Quyết định 389/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành
Số hiệu: | 389/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Ninh Bình | Người ký: | Đinh Quốc Trị |
Ngày ban hành: | 21/06/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 389/QĐ-UBND |
Ninh Bình, ngày 21 tháng 6 năm 2011 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;
Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 62/TTr- SNN ngày 20/5/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình và Chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam đến năm 2020; tập trung đầu tư cho các vùng có điều kiện phát triển chăn nuôi theo phương thức thâm canh, kết hợp chăn nuôi truyền thống với chăn nuôi công nghiệp tạo tính bền vững và hiệu quả; khuyến khích chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ sang quy mô vừa và lớn (gia trại, trang trại) theo định hướng sản xuất hàng hoá, bán công nghiệp trên cơ sở có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung phù hợp cho từng vùng, từng địa phương trong tỉnh.
2. Tập trung phát triển chăn nuôi vào các loại vật nuôi chính có thế mạnh của tỉnh như lợn có tỷ lệ nạc cao; gia cầm siêu thịt, siêu trứng; dê đặc sản; bò thịt chất lượng cao theo hướng gắn sản xuất với thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện an sinh xã hội, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Từng bước đầu tư về công nghệ chế biến súc sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; chế biến thức ăn chăn nuôi với trình độ kỹ thuật thâm canh cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
1. Mục tiêu chung:
- Cải tiến hệ thống tổ chức sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; tạo sự dịch chuyển mang tính bền vững từ phương thức chăn nuôi truyền thống, phân tán, quy mô nhỏ sang phương thức chăn nuôi tiên tiến với quy mô gia trại, trang trại, tạo ra bước đột phá về phương thức và kỹ thuật chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm.
- Khai thác triệt để các lợi thế về đất đai, lao động và các giống vật nuôi phù hợp ở các vùng sinh thái để đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi, phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp lên trên 35% vào năm 2015 và đạt khoảng trên 41% vào năm 2020.
- Chủ động kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, dịch tai xanh ở lợn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đảm bảo an toàn dịch tễ, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ những hoạt động sản xuất chăn nuôi, giết mổ động vật, vận chuyển và kinh doanh thực phẩm, bảo vệ lợi ích kinh tế của người sản xuất, sức khỏe cộng đồng và sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Giai đoạn 2011 - 2015:
- Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng bình quân 9,20%/năm; đến năm 2015, giá trị sản xuất ước đạt trên 3.086 tỷ đồng (theo giá thực tế), chiếm trên 35,0% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
- Nâng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi hàng hóa theo hướng trang trại tập trung và gia trại quy mô vừa và lớn chiếm trên 25% vào năm 2015; trong đó, đàn lợn chiếm 20%, đàn bò thịt: 5%, đàn gà nuôi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp chiếm 45% tổng đàn, đàn vịt nuôi theo hướng bán thâm canh và thâm canh chiếm 30% tổng đàn.
- Các chỉ tiêu tổng đàn: Trâu 15,9 nghìn con; bò 44,7 nghìn con; lợn 477 nghìn con; dê 27,5 nghìn con; gia cầm 4,3 triệu con; thỏ 167 nghìn con.
- Sản lượng: Thịt hơi khoảng 71,18 nghìn tấn; trứng: 114,8 triệu quả.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng bình quân 6,08%/năm; đến năm 2020, giá trị sản xuất ước đạt trên 4.152 tỷ đồng (theo giá thực tế), chiếm trên 41,4% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
- Mức tăng trưởng số lượng trang trại, gia trại chăn nuôi hàng năm đạt khoảng 4%/năm; đưa tỷ trọng sản phẩm hàng hóa chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung trong tỉnh đạt 40 - 50% vào năm 2020 trong tổng sản phẩm ngành chăn nuôi.
- Các chỉ tiêu tổng đàn: Trâu 16 nghìn con; bò 49,5 nghìn con; dê 34 nghìn con; lợn 531 nghìn con; gia cầm 4,73 triệu con; thỏ 225,5 nghìn con.
- Sản lượng: Thịt hơi khoảng 90,89 nghìn tấn; trứng: 130,4 triệu quả.
III. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI:
1. Quy hoạch phát triển đàn vật nuôi và sản phẩm:
- Đàn trâu: Phấn đấu đạt 15,9 nghìn con vào năm 2015 và 16,0 nghìn con vào năm 2020. Ổn định sản lượng thịt 1,4 - 1,5 nghìn tấn vào năm 2020. Tập trung phát triển đàn trâu ở các huyện Nho Quan, Yên Mô, Gia Viễn, Yên Khánh và huyện Hoa Lư.
- Đàn bò: Phấn đấu đạt 44,7 nghìn con vào năm 2015 và 49,5 nghìn con vào năm 2020. Sản lượng thịt bò đạt 2,4 nghìn tấn vào năm 2015 và 2,76 nghìn tấn vào năm 2020. Tập trung phát triển đàn bò ở các huyện Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh. Đến năm 2020, tỷ lệ bò Zebu trong tổng đàn đạt 55 - 60%; tỷ lệ đàn bò thịt giết mổ trên tổng đàn đạt 25,4%; trọng lượng xuất chuồng bình quân 190-210 kg/con; tỷ lệ thịt xẻ 55 - 60%.
- Đàn lợn: Tổng đàn đạt 477 nghìn con với sản lượng thịt khoảng 57,1 nghìn tấn vào năm 2015; đến năm 2020, tổng đàn đạt 531 nghìn con với sản lượng thịt 74,2 nghìn tấn. Tập trung phát triển ở các huyện Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn và huyện Kim Sơn.
- Đàn gia cầm: Đến năm 2015 toàn tỉnh có khoảng 4,32 triệu con và đạt 4,73 triệu con vào năm 2020. Tập trung phát triển tại các huyện: Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô, Nho Quan, Gia Viễn. Sản lượng thịt gia cầm hơi toàn tỉnh đạt 8,39 nghìn tấn vào năm 2015 và 10,13 nghìn tấn vào năm 2020; sản lượng trứng đạt 114,8 triệu quả vào năm 2015 và đạt 130,4 triệu quả vào năm 2020.
- Đàn dê: Đạt khoảng 27,5 nghìn con với sản lượng thịt khoảng 715 tấn vào năm 2015 và 34,0 nghìn con với sản lượng thịt khoảng 884 tấn vào năm 2020. Tập trung phát triển ở các huyện Nho Quan, Hoa Lư, Gia Viễn.
- Đàn thỏ: Đến năm 2015 đạt 167,0 nghìn con, sản lượng thịt 835 tấn và đến năm 2020 đạt 225,5 nghìn con, sản lượng thịt 1.128 tấn.
(Chi tiết có Phụ lục số 1 kèm theo)
2. Quy hoạch khu chăn nuôi tập trung công nghiệp, trang trại, gia trại:
a) Khu chăn nuôi tập trung: Đến năm 2015, tổng số khu chăn nuôi công nghiệp tập trung của tỉnh dự kiến là 16 khu với tổng diện tích là 650,5 ha và đến năm 2020 dự kiến là 25 khu với tổng diện tích là 839,5 ha bố trí trên địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô và thị xã Tam Điệp.
(Chi tiết có Phụ lục số 2 kèm theo)
b) Chăn nuôi trang trại, gia trại: Tổ chức lại chăn nuôi gia trại, nông hộ có quy mô nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên; lợn nái trên 10 con, lợn thịt từ 50 đến 500 con; gia cầm trên 1.000 con. Định hướng phát triển trang trại, gia trại như sau:
- Trang trại chăn nuôi trâu, bò: Các khu chăn nuôi lớn bố trí tại vùng đồi rừng các huyện: Nho Quan, Kim Sơn, Tam Điệp. Khu chăn nuôi vừa và nhỏ bố trí tại các huyện Yên Mô và Yên Khánh.
- Trang trại chăn nuôi lợn: Các khu chăn nuôi lớn bố trí tại khu vực phía Tây thị xã Tam Điệp và phần đồi rừng huyện Nho Quan, Gia Viễn. Khu chăn nuôi vừa và nhỏ tại đất hoang hoá, đất trồng kém hiệu quả, đất ngoại ô các thị xã, thị trấn.
- Trang trại chăn nuôi gia cầm: Bố trí tại các sườn đồi, chân núi, các thung lũng tại thị xã Tam Điệp, các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư và các vùng đất kém hiệu quả của huyện Yên Mô, Yên Khánh. Đối với thuỷ cầm bố trí vùng đất chiêm trũng, đất sản xuất nông nghiệp 1 vụ kém hiệu quả.
(Chi tiết có Phụ lục số 3 kèm theo)
3. Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến:
- Đến năm 2015: Toàn tỉnh có 20 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung với tổng diện tích mặt bằng 15,3 ha. Trong đó: 04 cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp; 16 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp..
- Đến năm 2020: Chỉ mở rộng và nâng cấp các khu, cơ sở giết mổ trong giai đoạn trên với tổng diện tích sử dụng đất là 16,3 ha. Giảm các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ và thực hiện việc giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung.
(Chi tiết có Phụ lục số 4 kèm theo)
4. Quy hoạch hệ thống tiêu thụ sản phẩm:
- Đến năm 2015: Toàn tỉnh có 127 chợ đạt tiêu chuẩn trên cơ sở cải tạo, nâng cấp các chợ hiện có và xây mới thêm 08 chợ. Trong đó: 117 chợ buôn bán tiêu thụ gia súc gia cầm đã qua giết thịt; 10 chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống.
- Đến năm 2020: Giữ nguyên số chợ hiện có, giảm chức năng chợ bán gia súc, gia cầm sống còn 06 chợ; bổ sung chức năng buôn bán bò giống và mua bán cỏ tại các chợ ở huyện Gia Viễn và Nho Quan; từng bước phát triển thành Trung tâm đấu xảo, triển lãm hoặc tổ chức các cuộc thi về chăn nuôi của nông dân trong tỉnh.
5. Bố trí đất dành cho phát triển chăn nuôi:
Tổng diện tích đất bố trí cho ngành chăn nuôi toàn tỉnh đến năm 2020 khoảng 2.884 ha, tăng 1.431,57 ha so với hiện tại. Trong đó bố trí thêm: 538,58 ha để hình thành các khu chăn nuôi tập trung; 274,15 ha để phát triển trang trại; 15,6 ha để xây dựng khu giết mổ tập trung; 465,68 ha trồng cỏ chuyên canh; 112,56 ha đất cỏ trồng xen; 25 ha để nâng cấp, sửa chữa và mở rộng 119 chợ và xây mới 8 chợ.
(Chi tiết có Phụ lục số 5 kèm theo)
6. Kinh phí thực hiện quy hoạch:
- Tổng kinh phí đầu tư thực hiện quy hoạch đến năm 2020: 408 tỷ đồng.
Trong đó:
+ Giai đoạn 2011 – 2015: 236 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2016 – 2020: 172 tỷ đồng.
- Nguồn vốn: Ngân sách hỗ trợ; vốn vay; vốn của doanh nghiệp; vốn tự có của nhân dân và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
1. Nhóm giải pháp về kỹ thuật:
a) Giải pháp về giống:
- Giống trâu: Chọn lọc, cải tạo, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng đàn trâu nội; ưu tiên nhập tinh hoặc nhập trâu đực giống tốt, chất lượng cao để cải tạo đàn trâu nội. Từng bước xây dựng, hình thành các vùng giống trâu để cung cấp những con giống tốt cho toàn tỉnh.
- Giống bò: Cải tiến nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zebu hoá trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo và sử dụng bò đực giống tốt đã qua chọn lọc cho nhân giống ở những nơi chưa có điều kiện làm thụ tinh nhân tạo. Chọn lọc trong sản xuất các giống bò Zebu, bò sữa cao sản và nhập nội bổ sung một số giống bò có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái trong tỉnh để tạo đàn cái nền phục vụ cho lai tạo giống bò sữa và bò thịt chất lượng cao, cung cấp bê đực cho nuôi vỗ béo bò thịt. Nhập bổ sung tinh bò thịt cao sản, bò sữa năng suất cao và một số bò đực cao sản để sản xuất tinh.
- Giống lợn: Củng cố hệ thống quản lý sản xuất, kinh doanh đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giống tại các trại lợn giống trên địa bàn tỉnh, ổn định cơ cấu di truyền, nuôi dưỡng tốt lợn giống nhập ngoại để cung cấp con giống cho các vùng giống nhân dân. Xây dựng một số vùng giống lợn địa phương truyền thống ở thị xã Tam Điệp, huyện Nho Quan, Hoa Lư... để giữ giống thuần chủng.
- Giống gia cầm: Chọn lọc, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng những giống gia cầm địa phương như gà Ri, gà Mía, gà chọi. Nhập và nuôi dưỡng tốt một số giống ngoại nhập, xây dựng các đàn thuần để giữ giống gốc; đồng thời, nghiên cứu sản xuất con lai thương phẩm có năng suất và chất lượng sản phẩm cao như gà lai giữa gà chọi với các giống gà Ri, gà Mía, gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trại giống gia cầm, qua đó chọn lọc, phục tráng, cải tạo nâng cao năng suất giống gia cầm địa phương.
- Giống dê: Bảo tồn và phát triển mạnh các giống dê núi hiện có như giống dê núi của Hoa Lư. Áp dụng các kỹ thuật mới trong nhân giống, lưu giữ và quản lý giống dê như sản xuất tinh đông lạnh cọng rạ, thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi. Xây dựng và củng cố các vùng nhân giống trọng điểm đảm bảo cung cấp giống dê cao sản cho các huyện miền núi.
b) Giải pháp về thức ăn:
- Thức ăn thô xanh cho đàn trâu bò: Đến năm 2020, quy hoạch diện tích cỏ trồng chuyên canh là 518 ha và diện tích cỏ trồng xen khoảng 675 ha.. Diện tích cỏ trồng chuyên canh tập trung chính ở các huyện Nho Quan (322 ha), Yên Khánh (81,5 ha), Gia Viễn (56,6 ha), Yên Mô (41,36 ha) và Kim Sơn (16,4 ha).
- Thức ăn tinh và thức ăn bổ sung: Bố trí lại cơ cấu cây trồng, chuyển một số diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng ngô. Tập trung thâm canh tăng vụ mở rộng diện tích cây vụ đông, tăng diện tích trồng ngô, cỏ thâm canh… lấy thức ăn cho chăn nuôi. Khuyến khích các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đầu tư trang bị máy móc và mua nguyên liệu về tự chế biến thức ăn chăn nuôi hoặc hợp đồng với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để bảo đảm cung cấp ổn định về số lượng và chất lượng với giá hợp lý.
c) Giải pháp nâng cao năng lực:
- Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông: nghiên cứu về giống, kỹ thuật chăn nuôi, thiết kế chuồng trại, chế biến sản phẩm chăn nuôi, phát triển các mô hình sản xuất đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, cung cấp các thông tin về giống, về giá cả thị trường.
- Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về kỹ thuật chăn nuôi thâm canh, kỹ thuật chế biến thức ăn gia súc, công tác thú y và kỹ năng quản lý cho cán bộ ở địa phương và cấp cơ sở cũng như các chủ trang trại.
- Tăng cường năng lực quản lý ngành thú y trên các lĩnh vực: Giám sát, thông tin dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch - kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y, công tác cán bộ và giáo dục, tuyên truyền.
- Đầu tư thích hợp cho ngành thú y để có đủ năng lực hoạt động, đáp ứng được yêu cầu thực tế; trong đó: Ưu tiên hàng đầu cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
d) Giải pháp về môi trường:
- Khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi hình thành các vùng chăn nuôi tập trung kết hợp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý và kiểm soát phân, rác thải.
- Hạn chế chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ gần các khu dân cư song song với kiểm soát chặt chẽ môi trường chăn nuôi thực hiện chăn nuôi có kiểm soát.
- Từng bước đưa các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ra xa khu dân cư; đồng thời với việc đầu tư xây dựng công trình xử lý và kiểm soát rác, nước thải và thực hiện việc giết mổ gia súc, gia cầm theo quy hoạch.
- Đầu tư thiết kế xây dựng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ theo các mô hình thiết kế mới, hiện đại.
- Đầu tư phát triển mạnh chương trình biogas trong chăn nuôi.
- Tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt khi phát hiện các vi phạm gây ô nhiễm môi trường đối với những hộ, trang trại chăn nuôi, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
2. Nhóm giải pháp về chính sách:
a) Điều chỉnh một số chính sách và quy định về điều kiện chăn nuôi:
Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành một số văn bản, chính sách mới của tỉnh về sản xuất chăn nuôi. Quy định các cơ sở chăn nuôi sản xuất hàng hóa phải đăng ký với chính quyền địa phương và chịu sự giám sát về kỹ thuật của cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp.
b) Chính sách đối với các cơ sở chăn nuôi thuộc diện di dời và chuyển đổi ngành nghề sản xuất:
Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi di dời đến các vùng đã được quy hoạch hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất phù hợp hơn, từng bước chấm dứt chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các khu dân cư, đô thị,… Hỗ trợ thất nghiệp, ổn định cuộc sống, hỗ trợ đào tạo khi ngưng sản xuất để chuyển đổi ngành nghề. Hỗ trợ khoanh nợ lãi vay ngân hàng.. Hỗ trợ chi phí di dời cơ sở sản xuất, xây dựng cơ sở mới ở khu quy hoạch chăn nuôi. Hỗ trợ cho vay và giảm thuế.
c) Chính sách về đất đai:
- Tổ chức rà soát, sắp xếp, bố trí lại hệ thống quy hoạch trang trại, gia trại đảm bảo vệ sinh, môi trường, phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới của từng xã trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các nông hộ chuyển một phần hoặc toàn bộ diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang làm chuồng trại, trồng cỏ và trồng các cây thức ăn khác để phát triển chăn nuôi.
- Tổ chức đấu thầu công khai, bảo đảm dân chủ, minh bạch một số diện tích đất công ích của xã mà chưa có nhu cầu sử dụng để lập trang trại chăn nuôi. Áp dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo công khai, công bằng tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất chăn nuôi. Tạo điều kiện chủ trang trại được thuê đất lâu dài đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phát triển chăn nuôi với thời gian ít nhất từ 20 đến 30 năm trở lên.
d) Chính sách về đầu tư và tín dụng:
- Huy động nhiều nguồn vốn khác nhau như nguồn ngân sách, các chương trình dự án, vốn vay, nhân dân đóng góp, doanh nghiệp…để đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi. Trong đó, kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước ưu tiên để hỗ trợ đầu tư theo quy định một số hạ tầng kỹ thuật thiết yếu để hình thành và phát triển các vùng sản xuất giống tập trung, trọng điểm, các trung tâm, trại giống cấp ông bà, cấp I, hạ tầng của các đơn vị sự nghiệp; các nghiên cứu khoa học về giống, chọn tạo nhân và chế biến giống, xây dựng một số mô hình trình diễn về công nghệ sản xuất giống, công tác tăng cường quản lý chất lượng giống, công tác tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm, kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y.
- Tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, xây dựng công trình khí sinh học (biogas), sản xuất, chế biến giống.
- Từng bước xây dựng, thực hiện chính sách bảo hiểm sản xuất vật nuôi để khắc phục rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, giá cả... theo nguyên tắc: ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần, người chăn nuôi tham gia đóng góp và nguồn hợp pháp khác.
e) Chính sách liên quan đến công tác thú y:
- Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vaccine các loại dịch bệnh nguy hiểm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát điều kiện chăn nuôi, kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y; tăng cường hệ thống mạng lưới thú y từ tỉnh đến cơ sở kể cả năng lực đội ngũ cán bộ thú y, trang thiết bị làm việc.
- Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; quy trình quản lý vệ sinh thú y với các cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến và an toàn dịch cho các vùng sản xuất.
- Xây dựng và công nhận cơ sở, vùng và liên vùng an toàn dịch bệnh, nhất là những vùng có các cơ sở sản xuất giống và vùng chăn nuôi lớn, tập trung. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thú y trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vật nuôi.
g) Tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi:
Xây dựng mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt giữa các doanh nghiệp, các HTX, cơ sở chăn nuôi và các điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, các siêu thị trong và ngoài tỉnh...trên cơ sở ký kết các hợp đồng kinh tế; liên doanh liên kết với các tỉnh, các vùng lân cận để trao đổi thông tin thị trường, xây dựng hệ thống dự báo thị trường, tìm nguồn đối tác...để thúc đẩy chăn nuôi phát triển; kêu gọi, xúc tiến đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan công bố quy hoạch, theo dõi, đôn đốc thực hiện quy hoạch; tổ chức đánh giá định kỳ việc thực hiện quy hoạch và chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp cần thiết.
- Xây dựng các đề án, kế hoạch triển khai, thực hiện mục tiêu và các nội dung của quy hoạch. Chịu trách nhiệm làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan trong việc quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng, phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch, đúng quy định của pháp luật.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, bố trí vốn từ Ngân sách nhà nước, các nguồn vốn khác và hoàn thiện các chính sách về đầu tư, thuế để thực hiện có hiệu quả những nội dung của quy hoạch.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các chính sách về đất đai cho các tổ chức, cá nhân thuê phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp và kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
4. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm; xây dựng, thực hiện chương trình thông tin - truyền thông - giáo dục VSATTP; kiểm tra, thanh tra về VSATTP; kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất trong thực phẩm lưu thông trên thị trường.
5. Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành có liên quan kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh thực phẩm trên thị trường, nhất là các nhóm thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao; kiểm soát nhãn thực phẩm, thực phẩm giả, sản phẩm chăn nuôi tại các chợ, các cơ sở giết mổ tập trung và triển khai áp dụng tiêu chuẩn GMP, HACCP tại các cơ sở giết mổ quy mô công nghiệp.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bảo đảm theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
- Chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về chăn nuôi tại cơ sở. Xử lý nghiêm minh, đúng quy định các vi phạm pháp luật về chăn nuôi theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Y tế; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Bình; Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN |
Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 11/01/2008 | Cập nhật: 17/01/2008
Quyết định 10/2008/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 Ban hành: 16/01/2008 | Cập nhật: 23/01/2008
Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 07/09/2006 | Cập nhật: 16/09/2006