Quyết định 40/2006/QĐ-UBND ban hành quy trình thực hiện vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn quận 8 do Uỷ ban nhân dân Quận 8 ban hành
Số hiệu: | 40/2006/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Nguyễn Đô Lương |
Ngày ban hành: | 19/10/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 31/10/2006 | Số công báo: | Số 40 |
Lĩnh vực: | Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 8 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2006/QĐ-UBND |
Quận 8, ngày 19 tháng 10 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã;
Căn cứ Quyết định số 6859/QĐ-UB-QLĐT ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung quận 8;
Theo đề nghị của Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8 và Trưởng Phòng Nội vụ quận 8,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 07 (bảy) ngày kể từ ngày ký.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN HIẾN ĐẤT XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH PHÚC LỢI CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 8
(Ban hành theo Quyết định số 40/2006/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2006 của Ủy ban nhân dân quận 8)
1. Mục đích:
Quận 8 là một quận đô thị mang tính tự phát, với địa hình trũng thấp, nhiều ao hồ kênh rạch. Mặc dù ở gần trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn nhưng quận 8 bị cách ly bởi 2 con kênh lớn là kênh Tàu Hủ và kênh Đôi nên mức độ phát triển không cao, việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong những năm trước đây còn ở mức độ thấp, hệ thống giao thông đường bộ chưa được đầu tư hoàn chỉnh; các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác như mạng lưới cấp nước, cấp điện, thoát nước, bưu chính viễn thông v.v… còn thiếu, không đồng bộ; hiện trạng hạ tầng yếu kém, manh mún và hầu hết chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân. Đặc biệt là hệ thống hẻm không được quy hoạch thiết kế một cách chính quy, quy mô đầu tư nhỏ, hẹp, chằng chịt, nên thường xuyên bị ngập nước do triều cường, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách sử dụng đầu tư cho việc nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở của quận 8 còn rất nhiều khó khăn.
Do đó, để tập trung tăng cường cho công tác nâng cấp và từng bước chỉnh trang đô thị, cải tạo hệ thống giao thông thông thoáng trong đó đặc biệt là hệ thống hẻm tại các khu dân cư, tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, từng bước cải thiện hạ tầng kỹ thuật và nâng cao chất lượng cuộc sống môi trường của cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân quận 8 huy động mọi nguồn lực tích cực tham gia xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn quận, trong đó đặc biệt vận động nhân dân hiến đất để xây dựng đường giao thông, trước mắt tập trung tham gia thực hiện việc mở rộng, nâng cấp hẻm theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từng bước cải tạo chất lượng cuộc sống trong khu dân cư, thực hiện thành công mục đích “hẻm thông hè thoáng” tại từng khu phố và tổ dân phố.
2. Yêu cầu:
- Có sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý giám sát và đóng góp kinh phí xây dựng và hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn 16 phường, trước mắt là huy động mọi nguồn lực tham gia thực hiện nâng cấp, mở rộng hẻm.
- Phát động, tuyên truyền, vận động, giải thích sâu rộng đến từng người dân, từng khu phố, tổ dân phố về phong trào, chủ trương, quy trình vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn 16 phường, giúp cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của phong trào, từ đó tạo được sự đồng tình và cam kết trên tinh thần tự nguyện, tự giác, biến phong trào thành hành động thiết thực trong công tác hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của toàn dân trên địa bàn quận theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
- Phải được sự thống nhất từ quận, phường đến đại đa số các hộ dân trên địa bàn khu vực triển khai thực hiện công trình.
- Mỗi cán bộ tham gia phong trào phải nắm rõ, nắm chắc, nhất quán về ý nghĩa, mục đích, chủ trương vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Từ đó kiên trì tuyên truyền, giải thích, vận động cho mọi người thông hiểu và tự nguyện tham gia thực hiện.
1. Bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với nhu cầu và khả năng đầu tư, đóng góp của chính quyền và nhân dân.
2. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư công trình phúc lợi công cộng vừa đáp ứng yêu cầu bức xúc trước mắt vừa tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
3. Nhân dân, cộng đồng dân cư cùng tham gia bảo vệ môi trường.
4. Thực hiện dự án phải tuân theo các quy trình, thủ tục và đảm bảo chất lượng. Nguồn vốn đầu tư và vận động trong nhân dân phải được sử dụng có hiệu quả, minh bạch.
5. Hạn chế và giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng đến tháo dỡ, di dời vật kiến trúc trên đất và vận động nhân dân hiến đất xây dựng công trình.
6. Tổ chức, cá nhân đóng góp phần đất trước sân nhà phù hợp với quy mô công trình, chiều rộng hẻm do dự án nâng cấp đô thị đề xuất đã được chính quyền và đại bộ phận dân cư thống nhất tự nguyện cam kết thực hiện việc tháo dỡ trước khi triển khai đầu tư xây dựng.
III. PHẠM VI, CƠ SỞ ÁP DỤNG VÀ THÀNH PHẦN THAM GIA:
1. Phạm vi áp dụng:
Các tổ chức, cá nhân, ban ngành đoàn thể các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân trên địa bàn quận 8 hưởng ứng tham gia phong trào bằng nhiều hình thức như hiến đất và vật kiến trúc trên đất, đóng góp kinh phí cho chương trình, đóng góp công sức, v.v…, Nhà nước không hạn chế hình thức tham gia.
2. Cơ sở áp dụng:
- Căn cứ vào nhu cầu và sự cam kết tự nguyện, đồng thuận tham gia của cộng đồng trong việc triển khai thực hiện dự án.
- Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông đã được duyệt của từng phường.
- Căn cứ vào kế hoạch hàng năm, nhu cầu bức xúc của nhân dân tại từng phường để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
- Căn cứ kế hoạch đăng ký thực hiện vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của phường. Ủy ban nhân dân các phường có trách nhiệm nghiên cứu cụ thể, chính xác, đánh giá tính khả thi của từng công trình, từng con hẻm dự kiến mở rộng, đồng thời, trên cơ sở lấy ý kiến và có sự đồng thuận của đại đa số nhân dân tại khu vực dự kiến thực hiện để đăng ký thực hiện điển hình một công trình, một con hẻm tại mỗi phường, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai rộng rãi.
3. Thành phần tham gia:
- Cấp quận gồm Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các phòng ban cơ quan chuyên môn có liên quan như Ban Quản lý dự án khu vực đầu tư xây dựng quận 8 (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý dự án), Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8, Phòng Quản lý đô thị quận 8, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận 8, Đội Quản lý trật tự đô thị quận 8, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8.
- Cấp phường gồm Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổ Quản lý trật tự đô thị, Công an phường, Phường đội, Ban Điều hành khu phố, tổ dân phố, v.v…
IV. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP VẬN ĐỘNG:
1. Công tác chuẩn bị:
1.1. Trên cơ sở lấy ý kiến và có sự đồng thuận của đại đa số nhân dân tại khu vực dự kiến triển khai thực hiện công trình, Ủy ban nhân dân phường đăng ký về Ủy ban nhân dân quận.
1.2. Phòng Tài chính - Kế hoạch quận 8, Phòng Quản lý đô thị quận 8, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8 cùng phối hợp Ủy ban nhân dân phường xây dựng kế hoạch thực hiện, ghi vốn chuẩn bị đầu tư, cắm ranh mốc trước khi tổ chức thực hiện.
1.3. Ủy ban nhân dân phường phối hợp Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận 8 (đối với các dự án do quận làm chủ đầu tư), Phòng Quản lý đô thị quận 8 (đối với các dự án do phường làm chủ đầu tư) khảo sát hiện trạng, lập danh sách các hộ dân bị ảnh hưởng, lập dự án đầu tư và báo cáo kinh tế kỹ thuật theo đúng quy định để chuẩn bị cho công tác triển khai, lấy ý kiến nhân dân.
2. Nội dung cơ bản cần triển khai trong nhân dân:
- Nêu đầy đủ hiện trạng hạ tầng thấp kém mà người dân phải chịu đựng từ những năm qua, từ đó giới thiệu dự án và lợi ích cụ thể mà dự án sẽ đem lại cho từng hộ, từng người dân, tổ chức trong khu vực dân cư như không còn ngập lụt, giao thông thuận lợi giá trị nhà, đất của người dân tăng, v.v…
- Công khai mức đóng góp để người dân tham gia như phần nhà, đất lấn chiếm, vi phạm lộ giới hẻm tự giác tháo dỡ; một phần sân, hiên nhà có giấy tờ hợp pháp hoặc đủ điều kiện để hợp thức hóa thì vận động các hộ tự nguyện đóng góp vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của gia đình; đóng góp một phần tiền vào công trình xây dựng. Tiến hành lập danh sách từng hộ đóng góp và công khai sự đóng góp này để mọi người đều biết và có tuyên dương đối với những tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhiệt tình ủng hộ, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng rất nhiệt tình tham gia, hưởng ứng. Trường hợp những hộ dân quá khó khăn, có yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại thì lấy ý kiến nhân dân để thực hiện.
- Từng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có bản cam kết tự nguyện và ghi rõ nội dung đóng góp của mình có ký tên, xác nhận của tổ dân phố. Những cuộc họp dân phải được ghi chép đầy đủ ý kiến của người dân và để người dân tham dự cùng ký tên vào biên bản cuộc họp.
V. QUY TRÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Bước 1:
Tổ chức họp dân và lấy ý kiến nhân dân tại khu vực về thực hiện dự án đầu tư, công trình mở rộng, nâng cấp hẻm (đường) cần đầu tư xây dựng (kể cả đường và vỉa hè xây dựng cần có sự vận động của nhân dân) và công bố kế hoạch thực hiện, phương án quy hoạch, phương án kỹ thuật nâng cấp, mở rộng, xây dựng của từng hạng mục thực hiện, kế hoạch di dời đồng hồ nước, đồng hồ điện.
2. Bước 2:
Ủy ban nhân dân phường cùng với các tổ chức, ban ngành đoàn thể có liên quan tiến hành vận động nhân dân hiến đất mở rộng, nâng cấp hẻm, cụ thể như sau:
- Ủy ban nhân dân phường thành lập Hội đồng giám sát vận động cộng đồng với đầy đủ các thành phần tham gia, trong đó phải có đại diện của nhân dân khu phố.
- Bộ phận văn hóa thông tin phát thanh tuyên truyền chủ trương mở rộng, nâng cấp hẻm trên địa bàn phường qua hệ thống loa phóng thanh để mọi người cùng biết và tích cực tham gia thực hiện..
- Sau khi đã khảo sát hiện trạng, thu thập hồ sơ pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất của từng trường hợp, các cơ quan chuyên môn (Ban Quản lý dự án, Phòng Quản lý đô thị, Ủy ban nhân dân phường) khái toán chi phí từng hạng mục thực hiện nâng cấp, mở rộng, diện tích đất từng hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng, chuẩn bị các mẫu để người dân cam kết tự nguyện hiến đất. Lập danh sách, phân loại từng nhóm gia đình, tổ chức sẽ hiến đất, tự nguyện tháo dỡ; những trường hợp có vi phạm lộ giới, hẻm giới để vận động tháo dỡ; hộ nào có khó khăn và yêu cầu được hỗ trợ thiệt hại khi thực hiện dự án (chỉ xem xét và lấy ý kiến cộng đồng đối với những trường hợp dự án sẽ cắt vào phần nhà chính, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khó khăn về kinh tế).
- Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, Ban Điều hành khu phố, tổ dân phố tiến hành họp dân thuộc phạm vi thực hiện công trình để phổ biến cụ thể mức đóng góp của cộng đồng như hiến đất (sân, hàng rào, mái hiên), kiến trúc; vận động nhân dân đồng tình phục vụ công tác mở rộng, nâng cấp hẻm; chú ý vận động một vài hộ gương mẫu tiên phong ủng hộ và chấp hành tốt việc tháo dỡ, hiến đất để khơi dậy ý thức của các hộ còn lại.
- Hội đồng nhân dân, Mặt trận và các đoàn thể phường, Công an khu vực, v.v… tích cực phối hợp với các khu phố, tổ dân phố vận động, giải thích, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ chủ trương đúng đắn và lợi ích thiết thực của công trình (hẻm mở rộng thông thoáng, lưu thông thuận lợi, giá trị sử dụng đất tăng), nhằm phục vụ cải thiện, nâng cao điều kiện và môi trường sống cho nhân dân ngày càng được tốt hơn.
* Yêu cầu cần lưu ý:
- Yêu cầu nhân dân cử nhóm đại diện cho mình tham dự các buổi làm việc với cơ quan chuyên môn để nắm thông tin, truyền đạt thông tin và đề đạt nguyện vọng của cộng đồng; tham gia giám sát quá trình thi công, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
- Phường nên xác định lực lượng nòng cốt sẽ tham gia tuyên truyền, đặc biệt là phát huy lực lượng cán bộ hưu trí, đảng viên, hội viên Hội Cựu chiến binh.
3. Bước 3:
- Thống nhất của chính quyền và nhân dân về phương án quy hoạch mở rộng hẻm, xây dựng công trình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, kể cả chi phí hỗ trợ thiệt hại cho người dân (nếu có), diện tích hiến đất, tháo dỡ kiến trúc trên đất, mức đóng góp của từng trường hợp.
- Lập danh sách các hộ trong phạm vi thực hiện công trình với đầy đủ hồ sơ pháp lý và thông qua Hội đồng giám sát vận động cộng đồng.
- Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Phòng Quản lý đô thị, Ủy ban nhân dân phường tiến hành khảo sát thực địa, ghi nhận hiện trạng, lập bản đồ tuyến hẻm, lập thiết kế chi tiết kỹ thuật công trình nâng cấp, mở rộng hẻm và lập dự toán xây dựng công trình. Chú ý công trình phải được thiết kế đồng bộ với hạ tầng khu vực.
- Trên cơ sở bản đồ tuyến hẻm đã được Phòng Quản lý đô thị quận 8 thông qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8 phối hợp Ủy ban nhân dân phường tiến hành cắm mốc ranh đất trên thực địa tuyến hẻm; đồng thời các chủ đầu tư tiến hành xây dựng phương án vận động và bồi thường, hỗ trợ thiệt hại (nếu có) trình Ủy ban nhân dân quận 8 xem xét, phê duyệt.
- Phòng Tài chính - Kế hoạch lập kế hoạch sử dụng vốn dựa trên dự toán kinh phí do Ủy ban nhân dân phường và Ban Quản lý dự án cung cấp, tham mưu trình Ủy ban nhân dân quận 8 phê duyệt.
- Đối với nhà, đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ranh hẻm mở rộng cắt vào phần nhà xây dựng kiên cố và có yêu cầu được bồi thường thì xem xét bồi thường tiền sử dụng đất đã nộp, hỗ trợ thiệt hại phần kiến trúc bị ảnh hưởng; kể cả những hộ có nhà, đất phải giải tỏa toàn bộ hoặc có diện tích còn lại sau khi giải tỏa không đủ để ở thì xem xét giải quyết tái định cư. Mức bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, chính sách tái định cư được phổ biến, lấy ý kiến nhân dân công khai.
- Ủy ban nhân dân phường, Hội đồng giám sát vận động cộng đồng chủ trì, công khai những trường hợp cần bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải quyết tái định cư để đưa ra lấy ý kiến của nhân dân.
4. Bước 4:
- Căn cứ Phương án vận động nhân dân hiến đất đã được lập, Ủy ban nhân dân phường tiến hành vận động nhân dân thực hiện việc hiến đất, tháo dỡ hàng rào, mái hiên (căn cứ theo bản vẽ quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).
- Đối với những trường hợp không đồng tình, Ủy ban nhân dân phường, Mặt trận và các đoàn thể, Hội đồng giám sát vận động cộng đồng tiến hành tiếp xúc, kiên trì vận động bằng nhiều hình thức.
- Đối với các trường hợp không đồng tình tự nguyện hiến đất, tháo dỡ giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân phường, Mặt trận và các đoàn thể phối hợp với Hội đồng vận động giám sát cộng đồng tổng hợp danh sách và ghi nhận nguyện vọng hoặc khó khăn vướng mắc của từng trường hợp cụ thể, xem xét và đề ra hướng giải quyết tiếp theo, đưa ra thảo luận, bàn bạc công khai trong nhân dân khu vực thực hiện công trình, lấy ý kiến theo đa số để tổ chức thực hiện. Trường hợp có vướng mắc, không thể giải quyết thì báo cáo Ủy ban nhân dân quận giải quyết.
- Thống nhất về thời gian bàn giao mặt bằng.
- Chủ đầu tư tiếp nhận mặt bằng để tiến hành thi công công trình.
5. Bước 5:
- Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8 tiếp nhận hồ sơ pháp lý các khu đất từ chủ đầu tư để tiến hành công tác cập nhật chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận và hoàn trả cho dân.
- Hội đồng giám sát vận động cộng đồng chủ trì việc giám sát thi công công trình trong suốt quá trình thực hiện.
- Sau khi hoàn thành công trình, Chủ đầu tư phối hợp với Hội đồng giám sát vận động cộng đồng và các thành phần có liên quan tiến hành nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng.
1. Ủy ban nhân dân phường và Mặt trận, các đoàn thể phường có trách nhiệm triển khai toàn bộ quy trình vận động nhân dân hiến đất, tháo dỡ hàng rào với sự phối hợp, hỗ trợ của các phòng ban chuyên môn có liên quan. Đồng thời, tiến hành tổ chức thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định (đối với các dự án do Phường làm chủ đầu tư).
2. Phòng Quản lý đô thị có trách nhiệm trong việc cắm mốc, giao ranh, giải thích, phổ biến về quy hoạch lộ giới hẻm, quy mô dự án.
3. Phòng Tài chính - Kế hoạch có trách nhiệm về việc cân đối nguồn vốn, ghi vốn để thực hiện công trình.
4. Ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng có trách nhiệm về việc áp giá bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư.
5. Ban Quản lý dự án có trách nhiệm tiếp nhận mặt bằng, thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy định, tổ chức thi công công trình đúng quy mô, thiết kế được duyệt (đối với các dự án do Quận làm chủ đầu tư).
6. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Phường trong việc xác định nguồn gốc pháp lý căn nhà, cập nhật chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận.
7. Hội đồng giám sát vận động cộng đồng có trách nhiệm tham gia trong suốt quá trình vận động nhân dân hiến đất, tháo dỡ hàng rào, mái hiên; tham gia trong công tác giải quyết vướng mắc; chủ trì việc giám sát thi công công trình.
1. Sau khi công trình hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng, Ủy ban nhân dân phường sẽ chủ trì họp dân để tổ chức sơ kết, rút ra những bài học kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện dự án.
2. Ủy ban nhân dân phường phối hợp với Hội đồng giám sát vận động cộng đồng ghi nhận các trường hợp tích cực đi đầu, gương mẫu hưởng ứng phong trào và tham gia thực hiện tốt việc hiến đất mở rộng, nâng cấp hẻm để kịp thời đề xuất, trình Ủy ban nhân dân quận 8 có chính sách động viên khen thưởng.
Trên đây là Quy trình thực hiện vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn quận 8, Ủy ban nhân dân quận 8 đề nghị Ủy ban nhân dân 16 phường, các ban ngành đoàn thể, các phòng ban liên quan và toàn thể nhân dân quận 8 tích cực hưởng ứng để phong trào thiết thực đi vào đời sống nhân dân và đem lại kết quả tốt. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy trình này, nếu có những vấn đề không phù hợp, đề nghị thủ trưởng các đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân quận 8 để kịp thời xem xét, điều chỉnh./.
Nghị định 79/2003/NĐ-CP Quy chế thực hiện dân chủ ở xã Ban hành: 07/07/2003 | Cập nhật: 10/12/2009
Quyết định 6859/QĐ-UB-QLĐT năm 1998 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung quận 8 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 21/12/1998 | Cập nhật: 15/10/2008