Quyết định 396/QĐ-UBND năm 2019 quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Số hiệu: | 396/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Trị | Người ký: | Hà Sỹ Đồng |
Ngày ban hành: | 26/02/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 396/QĐ-UBND |
Quảng Trị, ngày 26 tháng 02 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017;
Căn cứ Luật Phòng chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 49/TTr-SNN ngày 19 tháng 02 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có đập, hồ chứa nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Kèm theo Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 26/02/2019 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này phân công một số nội dung về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
2. Đối tượng áp dụng: Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (Ủy ban nhân dân cấp xã) và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Mục tiêu, nguyên tắc quản lý
1. Mục tiêu
a) Phân định rõ trách nhiệm, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm trong quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã;
b) Tăng cường sự phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện để thống nhất quản lý, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra nhằm đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.
2. Nguyên tắc
Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ đập, hồ chứa nước thủy lợi phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
a) Bảo đảm an toàn là ưu tiên cao nhất trong xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ đập, hồ chứa nước thủy lợi;
b) Công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong quá trình xây dựng và quản lý, khai thác;
c) Bảo đảm tính chủ động trong quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.
Chương II
QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ
Điều 3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.
2. Tổ chức kê khai đăng ký an toàn đập đối với các đập, hồ chứa nước thủy lợi lớn và vừa trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về thông số kỹ thuật, thông tin quản lý đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy trình vận hành, phương án bảo vệ đập đối với các đập, hồ chứa thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, hồ chứa thủy lợi có cửa van.
4. Tổ chức thẩm định phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trong quá trình thi công và đang vận hành khai thác đối với đập, hồ chứa nước thủy lợi, vùng hạ du liên quan đến địa bàn 2 huyện trở lên, 02 tỉnh trở lên sau khi có ý kiến của UBND tỉnh có liên quan.
5. Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề cương, kết quả kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi lớn, vừa và đập, hồ chứa nước thủy lợi nhỏ liên quan đến 02 huyện trở lên.
6. Tổng hợp, lập kế hoạch lắp đặt hệ thống quan trắc công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi và quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.
8. Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ, khôi phục, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động phải có phép trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước và vùng phụ cận.
9. Kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước theo nội dung và chế độ quy định tại Điều 16, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
10. Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước.
Điều 4. Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý đối với các công trình sau:
- Công trình được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý, khai thác;
- Đập, hồ chứa nước thủy lợi có dung tích thiết kế hồ chứa dưới 500.000 m3 (năm trăm nghìn mét khối) hoặc có chiều cao đập dưới 10m do các tổ chức thủy lợi cơ sở khác quản lý khai thác.
2. Nội dung quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi;
b) Hàng năm, lập kế hoạch kiểm định, lắp đặt thiết bị quan trắc công trình, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng các đập, hồ chứa nước thủy lợi được giao quản lý tại Khoản 1, Điều này để gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh; kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước tổ chức thực hiện công tác kiểm định, lắp đặt thiết bị quan trắc công trình, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng;
c) Phê duyệt quy trình vận hành; phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp trong quá trình thi công và đang vận hành khai thác đối với hồ chứa nước có dung tích dưới 500.000 m3 (năm trăm nghìn mét khối), đập dâng có chiều cao dưới 10m sau khi có kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về thủy lợi thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và ý kiến của Sở Nông nghiệp và PTNT;
d) Tham gia với các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước xây dựng phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước, vùng lòng hồ trên địa bàn; kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác xây dựng phương án bảo vệ công trình đầu mối (đập, tràn, cống) của các hồ chứa nước, vùng lòng hồ chứa nước có dung tích dưới 500.000 m3 (năm trăm nghìn mét khối), hoặc đập dâng có chiều cao dưới 10m trên địa bàn;
e) Tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình đầu mối các hồ chứa nước và vùng lòng hồ nằm trong địa giới huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ phục vụ từ 2 xã trở lên (Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện phương án bảo vệ phần công trình đầu mối và vùng lòng hồ chứa nước nằm trong địa giới xã, phường, thị trấn);
f) Quyết định theo thẩm quyền biện pháp xử lý khẩn cấp trường hợp xảy ra sự cố đập, hồ chứa nước thủy lợi; tổ chức cứu hộ đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn, tham gia hỗ trợ cứu hộ đập, hồ chứa nước các địa phương khác theo quy định của pháp luật;
g) Chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước kê khai đăng ký an toàn đập, tập hợp hồ sơ gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thời hạn nộp tờ khai đăng ký sau 30 ngày kể từ ngày công trình được bàn giao đưa vào sử dụng đối với các hồ chứa xây dựng mới;
h) Kiểm tra và đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác kiểm tra an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi theo nội dung và chế độ quy định tại Điều 16, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi kiểm tra an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn khi có yêu cầu;
i) Đôn đốc các các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình lập báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi, hàng năm tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
k) Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.
Điều 5. Ủy ban nhân dân cấp xã có đập, hồ chứa nước thủy lợi
1. Tham gia với các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác xây dựng phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước thủy lợi trong địa giới xã, phường, thị trấn.
2. Tổ chức thực hiện phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước thủy lợi trong địa giới xã, phường, thị trấn.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Quy định này và các quy định khác của pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này, tham mưu UBND tỉnh xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Chế độ báo cáo
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện: Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) việc thực hiện công tác quản lý nhà nước và hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi đối với các công trình do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý. Báo cáo hàng năm gửi trước ngày 31 tháng 3 và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hàng năm tổng hợp, lập báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 4.
Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, các đơn vị, địa phương liên quan kịp thời phản ánh bằng văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi phù hợp tình hình thực tế./.
Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước Ban hành: 04/09/2018 | Cập nhật: 06/09/2018