Quyết định 40/2014/QĐ-UBND về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình
Số hiệu: 40/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị Người ký: Nguyễn Đức Cường
Ngày ban hành: 16/10/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2014/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 16 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP VI PHẠM CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004;

Căn cứ Luật Cán bộ, Công chức năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Dân số và Pháp lệnh sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số;

Căn cứ Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17/3/2011 của Chính phủ sửa đổi khoản 6 điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;

Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

Căn cứ Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 18/8/2010 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ giai đoạn 2010 - 2015 thực hiện Kết luận số 44-KL/TW ngày 01/4/2009 của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47-KL/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Cục KTVBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMT tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB,
- Đoàn TNCSHCM tỉnh;
- Trung tâm Tin học (đăng Công báo);
- Lưu VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Cường

 

QUY ĐỊNH

VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ VI PHẠM CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 40/2014/QĐ-UBND ngày 16/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định việc xử Ịý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

2. Quy định này áp dụng đối với:

a) Cán bộ được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan Nhà nước ở tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.

b) Công chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng trong Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, trong các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã (dưới đây viết tắt là công chức).

c) Viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã; thuộc các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND tỉnh; thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố, thị xã; thuộc các chi cục và tương đương trực thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Người làm việc trong các tổ chức Hội được UBND tỉnh giao biên chế (dưới đây viết tắt là viên chức).

d) Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và công chức xã, phường, thị trấn (dưới đây viết tắt là cán bộ, công chức cấp xã).

Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

1. Khách quan, công bằng; nghiêm minh, đúng pháp luật.

2. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật.

3. Những cặp vợ chồng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình mà cả vợ và chồng đều thuộc một trong những đối tượng quy định tại các điểm a b c, khoản 2, Điều 1 Quy định này thì cả vợ và chồng đều bị xem xét xử kỷ luật theo Quy định này.

4. Thái độ tiếp thu của cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.

5. Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức viên chức trong các trường hợp quy định tại Điều 5 Quy định này không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.

6. Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật.

7. Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của cán bộ công chức, viên chức trong quá trình xử lý kỷ luật.

Điều 3. Các hành vi bị xử lý kỷ luật

1. Vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình về quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con.

2. Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chuẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.

3. Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp phương tiện tránh thai giả, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, quá hạn sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành và sử dụng tại Việt Nam.

4. Khai báo hoặc xin xác nhận không trung thực về tình trạng sức khỏe của vợ (chồng), con để thực hiện không đúng quy định hoặc để trốn tránh không bị xử lý do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

5. Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con ngoài quy định.

Điều 4. Trường hợp không coi là vi phạm quy định sinh một đến hai con

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc băng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạchĐầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);

b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy trình này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Điều 5. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình trong các trường hợp sau:

1. Đang trong thời gian nghỉ hằng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cho phép;

2. Đang trong thời gian điều trị, chữa bệnh có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

3. Cán bộ, công chức, viên chức là nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

4. Đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 6. Thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật:

a) Thời hiệu xử lý kỷ luật đối với công chức và cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại điều 6 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.

b) Thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức thực hiện theo quy định tại điều 7 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

2. Thời hạn xử lý kỷ luật:

a) Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình về quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con thì thời hạn xử lý kỷ luật như sau: Nếu cán bộ, công chức, viên chức là nữ thì thời hạn xử lý kỷ luật là 2 tháng (60 ngày) kể từ ngày con đủ 12 tháng tuổi; nếu cán bộ, công chức, viên chức là nam thì thời hạn xử lý kỷ luật là 2 tháng (60 ngày) kể từ ngày sinh con.

b) Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình trong các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 điều 3 Quy định này thì thời hạn xử lý kỷ luật là 2 tháng (60 ngày) kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Chương II

ÁP DỤNG HÌNH THỨC KỶ LUẬT

Điều 7. Khiển trách

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình trong trường hợp sinh con thứ ba.

Điều 8. Cảnh cáo

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với công chức, viên chức và công chức cấp xã không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Vi phạm trong trường hợp sinh con thứ tư.

2. Vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 3 Quy định này làm giảm uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi công tác.

Điều 9. Cách chức

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Vi phạm trong trường hợp sinh con thứ tư.

2. Vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 3 Quy định này làm giảm uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi công tác,

Điều 10. Buộc thôi việc

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Vi phạm trong trường hợp sinh con thứ năm trở lên.

2. Vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 3 Quy định này làm mất uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi công tác gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, công chức cấp xã và nhân dân.

3. Vi phạm khoản 5, Điều 3 Quy định này.

Chương III

THẨM QUYỀN XỬ LÝ KỶ LUẬT, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT XỬ LÝ KỶ LUẬT VÀ CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 11. Đối với cán bộ, công chức

Thẩm quyền xử lý kỷ luật, việc tổ chức họp kiểm điểm cán bộ, công chức vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, Hội đồng kỷ luật, thành phần, Hội đồng kỷ luật, tổ chức họp Hội đồng kỷ luật và quyết định kỷ luật áp dụng và thực hiện theo quy định tại các điều 15, 16, 17, 18, 19 và 20 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.

Điều 12. Đối với viên chức

Thẩm quyền xử lý kỷ luật, việc tổ chức họp kiểm điểm viên chức vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, Hội đồng kỷ luật, thành phần Hội đồng kỷ luật, tổ chức họp Hội đồng kỷ luật và quyết định kỷ luật thực hiện theo quy định tại 14, 15, 16, 17, 18 và 19 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

Điều 13. Đối với cán bộ, công chức cấp xã

Thẩm quyền xử lý kỷ luật, việc tổ chức họp kiểm điểm cán bộ, công chức vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, Hội đồng kỷ luật, thành phần Hội đồng kỷ luật, tổ chức họp Hội đồng kỷ luật và quyết định kỷ luật thực hiện theo quy định tại các điều 40, 41, 42, 43 và 44 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn.

Điều 14. Khiếu nại, khiếu kiện

Việc khiếu nại, khiếu kiện và giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 15. Các quy định khác

1. Việc kéo dài thời hạn nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 82 Luật Cán bộ, công chức.

2. Việc kéo dài thời hạn nâng bậc lương đối với viên chức bị xử lý kỷ luật do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 56 Luật Viên chức.

3. Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình về quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách thì trong thời hạn ba năm kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, không được đề bạt, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý (đối với người không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý) hoặc đề bạt, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn (đối với người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý).

4. Công chức, viên chức công chức cấp xã không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình về quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo thì trong thời hạn năm năm kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, không được đề bạt, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý.

5. Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình về quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức thì trong thời hạn năm năm kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, không được đề bạt, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý mới.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Xử lý đối với những trường hợp vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình trước ngày Quy định này có hiệu lực

1. Công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã được cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật thì nay không xem xét, xử lý lại.

2. Công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật thì xử lý như sau:

a) Nếu thời gian vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã quá thời hiệu xử lý kỷ luật quy định tại Điều 6 Quy định này thì không xem xét, xử lý kỷ luật.

b) Nếu thời gian vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình chưa quá thời hiệu xử lý kỷ luật quy định tại Điều 6 Quy định này thì tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định này,

Điều 17. Áp dụng đối với các chức danh cán bộ cấp xã thuộc khối Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội

1. Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Thường trực (nơi không có Phó Bí thư trực Đảng), việc xử lý kỷ luật do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thực hiện theo Điều lệ Đảng và quy định của Đảng.

2. Các chức danh thuộc các tổ chức chính trị - xã hội (gồm: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) việc xử lý vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thực hiện theo điều lệ và quy định của tổ chức chính trị - xã hội. Trường hợp điều lệ và quy định của tổ chức chính trị - xã hội chưa quy định về áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thì áp dụng theo các điều 7, 8, 9 và 10 Quy định này để xem xét, xử lý kỷ luật.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

1. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định này.

2. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, thủ trưởng các cơ quan liên quan báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét, hướng dẫn, giải quyết/.





Nghị định 104/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Dân số Ban hành: 16/09/2003 | Cập nhật: 10/12/2009