Quyết định 4229/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020
Số hiệu: | 4229/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Trần Minh Cả |
Ngày ban hành: | 20/12/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức chính trị - xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4229/QĐ-UBND |
Quảng Nam, ngày 20 tháng 12 năm 2011 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2011 – 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cư Quyết định số 148/2005/QĐ-TTg ngày 17/6/2005 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ Trình số 457/TTr- SKHĐT ngày 02/12/2011 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
- Phát triển nhân lực nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2020.
- Phát triển nhân lực phải gắn với sự hoàn thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, biểu hiện ở việc nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật, sức khỏe, thể lực và phẩm chất, đạo đức của nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn phát triển.
- Phát triển nhân lực cần kết hợp chặt chẽ giữa việc đào tạo với việc sử dụng nhân lực, tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động; chú trọng đào tạo nghề khu vực nông nghiệp, nông thôn.
- Phát triển nhân lực trên cơ sở đa dạng hóa các nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là nguồn lực chủ yếu.
a) Mục tiêu tổng quát
Phát triển nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng, hướng tới một cơ cấu nhân lực hợp lý; gia tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao; cải thiện trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực nhận thức của nhân lực. Phân bố lại dân cư và lao động trên địa bàn tỉnh nhằm đạt được cơ cấu lao động hợp lý giữa các vùng, các ngành kinh tế, giữa nông thôn và thành thị, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Phát triển thị trường lao động, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu việc làm của người lao động, đồng thời sẵn sàng hội nhập thị trường lao động khu vực và thế giới, tăng cường thu hút nhân lực chất lượng cao.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2015:
+ Cơ cấu lao động tham gia hoạt động kinh tế: Nông Lâm nghiệp và Thủy sản: 49,7%; công nghiệp và xây dựng: 25,6%; dịch vụ: 24,7%.
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%, trong đó lao động qua đào tạo nghề chiếm 45% trên tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế.
+ Giải quyết việc làm mới bình quân hàng năm 40.000 lao động.
+ Thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4,5%.
- Đến năm 2020:
+ Cơ cấu lao động tham gia hoạt động kinh tế: Nông Lâm nghiệp và Thủy sản: 41,3%; công nghiệp và xây dựng: 31,6%; dịch vụ: 27,1%.
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó lao động qua đào tạo nghề chiếm 60% trên tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế.
+ Giải quyết việc làm mới bình quân hàng năm 50.000 lao động.
+ Thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.
II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020
1. Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo
Nâng cao số lượng nhân lực được đào tạo theo các cấp trình độ, chú ý nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm cung ứng cho các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tăng tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế với cơ cấu hợp lý.
a) Đến năm 2015:
Trong tổng số nhân lực đang làm việc, có khoảng 505,7 nghìn người qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 57% trên tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế; trong đó qua đào tạo nghề 399,2 nghìn người, chiếm tỷ lệ 45% và qua đào tạo chuyên nghiệp là 106,5 nghìn người, chiếm tỷ lệ 12%, bao gồm:
- Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng: 275,0 nghìn người, chiếm tỷ lệ 31%.
- Trung cấp nghề: 115,3 nghìn người, chiếm tỷ lệ 12%.
- Cao đẳng nghề: 8,8 nghìn người, chiếm tỷ lệ 1%.
- Trung cấp chuyên nghiệp: 44,3 nghìn người, chiếm tỷ lệ 5%.
- Cao đẳng, đại học và trên đại học: 62,1 nghìn người, chiếm tỷ lệ 7%.
b) Đến năm 2020:
Trong tổng số nhân lực đang làm việc, có khoảng 693,7 nghìn người qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 75% trên tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế, trong đó qua đào tạo nghề là 555,0 nghìn người, chiếm tỷ lệ 60% và qua đào tạo chuyên nghiệp là 138,7 nghìn người, chiếm tỷ lệ 15%, bao gồm:
- Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng: 323,7 nghìn người, tỷ lệ 35%.
- Trung cấp nghề: 203,5 nghìn người, tỷ lệ 20%.
- Cao đẳng nghề: 27,7 nghìn người, tỷ lệ 5%.
- Trung cấp chuyên nghiệp: 55,5 nghìn người, tỷ lệ 6%.
- Cao đẳng, đại học và trên đại học: 83,2 nghìn người, tỷ lệ 9%.
2. Phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực
Tiếp tục phát triển nhân lực phù hợp với phát triển cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng giảm dần lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp và tăng dần lao động các khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
a) Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp
Nhân lực lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2010 có 484.410 người, chiếm tỷ lệ 59,2% trên tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế. Đến năm 2015 còn khoảng 440.910 người, chiếm tỷ lệ 49,7% và năm 2020 có khoảng 382.000 người, chiếm tỷ lệ 41,3% .
b) Khu vực công nghiệp - xây dựng
Nhân lực lĩnh vực công nghiệp - xây dựng năm 2010 có 147.739 người, chiếm tỷ lệ 18,0% trên tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế. Đến năm 2015 tăng lên khoảng 227.350 người, chiếm tỷ lệ 25,6% và năm 2020 có khoảng 292.635 người, chiếm tỷ lệ 31,6% .
c) Khu vực dịch vụ
Nhân lực lĩnh vực dịch vụ năm 2010 có 186.803 người, chiếm 22,8% trên tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế. Đến năm 2015 tăng lên khoảng 218.882 người, chiếm tỷ lệ 24,7% và năm 2020 có khoảng 250.310 người, chiếm tỷ lệ 27,1% .
3. Nhu cầu lao động cần đào tạo mới giai đoạn 2011 - 2020
Tổng nhu cầu đào tạo nhân lực thời kỳ 2011-2020 khoảng 450 nghìn người, bình quân mỗi năm cần đào tạo 45 nghìn người. Trong đó, nhu cầu đào tạo hệ chuyên nghiệp (từ trình độ trung cấp đến đại học và sau đại học) khoảng 76 nghìn người; đào tạo nghề (từ dạy nghề dưới 3 tháng đến trình độ cao đẳng nghề) khoảng 374 nghìn người.
a) Giai đoạn 2011 - 2015
Tổng số nhân lực cần đào tạo khoảng 211. 000 người, trong đó:
- Đào tạo hệ giáo dục chuyên nghiệp: 33.000 người.
- Đào tạo hệ dạy nghề: 178.000 người.
b) Giai đoạn 2016 - 2020
Tổng số nhân lực cần đào tạo khoảng 239. 000 người, trong đó:
- Đào tạo hệ giáo dục chuyên nghiệp: 43.000 người.
- Đào tạo hệ dạy nghề: 196.000 người.
4. Nhu cầu đào tạo công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015
- Đào tạo chuyên môn: 1.457 người.
- Đào tạo lý luận chính trị: 2.000 người.
- Đào tạo ngoại ngữ: 700 người.
- Đào tạo cán bộ chủ chốt cấp xã: 500 người.
- Bồi dưỡng: 25.500 người.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực
a) Các cấp, các ngành và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về vai trò của việc phát triển nhân lực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
b) Tác động đến nhận thức của đại bộ phận xã hội về các thang bậc giá trị trong xã hội, từ đó thay đổi nhận thức của xã hội về hướng nghiệp và dạy nghề, nhằm giúp người dân nhận thức được học nghề là cơ hội để tìm kiếm việc làm cho bản thân, ổn định thu nhập gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống.
c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người hiểu rõ chính sách phát triển nhân lực của Nhà nước, vận động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực để sử dụng với chất lượng ngày càng cao.
2. Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực
a) Hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý về phát triển nhân lực.
b) Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
c) Hình thành Hội đồng đào tạo nhân lực ở cấp tỉnh.
d) Hình thành cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cân đối cung cầu nhân lực để phụ vụ cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
e) Hình thành Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
3. Đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng nhân lực
a) Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.
- Mạng lưới đào tạo hệ chuyên nghiệp
+ Đến năm 2015 có tổng cộng 11 trường, trong đó có 3 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp.
+ Đến năm 2020 có tổng cộng 11 trường, trong đó có 4 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp.
- Mạng lưới đào tạo nghề
+ Đến năm 2015 có tổng cộng 50 cơ sở dạy nghề, trong đó có 3 trường cao đẳng nghề, 4 trường trung cấp nghề, 7 trung tâm dạy nghề và 36 cơ sở dạy nghề khác.
+ Đến năm 2020 có tổng cộng 60 cơ sở dạy nghề, trong đó có 5 trường cao đẳng nghề, 4 trường trung cấp nghề, 11 trung tâm dạy nghề và 40 cơ sở dạy nghề khác.
b) Bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo nhân lực.
c) Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với chuẩn đầu ra của mỗi chương trình mà người học cần đạt được.
d) Lựa chọn ngành mũi nhọn của địa phương để ưu tiên đào tạo.
4. Ban hành các chính sách về việc làm, thị trường lao động, điều kiện làm việc
a) Chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội.
b) Chính sách về nhà ở và các điều kiện sinh sống, định cư.
c) Chính sách phát triển thị trường lao động và hệ thống công cụ, thông tin thị trường lao động.
c) Chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài.
5. Tăng cường sự phối hợp và hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực
a) Phối hợp và hợp tác với các cơ quan, tổ chức Trung ương.
b) Phối hợp và hợp tác với các tỉnh bạn.
c) Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế.
6. Đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhân lực
a) Dự báo nhu cầu vốn
Căn cứ nhu cầu phát triển nhân lực, dự báo tổng nhu cầu vốn cho phát triển nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020 cần có khoảng 6.300 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu kinh phí sự nghiệp đào tạo nhân lực khoảng 4.300 tỷ đồng, nhu cầu vốn đầu tư phát triển cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo của Nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2011 - 2015: Tổng nhu cầu vốn cần có khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu kinh phí sự nghiệp đào tạo khoảng 1.800 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư phát triển khoảng 1.200 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2011 - 2015: Tổng nhu cầu vốn cần có khoảng 3.300 tỷ đồng, trong đó nhu cầu kinh phí sự nghiệp đào tạo khoảng 2.500 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư phát triển khoảng 800 tỷ đồng.
b) Huy động các nguồn vốn
- Dự kiến cơ cấu huy động các nguồn vốn như sau:
+ Ngân sách trung ương: 3.150 tỷ đồng, tỷ lệ 50%.
+ Ngân sách địa phương: 1.260 tỷ đồng, tỷ lệ 20%.
+ Nguồn vốn các chương trình, dự án ODA: 630 tỷ đồng, tỷ lệ 10%.
+ Nguồn vôn doanh nghiệp: 630 tỷ đồng, tỷ lệ 10%.
+ Nguồn huy động khác (người học và huy động khác): 630 tỷ đồng, tỷ lệ 10%.
- Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm thiết bị đào tạo cần có sự đầu tư chủ yếu từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh đối với các cơ sở đào tạo công lập. Đối với các cơ sở đào tạo ngoài công lập, chủ yếu sử dụng nguồn thu của người đi học và huy động xã hội hóa.
- Đối với kinh phí sự nghiệp đào tạo nhân lực, ngoài vốn ngân sách tỉnh bố trí hàng năm, cần huy động thêm kinh phí do người được đào tạo chi trả cho các cơ sở đào tạo. Mặt khác các cơ sở đào tạo cần lồng ghép các chương trình, dự án khác hoặc kêu gọi các nguồn tài trợ để tạo thêm vốn cho đào tạo.
- Khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực để phục vụ cho doanh nghiệp; xây dựng quy chế gắn kết doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nhân lực, mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước thành lập cơ sở đào tạo nhân lực theo quy định của pháp luật.
- Quy hoạch quỹ đất dành cho phát triển các cơ sở đào tạo trong tương lai trên cơ sở đề án, chiến lược được phê duyệt, đảm bảo nhu cầu diện tích đất cho việc xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình theo chuẩn quốc gia; quy hoạch và bố trí đất đai cho các cơ sở sản xuất tập trung xây dựng nhà ở cho công nhân lao động.
7. Các chương trình, dự án ưu tiên
a) Các chương trình, dự án đào tạo nhân lực và giải quyết việc làm.
- Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020.
- Đề án tiếp tục đổi mới và phát triển dạy nghề tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2008 - 2015.
- Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020.
- Đề án tổ chức Sàn giao dịch việc làm tỉnh Quảng Nam đến năm 2015.
- Đề án nâng cao năng lực Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015.
b) Chương trình, dự án đào tạo lại và bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nhân lực.
- Đề án đào tạo nghề trọng điểm đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp.
- Đề án đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2015.
c) Các dự án đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực trên địa bàn tỉnh.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện Quy hoạch, đồng thời hướng dẫn các Sở, Ban, ngành, địa phương xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực của đơn vị, địa phương phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh và đưa vào kế hoạch 5 năm, hàng năm của ngành và địa phương.
2. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực chung của tỉnh và yêu cầu phát triển của từng ngành, địa phương.
3. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt phải công khai Quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, nhân dân biết, tham gia kiểm tra, giám sát và theo dõi tình hình thực hiện Quy hoạch.
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Nghiên cứu đề xuất việc thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ và tham mưu kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2020.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm, các đề án, chương trình cụ thể hóa quy hoạch cho từng giai đoạn, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp UBND tỉnh kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch. Định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy hoạch và đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời, phù hợp với nhiệm vụ phát triển từng thời kỳ và hằng năm.
- Chủ trì, tham mưu đề xuất UBND tỉnh kế hoạch đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo có sử dụng nguồn vốn ngân sách trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề ngoài công lập.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung Quy hoạch liên quan đến lĩnh vực đào tạo hệ giáo dục chuyên nghiệp tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định;
- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp triển khai thực hiện quy hoạch có hiệu quả;
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung Quy hoạch liên quan đến lĩnh vực dạy nghề, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định;
- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề triển khai thực hiện quy hoạch có hiệu quả;
- Chủ động lập kế hoạch sử dụng đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và phát triển nhân lực phục vụ công tác đào tạo nghề theo Quy hoạch;
- Tổ chức triển khai Đề án thông tin thị trường lao động;
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế phối hợp, thu thập thông tin về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp mới thành lập trong quá trình đăng ký kinh doanh.
4. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh;
- Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm phát triển nhân lực tỉnh Quảng Nam trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách, thu hút nhân lực trình độ cao nhằm phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
5. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đào tạo phát triển nhân lực theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan trong việc tham mưu huy động các nguồn vốn cho đào tạo nhân lực.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở đào tạo và UBND các huyện, thành phố rà soát, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương đảm bảo đủ quỹ đất để phát triển các cơ sở đào tạo.
7. Sở Ngoại vụ
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan kêu gọi đầu tư từ nguồn viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài phục vụ cho việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
8. Sở Khoa học và Công nghệ
- Nghiên cứu xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu về các chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ ở trong nước và ngoài nước trong các ngành, lĩnh vực quan trọng để phục vụ cho yêu cầu phát triển nhân lực của tỉnh đạt hiệu quả cao.
- Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách thu hút nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
9. UBND các huyện, thành phố
- Xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực chung của tỉnh và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
- Tham gia phối hợp thực hiện các chương trình, đề án đào tạo, dạy nghề cho các đối tượng đặc thù (người nghèo, người dân bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng…) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 1216/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 Ban hành: 05/09/2012 | Cập nhật: 11/09/2012
Quyết định 1216/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 Ban hành: 22/07/2011 | Cập nhật: 27/07/2011
Quyết định 148/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 Ban hành: 17/06/2005 | Cập nhật: 20/05/2006