Quyết định 4141/QĐ-UBND năm 2014 quy định phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong ngành y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Số hiệu: 4141/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Lê Tiến Phương
Ngày ban hành: 25/12/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4141/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 25 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH PHÂN CẤP NHIỆM VỤ QUẢN LÝ VÀ THAM GIA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG NGÀNH Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố;

Căn cứ Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 13/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 của Liên Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương về hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 3128/TTr-SYT ngày 11 tháng 12 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong ngành y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị y tế công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ VỀ CÔNG TÁC AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA NGÀNH Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4141/QĐ-UBND ngày 25 25 tháng 12 năm 2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nguyên tắc phân công, phân cấp thực hiện các nhiệm vụ về công tác an toàn thực phẩm

1. Việc phân công, phân cấp thực hiện các nhiệm vụ về công tác an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải tuân thủ và thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

2. Đảm bảo sự quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật của cơ quan, đơn vị y tế cấp trên đối với cơ quan, đơn vị y tế cấp dưới.

3. Việc phân công, phân cấp thực hiện các nhiệm vụ về công tác an toàn thực phẩm phải phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan ngoài ngành y tế.

4. Đảm bảo nguyên tắc Một cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Điều 2. Nội dung phân công, phân cấp thực hiện các nhiệm vụ về công tác an toàn thực phẩm

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

2. Thanh tra, kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

3. Giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

4. Thực hiện kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm, thực phẩm và các biện pháp chuyên môn kỹ thuật khác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.

2. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẳn, căng -tin và bếp ăn tập thể.

3. Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự.

4. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là những quy chuẩn kỹ thuật và những quy định khác đối với thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích bảo đảm thực phẩm an toàn đối với sức khỏe, tính mạng con người.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 4. Trách nhiệm của Sở Y tế, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế

1. Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn:

a) Là đầu mối tổng hợp, báo cáo tình hình an toàn thực phẩm tại địa phương cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế;

b) Thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp của Bộ Y tế và của Liên Bộ Y tế - Bộ Công Thương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c) Chủ trì, phối hợp với các sở chuyên ngành tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các ngành khác khi có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và của Bộ Y tế; khi phát hiện thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm lưu thông trên địa bàn có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng; khi có sự khác biệt trong kết luận thanh tra của các sở chuyên ngành; theo đề nghị của các Sở chuyên ngành;

d) Định kỳ hằng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn; là đầu mối giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo thẩm quyền.

2. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là đơn vị tiếp nhận, thực hiện kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm, thực phẩm để tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác về an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cử viên chức tham gia công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Sở Y tế hoặc đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

3. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là cơ quan trực tiếp giúp Sở Y tế thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; có nhiệm vụ tổ chức thực hiện, điều hành các hoạt động công tác an toàn thực phẩm theo thẩm quyền được quy định tại Quyết định số 2046/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế và mối quan hệ công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức giải quyết (tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả) các thủ tục hành chính theo cơ chế Một cửa và Một cửa liên thông trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành, gồm:

a) Thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với tất cả các loại thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn (kể cả những thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ khác) chỉ thực hiện ở ngành y tế;

b) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở: cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế trên địa bàn; cơ sở nhỏ lẻ sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có yêu cầu bảo quản sản phẩm đặc biệt (không thuộc Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận); cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, gồm: cơ sở chế biến suất ăn sẵn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ăn uống, siêu thị, dịch vụ nấu ăn lưu động do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc Giấy chứng nhận đầu tư); căn tin hoặc bếp ăn tập thể trong các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học có quy mô phục vụ từ 200 người trở lên; các khu du lịch, lễ hội, hội nghị, hội chợ do tỉnh tổ chức quản lý; các cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 sở, ngành trở lên trong đó có sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế thì Chi cục An toàn toàn thực phẩm chịu trách nhiệm quản lý;

c) Thủ tục cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc quản lý của ngành y tế, gồm: nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thuộc lĩnh vực phân công quản lý của Bộ Y tế; xác nhận hồ sơ đăng ký tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành y tế trên địa bàn; xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm của các bộ, ngành khác quản lý khi quảng cáo có công bố tác dụng tới sức khỏe;

d) Thực hiện các nhiệm vụ của công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Sở Y tế.

Điều 5. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố

1. Tổ chức, điều hành Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện, thị xã, thành phố.

2. Chỉ đạo, thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh về an toàn thực phẩm.

3. Quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố bao gồm: các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do cấp huyện cấp giấy phép kinh doanh; dịch vụ nấu ăn lưu động, căn tin hoặc bếp ăn tập thể trong các bệnh viện tuyến huyện; bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học có quy mô phục vụ dưới 200 người; dịch vụ ăn uống, bếp ăn tại các khu du lịch, lễ hội, hội nghị, hội chợ do huyện tổ chức quản lý…

4. Thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ủy quyền cho Trung tâm Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền.

Điều 6. Trách nhiệm của Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Y tế tuyến huyện

1. Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát; tham mưu tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, các quy định và tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm thuộc tuyến huyện quản lý; tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm; chủ trì lập kế hoạch và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo phân cấp quản lý như tại Khoản 3 Điều 5; đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố ban hành quyết định xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định và theo dõi việc thực hiện các quyết định xử phạt.

2. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thống kê, báo cáo công tác an toàn thực phẩm; tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn về an toàn thực phẩm, phổ biến các quy định của pháp luật, kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ tuyến dưới và cộng đồng; tổ chức giải quyết (tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả) các thủ tục hành chính theo cơ chế Một cửa về an toàn thực phẩm và tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đối tượng được quy định tại Khoản 3 Điều 5 (hoặc thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đối tượng được quy định tại Khoản 3 Điều 5 khi được UBND huyện, thị xã, thành phố ủy quyền).

Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa bàn.

1. Tổ chức, điều hành Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm xã, phường, thị trấn.

2. Thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân cấp trên về an toàn thực phẩm.

3. Tổ chức kiểm tra, giám sát và giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện tỉnh, huyện quản lý.

Điều 8. Trách nhiệm của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn

Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan ở địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức thực hiện công tác tập huấn và thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại cộng đồng; thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Quy định này trình Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Điều 9. Tổ chức tập huấn và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm

Việc tổ chức tập huấn và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm được thực hiện theo nguyên tắc cấp nào cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì cấp đó tổ chức tập huấn và cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

Giao Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung Quy định này, tổ chức triển khai trong phạm vi ngành và địa phương mình.

Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, thì Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị báo cáo bằng văn bản về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế) để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.