Quyết định 43/2006/QĐ-UBND về Chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006-2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành
Số hiệu: | 43/2006/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bạc Liêu | Người ký: | Bùi Hồng Phương |
Ngày ban hành: | 29/12/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2006/QĐ-UBND |
Bạc Liêu, ngày 29 tháng 12 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2006-2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ban hành ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh phòng, chống mại dâm ngày 17 tháng 3 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 52/2006/QĐ-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2006 - 2010;
Xét Tờ trình số 105/TTr-LĐTBXH ngày 11/12/2006 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006-2010.
Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình này. Định kỳ báo cáo kết quả về UBND tỉnh để theo dõi chỉ đạo.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh Bạc Liêu, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND huyện, thị xã căn cứ quyết định thực hiện.
Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
|
TM. UBND TỈNH |
CHƯƠNG TRÌNH
PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43 /2006/QĐ-UBND Ngày 29 /12/2006 của UBND tỉnh Bạc Liêu)
Năm năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là sự tham mưu tích cực của các Ngành chức năng liên quan; Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2001 - 2005 về cơ bản đạt các mục tiêu đã đề ra. Tệ nạn mại dâm cơ bản đã được kiềm chế về tốc độ, phạm vi; mức độ họat động công khai, các điểm nóng phức tạp, kiểm soát được tình hình mại dâm họat động nơi công cộng, hạn chế tình trạng cán bộ công chức đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ để vui chơi quá đà và sinh ra họat động không lành mạnh. Nhiều xã, phường, thị trấn cơ bản không còn tệ nạn mại dâm. Những thành tích trên là đã tạo ra nên tảng vững chắc, là tiền đề cho việc xây dựng Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm những năm tiếp theo.
Để tiếp tục thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006 - 2010; căn cứ tình hình thực tế và kết quả sau 5 năm (2001 - 2005) thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm của địa phương. UBND tỉnh ban hành Chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2006 - 2010, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
- Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và giảm cơ bản tệ nạn mại dâm;
- Đối với địa bàn chưa có tệ nạn mại dâm thì giáo dục phòng ngừa không để phát sinh;
- Đối với địa bàn có tệ nạn mại dâm nhưng chưa nghiêm trọng thì tích cực đấu tranh xóa bỏ;
- Đối với địa bàn có tệ nạn mại dâm nghiêm trọng thì cương quyết đấu tranh làm giảm một cách cơ bản.
2. Mục tiêu cụ thể:
* Từ năm 2006 - 2008:
- Ngăn chặn sự phát sinh, giảm đối tượng mại dâm hiện có, trước mắt đến năm 2008 giảm cơ bản tệ nạn mại dâm, đặc biệt là mại dâm tuổi chưa thành niên;
- Ngăn chặn làm giảm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, các dịch vụ văn hóa vi phạm tệ nạn mại dâm và các dịch vụ trá hình. Đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thuộc doanh nghiệp Nhà nước và công ty cổ phần có những hoạt động kinh doanh liên quan đến tệ nạn mại dâm;
- Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 16 của Tỉnh ủy kiên quyết không để cán bộ viên chức gián tiếp hoặc trực tiếp vi phạm tệ nạn mại dâm.
* Từ năm 2009 - 2010:
- Giảm cơ bản tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở lưu trú hoạt động kinh doanh lành mạnh giảm cơ bản các tụ điểm mại dâm có tổ chức và đường dây mua bán phụ nữ và trẻ em vì mục đích mại dâm.
II. CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH
1. Công tác tuyên truyền giáo dục:
- Bằng các nội dung hình thức tuyên truyền giáo dục chiều sâu và phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức tuyền truyền khơi dậy ý thức nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn mại dâm. Nội dung tuyên truyền phải sinh động phù hợp từng loại đối tượng, nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn mại dâm để mỗi người, mỗi gia đình giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh. Kịp thời biểu dương gương người tốt - việc tốt, phổ biến kinh nghiệm hay về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm. Đồng thời tạo dư luận lên án mạnh mẽ những vi phạm tệ nạn mại dâm;
- Đưa nội dung phòng, chống tệ nạn mại dâm vào Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình công tác của các tổ chức đảng, đoàn thể và tổ chức chuyên môn theo tinh thần chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị định của Chính phủ. Trên cơ sở phê - tự phê bình về phẩm chất đạo đức, lối sống;
- Tuyên truyền giáo dục phòng, chống tệ nạn mại dâm phải kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới khu dân cư, củng cố và phát huy truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam;
- Phát động toàn dân đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm; coi công tác phòng, chống mại dâm là một trong những nội dung để đánh giá kết quả chỉ đạo hằng năm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể. Kịp thời khuyến khích động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.
2. Tăng cường quản lý Nhà nước:
- UBND huyện, thị, xã, phường, thị trấn chỉ đạo các ngành chức năng quản lý chặt đăng ký tạm trú, tạm vắng, có kế hoạch kiểm tra các họat động kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, nhà trọ, khách sạn, điểm Karaoke, massage… trên địa bàn không để xảy ra móc nối, tổ chức các họat động mại dâm;
- Tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú phải ký cam kết với UBND xã, phường, thị trấn không để xảy ra móc nối, họat động mại dâm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vi phạm;
- Cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú có sử dụng tiếp viên, nhân viên phải đăng ký hợp đồng lao động, kèm theo những giấy tờ có liên quan và đăng ký với Công an xã, phường, thị trấn. Đồng thời báo cáo danh sách tiếp viên với Phòng Nội vụ Lao động - TB&XH huyện, thị;
- Tổ chức kiểm tra các dịch vụ ăn uống, lưu trú có nguy cơ cao về tệ nạn xã hội, các hoạt động văn hóa có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, xử lý nghiêm theo các nghị định của Chính phủ;
- Có chế độ khen thưởng và biểu dương kịp thời những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mại dâm.
3. Xử lý vi phạm:
- Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm tệ nạn mại dâm:
+ Đối với chủ chứa môi giới mại dâm kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật, xử lý thật nặng hành vi chứa chấp, dụ dỗ trẻ em vào con đường mại dâm;
+ Đối với người mua dâm: Nếu là CB - CNVC thì thông báo về cơ quan xử lý nghiêm theo Chỉ thị số 16 của Tỉnh ủy và Pháp lệnh công chức, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, nếu không phải là cán bộ công chức xử lý hành chính thông báo về xã, phường nơi cư trú để quản lý giáo dục;
+ Đối với người bán dâm: Nếu do hoàn cảnh khó khăn, do nghèo không có việc làm bị lừa gạt mới vi phạm lần đầu thì giao cho chính quyền đoàn thể giáo dục cảm hóa tại chổ. Đồng thời có biện pháp giúp đỡ họ có công ăn việc làm, hòa nhập cộng đồng. Đối với người vi phạm nhiều lần, có lối sống buông thả, lười lao động vì tiền mà bán dâm thì tập trung lao động giáo dục để họ điều chỉnh hành vi, hoàn lương;
- Nắm tình hình và kiểm soát chặt chẽ các tụ điểm có biểu hiện mại dâm, dẫn dắt, môi giới mại dâm để tổ chức triệt phá kịp thời truy tố trước pháp luật.
4. Việc chỉ đạo công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm bằng sự hỗ trợ của các đoàn thể, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho phụ nữ nhằm giải quyết nguyên nhân sâu xa dẫn đến tệ nạn mại dâm.
5. Bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho cán bộ chuyên trách về công tác phòng, chống mại dâm, đặc biệt là cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ tại Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006 - 2010 có nội dung mang tính rộng khắp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, cho nên việc tổ chức thực hiện phải đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau giữa các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, cụ thể là:
1. Sở LĐ - TB&XH: Là cơ quan thường trực Chương trình phòng, chống mại dâm có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng xây dựng Chương trình, kế hoạch phòng, chống tệ nạn mại dâm hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Quản lý Nhà nước về công tác giáo dục, chữa trị, dạy nghề tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng mại dâm.
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể triển khai kế hoạch thực hiện chương trình, lồng ghép Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm với các Chương trình XĐGN, Chương trình dạy nghề, tạo việc làm, Chương trình phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
- Xây dựng bộ máy chuyên trách về công tác phòng, chống mại dâm từ tỉnh đến cơ sở đủ về lượng, mạnh về chất đảm bảo hoàn thành chương trình hành động đã đề ra, nhất là cán bộ sở.
2. Sở Văn hoá - Thông tin: Chủ trì và phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường chỉ đạo tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm giáo dục mọi người nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm, xây dựng con người mới, xây dựng gia đình văn hóa, khu văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với chủ đề về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
3. Công an tỉnh:
- Có kế hoạch điều tra, truy quét, triệt phá ổ nhóm, móc nối môi giới họat động mại dâm, các đường dây móc nối đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài làm nghề mại dâm. Chỉ đạo Công an huyện, thị xã, phường, thị trấn nhất là cảnh sát khu vực quản lý chặt chẽ địa bàn;
- Lập hồ sơ đưa đối tượng mại dâm vào Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội hoặc quản lý tại xã, phường, thị trấn;
- Đấu tranh ngăn chặn các họat động buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài làm mại dâm. Gắn chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm với chương trình phòng, chống tội phạm;
- Phối hợp cùng với Sở LĐ - TB&XH và các ngành có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch cho từng giai đoạn, cử cán bộ chiến sĩ phối hợp, bảo vệ trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội khi có yêu cầu.
4. Sở Tư pháp: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm, chú ý các xã vùng nông thôn.
5. Sở Y tế: Phối hợp với Sở LĐ - TB&XH hướng dẫn việc khám chữa bệnh, điều trị cho người mại dâm tại cơ sở chữa bệnh, tại cộng đồng và khám sức khỏe cho tiếp viên nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống… tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, xoa bóp.
6. Sở Giáo dục - Đào tạo: Nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục ngoại khóa góp phần phòng, chống tệ nạn mại dâm trong trường học.
7. Sở Thương mại - Du lịch: Chấn chỉnh việc đăng ký kinh doanh của các cơ sở dịch vụ đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế địa phương, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý, đề xuất xử lý kiên quyết các vụ vi phạm. Đặc biệt là các cơ sở do Nhà nước quản lý.
8. Sở Kế hoạch - Đầu tư: Phối hợp với Sở LĐ - TB&XH, Sở Tài chính có kế hoạch bố trí ngân sách hàng năm và các nguồn lực khác cho Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm.
9. Sở Tài chính:
- Đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn ngân sách Nhà nước cho việc thực hiện Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm theo kế hoạch hàng năm. Hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí thu được do phạt vi phạm tệ nạn mại dâm, phục vụ công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm;
- Phối hợp với Sở LĐ - TB&XH, Sở Kế hoạch Đầu tư xây dựng trình UBND tỉnh về cơ chế bố trí, huy động ngân sách cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm ở địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn.
10. Các Sở, ngành thuộc UBND tỉnh có kế hoạch chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình.
11. UBND huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn
- Chủ tịch UBND huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn căn cứ Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm của tỉnh, tiến hành xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm của đơn vị, địa bàn mình phụ trách, trong chỉ đạo có lồng ghép với các chương trình kinh tế xã hội khác, có sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, đặc biệt vai trò của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước cấp trên về tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn mình quản lý. Kiểm tra nắm chặt tình hình mại dâm trên địa bàn để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn không để tệ nạn mại dâm phát triển, trên cơ sở thực hiện tốt kế hoạch xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy.
12. Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm soát nhân dân tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở Tư pháp chỉ đạo cơ quan thuộc ngành, điều tra, truy tố xét xử kịp thời các vụ án có liên quan đến tội phạm mại dâm nhằm giáo dục răn đe và tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm.
13. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, Liên đoàn Lao động, Hội cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội LH Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp và các sở, ngành trong việc chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm ở địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn trọng điểm nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Hằng năm ngân sách tỉnh cân đối đảm bảo đầu tư phục vụ cho họat động phòng, chống tệ nạn mại dâm, đặc biệt đầu tư xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội;
- Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã trích một khoản kinh phí từ nguồn tiền phạt tệ nạn mại dâm để chi hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm ở địa bàn mình phụ trách;
- Kinh phí huy động từ cộng đồng: Là kinh phí huy động từ các cơ quan tổ chức kinh tế - xã hội, cá nhân, nhà hảo tâm, của nhân dân, gia đình và đối tượng… có cơ chế huy động và sử dụng kinh phí hợp lý, đúng pháp luật và đạt hiệu quả cao nhất;
UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị căn cứ vào Chương trình phối hợp liên Ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2006-2010 để xây dựng kế hoạch phòng, chống tệ nạn mại dâm của sở, ngành và địa phương đạt kết quả tốt. Trong quá trình thực hiện định kỳ báo cáo thuận lợi, khó khăn về thường trực ban chỉ đạo (Sở Lao động - Thương binh & Xã hội) để uốn nắn và chỉ đạo kịp thời.
Quyết định 52/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2006 - 2010 Ban hành: 08/03/2006 | Cập nhật: 20/05/2006