Quyết định 395/1998/QĐ-BKHCNMT về Quy chế bảo vệ môi trường trong việc tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến dầu khí và các dịch vụ liên quan do Bộ trưởng Bộ Khoa Hoc,Công Nghệ Và Môi Trường ban hành
Số hiệu: 395/1998/QĐ-BKHCNMT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Người ký: Chu Tuấn Nhạ
Ngày ban hành: 10/04/1998 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 20/07/1998 Số công báo: Số 20
Lĩnh vực: Môi trường, Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 395/1998/QĐ-BKHCNMT

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG VIỆC TÌM KIẾM, THĂM DÒ, PHÁT TRIỂN MỎ, KHAI THÁC, TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, CHẾ BIẾN DẦU KHÍ VÀ CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ hướng dẫn thi
hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định 84/CP ngày 17/12/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí;
Căn cứ Công văn số 4180/KGVX ngày 20/8/1997 của Văn phòng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường trong công nghiệp dầu khí;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Bảo vệ môi trường trong việc tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến dầu khí và các dịch vụ liên quan.

Điều 2: Cục trưởng Cục Môi trường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Giám đốc các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các tổ chức dầu khí chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.

 

 

Chu Tuấn Nhạ

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG VIỆC TÌM KIẾM, THĂM DÒ, PHÁT TRIỂN MỎ, KHAI THÁC, TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, CHẾ BIẾN DẦU KHÍ VÀ CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 395/1998/QĐ - BKHCNMT ngày 10 tháng 4 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này được ban hành nhằm ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và giảm đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường do các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến dầu khí (hóa lỏng khí, lọc dầu) và dịch vụ liên quan trực tiếp đến các hoạt động này.

Điều 2. Trong quy chế này, ngoài các thuật ngữ được định nghĩa trong Luật Dầu khí và Luật Bảo vệ môi trường, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức dầu khí được hiểu là các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí bao gồm:

- Doanh nghiệp Nhà nước,

- Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Công ty,

- Doanh nghiệp tư nhân được thành lập theo Luật Doanh nghiệp tư nhân,

- Hợp tác xã,

- Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

2. Công trình dầu khí là các loại giàn, công trình di động hay cố định, các phương tiện và các kết cấu khác được sử dụng trên đất liền hoặc trên biển nhằm phục vụ cho hoạt động dầu khí.

3. Chất thải sản xuất là các chất khí, lỏng và rắn được loại ra khi tiến hành các hoạt động dầu khí.

4. Chất thải sinh hoạt bao gồm các chất thải lỏng, rắn và các loại chất thải khác được loại ra trong quá trình sinh hoạt của người tại các địa điểm hoặc công trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác, phát triển mỏ, tàng trữ, vận chuyển, chế biến dầu khí và các dịch vụ liên quan.

Điều 3. Quy chế này áp dụng đối với:

1. Tất cả các tổ chức dầu khí thực hiện việc tìm kiếm thăm dò, khai thác, phát triển mỏ, tàng trữ, vận chuyển, chế biến dầu khí và các dịch vụ liên quan trên đất liền, hải đảo, vùng nước nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

2. Các công trình của tổ chức, cá nhân Việt Nam phục vụ cho các hoạt động dầu khí trên cơ sở hợp tác với nước ngoài ở những nơi không thuộc quyền tài phán của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trừ khi các Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bên ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 4. Các tổ chức dầu khí phải có cán bộ chuyên trách về bảo vệ môi trường và trong trường hợp cần thiết phải thành lập bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường.

Điều 5. Trong quá trình thực hiện dự án dầu khí, các tổ chức dầu khí phải có trách nhiệm sau đây:

1. Không thải ra môi trường các chất thải khí, lỏng, rắn vượt quá Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành, đặc biệt là các chất thải nguy hại.

2. Thực hiện hoạt động quan trắc và phân tích môi trường (monitoring môi trường), chương trình giám sát môi trường theo Quyết định của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án, cơ sở.

3. Lập và trình cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường các báo cáo về công tác bảo vệ môi trường, sự cố môi trường phù hợp với Điều 7 của Quy chế này.

4. Nộp phí liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của luật pháp Việt Nam.

Điều 6. Khi kết thúc dự án dầu khí, các tổ chức dầu khí phải tháo dỡ các công trình cố định, dọn sạch nơi đã tiến hành dự án và báo cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 7. Thể thức lập các báo cáo về bảo vệ môi trường được quy định như sau:

1. Hàng năm tổ chức dầu khí phải lập và gửi báo cáo về bảo vệ môi trường, kể cả các tài liệu quan trắc và phân tích môi trường (monitoring), giám sát môi trường cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tại nơi tổ chức dầu khí tiến hành hoạt động trong vòng 15 ngày đầu của năm sau. Nội dung của báo cáo về bảo vệ môi trường cần phản ánh được việc thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

2. Trong trường hợp có sự cố gây tác hại lớn đến môi trường như quy định tại các điều 37, 38 của Quy chế này, sau khi hoàn thành xử lý ô nhiễm, tổ chức dầu khí phải lập báo cáo trình Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về nguyên nhân sự cố, quá trình xử lý, hậu quả môi trường.

3. Khi kết thúc dự án dầu khí, tổ chức dầu khí phải lập và trình báo cáo về bảo vệ môi trường trong quá trình tiến hành dự án cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tại nơi tổ chức dầu khí tiến hành hoạt động. Nội dung của báo cáo này cần phản ánh được việc thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Điều 8. Các tổ chức dầu khí lập và trình Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định sau:

1. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo các quy định của Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn liên quan.

2. Nội dung, thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết cho từng loại hoạt động dầu khí phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường.

3. Lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trong đó dự kiến đầy đủ các rủi ro có thể gây ra sự cố, đề xuất các biện pháp sẽ áp dụng để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây ô nhiễm môi trường, phương án huy động nhân lực và trang thiết bị thích ứng để xử lý kịp thời khi sự cố xẩy ra.

Chương 2:

TÌM KIẾM, THĂM DÒ, PHÁT TRIỂN MỎ VÀ KHAI THÁC DẦU KHÍ

Điều 9. Hệ thống đường giao thông, các công trình cố định và các thiết bị cần thiết cho việc triển khai khảo sát, tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác phải được thiết kế, xây dựng đảm bảo giảm đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường, đặc biệt ở những vùng nhậy cảm môi trường.

Điều 10. Khi tiến hành các hoạt động gây nổ, tổ chức dầu khí phải tuân theo các quy định của Nghị định số 27/CP ngày 20/4/1995 của Chính phủ và Thông tư số 11 TT/CNCL ngày 13/3/1996 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 27/CP ngày 20/4/1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Điều 11. Việc khống chế các hoạt động gây nổ, gây ồn được quy định như sau:

1. Chỉ được tiến hành các vụ gây nổ địa chấn trên đất liền phù hợp với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường phê duyệt.

2. Tổ chức dầu khí phải xin phép chính quyền địa phương trước khi tiến hành các hoạt động gây nổ ít nhất là 30 ngày (không bao gồm gây nổ trong lòng giếng khoan nhằm thử vỉa và các hoạt động thường nhật khác như cắt ống chống ...). Sau khi được phép, tổ chức dầu khí phải thông báo cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động ở những vùng liên quan đến khu vực gây nổ biết và khi tiến hành gây nổ phải có các biển báo hiệu đặt tại các nơi thích hợp.

3. Cấm gây nổ địa chấn, cho máy bay bay thấp, gây ồn đột ngột ở những khu bảo tồn quốc gia về động vật quý hiếm, trong mùa làm tổ hoặc sinh sản,.

4. Tổ chức dầu khí phải bồi thường đầy đủ các thiệt hại do các hoạt động gây nổ đã gây thiệt hại cho người, động, thực vật, công trình xây dựng như đường giao thông, nhà cửa... theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Việc sử dụng các dung dịch khoan, các hóa chất gây độc hại hoặc nguy hiểm phải được phép của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Căn cứ để xem xét cấp phép là chứng chỉ độ độc hại đối với các thí nghiệm được tiến hành trong điều kiện môi trường Việt Nam do cơ quan chuyên môn của Việt Nam được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường giao trách nhiệm cấp hoặc giấy phép cho sử dụng ở một nước phù hợp với điều kiện sử dụng ở Việt Nam.

Điều 13. Nghiêm cấm sử dụng dung dịch khoan nền dầu diesel.

Không sử dụng dung dịch khoan nền dầu. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét cho phép sử dụng dung dịch khoan nền dầu.

Điều 14. Việc sử dụng chất phóng xạ trong các hoạt động dầu khí phải tuân theo quy định của pháp luật về An toàn và Kiểm soát bức xạ và tuân theo TCVN 4985-89 - "Quy phạm vận chuyển an toàn chất phóng xạ", TCVN 4397-87- "Quy phạm an toàn bức xạ ion hóa".

Điều 15. Việc thải các chất thải sản xuất từ các công trình dầu khí biển ở những nơi thuộc quyền tài phán của nước CHXHCN Việt Nam phải tuân theo các quy định sau:

1. Không thải xuống biển cặn dầu và dầu thải, các dung dịch khoan thải nền dầu, các chất rắn chứa dầu, các chất thải lỏng và rắn độc hại khác. Các chất thải nói trên phải được thu gom, vận chuyển vào đất liền để xử lý theo quy định.

2. Chỉ được phép thải xuống biển các loại nước thải, mùn khoan có hàm lượng dầu theo quy định của phụ lục kèm theo Quy chế này và các hoá chất độc hại dưới mức cho phép theo Tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.

Điều 16

Việc thải các chất thải sinh hoạt từ các công trình dầu khí biển ở những nơi thuộc quyền tài phán của nước CHXHCN Việt Nam phải tuân theo các quy định sau:

1. Không thải xuống biển các loại rác thải khó phân huỷ như vỏ đồ hộp, chai lọ, túi nhựa... Các loại rác thải trên phải được thu gom, vận chuyển vào đất liền để xử lý theo quy định.

2. Các chất thải rắn như gỗ, giấy có thể đốt và tro được phép thải xuống biển, nếu không độc hại và không nhiễm dầu.

3. Các loại đồ ăn thừa được phép thải thẳng xuống biển sau khi đã được nghiền thành hạt có đường kính nhỏ hơn 25mm.

Điều 17. Việc thu gom và xử lý các chất thải rắn và lỏng từ các công trình dầu khí trên đất liền phải tuân theo các quy định sau:

1. Các chất thải rắn phải được thu gom vào các phương tiện hay thiết bị chứa thích hợp, sau đó phải được xử lý hoặc chôn lấp ở bãi thải theo các tiêu chuẩn đã được quy định và phải thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

2. Các chất thải lỏng gây ô nhiễm phải được thu gom trong các bể chứa để sau đó xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Các bể chứa này phải được thiết kế và xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Nước vỉa khai thác phải được thu gom và chứa trong các khu vực riêng biệt và trước khi thải ra môi trường xung quanh phải được xử lý phù hợp với TCVN 5945-1995- Nước thải công nghiệp- Tiêu chuẩn thải.

Điều 18.

1. Cấm thải trực tiếp khí hydrocacbon vào môi trường xung quanh khi chưa được phép của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

2. Khi không có khả năng thu gom để sử dụng, khí hydrocacbon phải được đốt cháy hoàn toàn tại tháp đốt. Tháp đốt phải thiết kế đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chương 3:

TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN DẦU KHÍ

Điều 19. Các tổ chức dầu khí lập kế hoạch phòng chống sự cố cháy, nổ và trình cơ quan phòng chống cháy, nổ thuộc Bộ Nội vụ phê duyệt để xin cấp phép xây dựng công trình.

Điều 20.

1. Các bể chứa, trạm nạp và nhận, các ống dẫn dầu, khí phải được thiết kế, xây dựng theo các tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế (API, ASME, BS...) đã được Việt Nam công nhận; Thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát thường xuyên trong quá trình vận hành các thiết bị này.

2. Các bể chứa dầu nổi (floating units) phải được xây dựng và trang bị phù hợp với TCVN 04044-85 -"Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm biển do tầu gây ra'' và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Điều 21. Việc thiết kế, thi công đường ống dẫn dầu, khí ngoài biển phải tuân theo các quy định sau:

1. Khi lựa chọn tuyến ống phải đảm bảo giảm đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường. Cấm xây dựng các tuyến ống dẫn dầu, khí qua khu vực bảo tồn quốc gia hoặc khu vực đặc biệt nhậy cảm môi trường nếu không được phép của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

2. Khi xây dựng các đường ống phải áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa và hạn chế ô nhiễm môi trường biển (môi trường nước, đáy biển) do việc thi công và thải các chất thải gây ra.

3. Khi được phép sử dụng chất nổ, chất phóng xạ phù hợp với Báo cáo Đánh giá tác động môi trường phải tuân theo các quy định tại các Điều 10, Điều 11 và Điều 14 Quy chế này.

4. Đường ống được phép chôn xuống đáy biển nếu không gây ảnh hưởng xấu đến cấu trúc đáy biển và điều kiện sinh thái tự nhiên của dải ven bờ.

Điều 22. Việc thiết kế, thi công đường ống dẫn dầu, khí trên đất liền phải tuân theo các quy định sau:

1. Hành lang và tuyến ống phải được lựa chọn để không vi phạm đến các khu vực bảo tồn thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá và vùng đặc biệt nhạy cảm môi trường.

2. Giảm đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên, phá huỷ các công trình kiến trúc, văn hoá và gây cản trở giao thông.

3. Khi được phép sử dụng chất nổ, chất phóng xạ phù hợp với Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt phải tuân theo Điều 10, Điều 11 và Điều 14 Quy chế này.

Điều 23.

1. Khi xây dựng các đường ống dẫn dầu, khí trên đất liền hoặc gần bờ, chất lỏng dùng để thử thuỷ lực các đường ống dẫn dầu, khí phải được thu gom vào nơi riêng biệt và phải được xử lý trước khi thải ra môi trường xung quanh phù hợp với Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

2. Các hóa chất dùng thử thuỷ lực phải được phép của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Căn cứ để xem xét cấp phép là chứng chỉ độ độc hại đối với các thí nghiệm được tiến hành trong điều kiện môi trường Việt Nam do cơ quan chuyên môn của Việt Nam được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường giao trách nhiệm cấp hoặc giấy phép cho sử dụng ở một nước ngoài phù hợp với điều kiện sử dụng ở Việt Nam.

Điều 24. Trong quá trình hoạt động, việc xúc rửa các bể chứa , đường ống dẫn dầu, khí và xử lý các chất thải sinh ra từ quá trình xúc rửa phải thực hiện theo đúng phương án kỹ thuật đã được cơ quan Quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường phê duyệt.

Chương 4:

CHẾ BIẾN DẦU KHÍ

Điều 25. Các tổ chức dầu khí lập kế hoạch phòng chống sự cố cháy, nổ và trình Cơ quan Phòng chống cháy, nổ thuộc Bộ Nội Vụ phê duyệt để được cấp phép xây dựng công trình.

Điều 26. Khi lựa chọn vị trí của nhà máy chế biến dầu khí phải đảm bảo giảm đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường, đảm bảo cho các dịch vụ bảo vệ môi trường tại chỗ, đặc biệt trong trường hợp có sự cố môi trường.

Điều 27. Công nghệ chế biến và các quy trình vận hành, giám sát, ứng cứu sự cố môi trường...của nhà máy chế biến dầu khí phải được lựa chọn, đảm bảo giảm đến mức tối thiểu việc thải các chất thải khí, lỏng, rắn vào môi trường và phải tuân theo các quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Điều 28. Các biện pháp vận chuyển nguyên liệu đến và sản phẩm đi từ nhà máy lọc dầu phải được lựa chọn, đảm bảo giảm đến mức tối đa rủi ro xuất hiện sự cố tràn dầu do tai nạn vận chuyển.

Điều 29. Nhà máy lọc dầu phải có các biện pháp thích hợp (như che chắn, đắp bờ, khoanh vùng...) để ngăn ngừa ô nhiễm nước mặt và nước dưới đất do mưa rửa trôi nguyên liệu, các sản phẩm, do rò rỉ dầu, tràn dầu từ các thiết bị xử lý, phương tiện tàng trữ, vận chuyển gây ra.

Điều 30.

1. Các chất thải khí, lỏng, rắn của nhà máy chế biến dầu khí phải được xử lý phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, hoặc được phép của Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, trước khi thải ra môi trường xung quanh.

2. Các bãi thu gom chất thải lỏng, rắn của nhà máy chế biến dầu khí phải được thiết kế, xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Chương 5:

CÁC HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ

Điều 31. Các phương tiện vận tải của các tổ chức dầu khí hoạt động trên bộ, trên sông, trên biển phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm biển do tàu gây ra (MARPOL 73/78) và các Công ước quốc tế liên quan khác mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Điều 32. Các loại tàu thuyền tham gia hoạt động dầu khí trên biển phải tuân thủ các quy định sau:

1. Có trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm phù hợp với TCVN 04044-85 - "Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm biển do tàu gây ra" được cơ quan đăng kiểm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận. Nếu là tàu nước ngoài phải có các loại giấy chứng nhận quốc tế về chống ô nhiễm do dầu cũng như do nước thải gây ra và được đăng kiểm Việt Nam xác nhận.

2. Có văn bản quy phạm hướng dẫn ngăn ngừa ô nhiễm do các chất độc hại kể cả nước thải sinh hoạt, đồng thời phải có các văn bản hướng dẫn việc thu gom lên tầu các chất thải và giao nhận dầu.

3. Có một giám sát viên ô nhiễm để giúp thuyền trưởng giám sát các hoạt động thải dầu cũng như thải các chất khác nhằm ngăn ngừa việc thải không đúng quy định.

4. Có sổ ghi chép theo dõi việc giao nhận dầu và các chất, sổ phải được ghi chép đầy đủ các số liệu giao nhận cũng như kết quả kiểm tra, được lưu trữ và trình cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường khi có yêu cầu.

Điều 33. Các căn cứ dịch vụ dầu khí trên bờ phải tuân thủ các quy định sau:

1. Không thải trực tiếp ra môi trường xung quanh các loại dầu mỡ, hoá chất độc hại, khí thải và nước thải có chứa các chất độc hại vượt quá mức cho phép của các Tiêu chuẩn Việt Nam về khí thải, nước thải công nghiệp cũng như sinh hoạt.

2. Phải thu gom, xử lý các chất thải sản xuất và sinh hoạt trong quá trình hoạt động theo quy định.

3. Các căn cứ dịch vụ làm nhiệm vụ tiếp nhận, tàng trữ, xử lý chất thải từ công nghiệp dầu khí phải có bãi thải, công nghệ xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan khác. Nghiêm cấm việc tiếp nhận và xử lý các loại chất thải có nguồn gốc từ nước ngoài nhập vào.

4. Việc bảo quản, tàng trữ, vận chuyển các chất phóng xạ phải tuân theo pháp luật về An toàn và Kiểm soát bức xạ, đồng thời phải tuân theo các Tiêu chuẩn Việt Nam:

TCVN- 4586-97( Quy phạm an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ)

TCVN- 4397-87( Quy phạm an toàn về bức xạ ion hóa)

TCVN- 4985-89( Quy định vận chuyển an toàn chất phóng xạ)

Điều 34. Bãi thải chứa các chất thải từ công nghiệp dầu khí phải được thiết kế, xây dựng và vận hành đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Việc cấp phép cho xây dựng các bãi thải này chỉ dược thực hiện khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 35. Cảng dịch vụ dầu khí phải đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Điều 33 của Quy chế này, phải có kế họach ứng cứu sự cố tràn dầu và kế họach phòng chống cháy đựơc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Chương 6:

KHẮC PHỤC Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG, SUY THOÁI MÔI TRƯỜNG, SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Điều 36.

1. Trong quá trình triển khai các dự án dầu khí, tổ chức dầu khí phải duy trì đầy đủ nhân lực, trang thiết bị và mối liên hệ với các cơ quan hữu quan kể cả với các chính quyền địa phương và các tổ chức nước ngoài để có thể quản lý, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do sự cố môi trường.

2. Tổ chức dầu khí đang khai thác dầu khí ngoài biển phải đảm bảo:

2.1 Trên mỗi giàn khai thác, trạm tiếp nhận và phân phối dầu có sẵn các trang, thiết bị để sẵn sàng ứng cứu tại chỗ sự cố tràn dầu dưới 15 tấn.

2.2 Khả năng phóng xuống biển các thiết bị ứng cứu đối với sự cố tràn dầu dưới 500 tấn trong vòng 24 giờ.

Điều 37.

1. Khi xẩy ra các sự cố gây tổn hại lớn đến môi trường như tràn dầu do phun trào (blow-out) hoặc từ bể nổi chứa dầu, rò rỉ khí độc hoặc xẩy ra nổ..., tổ chức dầu khí phải khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng cứu cần thiết, đồng thời thông báo ngay cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh nơi xảy ra sự cố, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các cơ quan hữu quan khác theo kế hoạch ứng cứu sự cố tràn dầu đã được phê duyệt.

2. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch ứng cứu chung cho các hoạt động của các đơn vị thành viên, các nhà thầu của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, các đơn vị liên doanh có vốn góp của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nhằm phối hợp hành động giữa các tổ chức dầu khí, các cơ quan có liên quan cũng như với Uỷ ban Nhân dân địa phương nơi xảy ra sự cố và các tổ chức ứng cứu nước ngoài để đảm bảo ứng cứu được nhanh chóng và có hiệu quả tốt nhất.

Điều 38. Khi xảy ra sự cố tràn dầu tại các công trình dầu khí biển với lượng dầu tràn trên 2 tấn, tổ chức dầu khí phải thông báo ngay cho Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Uỷ ban Nhân dân tỉnh tại nơi có sự cố. Báo cáo đầy đủ về sự cố tràn dầu phải được lập và trình nộp Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Uỷ ban Nhân dân tỉnh nơi có sự cố trong vòng 15 ngày sau khi khắc phục xong sự cố.

Điều 39. Việc sử dụng các chất phân tán để xử lý dầu tràn phải tuân theo các thủ tục nêu trong kế hoạch ứng cứu sự cố tràn dầu đã được phê duyệt và phải tuân theo các yêu cầu sau:

1. Chỉ được sử dụng chất phân tán để xử lý dầu tràn sau khi xét thấy áp dụng các biện pháp khác thu hồi dầu tràn không phù hợp.

2. Chỉ được sử dụng những loại chất phân tán đã đăng ký và được phép của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Khi sử dụng phải thận trọng để tránh dùng chất phân tán quá mức cho phép.

3. Cấm dùng chất phân tán trong sông, vùng cửa sông, vùng nước biển ven bờ có độ sâu nhỏ hơn 20m hoặc cách bờ dưới 2 km và các vùng sinh thái nhậy cảm khác.

4. Việc sử dụng chất phân tán phải được phép của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Trong trường hợp khẩn cấp khi dầu tràn đang có nguy cơ đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng con người, tài sản, tài nguyên, tổ chức dầu khí có thể sử dụng chất phân tán đã đăng ký trong kế hoạch ứng cứu sự cố tràn dầu đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường phê duyệt.

5. Sau khi sử dụng chất phân tán tổ chức dầu khí phải báo cáo chi tiết cho Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường về sự cố xẩy ra, về sử dụng chất phân tán và hậu quả.

Chương 7:

THANH TRA, KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 40. Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên chuyên ngành về bảo vệ môi trường có quyền đến các tổ chức dầu khí để:

1. Kiểm tra các loại giấy phép, giấy chứng nhận và tài liệu liên quan tới phòng chống ô nhiễm môi trường;

2. Kiểm tra sổ ghi chép các hoạt động về quản lý môi trường, sao chép các tài liệu cần thiết và yêu cầu những người chịu trách nhiệm của tổ chức dầu khí xác nhận sao y bản chính;

3. Thanh tra việc bảo quản, sử dụng và tình trạng hoạt động của các trang thiết bị phòng chống ô nhiễm;

4. Thu thập các loại mẫu cần thiết có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường;

5. Thẩm tra các sự việc và thẩm vấn những người có liên quan đến các sự cố ô nhiễm;

6. Phát hiện và giải quyết tại chỗ các các vấn đề có liên quan hoặc kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành;

7. Xử phạt theo quy định của pháp luật.

Điều 41.

1. Tổ chức dầu khí phải tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên làm việc cũng như cung cấp mọi thông tin cần thiết.

2. Tổ chức dầu khí có quyền khiếu nại với người đã ra quyết định thanh tra về kết luận và biện pháp xử lý của Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên. Trong trường hợp không đồng ý với ý kiến giải quyết khiếu nại đó, tổ chức dầu khí có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc khởi kiện vụ việc tại Toà án có thẩm quyền

3. Trong trường hợp thanh tra được tiến hành tại một tổ chức dầu khí có vốn đầu tư nước ngoài thì các khiếu nại được giải quyết theo Luật Đầu tư nước ngoài.

Điều 42.

1. Trong quá trình tiến hành các dự án dầu khí, tổ chức dầu khí gây ra suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường ngoài việc chịu phạt phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Tổ chức dầu khí gây ô nhiễm môi trường phải trả các chi phí làm sạch môi trường, khắc phục sự cố môi trường cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đã thực hiện công việc khắc phục và làm sạch đó.

3. Tổ chức dầu khí phải thực hiện việc đền bù kịp thời cho các tổ chức, cá nhân về những thiệt hại do suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường do mình gây ra và về chi phí đã bỏ ra để làm sạch và khắc phục sự cố môi trường.

Điều 43. Tổ chức dầu khí không có bổn phận bồi thường thiệt hại hoặc trả chi phí làm sạch môi trường khi sự cố môi trường xảy ra do :

- Thiên tai,

- Chiến tranh hoặc hành động khủng bố,

- Hành động hoặc thiếu sót của bên thứ ba không liên quan đến hoạt động của tổ chức dầu khí.

Điều 44. Mọi tổ chức hoặc cá nhân thực hiện tốt các quy định cuả Quy chế này, có công trong việc ngăn ngừa ô nhiễm, ứng cứu sự cố môi trường được khen thưởng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 45. Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào vi phạm Quy chế này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam .

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 46 . Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này theo chức năng và quyền hạn của mình.

Điều 47 .  Tổng công ty Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế này đối với các Nhà thầu theo quy định trong Hợp đồng dầu khí.

Điều 48. Trong quá trình thực hiện, nếu có những quy định trước đây trái với nội dung quy định tại Quy chế Bảo vệ môi trường trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác, phát triển mỏ, tàng trữ, vận chuyển, chế biến dầu khí và các dịch vụ liên quan thì việc áp dụng sẽ được thực hiện theo Quy chế này.

PHỤ LỤC

QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ HÀM LƯỢNG DẦU CHO PHÉP TRONG NƯỚC THẢI VÀ TRONG MÙN KHOAN
(Áp dụng cho các công trình dầu khí hoạt động tại vùng biển Việt Nam trong khi chưa ban hành tiêu chuẩn việt nam có liên quan)

Đối tượng thải

Giới hạn

Ghi chú

Nước thải

A. Nước khai thác

1. Vùng cách bờ trong vòng 12 hải lý

- Thông thường

- Những vùng cần bảo vệ đặc biệt

2.Vùng cách bờ ngoài 12 hải lý

B. Các loại nước khác

1. Vùng cách bờ trong vòng 3 hải lý

2. Vùng cách bờ ngoài 3 hải lý

15mg/l

Bộ KHCN&MT sẽ có quy định cụ thể cho từng trường hợp

40 mg/l

1mg/l

15 mg/l

Với nước khai thác, đây là giới hạn cực đại trung bình 24giờ

Mùn khoan

1. Vùng cách bờ 3 hải lý

2. Vùng cách bờ ngoài 3 hải lý
(áp dụng cho dung dịch khoan nền dầu)

Cấm thải

10g/1kg mùn khoan khô

Bộ KHCN&MT có thể xem xét mở rộng các giới hạn này cho từng trường hợp cụ thể

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.