Quyết định 42/2005/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý việc mua sắm, sửa chữa và xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 68/2004/QĐ-UBBT Tỉnh Bình Thuận
Số hiệu: 42/2005/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Huỳnh Tấn Thành
Ngày ban hành: 24/06/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2005/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 24 tháng 6 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ QUẢN LÝ VIỆC MUA SẮM, SỬA CHỮA VÀ XỬ LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 68/2004/QĐ-UBBT NGÀY 10/9/2004 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước;

- Căn cứ Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu thầu;

- Căn cứ Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999;

- Căn cứ Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế quản lý việc xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp;

- Căn cứ Thông tư số 121/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện đầu tư mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc đối với các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp Nhà nước sử dụng nguồn ngân sách nhà nước;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý việc mua sắm, sửa chữa và xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 68/2004/QĐ-UBBT ngày 10/9/2004 của Ủy ban nhân dân Tỉnh như sau:

1./ Điều 5 được sửa đổi như sau:

“Điều 5: Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản.

Các cơ quan hành chính sự nghiệp khi mua sắm tài sản phục vụ yêu cầu công tác của cơ quan, đơn vị phải thực hiện theo đúng thẩm quyền sau:

1/ Chủ tịch UBND Tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính đối với:

a- Tài sản là nhà thuộc trụ sở làm việc, các công trình xây dựng gắn liền với đất.

b- Phương tiện đi lại là xe ô tô, phương tiện vận tải, phương tiện đường thủy, các loại xe chuyên dùng.

c- Tài sản mua sắm có đơn giá hoặc tổng giá trị mua sắm từ 200 triệu đồng trở lên cho một lần mua sắm (một gói thầu).

2/ Ủy quyền Giám đốc Sở Tài chính quyết định đối với:

a- Xe mô tô, xe gắn máy do các đơn vị thuộc Tỉnh quản lý.

b- Tài sản mua sắm có đơn giá hoặc tổng giá trị mua sắm từ 100 triệu đến dưới 200 triệu đồng của các cơ quan hành chính sự nghiệp cấp Tỉnh.

3/ Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp Tỉnh quyết định đối với tài sản mua sắm có đơn giá hoặc tổng giá trị mua sắm dưới 100 triệu đồng do đơn vị quản lý (trừ các tài sản thuộc thẩm quyền tại khoản 1,2 điều này).

4/ Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp có thu, được UBND Tỉnh giao tự chủ tài chính theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP quyết định đối với tài sản mua sắm có đơn giá hoặc tổng giá trị mua sắm dưới 100 triệu đồng (trừ các tài sản thuộc thẩm quyền tại khoản 1,2 điều này).

5/ Ủy quyền Chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định trên cơ sở đề nghị của Phòng Tài chính - Kế hoạch đối với tài sản mua sắm có đơn giá hoặc tổng giá trị mua sắm dưới 200 triệu đồng của các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc huyện, thành phố quản lý (trừ các tài sản thuộc thẩm quyền tại khoản 1 điều này).

Tùy đặc điểm cụ thể từng địa phương, Chủ tịch UBND huyện, thành phố có thể phân cấp cho Thủ trưởng các đơn vị thuộc huyện, thành phố quản lý; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn quyết định mức mua sắm”.

2./ Khoản 3 Điều 6 được sửa đổi như sau:

“Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh quyết định sửa chữa đối với tài sản do đơn vị quản lý có giá trị sửa chữa dưới 50 triệu đồng (kể cả sửa chữa nhà thuộc trụ sở làm việc, các công trình xây dựng gắn liền với đất).

Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp có thu, được UBND Tỉnh giao tự chủ tài chính theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP quyết định sửa chữa đối với tài sản do đơn vị quản lý có giá trị sửa chữa dưới 100 triệu đồng (kể cả sửa chữa nhà thuộc trụ sở làm việc, các công trình xây dựng gắn liền với đất).

Trường hợp sửa chữa nhà cửa, vật kiến trúc có tính chất xây dựng cơ bản, hồ sơ thủ tục thực hiện theo quy định hiện hành”.

3./ Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“Các hình thức mua sắm:

a- Tài sản mua sắm có đơn giá hoặc tổng giá trị mua sắm từ 200 triệu đồng trở lên phải tổ chức đấu thầu theo quy định tại Thông tư 121/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính và theo Quy chế Đấu thầu hiện hành của Tỉnh.

b- Tài sản mua sắm có đơn giá hoặc tổng giá trị mua sắm từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì thực hiện mua sắm theo phương thức chào giá cạnh tranh. Mỗi gói thầu phải có ít nhất 03 chào giá của 03 nhà thầu khác nhau trên cơ sở chào hàng của bên mời thầu. Việc gửi chào hàng có thể được thực hiện bằng cách gửi trực tiếp, bằng Fax, bằng bưu điện hoặc bằng phương tiện khác. Trong trường hợp không đủ số lượng nhà thầu theo quy định thì bên mời thầu phải trình cấp có thẩm quyền quyết định.

c- Thủ trưởng các cơ quan hành chính sự nghiệp quyết định chọn nhà cung cấp, chịu trách nhiệm về giá cả và kết quả mua sắm đối với:

- Tài sản mua sắm có đơn giá hoặc tổng giá trị mua sắm dưới 5 triệu đồng, đơn vị thực hiện mua sắm không phải qua thẩm định giá của cơ quan Tài chính và không cần phải có báo giá.

- Tài sản mua sắm có đơn giá hoặc tổng giá trị mua sắm từ 5 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, đơn vị thực hiện mua sắm không phải qua thẩm định giá của cơ quan Tài chính, nhưng phải có báo giá của ít nhất là 03 nhà cung cấp có đủ tư cách pháp nhân, các báo giá đều phải được lưu vào hồ sơ kế toán”.

4./ Khoản 3 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Các cơ quan hành chính sự nghiệp khi thực hiện mua sắm tài sản theo hình thức đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh phải lập kế hoạch đấu thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Quy chế đấu thầu, chào hàng cạnh tranh mua sắm tài sản.

Cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu là cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu theo quy định hiện hành của UBND Tỉnh”.

 

5./ Khoản 5 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“Kết quả đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh phải được thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quy định hiện hành của UBND Tỉnh.

Sau khi có Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị mua sắm tài sản tiến hành ký kết hợp đồng với nhà thầu, thực hiện hợp đồng và tổ chức nghiệm thu, bàn giao theo đúng quy định hiện hành”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các nội dung khác vẫn thực hiện theo quy định tại Quyết định số 68/2004/QĐ-UBBT ngày 10/9/2004 của UBND Tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý việc mua sắm, sửa chữa và xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các Hội, Đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3
- Thủ tướng Chính phủ (báo cáo)
- Vụ pháp chế (Bộ Tài chính)
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp)
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND Tỉnh (báo cáo)
- Đoàn Đại biểu Quốc hội
- Mặt trận Tổ quốc Tỉnh
- CT, các PCT UBND Tỉnh
- Chánh, Phó Văn phòng UBND Tỉnh
- Báo, Đài PTTH Bình Thuận
- Lưu: VP; CV VP UBND Tỉnh

TM. UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành