Quyết định 39/2013/QĐ-UBND quy định mức đóng góp và chế độ miễn, giảm, hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy; chế độ hỗ trợ đối với cán bộ theo dõi, quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu: 39/2013/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Lê Thị Kim Đơn
Ngày ban hành: 18/09/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2013/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 18 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC ĐÓNG GÓP VÀ CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM, HỖ TRỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI CAI NGHIỆN MA TÚY; CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁN BỘ THEO DÕI, QUẢN LÝ, GIÚP ĐỠ NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY CAI NGHIỆN TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 27/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 24/02/2012 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định mức đóng góp và chế độ miễn, giảm, hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy; chế độ hỗ trợ đối với cán bộ theo dõi, quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nội vụ, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Bộ Tài chính; Lao động TB&XH;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- TT.UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch & các Ρ.Chủ tịch UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh; Sở Tư pháp; Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh; Báo Kon Tum; Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, VX2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thị Kim Đơn

 

QUY ĐỊNH

MỨC ĐÓNG GÓP VÀ CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM, HỖ TRỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI CAI NGHIỆN MA TÚY; CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁN BỘ THEO DÕI, QUẢN LÝ, GIÚP ĐỠ NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY CAI NGHIỆN TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 18/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này điều chỉnh các nội dung sau:

- Mức đóng góp và chế độ miễn, giảm, hỗ trợ.

- Đối tượng được miễn, giảm, hỗ trợ.

- Thủ tục miễn, giảm, hỗ trợ

- Định mức hỗ trợ và số lượng cán bộ theo dõi, quản lý đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

1. Các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước (gọi chung là cơ sở cai nghiện ma túy) để tham gia công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội;

2. Người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện bắt buộc hoặc tự nguyện tai cơ sở cai nghiện ma túy.

3. Người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng;

4. Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên bị bắt quả tang sử dụng trái phép chất ma túy mà không có nơi cư trú nhất định.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng:

Các nội dung không được quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Quy định này được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 27/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 24/02/2012 của Liên Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây viết tắt là TTLT số 27) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Đối với người chữa trị, cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy.

1. Các khoản chi phí cai nghiện, chữa trị và mức đóng góp

STT

Các khoản chi phí

ĐVT

Mức đóng

1

Tiền ăn

đồng/người/ngày

30.000

2

Tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện và thuốc chữa bệnh thông thường khác

đồng/người/lần chấp hành quyết định

400.000

3

Xét nghiệm tìm chất ma túy và các xét nghiệm khác

đồng/người/lần chấp hành quyết định

250.000

4

Chi phí hoạt động văn thể

đồng/người/lần chấp hành quyết định

50.000

5

Tiền học văn hóa (nếu có nhu cầu)

đồng/người/năm

630.000

6

Học sơ cấp nghề (nếu có nhu cầu)

đồng/người/khóa

2.000.000

7

Chi phí điện, nước sinh hoạt

đồng/người/tháng

70.000

8

Tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất

đồng/người/tháng

467.000

9

Tiền phục vụ, quản lý

đồng/người/tháng

614.000

2. Mức đóng góp một phần tiền ăn: Đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm đóng góp một phần tiền ăn với mức 15.000 đồng/người/ngày trong tổng số mức đóng tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày theo quy định. Trừ các trường hợp được miễn, giảm theo quy định tại Điều 6, TTLT số 27

3. Chế độ miễn, giảm mức đóng góp một số khoản chi phí chữa trị, cai nghiện:

Đối với người tự nguyện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy được hưởng chế độ miễn, giảm mức đóng góp một số khoản chi phí chữa trị, cai nghiện nếu thuộc các trường hợp sau:

- Người thuộc diện hộ nghèo, người thuộc gia đình chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật được miễn 100% mức đóng góp các khoản tiền thuộc hỗ trợ cắt cơn nghiện và thuốc chữa bệnh thông thường khác; tiền xét nghiệm tìm chất ma túy và các xét nghiệm khác.

- Người thuộc diện hộ cận nghèo được giảm 50% mức đóng góp các khoản tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện và thuốc chữa bệnh thông thường khác; tiền xét nghiệm tìm chất ma túy và các xét nghiệm khác.

Điều 5. Đối với người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.

1. Các khoản chi phí cai nghiện và mức đóng góp:

STT

Các khoản chi phí

ĐVT

Mức đóng

1

Chi phí khám sức khỏe; xét nghiệm phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị điều trị cắt cơn

đồng/người/lần chấp hành quyết định

250.000

2

Tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện

đồng/người/lần chấp hành quyết định

400.000

3

Tiền ăn trong thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở điều trị cắt cơn

đồng/người/ngày

40.000

4

Hoạt động giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện (nếu có)

 

 

4.1

Hoạt động giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách

đồng/người/buổi tư vấn

50.000

4.2

Học sơ cấp nghề

đồng/người/khóa

2.000.000

2. Chế độ miễn, giảm đối với người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng:

- Đối với người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật: Miễn 100% mức đóng góp các khoản chi phí khám sức khỏe; xét nghiệm phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị điều trị cắt cơn;

- Đối với người thuộc hộ cận nghèo: Giảm 50% mức đóng góp các khoản chi phí khám sức khỏe; xét nghiệm phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị điều trị cắt cơn;

3. Chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng:

Đối với người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật được hỗ trợ như sau:

- Tiền thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện ma túy: 400.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định;

- Tiền ăn trong thời gian cai nghiện tập trung: mức 40.000 đồng/người/ngày, thời gian tối đa không quá 15 ngày.

Điều 6. Đối với người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng:

Người nghiện ma túy cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật được hỗ trợ một lần tiền thuốc điều trị cắt cơn nghiện ma túy mức 400.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định.

Điều 7. Thủ tục miễn, giảm, hỗ trợ:

1. Hồ sơ miễn, giảm, hỗ trợ:

Người cai nghiện ma túy hoặc gia đình của người cai nghiện ma túy (gọi tắt là đối tượng) lập hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:

a) Đơn đề nghị được hưởng chế độ miễn, giảm, hỗ trợ của đối tượng có xác nhận của cơ quan có trách nhiệm quản lý.

b) Các loại giấy tờ có liên quan đến người cai nghiện ma túy:

- Bản sao giấy xét nghiệm nhiễm HIV/AIDS đối với người nhiễm HIV/AIDS; trường hợp bị mất giấy báo kết quả xét nghiệm thì phải có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

- Bản sao giấy khai sinh (có chứng thực) đối với người chưa thành niên.

2. Thẩm quyền xác nhận đơn đề nghị được hưởng chế độ miễn, giảm, hỗ trợ:

Đối tượng tự viết đơn đề nghị được hưởng chế độ miễn, giảm, hỗ trợ và đến một trong các cơ quan sau để xác nhận:

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận đối với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; riêng đối tượng là người không có nơi cư trú nhất định việc xác nhận do UBND xã, phường nơi đối tượng đang tạm trú;

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố xác nhận đối với người thuộc diện gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật;

- Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh xác nhận đối tượng nhiễm HIV/AIDS nếu bị mất giấy báo kết quả xét nghiệm.

3. Cơ quan tiếp nhận và thời gian giải quyết hồ sơ miễn, giảm, hỗ trợ:

- Đối tượng lập 01 (một) bộ hồ sơ, nộp cho cơ sở cai nghiện ma túy nơi đối tượng đang chấp hành thời gian cai nghiện ma túy.

- Cơ sở cai nghiện ma túy nơi đối tượng đang chấp hành thời gian cai nghiện ma túy có trách nhiệm thực hiện chế độ miễn, giảm, hỗ trợ ngay sau khi nhận hồ sơ của đối tượng.

Điều 8. Định mức cán bộ và mức chi hỗ trợ cán bộ theo dõi, quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình và cộng đồng

1. Định mức số cán bộ thực hiện nhiệm vụ này là 01 cán bộ theo dõi, quản lý, giúp đỡ trực tiếp 04 người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Cứ thêm từ 01-04 người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện thì thêm 01 cán bộ theo dõi, quản lý, giúp đỡ trực tiếp người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Nhiệm vụ theo dõi, quản lý, giúp đỡ trực tiếp người nghiện ma túy cai nghiện trong thời gian cai nghiện bao gồm theo dõi việc thực hiện kế hoạch cai nghiện của người cai nghiện; phối hợp gia đình người nghiện ma túy theo dõi, quản lý, chăm sóc, giúp đỡ người cai nghiện; vận động người cai nghiện tham gia các hoạt động xã hội để thay đổi hành vi, nhân cách, sớm hòa nhập cộng đồng (không thuộc nhiệm vụ thành viên của Tổ công tác).

2. Mức chi hỗ trợ cho cán bộ thôn (hoặc tổ dân phố) là thành viên của Tổ công tác cai nghiện ma túy xã, phường, thị trấn (viết tắt là Tổ công tác) được phân công theo dõi, quản lý, giúp đỡ trực tiếp người nghiện ma túy cai nghiện trong thời gian cai nghiện như sau:

- Xã có phụ cấp khu vực với hệ số 0,2: hỗ trợ 70.000 đồng/người/tháng.

- Xã có phụ cấp khu vực với hệ số 0,3: hỗ trợ 150.000 đồng/người/tháng.

- Xã có phụ cấp khu vực với hệ số 0,4: hỗ trợ 200.000 đồng/người/tháng.

- Xã có phụ cấp khu vực với hệ số 0,5: hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng.

- Xã có phụ cấp khu vực với hệ số 0,7: hỗ trợ 350.000 đồng/người/tháng.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Phân công trách nhiệm thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện quy định này và các quy định tại các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

2. Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý sử dụng kinh phí thực hiện chi hỗ trợ, miễn, giảm chi phí chữa trị, cai nghiện cho các đối tượng nghiện ma túy theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Công an tỉnh hướng dẫn UBND cấp xã có người nghiện ma túy thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10/02/2012 của Liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế - Công an về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Điều 10. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.