Quyết định 39/2007/QĐ-UBND về Quy định lập, sử dụng và quản lý Quỹ việc làm dành cho người tàn tật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Số hiệu: | 39/2007/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Tĩnh | Người ký: | Hà Văn Thạch |
Ngày ban hành: | 04/10/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, Chính sách xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/2007/QĐ-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 04 tháng 10 năm 2007 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 81/1995/NĐ-CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về lao động là người tàn tật; Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/4/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/1995/NĐ-CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 19/5/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 81/1995/NĐ-CP và Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 804/TTr-SLĐTBXH ngày 29/6/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định lập, sử dụng và quản lý Quỹ việc làm dành cho người tàn tật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Thủ trưởng các Ban, Ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát việc thực hiện Quy định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
LẬP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ VIỆC LÀM DÀNH CHO NGƯỜI TÀN TẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Điều 1. Quỹ việc làm dành cho người tàn tật (Sau đây gọi tắt là Quỹ) để giúp người tàn tật học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật, hỗ trợ các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế có nhận người tàn tật vào học nghề và làm việc.
Điều 2. Quỹ do UBND tỉnh ra quyết định thành lập và giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm chủ tài khoản.
Điều 3. Quỹ được thành lập từ các nguồn sau:
1. Ngân sách địa phương:
Hằng năm, căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương và nhu cầu giải quyết việc làm, học nghề cho người tàn tật tại địa phương, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định bố trí một khoản từ ngân sách cho Quỹ.
2. Khoản nộp hằng tháng của các doanh nghiệp không nhận đủ số người tàn tật vào làm việc theo quy định tại Điều 14, 15 Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người tàn tật (Sau đây gọi tắt là Nghị định 81) bằng mức lương tối thiểu hiện hành do Nhà nước quy định nhận số lao động là người tàn tật mà doanh nghiệp cần phải nhận theo tỷ lệ quy định.
3. Nguồn tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
4. Các nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 4. Quỹ được sử dụng con dấu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh để theo dõi toàn bộ các khoản thu, chi của Quỹ.
Điều 5. Cơ quan điều hành Quỹ:
1. Ban quản lý Quỹ do Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thành lập bao gồm các thành viên: Trưởng ban là Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Phó ban và các thành viên là Lãnh đạo hoặc chuyên viên các Sở, Ngành liên quan (Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Ngân hàng chính sách xã hội).
2. Giúp việc cho Ban quản lý Quỹ là Ban kiểm soát và Tổ chuyên viên do trưởng Ban Quản lý Quỹ lựa chọn và ra quyết định thành lập.
Điều 6. Đối tượng phục vụ của Quỹ gồm:
1. Lao động là người tàn tật theo quy định tại Điều 1 Nghị định 81 đã được sửa đổi, bổ sung
2. Các cơ sở dạy nghề do Nhà nước, tổ chức, cá nhân lập ra để đào tạo, đào tạo lại, bổ túc nghề cho người tàn tật theo quy định của Pháp luật.
3. Cơ sở dạy nghề thường xuyên có ít nhất 70% số học viên là người tàn tật.
4. Các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Đầu tư có sử dụng lao động là người tàn tật cao hơn tỷ lệ quy định tại Điều 14 Nghị định 81 đã được sửa đổi, bổ sung.
5. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật (có từ 51% trở lên số lao động là người tàn tật hiện đang làm việc).
6. Cơ quan quản lý để đào tạo nâng cao năng lực đối với người làm công tác dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người tàn tật.
Điều 7. Quỹ được sử dụng vào các mục đích sau:
1. Cấp hỗ trợ cho các đối tượng tại mục 2, 3, 4, 5, 6 Điều 6 quy định này để: Xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị kỹ thuật, duy trì và phát triển dạy nghề, sản xuất kinh doanh theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt.
2. - Mức cấp hỗ trợ cho đào tạo nghề không quá 5.000.000,0đ/một người tàn tật.
- Mức cấp hỗ trợ cho cơ sở sản xuất kinh doanh nhận người tàn tật vào làm việc không quá 10.000.000,0đ/một người tàn tật (tính theo số lao động là người tàn tật vượt mức quy định).
3. Cho vay vốn để thực hiện các dự án của đối tượng tại mục 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 6 quy định này với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội; Mức vay, thời hạn vay, thủ tục cho vay, thu hồi vốn vay, xử lý rủi ro thực hiện theo quy định của Quỹ quốc gia về việc làm.
Điều 8. Được phép chi không quá 5% tổng thu của Quỹ cho công tác quản lý Quỹ bao gồm: Chi sổ sách, biên lai, giấy tờ, công cụ, văn phòng phẩm phục vụ quản lý Quỹ; Chi các cuộc họp, công tác phí cho cán bộ đi công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người tàn tật theo sự phân công của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Trả lương cho cán bộ hợp đồng (nếu có), trả lương cho cán bộ làm thêm giờ v.v... Mức chi và thanh quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 9. Số dư hằng năm của Quỹ được chuyển sang năm sau, không sử dụng Quỹ vào các mục đích khác.
Điều 10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn các cơ sở dạy nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật; Cơ sở dạy nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh nhận người tàn tật vào học nghề, lao động đạt tỷ lệ cao hơn mức quy định xây dựng hồ sơ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và xã hội chứng nhận là: "Cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật" hoặc "Cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật" hoặc chứng nhận là "Doanh nghiệp có số người tàn tật làm việc cao hơn tỷ lệ quy định".
Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận danh sách lao động, học viên trong đó có người tàn tật học nghề và làm việc tại cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; Kiểm tra giám sát việc thực hiện của các cơ sở này.
Điều 11. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế có trách nhiệm hàng quý báo cáo số lượng lao động đang làm việc, số lao động là người tàn tật với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Các doanh nghiệp nhận người tàn tật thấp hơn tỷ lệ quy định có trách nhiệm hằng tháng nộp vào Quỹ một khoản tiền theo quy định tại Mục 2 Điều 3 Chương I của Quy định này. Khoản tiền này được hạch toán vào chi phí sản xuất hoặc dịch vụ. Chậm nhất đến ngày 31/3 năm sau phải nộp vào Quỹ đủ số tiền phải nộp của năm trước liền kề.
Điều 12. Các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng chính sách quy định tại Nghị định 81 đã được sửa đổi, bổ sung có nhu cầu cấp vốn hỗ trợ hoặc vay vốn từ Quỹ phải có dự án gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để kiểm tra, thẩm định hồ sơ thủ tục theo quy định tại Điểm 3 Mục VIII Thông tư số 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 19/5/2005 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 13. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm:
1. Hằng năm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch thu, chi của Quỹ trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
2. Hướng dẫn các cơ sở, đối tượng xây dựng dự án, kiểm tra, thẩm định dự án cấp vốn hỗ trợ, vay vốn từ Quỹ.
3. Trình UBND tỉnh ra quyết định mức hỗ trợ, cho vay đối với các dự án xin cấp vốn hỗ trợ và vay vốn của các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, kinh phí đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người tàn tật.
4. Quyết toán số thu, chi hàng năm của Quỹ. Hàng năm báo cáo tình hình về vốn cấp, vốn vay đã được UBND tỉnh phê duyệt về Liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh.
5. Tổ chức hướng dẫn, thực hiện chính sách, chế độ đối với lao động là người tàn tật, kiểm tra, xác định số người tàn tật mà các doanh nghiệp phải nhận theo tỷ lệ quy định, trình UBND tỉnh quyết định số tiền phải nộp vào Quỹ đối với từng cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp.
6. Kiểm tra, thẩm định, ra quyết định chứng nhận "Cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật" hoặc "Doanh nghiệp có người tàn tật tham gia cao hơn tỷ lệ quy định" và hủy bỏ chứng nhận đối với các cơ sở không còn đủ điều kiện được hưởng chính sách theo quy định này.
Điều 14. Sở Tài chính có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ Quỹ trình UBND tỉnh để UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh quyết định; thẩm định quyết toán của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bao gồm cả quyết toán thu, chi Quỹ.
Điều 15. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là người tàn tật trong kế hoạch lao động - việc làm hàng năm của tỉnh.
2. Phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ Quỹ.
Điều 16. Ngân hàng Chính sách xã hội và Kho bạc Nhà nước tỉnh:
Đối với dự án vay vốn từ Quỹ, khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Kho bạc Nhà nước chuyển kinh phí cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục cho vay, kiểm tra việc thực hiện dự án, thu hồi tiền lãi, tiền vốn vay... theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Riêng tiền lãi cho vay thu được sau khi trích theo tỷ lệ được hưởng cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và chủ dự án (nếu có) theo quy định của Nhà nước, số còn lại chuyển nhập vào tài khoản của Quỹ ở Kho bạc Nhà nước.
Điều 17. Các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt bản quy định này sẽ được khen thưởng theo quy định của Pháp luật. Đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng các quy định trên thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/4/2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp Luật Lao động hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật./.
Nghị định 113/2004/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động Ban hành: 16/04/2004 | Cập nhật: 17/09/2012
Nghị định 116/2004/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 81/CP năm 1995 Hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động là người tàn tật Ban hành: 23/04/2004 | Cập nhật: 10/12/2009