Quyết định 43/QĐ-UBND năm 2006 về Quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật đối với cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Bắc Ninh
Số hiệu: | 43/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Ninh | Người ký: | Nguyễn Công Ngọ |
Ngày ban hành: | 18/04/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Cán bộ, công chức, viên chức, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/QĐ-UBND |
Bắc Ninh, ngày 18 tháng 4 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP, ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật đối với cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, các cơ quan có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/QĐ-UBND, ngày 18 tháng 4 năm 2006 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh.
1. Quy chế này quy định thành phần và quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật đối với các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã; Công chức cấp xã khi vi phạm các quy định của pháp luật, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải xem xét xử lý kỷ luật theo một trong những hình thức sau đây:
a, Khiển trách;
b, Cảnh cáo;
c, Hạ bậc lương;
d, Cách chức;
e, Buộc thôi việc.
2. Các chức danh cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã quy định tại khoản 1 của Điều này, nếu vi phạm các quy định của pháp luật đến mức phải xử lý theo các hình thức: bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, thì quy trình xử lý phải theo các quy định của pháp luật có liên quan.
3. Các chức danh cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã quy định tại khoản 1 của Điều này, nếu được điều động sang làm ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác, hoặc đang nghỉ chờ giải quyết chế độ, mới phát hiện vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức quy định tại khoản 1 của Điều này, thì quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật cũng áp dụng theo quy chế này.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. Thẩm quyền quyết định thành lập và số lượng, thành phần Hội đồng kỷ luật
Điều 2. Kỷ luật đối với các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã:
1. Thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật:
Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật theo đề nghị của Trưởng phòng Nội vụ LĐXH cấp huyện.
2. Số lượng và thành phần Hội đồng kỷ luật.
a, Số lượng: 5 người.
b, Thành phần gồm:
- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng.
- Mời Trưởng ban Tổ chức cấp uỷ cấp huyện tham gia thành viên.
- Mời Chủ tịch UBMTTQ cấp huyện tham gia thành viên.
- Trưởng phòng Nội vụ LĐXH làm thư ký.
- Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND cấp xã làm thành viên.
Trong trường hợp Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND của cùng một đơn vị cấp xã đều vi phạm kỷ luật, thì Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ định một người là đại diện lãnh đạo HĐND hoặc UBND cấp xã đó làm thành viên.
Điều 3. Kỷ luật đối với công chức cấp xã.
1. Thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật:
Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật theo đề nghị của công chức Văn hoá xã hội cấp xã (công chức phụ trách công tác Tổ chức LĐXH).
Trường hợp xem xét kỷ luật công chức Văn hoá xã hội cấp xã, thì Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật theo đề nghị của công chức Văn phòng thống kê cấp xã.
Trường hợp xem xét kỷ luật đối với cả công chức Văn phòng Thống kê và công chức Văn hoá Xã hội trong cùng một đơn vị cấp xã, thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật.
2. Số lượng và thành phần Hội đồng kỷ luật:
a, Số lượng: 5 người.
b, Thành phần gồm:
- Chủ tịch UBND cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng.
- Phó Chủ tịch UBND cấp xã làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
- Mời Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã làm Uỷ viên.
- Mời Trưởng ban tổ chức cấp uỷ cấp xã làm Uỷ viên.
- Cán bộ Văn hoá Xã hội cấp xã (phụ trách công tác tổ chức) làm Thư ký.
Trường hợp xem xét kỷ luật công chức Văn hoá xã hội cấp xã (phụ trách công tác tổ chức), thì công chức Văn phòng thống kê cấp xã thay thế.
Trường hợp xem xét kỷ luật đối với cả công chức Văn phòng Thống kê và công chức Văn hoá Xã hội trong cùng một đơn vị cấp xã, thì Chủ tịch UBND cấp xã chỉ định một công chức khác làm thư ký.
Điều 4. Trường hợp có nhiều cán bộ, công chức (quy định tại khoản 1, điều 1 của Quy chế này) trong cùng một đơn vị vi phạm kỷ luật, thì Hội đồng kỷ luật (được thành lập theo quy định tại điều 2, điều 3 của Quy chế này) có thể xem xét xử lý kỷ luật trong cùng một phiên họp. Biên bản cuộc họp được lập theo trình tự xem xét kỷ luật đối với từng cán bộ, công chức cấp xã vi phạm.
Điều 5. Nguyên tắc thành lập Hội đồng kỷ luật.
- Đúng thẩm quyền;
- Đủ số lượng, đúng thành phần;
- Những người có quan hệ trong gia đình như: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng được pháp luật thừa nhận; vợ hoặc chồng; anh, chị, em ruột; anh, chị, em dâu (hoặc rể) được pháp luật thừa nhận; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi được pháp luật thừa nhận của cán bộ, công chức vi phạm pháp luật phải xem xét, xử lý kỷ luật, thì không được tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật quyết định người khác thay thế.
Mục 2. Quy chế làm việc của Hội đồng kỷ luật
Điều 6. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng kỷ luật:
Hội đồng kỷ luật có chức năng, nhiệm vụ tư vấn cho Chủ tịch UBND cấp huyện áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức cấp xã vi phạm pháp luật, phù hợp với mức độ vi phạm và các hình thức kỷ luật do pháp luật quy định.
Điều 7. Chức năng, nhiệm vụ của Thư ký Hội đồng kỷ luật:
Thư ký Hội đồng kỷ luật có chức năng, nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm ghi biên cuộc họp của Hội đồng kỷ luật.
Điều 8. Các thành phần được mời dự họp Hội đồng kỷ luật:
Tuỳ theo tính chất, mức độ, nội dung vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức cấp xã, Hội đồng kỷ luật có thể mời đại diện lãnh đạo của cơ quan, tổ chức có liên quan dự cuộc họp của Hội đồng kỷ luật. Các thành phần mời dự họp được phát biểu ý kiến và đề xuất hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức cấp xã vi phạm pháp luật, nhưng không được biểu quyết.
Điều 9. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật.
1. Khách quan, công khai, dân chủ và theo các quy định hiện hành.
2. Hội đồng kỷ luật chỉ họp khi có đầy đủ các thành viên Hội đồng.
3. Kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật được thực hiện thông qua hình thức bỏ phiếu kín và theo nguyên tắc đa số.
4. Hội đồng kỷ luật họp phải có biên bản và được Hội đồng thông qua truớc khi Chủ tịch Hội đồng ký.
Điều 10. Quy trình xem xét kỷ luật.
1. Công tác chuẩn bị họp Hội đồng kỷ luật.
a. Cán bộ, công chức cấp xã vi phạm kỷ luật phải làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.
b. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức cuộc họp để người vi phạm pháp luật kiểm điểm trước tập thể UBND cấp xã. Biên bản cuộc họp kiểm điểm phải ghi rõ kiến nghị hình thức kỷ luật.
Nếu xem xét kỷ luật Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND cấp xã, thì Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức và chủ trì cuộc họp để người vi phạm pháp luật kiểm điểm trước tập thể UBND cấp xã (đối với trường hợp xem xét kỷ luật Chủ tịch UBND cấp xã) hoặc trước Thường trực HĐND và các Tổ trưởng Tổ Đại biểu HĐND cấp xã (đối với trường hợp xem xét kỷ luật Chủ tịch HĐND cấp xã).
c. Hồ sơ trình Hội đồng kỷ luật gồm: bản kiểm điểm của người vi phạm kỷ luật; biên bản cuộc họp kiểm điểm của người vi phạm truớc tập thể UBND xã hoặc trước Thường trực HĐND và các Tổ trưởng Tổ Đại biểu HĐND cấp xã; trích ngang sơ yếu lý lịch của người vi phạm kỷ luật, các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xem xét xử lý kỷ luật.
4. Cán bộ, công chức cấp xã vi phạm kỷ luật được Hội đồng kỷ luật gửi giấy báo triệu tập trước khi Hội đồng kỷ luật họp 7 ngày.
Trường hợp nếu cán bộ, công chức cấp xã vi phạm vắng mặt, thì phải có lý do chính đáng. Nếu đã gửi giấy 02 lần mà đương sự vẫn vắng mặt hoặc trường hợp người vi phạm kỷ luật không chịu viết bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật, thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp để xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật.
Điều 11. Trình tự họp Hội đồng kỷ luật.
1. Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tuyên bố lý do, giới thiệu thành viên tham dự.
2. Thư ký Hội đồng kỷ luật trình bày trích ngang sơ yếu lý lịch, hồ sơ và các tài liệu có liên quan.
3. Người vi phạm kỷ luật đọc bản kiểm điểm. Trường hợp người vi phạm vắng mặt, thì Thư ký Hội đồng đọc bản kiểm điểm.
4. Thư ký Hội đồng đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm người vi phạm của tập thể UBND hoặc của Thường trực HĐND và các Tổ trưởng Đại biểu HĐND cấp xã.
5. Các thành viên Hội đồng và các đại biểu dự họp phát biểu ý kiến.
6. Cán bộ, công chức cấp xã vi phạm kỷ luật phát biểu ý kiến về hình thức kỷ luật truớc khi Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín.
7. Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật.
8. Thông báo kiến nghị hình thức kỷ luật của Hội đồng kỷ luật tại cuộc họp.
Điều 12. Thời hạn và trách nhiệm ra quyết định kỷ luật.
1. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có văn bản (kèm theo biên bản, các hồ sơ tài liệu có liên quan) gửi Chủ tịch UBND cấp huyện.
2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ, tài liệu của Hội đồng kỷ luật, Chủ tịch UBND cấp huyện phải ra quyết định kỷ luật bằng văn bản.
3. Trường hợp kiến nghị của Hội đồng kỷ luật khác với ý kiến của Chủ tịch UBND cấp huyện mà sau khi trao đổi, thảo luận không thống nhất, thì Chủ tịch UBND cấp huyện tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình
Điều 13. Việc chấm dứt hiệu lực của Quyết định kỷ luật.
Sau 12 tháng kể từ ngày có Quyết định kỷ luật, nếu cán bộ, công chức không tái phạm hoặc không có những vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, thì đương nhiên được chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật. Cấp có thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật không phải ra quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Việc kỷ luật đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố do UBND cấp xã quản lý:
Quy chế này được áp dụng thực hiện đối với cả cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố do UBND cấp xã quản lý.
Điều 15. Việc xem xét áp dụng các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức cấp xã:
Việc xem xét áp dụng các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức cấp xã vi phạm kỷ luật được áp dụng theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Điều 16. Trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh:
Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp việc triển khai tổ chức thực hiện quy chế này, định kỳ cuối năm báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Điều 17. Trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện:
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy chế này./.