Quyết định 43/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường
Số hiệu: | 43/2014/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 01/08/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 20/08/2014 | Số công báo: | Từ số 775 đến số 776 |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2014/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2014 |
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
1. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; tổ chức thực hiện các dịch vụ công theo quy định, của pháp luật.
2. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, có tài khoản riêng và trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc quyết định ban hành theo thẩm quyền:
a) Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; dự thảo thông tư, thông tư liên tịch về quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo;
b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, hàng năm và chương trình, đề án, dự án và công trình quan trọng quốc gia phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo;
c) Dự thảo quyết định, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế, kỹ thuật, chỉ thị, chỉ tiêu quản lý tổng hợp biển, vùng ven biển, hải đảo và các văn bản về quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.
2. Tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, đề án về quốc phòng, an ninh, ngoại giao liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển và hải đảo, các cơ chế, chính sách về quản lý các ngành, nghề khai thác sử dụng tài nguyên biển do các Bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng.
3. Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo.
4. Giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về biển, hải đảo.
5. Về quản lý điều tra cơ bản về biển và hải đảo:
a) Chủ trì lập quy hoạch điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển;
b) Tham gia xây dựng, thẩm định các chương trình, đề án, dự án điều tra cơ bản về các nguồn tài nguyên và điều kiện tự nhiên biển, hải đảo phục vụ mục đích phát triển các ngành kinh tế biển do Bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng theo quy định của pháp luật;
c) Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch điều tra cơ bản nghiên cứu khoa học biển, đại dương của các Bộ, ngành và các địa phương;
d) Chủ trì xây dựng chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, khảo sát, thăm dò, nghiên cứu khoa học biển, đại dương; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
đ) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện thủ tục cấp phép đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học có yếu tố nước ngoài tại các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam theo quy định của pháp luật;
e) Thực hiện nhiệm vụ Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển.
6. Về quản lý tổng hợp khai thác, sử dụng biển và hải đảo:
a) Tổng hợp, đánh giá tiềm năng kinh tế - xã hội liên quan đến biển của Việt Nam; thống kê, phân loại, đánh giá tiềm năng của các vùng biển, hải đảo, quần đảo, bãi ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam; tổng hợp, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng các vùng biển, vùng ven biển và hải đảo trong phạm vi cả nước;
b) Chủ trì lập, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phân vùng sử dụng biển, vùng ven biển và hải đảo của cả nước theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phân vùng sử dụng biển, vùng ven biển, hải đảo của cả nước sau khi được phê duyệt;
c) Tham gia thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với vùng ven biển, hải đảo theo quy định của pháp luật;
d) Chủ trì xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, nhiệm vụ quản lý tổng hợp biển, vùng ven biển, hải đảo liên quan đến nhiều Bộ, ngành và địa phương ven biển, bảo đảm lồng ghép với các kế hoạch hành động và giải pháp thích ứng với nguy cơ nước biển dâng do biến đổi khí hậu; tổ chức thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
đ) Tham gia thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược đối với phương án tổng thể phát triển các ngành kinh tế biển thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội; chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế biển của ngành, lĩnh vực, địa phương (bao gồm cả việc quy hoạch, thành lập các khu kinh tế ven biển), các đề án, dự án, công trình khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
e) Giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý việc giao các khu vực biển để khai thác sử dụng tài nguyên biển; hướng dẫn, kiểm tra việc giao khu vực biển để khai thác sử dụng tài nguyên thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
g) Giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc giao, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại một phần hoặc toàn bộ khu vực biển, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển theo phạm vi thẩm quyền; giải quyết các tranh chấp về sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật;
h) Tổ chức phân tích, đánh giá, dự báo về các diễn biến, động thái trong nước và quốc tế có liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo của Việt Nam;
i) Chủ trì hoặc phối hợp giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo liên ngành, liên tỉnh.
7. Về kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo:
a) Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển, vùng ven biển và hải đảo; đánh giá hiện trạng môi trường của các vùng biển, hải đảo, quần đảo, bãi ngầm của Việt Nam;
b) Chủ trì hoặc tham gia thực hiện bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật; phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành và các địa phương ven biển kiểm soát việc tuân thủ pháp luật về khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo;
c) Tham gia thẩm định quy hoạch, đề án thành lập khu bảo tồn biển; kiểm tra, đánh giá việc sử dụng các vùng biển, ven biển và hải đảo trong việc thực hiện quy định các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn đất ngập nước ven biển; tham gia thẩm định các đề án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước ven biển liên quan đến bảo vệ môi trường biển, hải đảo; phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án về bảo vệ đa dạng sinh học biển;
d) Tham gia thẩm định đối với hồ sơ cấp phép vận chuyển chất thải trên biển, hồ sơ quy hoạch các điểm xả nước thải đã qua xử lý trực tiếp đổ ra biển (không bao gồm nguồn nước thải đổ ra biển qua các cửa sông) theo quy định của pháp luật; kiểm tra hoặc tham gia kiểm tra việc tuân thủ các quy định của các loại giấy phép khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường trên biển;
đ) Tổ chức đánh giá và kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo và xác định các vùng ô nhiễm nghiêm trọng phát sinh do các hoạt động khai thác, sử dụng biển, hải đảo và các sự cố hoặc thiên tai trên biển; phối hợp với các cơ quan có liên quan đánh giá và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường từ các nguồn phát sinh do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên đất liền có ảnh hưởng đến môi trường biển và hải đảo;
e) Chủ trì hoặc tham gia giám sát, cảnh báo sự cố môi trường trên biển và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý, khắc phục hậu quả ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường biển, hải đảo theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
g) Tham gia thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thăm dò, khai thác, sử dụng biển thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sau khi dự án được phê duyệt;
h) Lập báo cáo hiện trạng, báo cáo chuyên đề môi trường các vùng biển của Việt Nam; trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập báo cáo hiện trạng môi trường vùng biển ở địa phương.
8. Về hợp tác quốc tế:
a) Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án hợp tác quốc tế về biển, hải đảo và đại dương theo quy định của pháp luật;
b) Tham gia đàm phán về các điều ước, thỏa thuận quốc tế về biển, hải đảo, đại dương và tổ chức thực hiện theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Thực hiện nhiệm vụ đầu mối các hoạt động hợp tác quốc tế về biển, hải đảo; tham gia các tổ chức, diễn đàn quốc tế về biển và đại dương theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
9. Tổ chức xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên - môi trường biển, hải đảo; phân loại, thống kê tài nguyên trên các vùng biển, hải đảo của Việt Nam; lưu trữ kết quả, sản phẩm điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.
10. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cơ chế chính sách về quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các vùng biển, ven biển và hải đảo Việt Nam.
11. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo.
12. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư, khai thác, sử dụng và quản lý hệ thống quan trắc quốc gia về tài nguyên và môi trường biển, các công trình, phương tiện chuyên dùng phục vụ nghiên cứu, khảo sát biển và đại dương, cảnh báo và khắc phục sự cố môi trường biển thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
13. Quản lý và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực biển và hải đảo theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
14. Quản lý tài chính, tài sản được giao; quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, từ chức, biệt phái, nghỉ hưu, thôi việc; khen thưởng, kỷ luật; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
15. Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
16. Tham gia thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực biển và hải đảo; thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Tổng cục theo quy định của pháp luật và theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
17. Tổ chức thực hiện các dịch vụ công về biển và hải đảo theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách bảo đảm cho hoạt động dịch vụ công trong lĩnh vực biển, hải đảo.
18. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao và theo quy định của pháp luật.
1. Vụ Chính sách và Pháp chế.
2. Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ.
3. Vụ Kế hoạch - Tài chính.
4. Vụ Tổ chức cán bộ.
5. Văn phòng.
6. Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
7. Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo.
8. Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo.
9. Viện Nghiên cứu biển và hải đảo.
10. Trung tâm Điều tra tài nguyên - môi trường biển.
11. Trung tâm Đào tạo và Truyền thông biển, hải đảo.
12. Trung tâm Hải văn.
13. Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Bắc.
14. Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam.
15. Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo.
16. Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển.
Tại Điều này, các tổ chức quy định từ Khoản 1 đến Khoản 8 là tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các tổ chức quy định từ Khoản 9 đến Khoản 16 là tổ chức sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Điều 4. Lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
1. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có Tổng cục trưởng và không quá 03 Phó Tổng cục trưởng.
2. Tổng cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc Tổng cục.
4. Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2014 và thay thế Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
Nghị định 21/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành: 04/03/2013 | Cập nhật: 06/03/2013
Nghị định 36/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ Ban hành: 18/04/2012 | Cập nhật: 20/04/2012
Quyết định 116/2008/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành: 27/08/2008 | Cập nhật: 04/09/2008