Quyết định 4124/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 4124/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ Người ký: Phạm Quang Thao
Ngày ban hành: 31/12/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4124/QĐ-UBND

Việt Trì, ngày 31 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP – TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2006 – 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 56/2007/NQ-CP ngày 20/01/2007 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Phú Thọ đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020”;

Căn cứ Nghị quyết số 102/2007/NQ-HĐND ngày 31/5/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 154/2008/NQ-HĐND ngày 13/10/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVI về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 – 2010, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 844/TTr-SCT ngày 01/12/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 – 2010, định hướng đến năm 2020 như sau:

1. Đánh giá kết quả sau 01 năm triển khai thực hiện quy hoạch:

Sau khi quy hoạch được thông qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các sở, ngành, huyện, thành, thị tích cực triển khai xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, hạ tầng cơ sở về điện, nước, giao thông … ở khu công nghiệp đã được thành lập theo quyết định của Chính phủ, bước đầu đã được đầu tư xây dựng và phát triển khá hoàn chỉnh, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; có 24 cụm công nghiệp được tỉnh phê duyệt đang triển khai thực hiện và có kết quả ở các mức độ khác nhau, một số dự án đầu tư đã đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy tính bình quân chung đạt trên 60% diện tích đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như: Vốn huy động cho đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp còn hạn chế, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của các nhà đầu tư; các dự án lớn, dự án công nghệ cao tuy đã có nhưng chưa nhiều, chủ yếu là các dự án có quy mô vừa và nhỏ, chưa tạo nguồn thu lớn cho ngân sách; hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp còn thấp … Lực lượng lao động trong các khu, cụm công nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Các công trình nhà ở của công nhân, bệnh viện, nhà trẻ, các điều kiện tiện ích xã hội khác chưa được đầu tư. Điều kiện sống của người lao động còn khó khăn.

Trong thời gian tới với nhiều yếu tố tác động: Sự hội nhập của đất nước với nền kinh tế thế giới; việc điều chỉnh địa giới Thủ đô Hà Nội ; các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng trung du, miền núi Bắc Bộ,… Đồng thời các dự án lớn của quốc gia và của tỉnh về hạ tầng, giao thông, điện, việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực … sẽ mở ra cơ hội về thu hút các dòng đầu tư vào tỉnh. Vì vậy việc triển khai quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp sẽ có thuận lợi và hiệu quả, ổn định lâu dài.

2. Nội dung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch:

a) Mục tiêu:

- Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quyết định tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế Phú Thọ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Khai thác triệt để lợi thế về quỹ đất và hạ tầng giao thông cho việc hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp được hiệu quả.

- Tạo quỹ đất hợp lý để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn, sử dụng nhiều quỹ đất thô nhằm tạo nên các vùng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn nhằm định hướng dành quỹ đất, đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm vào các khu vực có tiềm năng, đáp ứng nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất thu hút các nguồn lực về vốn, công nghệ … để phát triển mạnh công nghiệp của tỉnh, gắn sản xuất với thị trường, vùng nguyên liệu, lao động, giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường.

b) Nguyên tắc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch:

- Không làm thay đổi căn bản những nội dung đã có trong Nghị quyết số 102/2007/NQ-HĐND ngày 31/5/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, Quyết định số 2484/2007/QĐ-UBND ngày 01/10/2007 của UBND tỉnh; Kết luận số 232-KL/TU ngày 29/9/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Đảm bảo sử dụng quỹ đất tiết kiệm và hiệu quả, hạn chế sử dụng đất lúa (diện tích đất trồng lúa chiêm không quá 20% tổng diện tích đất quy hoạch khu công nghiệp).

- Điều chỉnh quy hoạch cần trọng tâm, trọng điểm không dàn trải.

- Có cơ cấu sử dụng quỹ đất phù hợp với nhu cầu thu hút đầu tư của tỉnh.

- Bố trí khu, cụm công nghiệp có các chức năng, cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch từng khu, cụm công nghiệp, đảm bảo tỉnh hài hòa giữa phát triển công nghiệp với yêu cầu phát triển bền vững và có bước đi phù hợp theo từng giai đoạn phát triển kinh tế.

- Các khu công nghiệp là nơi tập trung các dự án có công nghệ sạch, hiện đại tạo ra khối lượng sản phẩm lớn cho xuất khẩu, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách. Các cụm công nghiệp thu hút các dự án chế biến lâm sản, khoáng sản, dệt may, các dự án phát triển tiểu thủ công nghiệp.

c) Nội dung điều chỉnh, bổ sung:

- Đối với khu công nghiệp:

+ Mở rộng khu công nghiệp Trung Hà (huyện Tam Nông) từ 126ha lên 200ha giai đoạn 2008 – 2010.

+ Điều chỉnh mở rộng nâng 05 cụm công nghiệp thành 05 khu công nghiệp:

Cụm công nghiệp Phú Hà (thị xã Phú Thọ) thành khu công nghiệp đô thị dịch vụ Phú Hà từ 70ha lên 600ha (trong đó khu công nghiệp 400ha) giai đoạn 2008 – 2010.

Cụm công nghiệp Cổ Tiết (huyện Tam Nông) thành khu công nghiệp Tam Nông từ 30ha lên 350ha giai đoạn 2008 – 2010.

Cụm công nghiệp Đồng Phì (huyện Hạ Hòa) thành khu công nghiệp Hạ Hòa từ 35ha lên 400ha giai đoạn 2011 – 2015.

Cụm công nghiệp Hợp Hải – Kinh Kệ thành khu công nghiệp Lâm Thao từ 80ha lên 400ha giai đoạn 2015 – 2020.

Cụm công nghiệp Đồng Lạng (huyện Phù Ninh) thành khu công nghiệp Phù Ninh, diện tích 100 – 120ha (khu công nghiệp sạch).

+ Quy hoạch mới 02 khu công nghiệp:

Khu công nghiệp Cẩm Khê, bao gồm các xã: Tùng Khê, Cấp Dẫn, Sơn Tình, Xương Thịnh và Hương Lung, với diện tịch 450ha trong giai đoạn 2015 – 2020.

Khu công nghiệp Thanh Thủy, bao gồm các xã: Trung Nghĩa, Trung Thịnh, Hoàng Xá và Đồng Luận, với diện tích 250 ha trong giai đoạn 2015 – 2020.

Đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh có 09 khu công nghiệp (Thụy Vân, Trung Hà, Phù Ninh, Phú Hà, Tam Nông, Hạ Hòa, Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Thủy). Các khu công nghiệp Thụy Vân và Phú Hà mục tiêu trở thành khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ đô thị. Các khu công nghiệp được xây dựng đồng bộ: Thụy Vân, Phú Hà, Trung Hà sẽ giao cho nhà đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng. Các khu công nghiệp còn lại chủ yếu xây dựng đường kết nối giao thông, giao quỹ đất trọn gói cho nhà đầu tư. Định hướng các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch ít gây ô nhiễm môi trường: Khu công nghiệp Hạ Hòa, khu công nghiệp Phú Hà, khu công nghiệp Lâm Thao, khu công nghiệp Phù Ninh.

- Đối với cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp:

+ Quy hoạch mới 04 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp:

Cụm công nghiệp – làng nghề Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy; bao gồm các xã: Hoàng Xá và Trung Thịnh, với diện tích 30ha trong giai đoạn 2008 – 2010.

Cụm công nghiệp – làng nghề Phượng Lâu 1, thành phố Việt Trì; diện tích 80ha trong giai đoạn 2008 – 2010.

Cụm công nghiệp Lương Sơn, huyện Yên Lập; diện tích 50ha trong giai đoạn 2008 – 2010.

Cụm công nghiệp Phương Xá – Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê; diện tích 100ha trong giai đoạn 2011 – 2020.

+ Mở rộng quy mô 03 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp:

Cụm công nghiệp làng nghề hoa sinh vật cảnh Phượng Lâu 2, thành phố Việt Trì từ 20ha lên 25ha.

Cụm công nghiệp thị trấn Sông Thao từ 45ha lên 100ha, trong đó trước 2010 là 45ha, từ 2011 – 2020 là 55ha.

Cụm công nghiệp Tân Phú, huyện Tân Sơn từ 30ha lên 85ha, trong giai đoạn 2008 – 2010 là 40ha.

+ Giảm 03 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp: Cụm công nghiệp thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy; cụm công nghiệp Đồng Vực, huyện Cẩm Khê, cụm công nghiệp Ngọc Lập, huyện Yên Lập. Huyện đã có khu công nghiệp quy hoạch 01 cụm công nghiệp, huyện còn lại quy hoạch 1 – 2 cụm công nghiệp, hạn chế tối đa sử dụng đất trồng lúa quy hoạch cụm công nghiệp.

- Về diện tích các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp:

+ Giai đoạn 2008 – 2010: Tổng diện tích các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch được duyệt: 1.100ha, quy hoạch điều chính: 1.950ha, tăng 850ha. Trong đó: Các khu công nghiệp tăng: 924ha, các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giảm: 74ha so với quy hoạch được duyệt.

+ Giai đoạn 2011 – 2020: Tổng diện tích các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch được duyệt: 2.100ha, quy hoạch điều chỉnh: 2.050ha, giảm 50ha. Trong đó: Các khu công nghiệp giảm 70ha, các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng 20ha so với quy hoạch được duyệt.

- Về vốn đầu tư:

+ Giai đoạn 2008 – 2010: Tổng vốn đầu tư theo quy hoạch được duyệt: 2.235 tỷ đồng, quy hoạch điều chỉnh: 8.507 tỷ đồng, tăng 6.272 tỷ đồng. Trong đó: Các khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt: 410 tỷ đồng, quy hoạch điều chỉnh: 7.172 tỷ đồng, tăng 6.762 tỷ đồng; các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch được duyệt 1.825 tỷ đồng, quy hoạch điều chỉnh: 1.335 tỷ đồng, giảm 490 tỷ đồng so với quy hoạch được duyệt.

+ Giai đoạn 2011 – 2020: Tổng vốn đầu tư theo quy hoạch được duyệt: 6.285 tỷ đồng, quy hoạch điều chính: 6.589 tỷ đồng, tăng 304 tỷ đồng. Trong đó: Các khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt: 4.700 tỷ đồng, quy hoạch điều chỉnh: 5.174 tỷ đồng, tăng 474 tỷ đồng; các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch được duyệt: 1.585 tỷ đồng, quy hoạch điều chỉnh: 1.415 tỷ đồng, giảm 170 tỷ đồng so với quy hoạch được duyệt.

d) Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện:

- Tổ chức công khai cho dân biết; triển khai thực hiện quy hoạch dành quỹ đất và quản lý quỹ đất, lập quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

- Các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cần được quy hoạch đầu tư đồng thời với sự quy hoạch về hạ tầng kinh tế - xã hội. Thực hiện quy hoạch phát triển đồng bộ các khu công nghiệp với các công trình kết cấu bên ngoài hàng rào; các khu đô thị - dịch vụ công nghiệp, nhằm phát triển công nghiệp – đô thị bền vững, khai thác, sử dụng tốt quỹ đất đô thị, tạo vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.

- Có chính sách khuyến khích và tích cực vận động các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đã lập quy hoạch. Mở rộng các hình thức kinh doanh BOT, BO về cung cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, chất thải, khu nhà ở công nhân khu công nghiệp cho mọi thành phần kinh tế. Định hướng kêu gọi đầu tư vào những ngành nghề tạo ra hiệu quả kinh tế cao, công nghệ tiên tiến; hạn chế các ngành gây ô nhiễm môi trường.

- Chú trọng công tác xây dựng khu tái định cư, đào tạo nghề, dành quỹ đất kinh doanh dịch vụ để giải quyết việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất xây dựng khu, cụm công nghiệp. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ, đào tạo, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân; có biện pháp để bù vào sản lượng lương thực bị giảm do chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang phát triển các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

- Cải cách thủ tục hành chính đảm bảo thông thoáng trong việc xét duyệt các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cũng như xét duyệt các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu đã nêu trong Nghị quyết số 102/2007/NQ-HĐND ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan liên quan xây dựng các đề án thực hiện quy hoạch.

- Sở Công thương: Công bố công khai điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 – 2010, định hướng đến năm 2020 theo quy định; tham mưu với UBND tỉnh kế hoạch 5 năm, hàng năm thực hiện kế hoạch; chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh; làm đầu mối phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương liên quan xây dựng các đề án để thực hiện quy hoạch. Phối hợp thẩm định đề án thành lập các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của các huyện, thành, thị; phối hợp tham gia với Sở Xây dựng thẩm quyền quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn; phối hợp với UBND các huyện, thành, thị quản lý đầu tư hạ tầng khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổ chức xúc tiến đầu tư; hàng năm cân đối nguồn vốn để hỗ trợ, bổ sung một phần cho các huyện, thành, thị triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; rà soát, phân loại đánh giá ngành nghề các doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Sở Tài nguyên Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan lập đề án về xử lý môi trường tại các cơ sở sản xuất, các nhà máy trong khu, cụm công nghiệp; rà soát quỹ đất để làm căn cứ triển khai quy hoạch các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Ban quản lý các khu công nghiệp triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Ban trực tiếp quản lý phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh; phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, nhà máy hiện đang hoạt động trong khu công nghiệp (cụm công nghiệp trực thuộc) để đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch.

- Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương thẩm định đề án thành lập cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp do tỉnh quản lý; cân đối bổ sung biên chế cho Ban quản lý cụm công nghiệp của huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.

- UBND các huyện, thành, thị theo chức năng và pháp luật hiện hành có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch này, có trách nhiệm cân đối các nguồn lực để lập quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn, thành lập Ban quản lý để quản lý các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và phê duyệt quy chế hoạt động của Ban quản lý cụm công nghiệp (theo quy chế mẫu do tỉnh phê duyệt) và chỉ đạo thực hiện; phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp của địa phương; định kỳ báo cáo tình hình trong các cụm công nghiệp do địa phương quản lý; triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn theo pháp luật hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Quang Thao