Quyết định 416/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang
Số hiệu: 416/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Vũ Đức Đam
Ngày ban hành: 17/04/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 416/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT CHÙA VĨNH NGHIÊM, TỈNH BẮC GIANG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thng cảnh;

Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình s 71/TTr- BVHTTDL ngày 02 tháng 4 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang với các nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi và ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch

a) Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch, bao gồm:

- Toàn bộ khu vực bảo vệ I và bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm (sau đây gọi là chùa Vĩnh Nghiêm) có diện tích 2,04527ha, trong đó diện tích khu vực bảo vệ I là 0,90678 ha, diện tích khu vực bảo vệ II là 1,13849ha.

- Phần đất mở rộng nằm liền kề di tích, gồm: khuôn viên di tích chùa Vĩnh Nghiêm mới được mở rộng về phía Đông; đất dân cư thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên; đất bãi ven sông Lục Nam; đất các công trình hạ tầng kỹ thuật; đất nông nghiệp (chủ yếu là đất ruộng xen kẹt).

b) Ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch được xác định như sau: Phía Đông giáp sông Lục Nam và xã Vũ Xá, huyện Lục Nam; phía Tây giáp khu tái định cư xã Trí Yên, huyện Yên Dũng; phía Bắc giáp khu dân cư thôn Đức Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng và phía Nam giáp khu dân cư thôn Thanh Long và Đan Phượng, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng.

2. Đối tượng nghiên cứu, lập quy hoạch

- Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm và toàn bộ không gian cảnh quan, môi trường xung quanh di tích. Các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu, cộng đồng dân cư xung quanh. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

- Các yếu tố liên quan về môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội, cộng đồng dân cư, làng xóm, sông ngòi, đồng ruộng, bến bãi tiếp giáp và có sự ảnh hưởng trực tiếp đến di tích; các thể chế chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình hình sử dụng đất khu vực xung quanh di tích.

- Các di tích, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa trong khu vực gắn với quá trình hình thành và phát triển chùa Vĩnh Nghiêm và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm gắn với hoạt động phát triển du lịch bền vững.

- Các vấn đề về gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị di sản mộc bản.

3. Mục tiêu và tính chất

a) Mục tiêu lập quy hoạch

- Xác định đầy đủ giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của chùa Vĩnh Nghiêm, góp phần làm sáng tỏ thêm giá trị lịch sử, văn hóa của di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và xác định phương hướng bảo tồn di tích, di vật, bảo vật và di sản văn hóa phi vật thể, không gian lịch sử, văn hóa gắn với di tích và cảnh quan, môi trường xung quanh nhằm đưa chùa Vĩnh Nghiêm thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng gắn với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; kết nối chùa Vĩnh Nghiêm với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Giang và đặc biệt là quần thể di tích vùng Yên Tử để tạo thành một sản phẩm du lịch văn hóa phong phú.

- Xác định ranh giới bảo vệ di tích làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích; chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

- Định hướng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

- Là căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án thành phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo đồ án quy hoạch được duyệt. Xây dựng các quy định quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích, các giải pháp quản lý và bảo vệ di tích.

b) Tính chất quy hoạch

Là quy hoạch đặc thù về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt; một trong những trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và là nơi lưu giữ mộc bản, di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới.

4. Nội dung nhiệm vụ Quy hoạch chủ yếu

a) Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích

- Nghiên cứu, khảo sát di tích:

+ Khảo sát, điều tra, sưu tầm tài liệu, tổng hợp các dữ liệu, số liệu về lịch sử, văn hóa của di tích và của vùng đất; chụp ảnh, vẽ ghi, phân tích đánh giá kiến trúc của các công trình và cảnh quan chùa Vĩnh Nghiêm; khảo sát đo đạc địa hình tỷ lệ 1/500 cho khuôn viên di tích và phần đất mở rộng di tích.

+ Khảo sát tình trạng kỹ thuật của di tích.

+ Khảo sát, xác định đặc trưng và các giá trị tiêu biểu của di tích (bao gồm: lịch sử hình thành và phát triển của chùa Vĩnh Nghiêm, các giá trị vật thể và phi vật thể gắn với di tích), vai trò của di tích trong mối liên hệ vùng về không gian lịch sử, văn hóa, đặc biệt là đối với quần thể di tích danh thắng Yên Tử và làm sáng tỏ thêm những giá trị lịch sử, văn hóa của di sản văn hóa vùng Yên Tử.

- Đánh giá hiện trạng khu vực di tích:

+ Đánh giá cấu trúc địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, sông ngòi, thủy văn, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội; hiện trạng về du lịch, lễ hội ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Vĩnh Nghiêm.

+ Đánh giá hiện trạng sử dụng đất, quỹ đất xây dựng thuộc các đồ án quy hoạch có liên quan trong đó cập nhật nội dung các đồ án quy hoạch đang được triển khai trong vùng; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực di tích.

+ Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của địa phương ảnh hưởng đến việc lập và triển khai quy hoạch; đánh giá tình hình đầu tư các dự án bảo tồn, tu bổ các di tích trong giai đoạn trước đây, các dự án có liên quan hỗ trợ phát huy giá trị, thực trạng hoạt động du lịch tại khu di tích và các vùng lân cận; nghiên cứu, khảo sát cộng đồng dân cư tại địa phương gắn bó với di tích; phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

- Đánh giá tình hình bảo vệ, quản lý, các hoạt động tín ngưỡng và các hoạt động phát huy giá trị di tích.

- Sưu tầm tư liệu, nghiên cứu các vấn đề về bảo quản và phát huy giá trị di sản mộc bản.

b) Xác định các vấn đề trọng tâm, các vấn đề cần ưu tiên giải quyết.

c) Xác định quan điểm, mục tiêu (dài hạn và ngắn hạn) của quy hoạch tổng thể di tích.

d) Dự báo phát triển và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của khu vực, bao gồm: Dự báo tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương; dự báo quá trình đô thị hóa; dự báo phát triển du lịch; dự báo tác động môi trường và biến đổi khí hậu đối với di tích và cảnh quan môi trường khu vực di tích; các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật.

đ) Định hướng quy hoạch bảo tồn, bảo quản và phát huy giá trị di tích.

- Xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di tích, kiến nghị điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp các khu vực bảo vệ chùa Vĩnh Nghiêm; xác định các khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới và khu dân cư cần bảo tồn.

- Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; phương hướng chung đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn bộ khu vực quy hoạch; danh mục và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với di tích; nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

- Định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan; bảo tồn, phát huy giá trị các công trình kiến trúc gốc và xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ để phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

- Tổ chức các không gian chức năng trong khu vực chùa Vĩnh Nghiêm, nhằm phát huy giá trị di tích như khu vườn trồng thị và cây thuốc nam, khu giới thiệu nghề khắc in mộc bản, khu lưu trú tăng ni - phật tử, khu trồng cây lưu niệm,... nội dung phải gắn kết với Phật giáo Trúc Lâm và đạo phật; khu cảnh quan thiên nhiên; các công trình tôn tạo xây dựng mới (độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng...) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch.

- Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của chùa Vĩnh Nghiêm và phát triển du lịch bền vững.

- Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản mộc bản hiện đang được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm.

e) Dự báo tác động môi trường và đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường trong khu vực quy hoạch.

g) Đề xuất danh mục các nhóm dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên và nguồn vốn đầu tư, bao gồm: Nhóm dự án giải phóng mặt bằng và cắm mốc giới bảo vệ di tích; nhóm dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các hạng mục kiến trúc gốc của di tích và xây dựng các công trình phụ trợ bên trong khu nội tự, phục vụ cho việc tụ tập và sinh hoạt tín ngưỡng của tăng ni, phật tử; nhóm dự án xây dựng các công trình phụ trợ bên ngoài khu nội tự và các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu di tích; nhóm dự án nghiên cứu di tích, di sản tư liệu và di sản văn hóa phi vật thể; nhóm dự án nâng cao năng lực quản lý và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.

h) Đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp thực hiện quy hoạch.

5. Hồ sơ sản phẩm

a) Hồ sơ sản phẩm bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật di sản văn hóa; Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.

- Cơ quan chủ trì thẩm định và trình duyệt: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan quản lý lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang.

- Cơ quan chủ đầu tư: Ủy ban nhân dân huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

- Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

b) Thời gian lập quy hoạch: Không quá 18 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập và trình duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang theo quy định; bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, CN, NN, KTTH, QHĐP;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG





Đức Đam