Quyết định 412/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án quy hoạch hệ thống bến xe ô tô khách tỉnh Bình Định giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 412/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Lê Hữu Lộc
Ngày ban hành: 16/07/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 412/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 16 tháng 7 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG BẾN XE Ô TÔ KHÁCH TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2007 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP và Quyết định số 08/2005/QĐ-BGTVT ngày 10/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về bến xe ô tô khách;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án quy hoạch với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đề án: Quy hoạch hệ thống bến xe ô tô khách tỉnh Bình Định giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

2. Định hướng quy hoạch:

- Quy hoạch hệ thống bến xe ô tô khách phải gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh; phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh và phải đặt trong mối quan hệ với các phương thức vận tải hành khách khác.

- Quy hoạch hệ thống bến xe ô tô khách phải đáp ứng nhu cầu đi lại trước mắt và lâu dài của nhân dân địa phương và khu vực.

3. Nội dung quy hoạch:

Đến năm 2020 định hình trên địa bàn toàn tỉnh gồm 20 bến xe với tiêu chuẩn xây dựng gồm 01 bến xe loại 1, 05 bến xe loại 2, 07 bến xe loại 3, 04 bến xe loại 4, 03 bến xe loại 6, trên diện tích 240.000 - 250.000m2, trong đó diện tích đón trả khách từ 180.000 - 185.000m2. Một phần diện tích trong khu quy hoạch bến xe được sử dụng cho xe tải lưu đậu nhằm bảo đảm trật tự trong đô thị và thực hiện kinh doanh các dịch vụ khác để hỗ trợ cho hoạt động khai thác bến xe. Cụ thể như sau:

- Bến xe huyện An Lão: Tiêu chuẩn bến xe loại 4, diện tích 3.000m2 tại thôn Hưng Nhơn, xã An Tân; Bắc giáp khu dân cư, Nam giáp đường liên thôn; Đông giáp đất canh tác, Tây giáp chỉ giới tuyến ĐT 629 tại Km 31+200.

- Bến xe huyện Hoài Ân: Tiêu chuẩn bến xe loại 4, diện tích 4.000m2 tại vùng ruộng phía Bắc, giáp chỉ giới xây dựng đoạn Km 7+650 đến Km 7+800 tuyến ĐT 630 (dưới ngã tư Gò Cau, cách trung tâm huyện lỵ 2 km).

- Bến xe Bình Dương (huyện Phù Mỹ): Tiêu chuẩn bến xe loại 3, diện tích 8.560m2 tại trung tâm thị trấn; có giới cận Bắc giáp chùa Long Hoa, Nam giáp đường trục chính ĐS1 của thị trấn Bình Dương (giao cắt với QL1A tại km 1162+150 ), Đông giáp tuyến đường quy hoạch 1-3, Tây giáp khu dân cư.

- Bến xe Phù Mỹ: Tiêu chuẩn bến xe loại 3, diện tích 6.000m2 tại vị trí Hợp tác xã Vận tải 30/3 Phù Mỹ hiện nay; Bắc giáp đường vào sân vận động Phù Mỹ, Nam giáp suối Mỹ Hòa, Đông giáp chỉ giới đường Quốc lộ 1A tại Km 1176+150, Tây giáp sân vận động Phù Mỹ.

- Bến xe An Lương (huyện Phù Mỹ): Tiêu chuẩn bến xe loại 6, diện tích 1.000 m2, vị trí do UBND huyện Phù Mỹ quyết định.

- Bến xe Phù Cát: Tiêu chuẩn bến xe loại 3, diện tích 8.000m2 tại xã Cát Trinh; Bắc giáp đất ruộng, Nam cách Trường tiểu học xã Cát Trinh 200m, Đông giáp đất ruộng, Tây giáp chỉ giới Quốc lộ 1A tại Km 1194.

- Bến xe Chợ Gồm Bến xe Cát Khánh (huyện Phù Cát): Tiêu chuẩn bến xe loại 6, diện tích mỗi bến 1.000m2, vị trí do UBND huyện Phù Cát quyết định.

- Bến xe thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn): Tiêu chuẩn bến xe loại 2, diện tích 18.000m2 tại cụm dịch vụ dân cư đường Ngô Gia Tự - Quốc lộ 1A; Nam giáp khu dân cư đường Nguyễn Đình Chiểu, Đông Bắc giáp chỉ giới Quốc lộ 1A (mới) tại Km 1210, Tây giáp đường nội bộ.

- Bến xe thị trấn Đập Đá (huyện An Nhơn): Tiêu chuẩn bến xe loại 3, diện tích 5.110m2 tại khu đô thị mới thị trấn Đập Đá; Bắc giáp công viên, Nam giáp đường quy hoạch nội bộ, Đông giáp đường quy hoạch nội bộ, Tây giáp đường quy hoạch nội bộ.

- Bến xe huyện Vĩnh Thạnh: Tiêu chuẩn bến xe loại 4, diện tích 6.000m2 tại thôn Định Tố, xã Vĩnh Quang; Bắc giáp đất quy hoạch dân cư, Nam giáp đường quy hoạch huyện lỵ 12m, Đông giáp đường quy hoạch huyện lỵ 34m, Tây giáp đất quy hoạch dân cư.

- Bến xe Phú Phong (huyện Tây Sơn):

Giai đoạn trước năm 2010 sử dụng mặt bằng của HTX Vận tải 31/3 Tây Sơn có diện tích 3.000m2 làm bến xe loại 5.

Giai đoạn sau năm 2010 xây dựng bến xe tiêu chuẩn loại 2, diện tích khoảng 10.080 m2 tại vùng ruộng thôn Phú Xuân, xã Tây Xuân; Bắc giáp đường Phan Đình Phùng nối dài, Nam giáp chỉ giới Quốc lộ 19 tại Km 40+300 (cách cầu Đồng Sim về phía tây 800m), Đông giáp đường quy hoạch nội bộ, Tây giáp đường quy hoạch nội bộ.

- Bến xe Tây Bình (huyện Tây Sơn): Tiêu chuẩn bến xe loại 3, diện tích 6.070m2 tại thị tứ Mỹ An, xã Tây Bình; Đông Bắc giáp đường quy hoạch nội bộ số 16, Tây Bắc giáp đường quy hoạch nội bộ số 14, Nam giáp chỉ giới đường tỉnh ĐT 636 tại Km 12.

- Bến xe huyện Vân Canh: Tiêu chuẩn bến xe loại 4, diện tích 3.000 m2 tại làng Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh; Bắc và Nam giáp khu dân cư, Đông giáp đường quy hoạch nội bộ (cạnh chợ Vân Canh về phía Đông Bắc), Tây giáp chỉ giới tuyến ĐT 638.

- Bến xe Cát Tiến (Thị xã Cát Tiến): Tiêu chuẩn bến xe đối ngoại loại 2, diện tích 3 ha (theo quy hoạch được duyệt là Bến xe Bắc Nhơn Hội ).

- Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn: Đã được đầu tư xây dựng tại phường Ghềnh Ráng theo tiêu chuẩn loại 1.

- Bến xe Phú Tài (thuộc phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn): Tiêu chuẩn bến xe loại 2, diện tích 30.000m2 tại phường Trần Quang Diệu. Trong đó diện tích đón trả khách 20.000m2, diện tích còn lại 10.000m2 dùng làm bãi đậu xe tải và các dịch vụ khác.

- Bến xe Nam Nhơn Hội (thành phố Quy Nhơn): Tiêu chuẩn bến xe đối ngoại loại 2, diện tích 4 ha (theo quy hoạch được duyệt).

- Bến xe Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn):

Giai đoạn trước năm 2010 khai thác sử dụng bến xe hiện có tại thị trấn.

Giai đoạn sau năm 2010 xây dựng bến xe tiêu chuẩn loại 2, diện tích 29.620m2 tại khối Liêm Bình, thị trấn Bồng Sơn; Bắc giáp khu dân cư và đường Trần Hưng Đạo, Tây giáp chỉ giới xây dựng Quốc lộ 1A (tuyến đường tránh), Nam giáp khu quy hoạch trạm xăng dầu, Đông giáp khu quy hoạch dân cư (góc Đông Nam ngã tư ĐT 629 với QL1A mới).

- Bến xe Tam Quan (huyện Hoài Nhơn): Tiêu chuẩn bến xe loại 3, diện tích 10.000m2 tại khối 8, thị trấn Tam Quan; Bắc giáp cầu Thạnh Mỹ, Tây giáp ruộng lúa, Nam giáp chỉ giới xây dựng đường 26/3, Đông giáp chỉ giới xây dựng Quốc lộ 1A tại km 1129.

(Chi tiết theo hồ sơ Quy hoạch do Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải lập tháng 5/2007 và Phụ lục 1 - Bảng thống kê chi tiết về quy hoạch hệ thống bến xe kèm theo Quyết định này).

4. Nguồn vốn và cơ chế đầu tư:

Tổng vốn đầu tư đến năm 2020 khoảng 97,50 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 14,50 tỷ đồng hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng.

Đối với các bến xe ở các huyện miền núi (An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh) và huyện Hoài Ân, ngân sách huyện sẽ đầu tư từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng bến xe. Các bến xe hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải toàn bộ chi phí.

Đối với các bến xe tại thành phố Quy Nhơn và các huyện khác theo quy hoạch do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và khai thác theo quy định.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh, khai thác các bến xe tại thành phố Quy Nhơn và các huyện còn lại. Đơn vị kinh doanh, khai thác bến xe là doanh nghiệp.

Những hộ dân có đất trong phạm vi quy hoạch bến xe khách được tạo điều kiện tham gia đóng góp cổ phần tương ứng giá trị diện tích đất thu hồi, tham gia các dịch vụ phục vụ bến xe để có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

(Chi tiết xem phụ lục 2, 3 - Phân kỳ đầu tư xây dựng quy hoạch hệ thống bến xe kèm theo Quyết định này).

5. Tổ chức thực hiện:

a. Tổ chức hoạt động bến xe:

Bến xe là bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng để ô tô đón, trả khách; nơi các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện quyền quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Đơn vị khai thác bến xe chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ và của cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan tại bến xe.

Ban Quản lý bến xe thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về vận tải khách bằng ô tô trong bến xe.

b. Trách nhiệm của các sở, địa phương:

- Sở Giao thông vận tải:

+ Phối hợp với các sở, ban liên quan và UBND các huyện, thành phố công bố Quy hoạch theo quy định; tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện quy hoạch, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để trình những nội dung cập nhật mới nhất và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

+ Trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với bến xe tại địa phương.

+ Tham gia xét duyệt hồ sơ thiết kế đối với việc xây dựng các bến xe trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức nghiệm thu công bố việc đưa bến xe vào khai thác hoặc ngừng khai thác bến xe.

+ Phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh quyết định mô hình tổ chức, biên chế của Ban Quản lý bến xe phù hợp với Luật Giao thông đường bộ;

+ Tổ chức, quản lý và chỉ đạo hoạt động của Ban Quản lý bến xe theo Điều 62 Luật Giao thông đường bộ.

- Sở Xây dựng: Quy hoạch chi tiết bến xe Phú Tài gắn với quy hoạch phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn.

- Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Giao thông vận tải trình UBND tỉnh quyết định mô hình tổ chức, biên chế của Ban Quản lý bến xe phù hợp với Luật Giao thông đường bộ.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

+ Phối hợp với Sở Giao thông vận tải công bố quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng các bến xe trên địa bàn.

+ Bố trí kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các bến xe ở các huyện miền núi, trung du.

+ Chỉ đạo các lực lượng liên quan đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong công tác vận tải hành khách đường bộ; tổ chức cho xe đón, trả khách tại bến; xóa bỏ triệt để tình trạng bến cóc, xe dù.

Điều 2. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ban và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung có liên quan của Quy hoạch kèm theo Quyết định này; đồng thời định kỳ báo cáo tình hình, nhất là các khó khăn vướng mắc cho UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hữu Lộc

 

PHỤ LỤC 1

(Ban hành kèm theo Quyết định số 412/QĐ-UBND ngày 16/7/2007 của UBND tỉnh)

BẢNG THỐNG KÊ QUY HOẠCH HỆ THỐNG BẾN XE

TT

Bến xe

Tổng diện tích (m2)

Diện tích đón, trả khách (m2)

Loại bến xe

01

An Lão

3.000

3.000

4

02

Hoài Ân

4.000

4.000

4

03

Bình Dương

8.558

4.000

4

04

Phù Mỹ

6.000

6.000

3

05

Phù Cát

8.000

6.000

3

06

Đập Đá

5.108

5.100

3

07

Bình Định

18.000

10.000

2

08

Vĩnh Thạnh

6.000

3.000

4

09

Phú Phong

10.080

10.000

2

10

Tây Bình

6.070

6.070

3

11

Vân Canh

3.000

3.000

4

12

Cát Tiến (Bắc Nhơn Hội)

30.000

15.000

3

13

Phú Tài

30.000

20.000

2

14

Nam Nhơn Hội

40.000

20.000

2

15

Bồng Sơn

29.600

20.000

2

16

Tam Quan

10.000

8.000

3

17

Bến xe trung tâm Quy Nhơn

42.000

33.000

1

18

An Lương

1.000

1.000

6

19

Chợ Gồm

1.000

1.000

6

20

Cát Khánh

1.000

1.000

6

 

Tổng cộng

262.416

183.178

 

 

PHỤ LỤC 2

(Ban hành kèm theo Quyết định số 412/QĐ-UBND ngày 16/7/2007 của UBND tỉnh)

PHÂN KỲ ĐẦU TƯ

Giai đoạn 2007 - 2010: Tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng.

TT

Bến xe

Diện tích

(m2)

Kinh phí (tỷ đồng)

Tổng số

Trong đó

Đền bù GPMB

San lấp mặt bằng

Xây dựng

01

An Lão

3.000

3,5

1,0

0,5

2,0

02

Hoài Ân

4.000

3,5

0,5

0,5

2,5

03

Tam Quan

10.000

6,5

0,5

1,0

5,0

04

Bình Dương

8.558

4,0

-

-

4,0

05

Phù Mỹ

6.000

4,0

-

-

4,0

06

Đập Đá

5.108

4,0

-

-

4,0

07

Bình Định

18.000

8,0

-

-

8,0

08

Vĩnh Thạnh

6.000

4,5

0,5

0,5

3,5

09

Vân Canh

3.000

3,0

0,3

0,7

2,0

10

Cát Tiến (Bắc Nhơn Hội)

30.000

8,0

1,0

1,0

6,0

 

Cộng

93.666

50,0

3,8

4,2

42,0

 

PHỤ LỤC 3

(Ban hành kèm theo Quyết định số 412/QĐ-UBND ngày 16/7/2007 của UBND tỉnh)

PHÂN KỲ ĐẦU TƯ

Giai đoạn sau năm 2010: Tổng vốn đầu tư 47,5 tỷ đồng.

TT

Bến xe

Diện tích

(m2)

Kinh phí (tỷ đồng)

Tổng số

Trong đó

Đền bù GPMB

San lấp mặt bằng

Xây dựng

1

Bồng Sơn

29.600

10,0

1,0

1,0

8,0

2

Phú Phong

10.080

8,0

0,5

0,5

7,0

3

Nam Nhơn Hội

10.000

10,0

1,0

1,0

8,0

4

Tây Bình

6.070

5,0

0,5

0,5

4,0

5

Phú Tài

30.000

11,5

1,5

2,0

8,0

6

An Lương

1.000

1,0

0,2

0,1

0,7

7

Chợ Gồm

1.000

1,0

0,2

0,1

0,7

8

Cát Khánh

1.000

1,0

0,2

0,1

0,7

 

Cộng

118.750

47,50

5,1

5,3

37,1

Tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn: 97,5 tỷ đồng.