Quyết định 414/QĐ-UB-NC năm 1994 về Quy chế sử dụng cộng tác viên thanh tra
Số hiệu: | 414/QĐ-UB-NC | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Trang Văn Quý |
Ngày ban hành: | 04/02/1994 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Khiếu nại, tố cáo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 414/QĐ-UB-NC |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 02 năm 1994 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ SỬ DỤNG CỘNG TÁC VIÊN THANH TRA
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 06 năm 1989;
- Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/1990 và Nghị định số 191/HĐBT ngày 18/6/1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy chế thanh tra viên và việc sử dụng cộng tác viên thanh tra;
- Xét đề nghị của Chánh Thanh tra thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này “Quy chế sử dụng cộng tác viên thanh tra” thuộc phạm vi thành phố.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.- Các đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chánh Thanh tra thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chánh quyền thành phố, Giám đốc các Sở ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận, Huyện và thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này.-
|
T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY CHẾ
SỬ DỤNG CỘNG TÁC VIÊN THANH TRA THUỘC PHẠM VI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 414/QĐ-UB-NC ngày 04 tháng 02 năm 1994 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG.
Điều 1.- Để bảo đảm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý Nhà nước, để đáp ứng phục vụ các yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất của các cấp, các ngành, các tổ chức thanh tra Nhà nước được phép sử dụng cộng tác viên trong hoạt động thanh tra.
Điều 2.- Cộng tác viên thanh tra phải là người có phẩm chất chính trị tốt; có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh khách quan; có hiểu biết sâu về chuyên môn, nghiệp vụ khoa học kỹ thuật chuyên ngành; có hiểu biết tình hình thực tế của hoạt động quản lý Nhà nước, kinh tế, xã hội; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trực tiếp của chánh, phó chánh thanh tra; trưởng phó đoàn, tổ thanh tra và được các tổ chức thanh tra Nhà nước trưng dụng.
Điều 3.- Cộng tác viên thanh tra được sử dụng vào những cuộc thanh tra đòi hỏi có kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu hoặc có trình độ cao trên từng lĩnh vực.
Cộng tác viên thanh tra được sử dụng vào từng việc, từng chuyên đề, do Chánh, phó Chánh thanh tra các cấp quyết định.
Thanh tra thành phố được phép sử dụng tối đa không quá 20 cộng tác viên thanh tra trong 1 năm.
Thanh tra quận, huyện, ngành, sở sử dụng tối đa không quá 5 cộng tác viên thanh tra trong năm.
Các cán bộ nghiệp vụ của các ngành tham gia đoàn thanh tra theo yêu cầu của thanh tra các cấp là thành viên của đoàn, không phải là cộng tác viên thanh tra.
Điều 4.- Kinh phí bồi dưỡng cho một cộng tác viên thanh tra sẽ có quy định riêng tùy theo mức độ và tính chất phức tạp của công việc.
Chương II
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 5.- Thanh tra thành phố, thanh tra quận, huyện, ngành, sở chủ động tuyển dụng cộng tác viên thanh tra trong số cán bộ còn tại chức trên cơ sở trao đổi tham khảo với các ngành có liên quan (của thành phố và các ngành của Trung Ương trên địa bàn thành phố), hoặc tuyển dụng cộng tác viên thanh tra trong số cán bộ đã nghỉ hưu nhưng phải có sức khỏe, có điều kiện, năng lực.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 6.- Căn cứ quy chế này, chánh, phó chánh thanh tra thành phố, quận, huyện, ngành, sở có kế hoạch sử dụng cộng tác viên thanh tra phù hợp, đáp ứng yêu cầu, đảm bảo phát huy hiệu lực, đạt hiệu quả, chất lượng thanh tra; lập dự toán kinh phí bồi dưỡng cộng tác viên thanh tra.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thủ trưởng các ban ngành sở có biện pháp phối hợp, tạo điều kiện thực hiện đầy đủ nội dung quy chế này.
Điều 7.- Bản quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Bản quy chế này sẽ được Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh khi cần thiết theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Thanh tra Nhà nước và đề nghị của Thanh tra thành phố, các địa phương, ban ngành khác có liên quan.-
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ