Quyết định 43/2003/QĐ-UB ban hành Quy định thủ tục, trình tự thực hiện cơ chế "Một cửa" lĩnh vực Lao động-việc làm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Số hiệu: 43/2003/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Đoàn Bá Nhiên
Ngày ban hành: 31/12/2003 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2003/QĐ-UB

Lạng Sơn, ngày 31 tháng 12 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỦ TỤC, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN CƠ CHẾ"MỘT CỬA" LĨNH VỰC LAO ĐỘNG-VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/ 11/ 2003;

Căn cứ Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "Một cửa" tại cơ quan nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Nghị quyết 120/HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về phương hướng, biện pháp giải quyết việc làm;

Căn cứ Nghị định số 105/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn một số điều của Bộ Luật lao động về tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại tờ trình số: 1004 TT/LĐ-TB&XH ngày 19 tháng 12 năm 2003;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thủ tục, trình tự thực hiện cơ chế "Một cửa" đối với lĩnh vực Lao động-việc làm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 2. Giám đốc Sở Lao đông-Thương binh và xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2004.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH




Đoàn Bá Nhiên

 

QUY ĐỊNH

THỦ TỤC, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN CƠ CHẾ " MỘT CỬA " LĨNH VỰC LAO ĐỘNG - VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
( Ban hành kèm theo Quyết định số: 43 /2003/QĐ-UB ngày 31 tháng 12 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng sơn )

Chương I

 QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh:

1. Lĩnh vực giải quyết cho vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120 ):

1.1 Đối tượng áp dụng:

a) Hộ gia đình.

b) Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vân tải, thương mại và dịch vụ; cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ hợp sản xuất; hộ kinh doanh cá thể; doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động theo luật doanh nghiệp; hộ gia đình và cá nhân làm kinh tế trang trại.

1.2 Phạm vi điều chỉnh:

a) Hộ gia đình có hộ khẩu thường trú nơi thực hiện dự án; các hợp tác xã cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ hợp sản xuất; hộ kinh doanh cá thể; doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động theo luật doanh nghiệp; hộ gia đình và cá nhân làm kinh tế trang trại có trụ sở và dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh Lạng sơn theo qui định tại Thông tư liên tịch số 06/ 2002/ TTLT - BLĐTBXH - BTC - BKHĐT ngày 10/4/2002.

b) Đối tượng vay vốn phải có dự án tạo chỗ việc làm mới, thu hút thêm lao động vào làm việc thường xuyên, phù hợp với ngành nghề đang sản xuất kinh doanh theo đăng ký.

2. Lĩnh vực cấp phép cho người nước ngoài lao động tại Việt nam:

2.1 Đối tượng áp dụng:

Những người không có quốc tịch Việt nam theo Luật quốc tịch Việt nam làm việc cho các tổ chức và cá nhân sau đây:

a) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, bao gồm: Các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

b) Các nhà thầu ( thầu chính, thầu phụ ) là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam hoặc nước ngoài nhận thầu.

c) Các tổ chức kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính Nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.

d) Văn phòng đại diện, chi nhánh của công ty nước ngoài; Văn phòng đại diện của các tổ chức: Kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế.

đ) Các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

e) Các cơ sở y tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo, thể thao.

h) Văn phòng dự án nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam.

i) Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài được phép hoạt động tại Lạng sơn.

k) Hợp tác xã.

2.2 Phạm vi điều chỉnh:

Các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lạng sơn, có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh Lạng sơn và được cơ quan có thẩm quyền cho phép thuê lao động là người nước ngoài.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện:

1. Thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật

2. Công khai các thủ tục hành chính, phí, lệ phí và thời gian giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân.

3. Nhận yêu cầu và trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

4. Phối hợp giữa các bộ phận có liên quan để giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân là trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước.

5. Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân.

Chương II

THỦ TỤC, TRÌNH TỰ, THỜI GIAN GIẢI QUYẾT

Điều 3. Hồ sơ đăng ký.

1. Lĩnh vực giải quyết cho vay vốn 120:

1.1 Hồ sơ nộp về bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các huyện, thành phố gồm:

a) Đơn xin vay vốn của chủ dự án hoặc người vay vốn có xác nhận của UBND xã, phường.

b) Dự án xây dựng theo mẫu tại Thông tư liên tịch số: 06/2002/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT nhằm đảm bảo phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh được lập thành 4 bản, có xác nhận của UBND xã, phường nơi thực hiện dự án gửi bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các huyện, thành phố chuyển đến Ban điều hành các huyện, thành phố để thẩm định, xét duyệt và tổng hợp trình Ban điều hành cấp tỉnh.

1.2 Thủ tục hồ sơ nộp về cấp tỉnh gồm:

a) Biên bản họp xét, phiếu thẩm định dự án, bảng tổng hợp các dự án và tờ trình đề nghị xét duyệt dự án của Ban điều hành cấp huyện: 2 bộ trình Ban điều hành cấp tỉnh.

b) Đơn xin vay vốn, dự án vay vốn: 2 bộ có xác nhận của chính quyền xã, phường nơi thực hiện dự án.

2. Lĩnh vực cấp phép lao động:

2.1. Thủ tục hồ sơ đối với người sử dụng lao động:

Người sử dụng lao động sau khi đã đăng 03 số báo liền (Trung ương hoặc địa phương) về nhu cầu tuyển lao động nếu không có người lao động Việt Nam đáp ứng được nhu cầu thì được phép tuyển lao động là người nước ngoài, nhưng phải lập hồ sơ gồm:

a) Đơn xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài (theo mẫu ).

b) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp được tuyển dụng lao động là người nước ngoài.

c) Bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đặt chi nhánh văn phòng đại diện tại Lạng Sơn.

Điều 4. Thủ tục, thời gian triển khai thực hiện

1. Lĩnh vực giải quyết cho vay vốn 120.

a) Uỷ ban nhân dân các huyện, Thành phố:

Hướng dẫn các chủ dự án xây dựng dự án theo mẫu qui định tại Thông tư liên tịch số 06/2002/TT-LT ngày 10/4/2002. Hồ sơ dự án được lập thành 4 bộ nộp tại phòng Tổ chức - LĐXH bao gồm: Đơn xin vay vốn của chủ dự án hoặc người vay vốn; Dự án vay vốn được xây dựng phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh (có xác nhận của UBND cấp xã phường thị trấn). Tiến hành kiểm tra, thẩm định , sơ duyệt và đề nghị Ban điều hành tỉnh duyệt cho vay.

Thời gian: 15 ngày.

b) Các tổ chức đoàn thể:

Hướng dẫn các chủ dự án xây dựng dự án, tiếp nhận dự án, phối hợp với cơ quan lao động xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra thẩm định để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho vay.

Thời gian:15 ngày.

c) Ban điều hành của tỉnh:

Sở lao động - Thương binh và xã hội cơ quan thường trực của BĐH tỉnh tiếp nhận hồ sơ dự án đã được Ban điều hành cấp huyện duyệt, các tổ chức đoàn thể của tỉnh gửi đến, chủ trì phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiến hành kiểm tra, xét duyệt và tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt cho vay.

Thời gian tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận dự án ở cấp huyện.

2. Lĩnh vực cấp phép:

2.1 Hồ sơ người lao động nước ngoài phải được lập thành 02 bộ gồm:

a) Đơn xin cấp giấy phép lao động tại Việt Nam ( theo mẫu ).

b) Quyết định cử sang Việt Nam làm việc, văn bản dự kiến sẽ giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động Việt Nam.

c) Giấy chứng nhận sức khoẻ ( theo mẫu ).

d) Phiếu lý lịch tư pháp.

đ) Bản lý lịch tự thuật của người nước ngoài (theo mẫu và phải dán ảnh).

e) Bản sao chứng nhận về trình độ tay nghề.

g) 03 ảnh mầu cỡ 3x4.

Các loại giấy tờ này nếu do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và dịch ra tiếng Việt; bản dịch, bản sao phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2.2 Trình tự: Đơn vị có tránh nhiêm đến Sở LĐTB&XH nộp tại phòng tiếp nhận hồ sơ. Phòng tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm chuyển cho phòng chuyên môn ( phòng chính sách LĐ-TC ) để xử lý.

2.3 Thời gian giải quyết: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định sẽ được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Điều 5. Mức thu lệ phí:

 1. Dự án vay vốn 120: Đối tượng vay vốn không phải nộp lệ phí.

 2. Cấp giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài mức thu lệ phí là 5.000 đồng/ 01giấy phép. ( Trả lệ phí mua hồ sơ tại Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ).

Chương III

THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM

Điều 6. Lĩnh vực lao động việc làm:

1. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố và các tổ chức đoàn thể tiếp nhận dự án, chủ trì phối hợp với ngành Lao động TBXH, Ngân hàng Chính sách xã hội tiến hành kiểm tra, thẩm định, tổng hợp xét duyệt đề nghị lên Ban điều hành tỉnh ( qua sở LĐTBXH ).

2. Ban điều hành tỉnh sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở lao động - Thương binh và xã hội ( cơ quan thường trực BĐH ) chủ trì, phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiểm tra, xem xét từng hồ sơ dự án, lập biên bản xét duyệt dự án, bảng tổng hợp và tờ trình đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, ra quyết định cho vay.

3. UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cho vay vốn 120 và thông báo cho các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể để thông báo cho đối tượng vay vốn đến Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương làm thủ tục rút tiền vốn.

Điều 7. Lĩnh vực cấp phép lao động cho lao động người nước ngoài:

1. Đơn vị ,Tổ chức có lao động người nước ngoài làm việc chịu trách nhiệm đến cơ quan quản lý về lao động của tỉnh để đăng ký cấp giấy phép lao động, hưỡng dẫn cho lao động hoàn tất các thủ tục theo hồ sơ và nộp cho Sở Lao động - TB&XH để làm thủ tục cấp giấy phép

2. Trách nhiệm của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Lao động - TB&XH:

a) Niêm yết công khai các quy định về thủ tục, hồ sơ, thời gian giải quyết, mức thu lệ phí của công việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.

b) Tiếp nhận và có trách nhiệm giải quyết công việc cho người sử dụng lao động theo đúng thời gian đã hẹn, thu lệ phí theo đúng quy định.

c) Chủ động thẩm tra lại hồ sơ nếu đủ điều kiện trình giám đốc ký giấy phép lao động và chuyển trả kết quả theo đúng thời gian đã hẹn.

d) Có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi quá trình thực hiện các công việc đã giải quyết nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm về kết quả công việc do phòng giải quyết.

3. Giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền ký cấp giáy phép lao động cho lao động là người nước ngoài làm việc tại địa phương.

ChươngIV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Lĩnh vực cho vay vốn 120:

1. Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng, các tổ chức đoàn thể thuộc phạm vi quản lý, triển khai kế hoạch vay vốn, đẩy nhanh tiến độ cho vay, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, giám sát các chủ dự án sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

2. Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạo hệ thống nghiệp vụ của ngành căn cứ các qui định tại các Thông tư liên bộ về cho vay vốn giải quyết việc làm, thực hiện có hiệu quả công tác cho vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn các huyện, thành phố.

Điều 9. Lĩnh vực cấp phép cho lao động người nước ngoài:

1.Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên đại bàn tỉnh.

b) Theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

c) Kiểm tra, thanh tra việc sử dụng lao động là người nước ngoài tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh theo đúng chức năng.

d) Lưu trữ hồ sơ xin cấp giấy phép lao động, hồ sơ xin gia hạn giấy phép lao động, hồ sơ xin cấp lại giấy phép lao động.

đ) Thu hồi giáy phép lao động đã hết hiệu lực.

2. Trách nhiệm của Sở Tư pháp: Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người lao động nước ngoài theo đúng chức năng.

3. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

 Hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại Lạng Sơn.

4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động:

a) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động Việt Nam và các quy định khác có liên quan của Việt Nam về xin cấp giấy phép lao động, quản lý người nước ngoài lao động tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.

b) Báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Sở Lao động Thương binh và xã hội có trách nhiệm hướng dẫn các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung hoặc sửa đổi Quy định cho phù hợp.