 305 thuộc xã Hồng Thái; tiểu khu 258, 259 thuộc xã Hồng Thủy và tiểu khu 308 ở xã Hồng Thượng đang do UBND xã tạm thời quản lý; diện tích này tạm thời chưa giao sẽ có phương án bổ sung sau.
4. Kinh phí thực hiện
a) Ngân sách nhà nước cấp chi cho các hoạt động:
- Công tác giao rừng đối với các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
- Xây dựng tài liệu phục vụ công tác giao rừng, cho thuê rừng.
- Rà soát quy hoạch, xác định hiện trạng tài nguyên rừng và diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã giao, cho thuê, khoán quản lý, bảo vệ và các chủ rừng và đối tượng nhận rừng.
- Tổng hợp số liệu dữ liệu về công tác giao rừng, cho thuê rừng.
- Triển khai thí điểm ở một số huyện; xây dựng mô hình giao rừng.
b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ:
- Hỗ trợ cho các tổ chức, cộng đồng địa phương, hộ gia đình, cá nhân nhận rừng, thuê rừng.
- Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.
c) Nguồn kinh phí của các chủ rừng tự đầu tư gồm:
- Chủ rừng là các doanh nghiệp nhà nước hiện đang quản lý, sử dụng diện tích rừng sản xuất.
- Các chủ rừng khác đã nhận rừng (rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc rừng sản xuất là rừng tự nhiên) để sản xuất kinh doanh.
d) Nguồn vốn bổ sung hàng năm thuộc chi sự nghiệp kinh tế ngoài chi phí hành chính.
Hàng năm, trên cơ sở Đề án giao rừng, cho thuê rừng đã được phê duyệt, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan có liên quan lập kế hoạch kinh phí trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức thực hiện.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án là 34.252.940.181 đồng
Trong đó:
- Nhà nước đầu tư và hỗ trợ: 24.211.714.859 đồng.
- Kinh phí chủ rừng: 10.041.225.321 đồng.
Chi tiết như sau:
- Chi phí nhân công: 30.694.770.910 đồng.
- Vật tư trang thiết bị: 2.356.368.441 đồng.
- Vận chuyển: 1.201.800.830 đồng.
Phân theo huyện:
- Huyện Phú Lộc: 2.447.840.119đ
- Huyện A Lưới: 15.042.445.833đ
- Huyện Nam Đông: 4.921.503.790đ
- Huyện Phong Điền: 6.848.993.657đ
- Huyện Hương Trà: 2.264.655.689đ
- Huyện Phú Vang: 35.439.764đ
- Thị xã Hương Thuỷ: 2.670.875.400đ
- Thành phố Huế: 21.185.929đ
Riêng Vườn quốc gia Bạch Mã có diện tích tại Thừa Thiên Huế là 33.875,4 ha thuộc Cục Kiểm lâm quản lý nội dung và tiến độ thực hiện theo Đề án của tỉnh, nguồn kinh phí giao rừng do Trung ương đầu tư vì vậy không tính kinh phí giao rừng vào Đề án này.
Khi xây dựng Phương án giao rừng, cho thuê rừng các cấp sẽ thể hiện cụ thể về kinh phí tổ chức thực hiện các dự án đã có trên địa bàn để kế thừa, lồng ghép tránh chồng chéo.
5. Kế hoạch thực hiện
a) Năm 2010
- Xây dựng các văn bản chỉ đạo, đề cương hướng dẫn xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng cấp huyện, cấp xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tổ chức triển khai thực hiện giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn trên cơ sở Phương án đã được phê duyệt.
Chọn 1 huyện triển khai toàn diện; các huyện còn lại, mỗi huyện chọn 1-2 xã thực hiện thí điểm.
b) Năm 2011- 2014
- Tổ chức triển khai toàn diện, phấn đấu cuối năm 2014 toàn tỉnh cơ bản hoàn thành công tác giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng.
- Xây dựng phần mềm quản lý việc giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất, thuê đất lâm nghiệp toàn tỉnh.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Cấp tỉnh
- Thành lập Ban chỉ đạo giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT làm Phó Ban thường trực; Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm Phó ban; Lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp, Trung tâm Quy hoạch và Thiết kế nông, lâm nghiệp, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn và Chủ tịch UBND các huyện có nhiều rừng làm ủy viên. Văn phòng Ban chỉ đạo đặt tại Chi cục Kiểm lâm.
- Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Cấp huyện
- Thành lập Ban chỉ đạo giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cấp huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; các thành viên là Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh huyện,...Tùy tình hình cụ thể của từng địa phương có thể bổ sung thêm các thành viên trong ban chỉ đạo gồm các Ban quản lý rừng phòng hộ, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và các Công ty lâm nghiệp đóng trên địa bàn.
- UBND cấp huyện có trách nhiệm:
+ Chỉ đạo việc lập Phương án giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức thực hiện;
+ Chỉ đạo việc lập và phê duyệt phương án giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cấp xã.
+ Chỉ đạo thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng thống nhất, đồng bộ với việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
3. Cấp xã
- Thành lập Hội đồng giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp của xã do Chủ tịch UBND xã làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là: Cán bộ lâm nghiệp, Kiểm lâm địa bàn, Địa chính, đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, đại diện bí thư chi bộ và trưởng các thôn, bản trong xã,...
- UBND cấp xã có trách nhiệm lập phương án giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp của địa phương thông qua Hội đồng nhân dân xã, trình UBND huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Điều 3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm căn cứ nội dung Đề án giao rừng cho thuê rừng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn
2010-2014 kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện xây dựng Phương án giao rừng, cho thuê rừng cấp huyện, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện: Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang; Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy; Chủ tịch UBND thành phố Huế; Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |