Quyết định 3864/QĐ-UBND-NN năm 2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Nghệ An đến năm 2020
Số hiệu: 3864/QĐ-UBND-NN Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Phan Đình Trạc
Ngày ban hành: 31/08/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3864/QĐ-UBND.NN

Vinh, ngày 31 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại các Tờ trình số: 1257/TTr- SNN.KHĐT ngày 04/6/2010, 1803/TTr-SNN.KHTC ngày 06/8/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều1: Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sau đây viết tắt CNC) tỉnh Nghệ An đến năm 2020, với nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC nhằm khai thác tốt nhất về tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp, dần chuyển nông nghiệp sang sản xuất nông sản bằng quy trình CNC để có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường bền vững.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật chuyên ngành có trình độ chuyên môn sâu theo kịp khu vực, thế giới để nghiên cứu, áp dụng nhanh các thành công, thành tựu CNC của thế giới vào sản xuất tại địa phương.

- Hình thành được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các cây, con nguyên liệu chủ lực và tổ chức chế biến đủ tiêu chí "ứng dụng CNC trong sản xuất" thực sự tạo được năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao của nông sản.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2010 - 2015

a) Từng bước xây dựng và hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà trọng tâm là:

- Xây dựng các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC: năm 2015 cả tỉnh có ít nhất 2 - 3 doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp theo CNC.

- Xây dựng 1 - 2 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, trước hết ưu tiên đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp CNC ở vùng Phủ Quỳ.

- Xây dựng một số vùng nông nghiệp ứng dụng CNC cho các cây, con chủ lực của tỉnh; trước mắt là vùng nông nghiệp Phủ Quỳ.

b) Sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ứng dụng CNC, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, cụ thể:

- Doanh nghiệp đầu tư sản xuất tập trung và đầu tư hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình CNC một số nguyên liệu chủ lực sau:

+ Chè: 100% diện tích trồng mới, 50% tổng diện tích đã có được áp dụng sản xuất theo quy trình CNC;

+ Mía có 40 - 50% diện tích trồng mới, lưu gốc chăm sóc theo quy trình ứng dụng CNC;

+ Cỏ chăn nuôi bò sữa tập trung có 70 - 80% diện tích được sản xuất theo quy trình ứng dụng CNC;

+ Cà phê 100% diện tích được ứng dụng CNC;

+ Cao su có 100% diện tích trồng mới, 50% diện tích KTCB, KD đầu tư theo quy trình CNC;

+ Rau, củ quả 70 - 80% diện tích được ứng dụng CNC.

- Nông dân đầu tư sản xuất nông sản bằng quy trình nông nghiệp CNC, bao gồm:

+ Lúa 20 - 25% diện tích được ứng dụng CNC;

+ Ngô 30 - 40% diện tích được ứng dụng CNC;

+ Lạc 40 - 50% diện tích được ứng dụng CNC.

c) Khảo nghiệm và du nhập một số giống cây trồng, vật nuôi có triển vọng đưa vào sản xuất và tiếp cận một số giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp chuyển đổi gen được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép đưa vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng nông lâm sản. Tiếp thu các công nghệ sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp của thế giới để ứng dụng vào Nghệ An.

2.2. Giai đoạn 2016 - 2020

a) Tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên cả 3 lĩnh vực:

- Các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC;

- Các khu nông nghiệp ứng dụng CNC;

- Các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

b) Đầu tư tăng tỷ lệ diện tích cây trồng được ứng dụng CNC, đến năm 2020 đạt chỉ tiêu:

- Đối với doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đảm bảo ứng dụng CNC 100% diện tích cho quá trình trồng mới; và trong quá trình chăm sóc giai đoạn kiến thiết cơ bản hoặc giai đoạn kinh doanh, đảm bảo ứng dụng CNC đạt:

+ Cỏ cho bò sữa 100% diện tích;

+ Mía 70 - 80% diện tích;

+ Chè 60 - 70% diện tích;

+ Cà phê 100% diện tích;

+ Cao su 60 - 70% diện tích.

- Đối với các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC khác:

+ Lúa 50-55% diện tích sản xuất được ứng dụng CNC;

+ Ngô 60 - 65% diện tích sản xuất được ứng dụng CNC;

+ Lạc 65 - 70% diện tích sản xuất được ứng dụng CNC;

+ Vừng 75 - 80% diện tích sản xuất được ứng dụng CNC.

c) Thường xuyên du nhập, thử nghiệm các giống cây trồng vật nuôi. Nếu phù hợp sớm đưa vào sản xuất đại trà.

II. NỘI DUNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CNC TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

1. Linh vực nông nghiệp được ưu tiên đầu tư ứng dụng CNC vào sản xuất gồm

1.1. Lĩnh vực nông nghiệp:

- Công nghệ sinh học tập trung việc chọn tạo giống mới, nhân giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu cao; sử dụng những giống biến đổi gen thuộc lĩnh vực cây trồng, vật nuôi được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép để nâng cao năng suất, khả năng chống chịu bệnh để đưa vào sản xuất từ thử nghiệm, sản xuất thử, nhân đại trà.

- Áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, sử dụng cơ giới hóa, từng bước tự động hóa để nâng cao năng suất hiệu quả trong sản xuất, tổ chức sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, tưới nước tiết kiệm, nhằm đảm bảo năng suất chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế cao. Qua đó làm mô hình tham quan cho người dân.

- Tổ chức chăn nuôi: bò sữa, bò thịt, lợn, gà áp dụng quy trình công nghệ cao từ khâu: giống, chuồng trại, dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng ở các trang trại tập trung quy mô lớn. Chăn nuôi nhỏ phải áp dụng đầu tư công nghệ cao về giống, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh thú y an toàn, môi trường nuôi tốt.

- Sản xuất chăn nuôi theo hướng chuỗi khép kín từ: Giống, chuồng nuôi, dinh dưỡng, phòng dịch, thú y, chế biến, tiêu thụ.

1.2. Lĩnh vực lâm nghiệp: Chú trọng đầu tư phát triển rừng kinh tế, tập trung vào các nội dung sau:

- Áp dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống, nhân giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu cao, trong tạo giống cây lâm nghiệp có sử dụng giống biến đổi gen, công nghệ tạo giống bằng Invitro.

- Công nghệ trồng rừng thâm canh: Giống, đầu tư phân bón, cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch.

- Gắn trồng nguyên liệu ứng dụng CNC với sản xuất, chế biến sản phẩm bột giấy, giấy, MDF với công nghệ và chất lượng cao, gắn phát triển vùng nguyên liệu với đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới.

1.3. Lĩnh vực thủy sản: Tập trung vào lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến.

- Công nghệ sinh học trong tạo giống, nhân giống thuỷ sản có năng suất, chất lượng cao.

- Công nghệ nuôi thâm canh, đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm thuỷ sản để xuất khẩu, tiêu dùng ở thị trường có hiệu quả.

- Công nghệ đánh bắt đảm bảo hiệu quả kinh tế nhưng không phương hại đến môi trường, cạn kiệt nguồn lợi.

- Thực hiện tốt các yêu cầu hàng rào kỹ thuật để xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

2. Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC

a) Giai đoạn 2010-2015: Quán triệt chủ trương, đầu tư đúng để hình thành và được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất: Tổ chức, đầu tư sản xuất các cây, con làm nguyên liệu để chế biến tạo các loại nông sản hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị cao như: chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp; nuôi thâm canh thuỷ sản; sản xuất chế biến chè, cao su, gỗ, mía… Phấn đấu đến năm 2015, Nghệ An có ít nhất 2 - 3 doanh nghiệp được công nhận đủ tiêu chí là doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất bằng ứng dụng CNC. Đồng thời xây dựng các mô hình để dần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cho sản xuất lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày.

b) Giai đoạn 2016-2020:

- Đầu tư phát triển tăng số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và tăng tỷ lệ ứng dụng CNC trong các doanh nghiệp trên các đối tượng sản xuất nông sản (Mía, chè, cao su, cà phê, thủy sản, lúa, ngô và lạc).

- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khép kín theo “chuỗi” từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, bảo quản, tiêu thụ.

3. Phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng CNC

Trên cơ sở điều kiện đất đai, lợi thế phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực để xác định quy hoạch những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ nhân rộng trong vùng sản xuất.

Xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng CNC. Chú trọng các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

a) Giai đoạn 2010 - 2015: Xây dựng ít nhất 1 - 2 Khu nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó ưu tiên phát triển khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại vùng Phủ Quỳ với nhiệm vụ chính là: Chuyển giao, ứng dụng, trình diễn mô hình kỹ thuật đối với: chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp; trồng rau, củ, quả xuất khẩu, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng kinh tế năng suất cao…

b) Giai đoạn 2016 - 2020: Toàn tỉnh xây dựng ít nhất 3 - 4 Khu nông nghiệp ứng dụng CNC, ít nhất phổ biến thành công trên các lĩnh vực:

+ Nghiên cứu, chuyển giao, trình diễn kỹ thuật, sản xuất giống một số loại cây trồng nông, lâm nghiệp chủ lực của tỉnh;

+ Nghiên cứu chuyển giao, trình diễn mô hình sản xuất phục vụ ngành chăn nuôi;

+ Nghiên cứu chuyển giao, trình diễn mô hình sản xuất rau màu hàng hóa;

+ Nghiên cứu chuyển giao, trình diễn mô hình sản xuất các giống thủy sản chủ lực của tỉnh.

4. Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng CNC

a) Giai đoạn 2010 - 2015:

+ Xây dựng và phát triển 1 - 2 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó tập trung, ưu tiên phát triển vùng Phủ Quỳ trở thành vùng kinh tế tổng hợp có nhiều loại sản phẩm nông nghiệp CNC;

+ Bước đầu ứng dụng CNC vào các vùng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến do các doanh nghiệp đầu tư, tiêu thụ: chè, mía, cây lâm nghiệp, cao su, cà phê, rau màu hàng hóa, nông sản thực phẩm chuẩn bị cho phát triển ở giai đoạn 2016 - 2020.

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

Xây dựng và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC khác, đây là các vùng tuy có ít loại sản phẩm nhưng là sản phẩm chủ lực của Nghệ An:

+ Rau màu, thủy sản: Quỳnh Lương - Quỳnh Lưu, Vinh, Nam Đàn;

+ Nuôi trồng thủy sản mặn lợ: Quỳnh Lưu, Diễn Châu;

+ Vùng chè: Thanh Chương và Anh Sơn;

+ Vùng thâm canh lúa: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương và Đô Lương;

+ Vùng thâm canh lạc: Diễn Châu, Nghi Lộc;

+ Các vùng nông nghiệp CNC khác được phát hiện trong quá trình thực hiện. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh quyết định bổ sung.

5. Tạo CNC trong nông nghiệp

Tích cực du nhập, khảo nghiệm, chọn tạo các giống lai đối với một số cây trồng nông, lâm nghiệp; chọn tạo giống ưu thế lai đối với một số loại vật nuôi; chọn tạo giống một số loại cá đơn tính. Dự kiến sẽ chọn ra và đưa vào sản xuất được 1 - 2 giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt cho mọi loại cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản chủ yếu.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC

1.1. Việc quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn phải cần có lợi thế tự nhiên các loại sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh và quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch cây con đã có.

1.2. Quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các nhóm cây, con, nhằm xây dựng các cơ sở nghiên cứu, cơ sở thực nghiệm để tạo tiền đề nhân rộng ra đại trà. Đồng thời là nơi sản xuất ra một số loại sản phẩm nông sản có chất lượng, có năng suất cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao để có thu nhập cao.

1.3. Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng nhân diện rộng các mô hình đầu tư công nghệ cao, đồng thời là nơi sản xuất tạo nông sản bằng quy trình công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh làm cơ sở chuyển căn bản về chất của sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn.

2. Xây dựng các dự án đầu tư ưu tiên

- Dự án sản xuất rau, củ quả và hoa;

- Dự án sản xuất giống cây trồng chất lượng cao;

- Dự án sản xuất cam sạch bệnh;

- Dự án chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp;

- Dự án chăn nuôi lợn siêu nạc;

- Dự án khảo nghiệm các cây đặc sản quý hiếm: Tếch, Hông, Ôliu;

- Dự án sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ nuôi cấy mô;

- Dự án sản xuất giống thủy sản.

3. Đào tạo nguồn nhân lực CNC trong nông nghiệp

- Tiếp nhận chuyên gia đầu ngành và các kỹ sư chuyên ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản có trình độ từ loại khá trở lên cho đi đào tạo thêm để tiếp cận công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học ở nước ngoài và cơ quan nghiên cứu trong nước. Tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu.

- Tổ chức tập huấn nâng cao hiểu biết, kỹ năng sản xuất nông nghiệp theo quy trình CNC cho người dân sản xuất trong vùng nông nghiệp ứng dụng CNC.

4. Hợp tác quốc tế

- Đẩy mạnh quan hệ với nước ngoài để tiếp nhận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến thông qua các dự án hợp tác quốc tế.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nhân lực CNC trong nông nghiệp, ưu tiên hợp tác đào tạo đại học, sau đại học và các ngành kỹ thuật CNC trong nông nghiệp tới các trường đại học, cao đẳng nghề tiên tiến khu vực và thế giới thông qua các dự án hợp tác quốc tế.

5. Nguồn vốn phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC

Đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, bao gồm:

- Ngân sách nhà nước dành cho Chương trình phát triển CNC.

- Vốn ngân sách nhà nước thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm được phê duyệt.

- Vốn của các doanh nghiệp đầu tư.

- Vốn từ nguồn hợp tác quốc tế, thông qua các dự án hợp tác, vốn vay ODA đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo.

- Vốn từ nguồn đóng góp của người dân sản xuất, vốn do các nhà tài trợ của tổ chức, cá nhân.

6. Cơ chế chính sách

- Áp dụng các chính sách của Trung ương quy định tại các văn bản:

+ Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 ngày 13/11/2008 do Quốc Hội khóa XII ban hành quy định về hoạt động công nghệ cao, chính sách, biện pháp kích thích, thúc đẩy hoạt động công nghệ cao.

+ Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020.

+ Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

- Áp dụng chính sách hỗ trợ của tỉnh quy định tại Quyết định số 101/2007/QĐ- UBND ngày 06/9/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc quy định một số chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; và các chính sách bổ sung được UBND tỉnh ban hành thông qua quá trình thực hiện đề án này.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ)

1.1. UBND tỉnh thành lập BCĐ thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC do đồng chí Phó Chủ tịnh UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp làm Trưởng ban.

1.2. Thành phần Ban

- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Phó ban thường trực;

- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Phó ban;

- Thành viên BCĐ: Đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện có quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

1.3. Cơ quan thường trực: Sở Nông nghiệp và PTNT

1.4. Tổ giúp việc BCĐ: Giao Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định.

2. Nhiệm vụ các ngành

2.1. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan xây dựng quy chế hoạt động của BCĐ trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan lập quy hoạch các khu, vùng nông nghiệp CNC trình UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp với các địa phương quản lý, tư vấn để tổ chức thực hiện quy hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng tiêu chí công nhận lĩnh vực ứng dụng CNC, doanh nghiệp ứng dụng CNC.

- Hàng năm, chủ trì xây dựng các kế hoạch triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC để thực hiện theo quy hoạch được duyệt; tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án và tham mưu trình UBND tỉnh quyết định bổ sung các cơ chế chính sách, giải pháp nhằm thực hiện tốt Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan thẩm định các dự án đầu tư vào vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, khu nông nghiệp ứng dụng CNC.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các đơn vị cấp huyện trình UBND tỉnh quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động của khu nông nghiệp ứng dụng CNC.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và biện pháp đào tạo nhân lực trong nước và lĩnh vực CNC trong nông nghiệp.

2.2. Các Sở, ngành có liên quan:

Theo chức năng của ngành mình phối hợp tốt với Sở Nông nghiệp và PTNT, tham mưu, giải quyết các thủ tục liên quan đến vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, khu nông nghiệp ứng dụng CNC và các dự án của các doanh nghiệp ứng dụng CNC.

2.3. Uỷ ban nhân dân các đơn vị cấp huyện:

- Tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và các khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại địa phương.

- Tổ chức việc giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng CNC.

2.4. Văn phòng UBND tỉnh:

Chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, tổng hợp tình hình và tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo và UBND tỉnh giải quyết các vấn đề thuộc Đề án này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các đơn vị cấp huyện, Thủ trưởng các cơ quan, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Đình Trạc