Quyết định 41/2005/QĐ-UBND về Đề án Giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2005-2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
Số hiệu: 41/2005/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng Người ký: Hoàng Tuấn Anh
Ngày ban hành: 28/01/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 41/2005/QĐ-UB

Đà Nẵng, ngày 28 tháng 01 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN GIẢM NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2005-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo;
- Căn cứ Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;
- Căn cứ Nghị quyết số 16/2004/NQ-HĐND ngày 17 tháng 12 năm 2004 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Về nhiệm vụ năm 2005;
- Theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 09/TT-BCĐ ngày 20 tháng 01 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành Đề án Giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2005-2010.

Điều 2: Quyết định này thay thế Quyết định số 184/2004/QĐ-UB ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Đề án Giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2005 - 2010.

Điều 3: Trưởng ban Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo thành phố, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Lãnh đạo các hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ LĐTBXH (b/c),
- TVTU, TT HĐND TP (b/c),
- CT, PCT UBND TP,
- Sở Tư pháp,
- Các PCVP UBND TP,
- Lưu: VT, VX, NC-PC.

TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH




Hoàng Tuấn Anh

 

ĐỀ ÁN

GIẢM NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2005-2010

Trong 4 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, các tổ chức, đoàn thể triển khai thực hiện chương trình Xóa đói, giảm nghèo, tạo những bước đột phá và đạt được một số kết quả khả quan.

Đến nay, trong thành phố không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể. Tính đến cuối năm 2004, toàn thành phố giảm được 9.584 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm được 2.400 hộ. Có 40 xã, phường đã thoát nghèo. Tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2004, thành phố chỉ còn 0,13% hộ nghèo. Trong 4 năm 2001-2004, toàn thành phố đã tạo việc làm cho 84.556 lao động, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm 5,16%.

Để có những kết quả trên, thành phố đã ban hành những chính sách và giải pháp hỗ trợ người nghèo đúng đắn, phù hợp với thực tế, cụ thể:

- Hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm cho hộ nghèo: qua thực tế, đây được xem là giải pháp quan trọng mang tính khả thi cao. Trong thời gian qua, thành phố đã tổ chức trên 281 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho trên 14.728 lượt người nghèo.

- Giải pháp về tín dụng: trong 4 năm đã cho 37.000 lượt hộ nghèo và hộ thuộc diện di dời giải toả vay tín dụng ưu đãi, doanh số cho vay là 214,571 tỷ đồng, giải pháp này đã giúp hộ nghèo phát triển kinh tế.

- Hỗ trợ về y tế và giáo dục: khám, chữa bệnh và cấp, phát thuốc trong 4 năm cho 55.026 lượt người nghèo, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 88.554 lượt người; miễn, giảm các khoản đóng góp cho 26.079 học sinh, sinh viên nghèo.

- Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở: xóa 3.206 nhà tạm (trên 80% số nhà tạm trên địa bàn thành phố).

Xuất phát từ tình hình thực tế, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng việc nâng chuẩn mức nghèo của thành phố đã được đặt ra. Tại kỳ họp thứ 10 (Khoá VI), Hội đồng nhân dân thành phố ra Nghị quyết số 37/2003/NQ-HĐND quyết định nâng chuẩn mức nghèo của thành phố. Tiêu chí hộ nghèo mới đối với khu vực nội thị dưới 300.000đ/người/tháng; đối với khu vực nông thôn dưới 200.000đ/người/tháng.

I. THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN NGHÈO KHÓ

1. Thực trạng

Thực hiện Kế hoạch số 449/KH-UB ngày 09 tháng 02 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Cục thống kê điều tra, khảo sát hộ nghèo theo tiêu chí hộ nghèo mới ở các xã, phường của thành phố.

a/ Kết quả điều tra, khảo sát

Việc điều tra, khảo sát được tiến hành theo 2 khu vực. Kết quả cho thấy như sau:

Tổng số hộ dân cư: 153.010 hộ, gồm 735.073 khẩu.

Số hộ nghèo: 23.241hộ (chiếm tỷ lệ 15,19% tổng số hộ dân cư), gồm 104.904 khẩu.

Trong đó:

- Khu vực thành thị có 33 phường (Tiêu chí hộ nghèo: dưới 300.000đ/người/tháng), gồm các phường: Hòa Cường, Khuê Trung, Hải Châu 1, Hải Châu 2, Nam Dương, Phước Ninh, Thạch Thang, Thanh Bình, Thuận Phước, Bình Thuận, Hòa Thuận, Bình Hiên, An Khê, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Chính Gián, Tam Thuận, Tân Chính, Vĩnh Trung, Thạc Gián, An Hải Tây, An Hải Bắc, An Hải Đông, Phước Mỹ, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Thọ Quang, Bắc Mỹ An, Hòa Quý, Hòa Hải, Hòa Khánh, Hòa Minh, Hòa Hiệp.

Khu vực này có 16.341 hộ nghèo, gồm 76.188 khẩu (chiếm tỷ lệ 13,69% số hộ, 12,92% số khẩu của khu vực).

- Khu vực nông thôn có 14 xã (Tiêu chí hộ nghèo: dưới 200.000đ/người/tháng), gồm các xã: Hòa Xuân, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Phát, Hòa Thọ.

Khu vực này có 6.900 hộ nghèo, gồm 28.716 khẩu (chiếm tỷ lệ 20,49% số hộ, 19,77% số khẩu của khu vực).

(Phụ lục số 1 đính kèm)

b/ Phân tích thực trạng theo nhân khẩu, lao động và điều kiện sinh hoạt

Nhân khẩu và lao động

Toàn thành phố có 23.241 hộ nghèo, gồm 104.904 nhân khẩu, trong đó nữ gồm 55.154 người. Số hộ nghèo thuộc diện chính sách là 1.209 hộ, gồm 4.485 nhân khẩu. Số chủ hộ là phụ nữ gồm 11.078 người.

Tình trạng lao động: có 58.026 người trong độ tuổi lao động, trong đó 31.176 là nữ; 116 em đang lao động ở độ tuổi thiếu niên; lao động thiếu việc làm gồm 16.592 người; 3.367 người thất nghiệp, trong đó có 1.246 nữ.

Điều kiện sinh hoạt

+ Nhà ở

- 2.038 hộ có nhà ở kiên cố.

- 14.317 hộ ở nhà bán kiên cố (cấp 4), trong đó 685 hộ ở nhà xuống cấp.

- 3.715 hộ ở nhà mái tôn, ngói; vách ván; nền xi-măng.

- 156 hộ ở mái ny lon, giấy dầu.

- 3.015 hộ ở nhà thuê hoặc ở chung.

+ Điện, nước sinh hoạt

Hiện nay 100% hộ sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, trong đó 8.597 hộ dùng điện nhờ hộ khác; 5.129 hộ dùng nước máy, 10.474 hộ dùng nước giếng, 7.638 hộ dùng nước máy trả giá cao, nước mưa hoặc dùng chung nước giếng.

+ Nhà vệ sinh

Trong 23.241 hộ nghèo, 9.846 hộ có hố xí hợp vệ sinh, 5.620 hộ sử dụng hố xí không hợp vệ sinh, 7.775 hộ dùng chung hoặc không có hố xí.

+ Phương tiện thông tin, giao thông

- Phương tiện thông tin: 55,82% hộ nghèo có vô tuyến truyền hình (12.974 chiếc/23.241 hộ), trong đó tại khu vực miền núi, 23,65% hộ nghèo có vô tuyến (779 chiếc/2.600 hộ).

- Phương tiện giao thông: 65,94% hộ nghèo có xe máy các loại (7.916 chiếc/23.241 hộ, trong đó 23,65% hộ nghèo miền núi có xe máy (615 chiếc/2.600 hộ).

Tình trạng đi học của con, em hộ nghèo

Theo kết quả điều tra tại thời điểm 30 tháng 6 năm 2004, tổng số con, em hộ nghèo đi học các cấp là 29.581, trong đó 24.416 em ở độ tuổi từ 6 đến 15; 496 em bỏ học và 963 em chưa đi học.

2. Nguyên nhân

Nghèo khó xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Trên thực tế các nguyên nhân này thường đan xen, biểu hiện chủ yếu qua những vấn đề sau:

a/ Đông người phụ thuộc (trẻ em, người già), thiếu lao động: hộ đông người phụ thuộc gồm 8.106 (khu vực nông thôn: 1.915 hộ, chiếm 8,24%; khu vực nội thị: 6.191 hộ, chiếm 26,63%); hộ thiếu lao động 5.635 hộ (khu vực nông thôn: 1.941 hộ, chiếm 8,35%; khu vực nội thị: 3.694 hộ, chiếm 15,89%).

b/ Thiếu đất sản xuất: 302 hộ (khu vực nông thôn: 134 hộ, chiếm 0,58%; khu vực nội thị: 168 hộ, chiếm 0,72%).

c/ Thiếu vốn: 4.530 hộ (khu vực nông thôn: 1.101hộ, chiếm 4,74%; khu vực nội thị: 3.429 hộ, chiếm 14,75%).

d/ Thiếu kinh nghiệm làm ăn: 2.724 hộ (khu vực nông thôn: 849 hộ, chiếm 3,65%; khu vực nội thị: 1.875 hộ, chiếm 8,07%).

đ/ Hộ có người ốm đau, tàn tật: 1.049 hộ (khu vực nông thôn: 331hộ, chiếm 1,42%; khu vực nội thị: 718 hộ, chiếm 3,09%).

e/ Hộ có người mắc tệ nạn xã hội, lười lao động: 46 hộ (khu vực nông thôn: 9 hộ chiếm 0,04%; khu vực nội thị: 37 hộ, chiếm 0,16%).

g/ Thiên tai, hoả hoạn, mất mùa: 424 hộ (khu vực nông thôn: 87 hộ, chiếm 0,37%; khu vực nội thị: 337 hộ, chiếm 1,45%).

II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Quan điểm

Công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài của Đảng, chính quyền, Mặt trận, các hội, đoàn thể thành phố. Đồng thời, bản thân hộ nghèo phải tự ý thức trong việc phấn đấu vươn lên để thoát nghèo.

2. Mục tiêu

Từ năm 2005 đến năm 2010, phấn đấu tăng thu nhập bình quân của người nghèo, giảm số hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2,3% đến 3%, (tương ứng với 3.500-4.000 hộ); phấn đấu đến cuối năm 2010, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mức hiện nay của thành phố.

3. Các chính sách và giải pháp hỗ trợ người nghèo

Để đạt được mục tiêu trên, thành phố ban hành các chính sách, có các giải pháp giảm nghèo một cách đồng bộ.

a/ Hỗ trợ tín dụng

Hỗ trợ tín dụng được thực hiện bằng hình thức cho hộ nghèo vay vốn từ các nguồn khác nhau với điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời hạn, có sự hướng dẫn sử dụng vốn một cách hiệu quả.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Đà Nẵng tiếp tục huy động, nâng tổng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay phát triển sản xuất của hộ nghèo. Phấn đấu đến năm 2010, nâng tổng nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Đà Nẵng lên 400 tỷ đồng.

Thông qua tín dụng ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia giải quyết việc làm cho người nghèo.

Rà soát các thủ tục, cơ chế cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn của ngân hàng.

Các đoàn thể tiếp tục phát động phong trào tự giúp đỡ nhau vốn làm kinh tế để thoát nghèo.

b/ Hỗ trợ đất sản xuất

Các hộ nghèo ở nông thôn và miền núi được hỗ trợ đất sản xuất lâu dài. Thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc và miền núi theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

c/ Hỗ trợ nhà ở, điện, nước sinh hoạt

Phấn đấu đến năm 2007, toàn thành phố không còn nhà tạm, 100% nhà có điện và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đối với các hộ trong nội thành, nếu không có nhà ở, thành phố có chính sách hỗ trợ mua nhà trả góp trong các chung cư hoặc cho thuê nhà với giá ưu đãi.

d/ Hỗ trợ giáo dục

Thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh các hình thức giáo dục không chính quy cho trẻ em không đến trường và người mù chữ. Động viên số em bỏ học trở lại lớp, số em chưa đi học vào lớp tại các trường phổ thông hoặc lớp học tình thương do ngành Giáo dục-Đào tạo phối hợp với địa phương tổ chức thực hiện (trừ những em thiểu năng về trí nhớ, tâm thần, tàn tật…). Phối hợp với các hội, đoàn thể địa phương và gia đình có biện pháp đưa các em đến lớp học.

Thực hiện chế độ miễn học phí và các khoản đóng góp ở nhà trường đối với con em hộ nghèo.

đ/ Hỗ trợ y tế

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo, thành phố tổ chức cấp, hướng dẫn sử dụng thẻ Bảo hiểm Y tế 100% cho người nghèo với mệnh giá 50.000đ/người/năm. Bên cạnh đó, vận động các tổ chức nhân đạo từ thiện khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Ngoài các chương trình của ngành dọc như: chương trình phòng, chống bệnh sốt rét, bướu cổ; tiêm chủng; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, chú trọng giáo dục ý thức tự bảo vệ sức khỏe, xây dựng cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Tăng cường công tác kế hoạch hóa gia đình đối với các hộ nghèo.

e/ Đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Thành phố tập trung củng cố, quy hoạch các Trung tâm dịch vụ việc làm và đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; có cơ chế miễn, giảm học phí cho con em hộ nghèo; giao chỉ tiêu tiếp nhận giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo tại các DNNN; vận động chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh bảo trợ, đỡ đầu cho hộ nghèo, sử dụng và đào tạo nghề có địa chỉ cho lao động nghèo và lao động diện di dời giải tỏa tại địa phương.

Phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống để khai thác nhân lực và nguyên vật liệu tại chỗ, tăng thu nhập và giảm nghèo. Phát triển các loại cây trồng, con vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng vùng.

Các cơ quan chức năng, các địa phương, doanh nghiệp tăng cường phối hợp trong việc xuất khẩu lao động.

g/ Hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm cho hộ nghèo

Nhân rộng, phổ biến các mô hình, kinh nghiệm giải quyết việc làm, giảm nghèo có hiệu quả, đặc biệt là mô hình hội, đoàn thể giúp người nghèo làm kinh tế, hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo theo phương châm: cộng đồng, bản thân hộ nghèo và ngân sách.

h/ Định canh-định cư

Đảm bảo kinh phí đầu tư cho công tác định canh-định cư, di dân vùng sạt lở ven sông vào vùng dự án trên 5 tỷ đồng/năm.

i/ Tuyên truyền, giáo dục

Các cấp, các ngành, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo; vận động toàn xã hội, người giàu tình nguyện giúp người nghèo; tộc, họ, tổ, nhóm đỡ đầu hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập để sớm thoát khỏi cảnh nghèo và ổn định cuộc sống.

k/ Đào tạo cán bộ làm công tác Xóa đói, giảm nghèo

Thường trực Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo thành phố soạn thảo tài liệu hướng dẫn các địa phương thực hiện xóa đói, giảm nghèo, chú trọng vận dụng những phương pháp phù hợp với điều kiện của thành phố.

Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác Xóa đói, giảm nghèo từ cấp thành phố đến cấp phường, xã nhằm nâng cao kỹ năng, phương pháp phân tích, theo dõi, đánh giá diễn biến nghèo trên địa bàn. Mỗi năm tổ chức tối thiểu 2 lớp/cấp.

4. Kinh phí và sử dụng kinh phí

a/ Kinh phí đầu tư cho Đề án

Tổng kinh phí đầu tư cho Đề án là 1.530.910 triệu đồng, trong đó:

- 70.803 triệu đồng từ Ngân sách địa phương (gồm cả 5.150 triệu đồng hỗ trợ có thu hồi) kinh phí Ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Đà Nẵng).

- 307.320 triệu đồng từ Ngân sách Trung ương (trong đó 300.000 triệu đồng hỗ trợ có thu hồi).

- 1.152.787 triệu đồng do cộng đồng đóng góp và lồng ghép các chương trình.

b/ Sử dụng kinh phí

- Ngân sách Nhà nước

+ Ngân sách Trung ương cấp hàng năm chi cho chương trình Tín dụng, Định canh-định cư, Vùng kinh tế mới, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác Xóa đói, giảm nghèo.

+ Ngân sách địa phương chi thực hiện hỗ trợ giáo dục-đào tạo, y tế, xây dựng nhà tình thương, hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, Ủy thác vốn qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Đà Nẵng và cấp bù chênh lệch lãi suất (huy động nguồn vốn ngân hàng thương mại), trợ cấp cho cán bộ chuyên trách Xóa đói, giảm nghèo phường/xã và hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình Xóa đói, giảm nghèo thành phố.

- Vốn huy động từ cộng đồng

Huy động nguồn vốn trong cộng đồng dân cư thông qua Quỹ Vì người nghèo, các mô hình tiết kiệm như: tiết kiệm theo mô hình “Xuân Hà”, tiết kiệm tín dụng, góp vốn quay vòng... của Hội Liên hiệp Phụ nữ, cho vay không lãi theo chương trình “Vì đồng đội năm xưa” của Hội Cựu chiến binh...

- Nguồn khác

Tăng cường vận động tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ (N.G.O.) để thực hiện chương trình Giảm nghèo trên nhiều lĩnh vực như: hỗ trợ nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vùng nông nghiệp và an sinh xã hội...

(Phụ lục số 2 đính kèm)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - Là cơ quan thường trực của Đề án, chịu trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo thành phố quản lý, điều hành và tổng hợp chung toàn bộ tình hình thực hiện chương trình.

Chủ trì, phối hợp với các sở: ThỦy sản-Nông lâm, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại vụ, Tài nguyên và Môi trường…, các ngành liên quan, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Đà Nẵng, các hội, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Trực tiếp xây dựng và thực hiện các kế hoạch:

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác Xóa đói, giảm nghèo.

- Xây dựng mô hình giảm nghèo ở các phường, xã.

2. Sở Kế hoạch-Đầu tư cân đối và bố trí kế hoạch kinh phí theo quy định trên cơ sở thống nhất với Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo; phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận người lao động thuộc diện hộ nghèo.

3. Sở Tài chính bố trí và đảm bảo Ngân sách Nhà nước hàng năm cho Đề án theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, đồng thời giám sát quá trình sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.

4. Sở Thủy sản-Nông lâm chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo thành phố, các sở, ngành liên quan và địa phương quản lý, tổ chức thực hiện Dự án Hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề ở các phường, xã; hướng dẫn người nghèo cách làm ăn; khuyến nông-lâm-ngư, định canh-định cư. Đồng thời có kế hoạch cung cấp nước sạch cho các hộ ở vùng nông thôn.

5. Sở Y tế phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan và địa phương nghiên cứu, xây dựng chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; đẩy mạnh chương trình khám, chữa bệnh miễn phí của các hội từ thiện.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện chính sách trợ giúp trẻ em hộ nghèo về giáo dục. Trước mắt, tổ chức tốt việc vận động và tạo mọi điều kiện để các em chưa đi học đến trường. Rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ giáo dục cho trẻ em hộ nghèo (miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp…).

7. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Ban, ngành liên quan có kế hoạch giao đất sản xuất, giao rừng cho các hộ ở miền núi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho hộ nghèo. Chủ trì, phối hợp với Sở Thủy sản-Nông lâm đề xuất chính sách giải quyết đất đai cho các hộ thiếu đất sản xuất.

8. Sở Xây dựng xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình xây dựng nhà ở cho người nghèo, chỉ đạo Công ty cấp nước thành phố phối hợp với địa phương cấp nước sạch cho các hộ trong nội thị.

9. Sở Văn hoá-Thông tin chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, tuyên truyền chủ trương, chính sách xóa đói, giảm nghèo; giới thiệu các điển hình, mô hình Xóa đói, giảm nghèo tiêu biểu để nhân rộng.

10. Sở Nội vụ đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo, củng cố, tăng cường về nhân sự cho Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo các cấp và cán bộ làm công tác giảm nghèo từ xã, phường đến thành phố.

11. Sở Ngoại vụ tìm đối tác và vận động các tổ chức phi chính phủ (N.G.O.) tài trợ cho các dự án giảm nghèo của thành phố.

12. Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Ban Quản lý Khu Công nghiệp và Chế xuất có kế hoạch vận động các doanh nghiệp tiếp nhận lao động nghèo và tham gia cùng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giúp đỡ, đỡ đầu các địa phương khó khăn, các gia đình nghèo; có kế hoạch cùng Điện lực thành phố phối hợp với địa phương, gia đình, cộng đồng hỗ trợ để các hộ đều có công tơ điện riêng phục vụ sinh hoạt.

13. Các Ban Quản lý dự án ưu tiên bố trí kịp thời đất tái định cư cho các hộ nghèo trong diện di dời, giải tỏa.

14. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành phố Đà Nẵng phối hợp với Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo thành phố, các sở, ngành liên quan và các quận, huyện chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Đà Nẵng quản lý, tổ chức thực hiện Dự án Tín dụng cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiến hành rà soát thủ tục, cơ chế cho vay đối với các hộ nghèo.

15. Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành và chỉ đạo Công an các quận, huyện quản lý hộ tịch, hộ khẩu, theo dõi biến động dân cư do di dời giải tỏa, nhập cư trái phép.

16. Ủy ban Dân số-Gia đình và Trẻ em thành phố ngoài việc phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các chương trình mục tiêu, phối hợp với Sở Thủy sản-Nông lâm quản lý, tổ chức thực hiện các dự án ổn định dân di cư. Chú trọng việc thực hiện công tác Kế hoạch hoá gia đình đối với các hộ nghèo. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, địa phương đưa các em ở độ tuổi đi học đến trường.

17. Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ Đề án này xây dựng kế hoạch của địa phương để triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Thường trực Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo thành phố) về tình hình thực hiện Chương trình theo quy định; phối hợp với Sở Thủy sản-Nông lâm, Sở Khoa học-Công nghệ có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ mới.

18. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các hội, đoàn thể tham gia thực hiện Đề án và giám sát việc thực hiện Đề án ở các cấp, các địa phương, vận động hộ nghèo tự vươn lên để thoát nghèo.

Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu có vướng mắc, các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức, cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Thường trực Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo thành phố. Số ĐT 550.208) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC SỐ 1:

KẾT QUẢ ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT HỘ NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Kèm theo Quyết định số 41 /2005/QĐ-UB ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

KHU VỰC

TỔNG SỐ HỘ/NHÂN KHẨU DÂN CƯ

TỔNG SỐ HỘ NGHÈO/NHÂN KHẨU NGHÈO

TỶ LỆ (%) SỐ HỘ NGHÈO/SỐ HỘ DÂN CƯ

Hộ

Nhân khẩu

Hộ

Nhân khẩu

Hộ

Thành thị

119.332

589.798

16.341

76.188

13,69

Nông thôn

33.678

145.275

6.900

28.716

20,49

Toàn TP

153.010

735.073

23.241

104.904

15,19

- Tiêu chí hộ nghèo đối với khu vực thành thị: dưới 300.000 đồng/người/tháng.

- Tiêu chí hộ nghèo đối với khu vực nông thôn: dưới 200.000 đồng/người/tháng.

 

PHỤ LỤC SỐ 2:

DỰ KIẾN NGUỒN VÀ CƠ CẤU KINH PHÍ HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2005-2010
(Kèm theo Quyết định số 42 /2005/QĐ-UB ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Đơn vị tính: Triệu đồng

Các chính sách, dự án XĐGN

Tổng số

Vốn không thu hồi (bởi cơ quan cấp)

Vốn tín dụng

Tổng cộng

NSTW

NSĐP

Vốn cộng đồng

Lồng ghép

I. Các chính sách

1.112.644

1.112.644

 

55.307

38.337

1.019.000

 

1. Hỗ trợ y tế

33.002

33.002

 

22.001

11.001

 

 

2. Hỗ trợ giáo dục (miễn học phí)

24.194

24.194

 

24.194

 

 

 

3. An sinh xã hội

1.019.000

1.019.000

 

 

 

1.019.000

 

4. Hỗ trợ nhà ở

36.448

36.448

 

9.112

27.336

 

 

II. Các dự án

415.986

321.136

307320

13.216

 

600

94.850

1. Tín dụng ưu đãi

400.536

305.686

300.000

5.686

 

 

94.850

- Bù chênh lệch lãi suất

536

536

 

536

 

 

 

- Nguồn vốn tín dụng

400.000

305.150

300.000*

5.150*

 

 

94.850

2. Hướng dẫn cách làm ăn

540

540

 

180

 

360

 

3. Xây dựng mô hình XĐGN

240

240

 

150

 

90

 

4. Đào tạo nghề

7.200

7.200

 

7.200

 

 

 

5. Đào tạo cán bộ XĐGN

870

870

720

 

 

150

 

6. Ổn định dân di cư và Kinh tế mới

4.800

4.800

4.800

 

 

 

 

7. Định canh-định cư

1.800

1.800

1.800

 

 

 

 

III. Điều tra, khảo sát, thông tin

84

84

 

84

 

 

 

IV. Kinh phí hoạt động Ban Chỉ đạo

840

840

 

840

 

 

 

V. Trợ cấp chuyên trách XĐGN

1.356

1.356

 

1.356

 

 

 

Tổng cộng

1.530.910

1.436.060

307.320

70.803

38.337

1.019.600

94.850

* Hỗ trợ có thu hồi từ Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương





Nghị quyết 16/2004/NQ-HĐND về nhiệm vụ năm 2005 Ban hành: 17/12/2004 | Cập nhật: 09/04/2013