Quyết định 3825/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Đề án thành lập Bệnh viện Ung bướu Nghệ An do Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
Số hiệu: 3825/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Phan Đình Trạc
Ngày ban hành: 27/08/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3825/QĐ-UBND

Vinh, ngày 27 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP BỆNH VIỆN UNG BƯỚU NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Công văn số 1446/TTg-KGVX ngày 13/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất quy mô và phần hỗ trợ của ngân sách Trung ương đầu tư cho Dự án bệnh viện Ung bướu Nghệ An;

Căn cứ Quyết định số 4599/BYT-QĐ ngày 24/11/2009 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng chống ung thư giai đoạn năm 2009 đến 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 1409/TTr-SYT-KH ngày 23/8/2010 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 232/TTr-SNV ngày 27/8/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

(có Đề án kèm theo)

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Giám đốc các Sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch UBND thành phố Vinh, Giám đốc Bệnh vện Ung bướu Nghệ An và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đúng nội dung Đề án này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND thành phố Vinh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Đình Trạc

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP BỆNH VIỆN UNG BƯỚU NGHỆ AN
(Kèm theo Quyết định số: 3825/QĐ-UBND.VX ngày 27/8/2010 của UBND tỉnh Nghệ An)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. Sự cần thiết

1. Đặc điểm tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội khu vực Bắc Trung Bộ:

Bắc Trung Bộ (BTB) bao gồm 6 tỉnh: Thừa thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Khu vực này nằm trong vùng ảnh hưởng của gió Lào, lũ lụt, thiên tai, là nơi chịu ảnh hưởng nhiều của hậu quả và di chứng chiến tranh chống Mỹ để lại. Do đó, không những ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển kinh tế xã hội mà còn ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sức khỏe nhân dân.

Khu vực BTB có diện tích tự nhiên 51.552 km2, chiếm 15,6% diện tích cả nước; dân số 10.663.000 người, chiếm 12,3% dân số cả nước. Mật độ dân số trung bình 207 người/km2.

Các tỉnh trong khu vực kinh tế phát triển chưa mạnh, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao so với toàn quốc (tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 chiếm 23,4%, toàn quốc là 14,8%, vùng Đông Nam Bộ chỉ còn 5,1%).

Nghèo, đói, thiên tai khắc nghiệt, ảnh hưởng hậu quả, di chứng chiến tranh để lại là gánh nặng bệnh tật cho nhân dân trong khu vực, đặc biệt là người nghèo.

2. Đặc điểm tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh Nghệ An: Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất nước, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp biển Đông. Thành phố Vinh, cách thủ đô Hà Nội 291 km, cách thành phố Huế 400km. Từ thành phố Vinh đi đến huyện xa nhất của tỉnh như: Kỳ Sơn gần 300 km, Quế Phong 250 km. Tỷ lệ hộ nghèo thụ hưởng theo Quyết định số 139/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 29%.

2.1. Định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An từ 2010 đến 2020:

- Tỉnh Nghệ An đang thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trọng tâm là công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn. Tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng và giá trị cạnh tranh trên thị trường.

- Phát huy thế và lực hiện có, khai thác có hiệu quả các công trình kinh tế -xã hội đã được đầu tư xây dựng trong thời kỳ trước. Tận dụng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất.

- Phát triển mạnh nguồn nhân lực, mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục và dạy nghề. Chăm lo giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân.

- Tỉnh đang tập trung dấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu đến năm 2020 đưa Nghệ An thoát khỏi tỉnh nghèo và đạt mức thu nhập bình quân chung của cả nước.

2.2.Về định hướng phát triển công tác y tế tỉnh Nghệ An từ năm 2010 - 2020:

TT

Chỉ tiêu cơ bản

Đơn vị tính

Đến năm 2015

Đến năm 2020

1

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên

%

0,84

0,69

2

Mức giảm tỷ lệ sinh hàng năm

%o

0,3

0,25

3

Tỷ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ 3

%

15

10

4

Tuổi thọ trung bình của người dân

Tuổi

73,5

74,5

5

Số giường bệnh/vạn dân

Giường

24

29

 

Trong đó: - Giường bệnh công lập/vạn dân

Giường

21

24

 

- Giường bệnh tư nhân/vạn dân

Giường

3

5

6

Số cán bộ y tế/vạn dân

Cán bộ

33

40

7

Số bác sĩ/vạn dân

Bác sĩ

7

10

8

Số dược sỹ ĐH/vạn dân

DSĐH

1,0

1,5

9

Tỷ lệ Trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ

%

90

100

10

Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt CQG về y tế

%

95

100

11

Tỷ lệ trẻ em < 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin

%

95

100

12

Tỷ lệ trẻ em <5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn

%

15

10

13

Tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi còn

%o

5

4

14

Tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi còn

%o

7

6

15

Tỷ suất chết mẹ liên quan thai sản/100.000 trẻ đẻ sống còn

%o

15

13

16

Tỷ lệ trẻ sơ sinh < 2500gam

%o

4

3,5

3. Tình hình bệnh ung thư:

3.1. Tình hình ung thư trên thế giới: Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) dự báo về mô hình bệnh tật trong thế kỷ 21, các bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh ung thư sẽ trở thành nhóm bệnh chủ yếu đe doạ đến sức khoẻ con người chiếm 54%

nguyên nhân tử vong, nhóm bệnh nhiễm trùng sẽ đẩy xuống hàng thứ yếu chỉ chiếm 16% nguyên nhân tử vong. Theo ước tính của TCYTTG hàng năm trên thế giới có khoảng 11 triệu người mắc bệnh ung thư các loại, đặc biệt là ở các nước nghèo, nước đang phát triển và khoảng 6 triệu người chết hàng năm do ung thư. Dự báo năm 2015 mỗi năm thế giới có khoảng 15 triệu người mới mắc bệnh ung thư và

9 triệu người chết do ung thư, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.

Ung thư không phải là bệnh vô phương cứu chữa, 1/3 bệnh ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm, cùng với việc chăm sóc

bổ trợ sẽ làm tăng chất lượng sống cho 1/3 bệnh nhân ung thư còn lại. Tại các nước phát triển, con người đã chữa khỏi được 70% bệnh ung thư.

3.2. Tình hình bệnh ung thư ở Việt Nam và khu vực Bắc Trung Bộ:

Theo nhận định của Bộ Y tế, mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình kép, bên cạnh các bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng của các nước đang phát triển, các bệnh ung thư, tim mạch, tâm thần đang có nguy cơ tăng lên giống với các nước công nghiệp phát triển. Thế kỷ 20 là bệnh nhiễm trùng, thế kỷ 21 là thế kỷ của các bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm.

Theo số liệu thống kê, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới mắc và 75.000 người chết vì ung thư. Dự báo tới năm 2015, mỗi năm có khoảng 250.000 trường hợp mắc mới và 150.000 trường hợp chết do ung thư, con số này có xu hướng ngày càng gia tăng.

Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng và Ung thư vòm mũi họng. Các loại ung thư hay mắc nhất ở nữ giới là ung thư vú, cổ tử cung, dạ dày, đại tràng và phổi. Tuy nhiên, mô hình bệnh ung thư ở Việt Nam không phải là một mô hình thuần nhất. Ở nam giới, loại ung thư phổ biến nhất là ung thư phổi, gan và dạ dày. Sự khác biệt lớn nhất về tỷ lệ mắc ung thư giữa Miền Nam và Miền Bắc là ung thư cổ tử cung: ở Miền Nam tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 4 lần ở Miền Bắc.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ, trung bình mỗi năm có khoảng 12 - 15 ngàn người mắc bệnh ung thư các loại, trong 15.000 người mắc ung thư thì có khoảng 7500 người bệnh phải điều trị nội trú (50%), 7.500 người điều trị nội trú (50%); Trong 7.500 bệnh nhân điều trị nội trú ước tính có 30% số bệnh nhân điều trị phẫu thuật, 35% bệnh nhân xạ trị, 35% điều trị nội khoa.

Hầu hết các bệnh nhân đến cơ sở y tế khám và phát hiện bệnh đều ở giai đoạn muộn, bệnh nhân ung thư đều phải chuyển Bệnh viện K Hà Nội để chữa trị.

Số bệnh nhân ung thư được phát hiện và chữa trị về thời gian kéo dài tuổi thọ là rất ngắn do phát hiện muộn, bệnh đã di căn nên việc chữa trị rất khó khăn và đi lại xa xôi, tốn kém cho người bệnh và gia đình.

3.3. Tình hình bệnh ung thư ở Nghệ An: tỉnh Nghệ An trung bình mỗi năm có 4.000 - 5.500 người mắc bệnh ung thư (Theo thống kê của Sở Y tế Nghệ An năm 2007: 4130, năm 2008: 5577, năm 2009: 5592); 1761 ca tử vong do ung thư các loại (theo số liệu điều tra tử vong do ung thư năm 2006 tại Nghệ An của TS Lê Trần Ngoan TĐHY Hà Nội). Tình hình bệnh ung thư ở Nghệ An ngày càng có xu hướng gia tăng, dự báo đến năm 2020 mỗi năm sẽ có khoảng 7000 người mắc ung thư các loại,

4. Thực trạng mạng lưới phòng chống Ung thư:

4.1. Các cơ sở phòng chống Ung thư ở Việt Nam:

- Tuyến Trung ương có: Bệnh viện K Hà Nội 570 giường bệnh; Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh 1.000 giường bệnh.

- Tuyến tỉnh, thành.

Như vậy, ngoài 2 cơ sở có khả năng điều trị ung thư toàn diện là bệnh viện K Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Tp Hồ Chí Minh, các cơ sở Ung bướu trên toàn quốc trang thiết bị còn thiếu rất nhiều. Cả nước hiện nay có khoảng 20 máy xạ trị Cobalt, phần lớn đã quá cũ và lạc hậu. Máy gia tốc xạ trị trên cả nước chỉ có 07 máy trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapor có hàng trăm máy. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, để đảm bảo nhu cầu phục vụ người bệnh, các nước cần có ít nhất 1 máy xạ trị/1.000.000 dân. Các nước phát triển như Nhật Bản cứ 200.000 dân có 1 máy hay ở Bỉ 170.000 dân/máy xạ trị.

4.2. Thực trạng mạng lưới khám chữa bệnh tỉnh Nghệ An;

- Tổng số cán bộ y tế toàn ngành (10/2009): 7822 người, trong đó: Bác sỹ 1318 (tuyến tỉnh: 442, tuyến huyện: 576, tuyến xã: 300), DSĐH 36.

- Toàn tỉnh hiện có 27 bệnh viện (có 9 bệnh viện tuyến tỉnh, 17 bệnh viện đa khoa tuyến huyện), Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn có giường bệnh, 22 Phòng khám đa khoa khu vực; 07 bệnh viện tư nhân. Tổng số gường bệnh 2010: 4893, trong đó có 518 giường bệnh ngoài công lập. Đạt 16 giường bệnh/vạn dân (cả nước 18 giường bệnh công lập/vạn dân).

- Các bệnh viện trong tỉnh mấy năm gần đây luôn trong tình trạng quá tải, công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh đạt trên 135%, tuyến huyện trên 120%.

- Đến nay trong các cơ sở y tế tỉnh Nghệ An chưa có khoa Ung bướu và cán bộ chuyên khoa sâu về ung thư nên việc khám chữa bệnh cho nhân dân còn nhiều hạn chế:

+ Công tác chẩn đoán ung thư ở tuyến tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị, thiếu nhân lực đã qua đào tạo, vì vậy bệnh thường bỏ qua ở những giai đoạn sớm, khi được phát hiện thì đã quá muộn, gây khó khăn cho công tác điều trị.

+ Tại tuyến huyện và tuyến xã còn rất ít hiểu biết về công tác phòng chống ung thư.

+ Công tác ghi nhận, thống kê ung thư chủ yếu thông qua mạng lưới thống kê định kỳ của ngành, do vậy bỏ sót nhiều thông tin, số liệu phản ánh về ung thư chưa sát thực tế, gây khó khăn cho việc quản lý, chỉ đạo hoạt động phòng chống ung thư.

Với thực trạng hiện có, ngành y tế chỉ đáp ứng được một phần nhỏ (khoảng 15%) so với nhu cầu thực tế về nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư.

4.3. Nhu cầu giường bệnh phục vụ cho khám chữa bệnh ung bướu tại Nghệ An (theo cơ sở tính toán của Bệnh viện K Trung ương):

- Trung bình 1 bệnh nhân ung thư điều trị nội trú là 45 ngày/đợt và phải 5- 6 đợt điều trị, dẫn đến số bệnh nhân cho một giường bệnh trong 1 năm là:

365 ngày x 80% ( hệ số sử dụng giường bệnh)

= 6,49 bệnh nhân/giường - 1 năm

(lấy tròn 6,5)

45 ngày/1 giường bệnh - 1năm

Như vậy 3500 bệnh nhân ung thư của tỉnh Nghệ An phải điều trị nội trú cần có:

3500 bệnh nhân

= 538 giường bệnh.

6,5 bệnh nhân

Như vậy, việc thành lập Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

II. Cơ sở pháp lý

Đề án được xây dựng dựa trên căn cứ pháp lý sau:

- Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn 2010-2020;

- Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

- Công văn số 69/TTg-KGVX ngày 13/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc: Đồng ý chủ trương xây dựng cơ sở Y học hạt nhân và Ung bướu tại tỉnh Nghệ An để phục vụ việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư cho nhân dân tại địa bàn tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ;

- Công văn số 1446/TTg-KGVX ngày 13/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất quy mô và phần hỗ trợ của ngân sách TW đầu tư cho Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An;

- Quyết định số 930/2009/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ;

- Quyết định số 4599/BYT-QĐ ngày 24/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng chống ung thư giai đoạn 2009 đến năm 2020;

- Công văn số 490/BKH-LDVX ngày 25/01/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư v/v chuẩn bị tài liệu liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở y học hạt nhân và Ung bướu tại Nghệ An;

- Quyết định số 97/2007/UBND-CNXD ngày 29/8/2007 của UBND tỉnh Nghệ An v/v Phê duyệt đề án xây dựng Trung tâm Y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ tại Vinh, Nghệ An.

Phần thứ hai

PHƯƠNG ÁN THÀNH LẬP BỆNH VIỆN

I. Vị trí, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ

1. Vị trí

Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là Bệnh viện chuyên khoa, làm nhiệm vụ khám chữa bệnh về ung thư cho nhân dân tỉnh Nghệ An và các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.

1.1. Tên gọi: Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Tên tiếng Anh: Nghe an Oncology Hospital.

1.2. Trụ sở: Bệnh viện Ung bướu Nghệ An có trụ sở tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An (Công văn số: 1855/UBND-ĐN ngày 06/4/2010 của UBND tỉnh Nghệ An v/v đồng ý bố trí địa điểm bệnh viện Ung bướu, địa điểm xã Nghi Đức, TP Vinh, phía đông giáp đường tỉnh lộ 53 Vinh đi Cửa Hội, đối diện khu quy hoạch Trường Đại học Y khoa Vinh, Bắc giáp xóm 17, Tây giáp xóm 16 và đường liên xóm, phía Nam giáp xóm 12, diện tích 7,5 ha).

1.3. Loại hình bệnh viện:

Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là đơn vị sự nghiệp y tế công lập có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, trực thuộc Sở Y tế Nghệ An.

1.4. Quy mô: 500 giường bệnh.

2. Mục tiêu

- Từng bước phát hiện sớm, quản lý tốt, điều trị kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư;

- Giảm tỷ lệ mắc và chết do ung thư;

- Tăng cường đào tạo nhân lực cho hệ thống mạng lưới phòng chống ung thư đảm bảo đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng;

- Khai khác công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại của y học hạt nhân và xạ trị trong chẩn đoán và điều trị ung thư có hiệu quả.

3. Chức năng

- Tham mưu giúp Giám đốc Sở Y tế xây dựng chiến lược phòng chống ung thư;

- Khám, phát hiện, sàng lọc và điều trị, quản lý bệnh bệnh nhân ung thư trên địa bàn tỉnh Nghệ An và trong khu vực.

4. Nhiệm vụ

4.1. Khám, chữa bệnh:

- Tổ chức tiếp nhận, cấp cứu, khám, phát hiện, sàng lọc và điều trị, quản lý bệnh bệnh nhân ung thư các tuyến dưới chuyển đến.

- Giải quyết các bệnh thuộc chuyên khoa bằng các phương tiện hiện có.

- Tham gia giám định sức khỏe và giám định pháp y khi Hội đồng giám định Y khoa Trung ương, tỉnh hoặc cơ quan pháp luật trưng cầu.

4.2. Nghiên cứu khoa học về y học:

- Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng những tiến bộ khoa học để phục vụ khám chữa bệnh, phòng bệnh, phục hồi chức năng trong phòng, chống ung thư;

- Chủ trì và tham gia công trình nghiên cứu các cấp;

- Tổ chức hội nghị khoa học cấp bệnh viện, khu vực tại bệnh viện;

- Tổ chức các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học phối hợp trong và ngoài nước theo sự phân công.

4.3. Đào tạo cán bộ:

- Bệnh viện là cơ sở thực hành của Trường Đại học Y Vinh, các trường Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp, để đào tạo cán bộ chuyên khoa về ung thư cho khu vực.

- Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và các bệnh viện đa khoa trong tỉnh.

4.4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật:

- Chỉ đạo tuyến dưới về công tác dự phòng, chẩn đoán, điều trị và các hoạt động phòng chống ung thư.

- Chuyển giao và hỗ trợ các kỹ thuật chuyên môn về chuyên ngành ung thư cho tuyến dưới.

- Theo dõi, giám sát các hoạt động về ung thư của tuyến trước theo sự phân công.

4.5. Phòng bệnh: Phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn để phát hiện và dập tắt dịch; Phòng chống thiên tai, thảm họa.

4.6. Hợp tác quốc tế: Chủ động khai thác, thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về khám chữa bệnh ung thư, nghiên cứu khoa học với các nước và tổ chức quốc tế về dịch vụ y tế theo quy định của pháp luật.

4.7. Quản lý bệnh viện:

- Xây dựng và triển khai thực hiện quy chế hoạt động của bệnh viện, thực hiện quy chế dân chủ theo quy định.

- Quản lý và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện. Thu, chi ngân sách theo đúng quy định của Nhà nước.

- Tạo nguồn kinh phí cho bệnh viện từ các dịch vụ y tế, nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên bệnh viện.

II. Tổ chức bộ máy và biên chế

1. Tổ chức bộ máy: Cơ cấu tổ chức gồm: Giám đốc và có từ 2 đến 3 Phó giám đốc, các khoa lâm sàng, cận lâm sàng, các phòng chức năng. Giám đốc, các Phó giám đốc do Giám đốc Sở Y tế bổ nhiệm theo quy định phân cấp về công tác cán bộ.

2. Biên chế:

Biên chế của Bệnh viện được UBND tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm trên cơ sở yêu cầu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và định mức biên chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và có sự điều chỉnh, bổ sung hàng năm cho phù hợp. Ngoài ra Giám đốc bệnh viện còn được hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Tổng biên chế của Bệnh viện là 423 người (Phụ lục 1). Trước mắt khi mới thành lập Bệnh viện Ung bướu có 50 giường bệnh, 50 biên chế (Theo Thông tư 08 liên Bộ Nội vụ - Y tế, ít nhất đối Bệnh viện tuyến tỉnh có 01 biên chế/01 giường bệnh).

3. Quy mô: Bệnh viện quy mô 500 giường bệnh, dự kiến tổ chức thành 33 khoa, phòng, gồm: (xem phần phụ lục 1).

1

Khoa khám bệnh

18

Khoa điều trị theo yêu cầu

2

Khoa cấp cứu - Hồi sức

19

Khoa Vật lý, máy tia xạ

3

Khoa ngoại Lồng ngực

20

Khoa Dược -hóa chất

4

Khoa ngoại Tiêu hóa

21

Khoa giải phẫu bệnh-Tế bào

5

Khoa ngoại Tiết niệu

22

Khoa xét nghiệm huyết học

6

Khoa Ngoại Đầu - Cổ

23

Khoa xét nghiệm sinh hóa

7

Khoa Ngoại Vú - Phụ khoa

24

Khoa Nội soi- Thăm dò chức năng

8

Khoa phẫu thuật - GMHS

25

Khoa chẩn đoán hình ảnh

9

Khoa xạ tổng hợp

26

Khoa chống nhiễm khuẩn-Giặt là hấp sấy

10

Khoa xạ Đầu - Cổ

27

Khoa dinh dưỡng tiết chế

11

Khoa xạ Vú -Phụ khoa

28

Phòng Kế hoạch- Tổng hợp

12

Khoa chống đau

29

Phòng Tổ chức cán bộ

13

Khoa Nội tổng hợp

30

Phòng Hành chính - Quản trị

14

Khoa Nội A

31

Phòng Tài chính - Kế toán

15

Khoa đông y

32

Phòng vật tư - Thiết bị

16

Khoa Nhi

33

Phòng điều dưỡng

17

Khoa chăm sóc bệnh nhân nặng

 

 

III. Kinh phí

1. Tổng mức đầu tư: 972.500 triệu đồng (Xem phụ lục 2)

Trong đó:

- Xây lắp (ước tính):                           332.500 triệu đồng;

- Lắp đặt trang thiết bị (ước tính):       500.000 triệu đồng;

- Chi phí khác:                                   140.000 triệu đồng;

2. Nguồn vốn đầu tư

2.1. Trung ương: Cấp kinh phí xây dựng cơ bản (xây lắp + trang thiết bị).

- Kinh phí xây lắp từ nguồn Trái phiếu Chính phủ;

- Kinh phí lắp đặt trang thiết bị từ nguồn Trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn

ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác;

2.2. Địa phương: Cấp kinh phí chuẩn bị đầu tư; san ủi, giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư và các chi phí khác.

IV. Lộ trình thực hiện Đề án thành lập Bệnh viện

1. Năm 2010:

- Sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 1446/TTg ngày 13/8/2010 chủ trương thành lập bệnh viện Ung bướu Nghệ An, thì tiến hành các bước:

- UBND tỉnh Quyết định thành lập bệnh viện Ung bướu Nghệ An, quy mô 500 giường bệnh.

- Làm xong các thủ tục cấp đất xây dựng Bệnh viện.

- Thuê tư vấn thiết kế, dự toán xây dựng Bệnh viện Ung bướu 500 giường trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Từng bước hình thành bộ máy Bệnh viện Ung bướu hoạt động trong lòng Bệnh viện đa khoa tỉnh (khi mới thành lập, Bệnh viện Ung bướu có 50 giường bệnh) vừa tổ chức điều trị bệnh nhân, vừa tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo cán bộ.

2. Giai đoạn 2011 - 2014:

- Tổ chức thi công khối nhà chính và các công trình phụ trợ, đảm bảo hoàn thành các hạng mục công trình.

- Tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình.

- Tổ chức lắp đặt trang thiết bị và tiếp nhận điều trị bệnh nhân tại địa điểm Bệnh viện Ung bướu mới.

V. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về tổ chức bộ máy

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, UBND tỉnh giao đủ chỉ tiêu cán bộ theo kế hoạch hàng năm.

- Có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế có trình độ cao phục vụ cho ngành y tế và Bệnh viện Ung bướu (có đề án thu hút cán bộ cho Bệnh viện Ung bướu riêng).

- Có kế hoạch điều động các Bác sỹ, Kỹ thuật viên, cán bộ y tế các đơn vị trong ngành về Bệnh viện đa khoa, có kế hoạch đào tạo chuyên khoa Ung thư, cụ thể:

- Tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành về Ung thư của Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Quân Y 108, Viện Năng lượng quốc gia trong việc đào tạo cán bộ, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật.

2. Giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Cơ sở vật chất: Xây dựng mới cơ sở hạ tầng tại khu đất đã được UBND tỉnh phê duyệt. Xây nhà từ 2 - 7 tầng, diện tích sàn ước tính 56500 m2.

- Trang thiết bị và phương tiện: Mua sắm trang thiết bị từ các nguồn vốn hợp pháp, tân tiến, đồng bộ đảm bảo để bệnh viện vận hành hoạt động.

3. Giải pháp về kinh phí

3.1. Bệnh viện 500 giường, tổng dự toán: 972.500 triệu đồng, trong đó:

- Trung ương cấp: 832.500 triệu đồng (từ nguồn Trái phiếu CP).

- Kinh phí địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác: 140.000 triệu đồng.

Kinh phí địa phương phục vụ cho triển khai dự án: Tư vấn thiết kế, san ủi giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư và các chi phí khác: 76.500 triệu đồng.

- Kinh phí cho Bệnh viện Ung bướu hoạt động theo định mức phân bổ ngân sách nhà nước hiện hành;

- Kinh phí phục vụ đào tạo cán bộ theo lộ trình hàng năm (trung bình mỗi năm 2 tỷ đồng).

VI. Hiệu quả xã hội - kinh tế của đề án

1. Hiệu quả về mặt xã hội:

- Đề án sẽ góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dõn ở khu vực Bắc Trung bộ.

- Đầu tư thiết bị công nghệ cao, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ y, bác sỹ phục vụ rỗng rãi người bệnh, mang lại hiệu quả to lớn cho người bệnh nhằm rút ngắn thời gian điều trị, nằm viện, giảm bớt đau đớn và di chứng do bệnh tật. Từ đó giúp nâng cao được chất lượng cuộc sống sau điều trị bệnh nhân, giảm bớt gánh nặng về kinh tế và tinh thần cho gia đình bệnh nhân và xã hội.

- Thông qua Đề án sẽ thúc đẩy việc phát triển hệ thống y tế, nguồn nhân lực trong lĩnh vực điều trị các bệnh về ung bướu với kỹ thuật công nghệ cao.

2. Hiệu quả về mặt kinh tế:

- Việc trao đổi hợp tác với các Trung tâm điều trị trên cả nước làm giảm sức ép đối với các bệnh viện tuyến Trung ương; Giảm chi phí và thời gian của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân của tỉnh Nghệ An nói riêng, khu vực Bắc Trung bộ nói chung không phải ra Hà Nội hoặc vào Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị và chẩn đoán.

- Bệnh viện là cơ sở để nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị; là trung tâm bồi dưỡng, đào tạo và huấn luyện thực hành cho cán bộ y tế của khu vực cũng như là cơ sở đào tạo chuyên môn cho học sinh, sinh viên ngành y trong khu vực.

- Việc áp dụng kỹ thuật cao trong khám và điều trị sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho bệnh viện.

VII. Tính khả thi và bền vững của Đề án

1. Đề án thành lập Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh: Xây dựng Vinh thành Trung tâm Y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ; phù hợp với định hướng chiến lược công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn hiện nay của Chính phủ và của Bộ Y tế.

2. Với năng lực tổ chức và quản lý của Sở Y tế Nghệ An cùng với sự hợp tác và giúp đỡ về chuyên môn của Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, về kỹ thuật có thể khẳng định đề án sẽ được triển khai một cách thành công và được khai thác sử dụng một cách có hiệu quả.

3. Về mặt tài chính, có sự cam kết huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để mua sắm trang thiết bị và xây dựng cơ bản.

4. Nhân lực, UBND tỉnh đã có chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao về công tác tại tỉnh, Ngành Y tế sẽ tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt đề án thu hút đặc thù cho cán bộ của Bệnh viện.

VIII. Dự báo tác động môi trường

1. Bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại, đạt tiêu chuẩn cho phép về Bảo vệ môi trường, an toàn bức xạ hạt nhân.

2. Trang thiết bị y tế mới, hiện đại đảm bảo an toàn cho người sử dụng và môi trường xung quanh.

3. Hệ thống phụ trợ đạt tiêu chuẩn cao về an toàn phòng chống cháy nổ, chống sét, hệ thống báo cháy tự động, cứu hoả tự động đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

4. Các thiết bị được cung cấp trong đề án thuộc thế hệ mới, đạt tiêu chuẩn tiên tiến, an toàn cho người sử dụng và bệnh nhân, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1.1. Sở Y tế:

a) Giao Sở Y tế làm chủ đầu tư; Phối hợp Sở Nội vụ tham mưu trình UBND tỉnh quyết định thành lập Bệnh viện Ung bướu Nghệ An; Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ để Quyết định thành lập Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu;

b) Định hướng đào tạo nguồn cán bộ chuyên ngành Ung bướu từ năm 2010 và những năm tiếp theo;

c) Tham mưu cho UBND tỉnh để có cơ chế chính sách thu hút bác sỹ công tác tại Bệnh viện Ung bướu;

d) Lựa chọn tư vấn thiết kế;

đ) Chủ trì:

- Phối hợp với các Viện, Bệnh viện Trung ương để tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn, hỗ trợ kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị và đào tạo cán bộ;

- Phối hợp với các trường Đại học Y trong cả nước để gửi cán bộ đào tạo nguồn nhân lực (đại học, sau đại học, kỹ thuật viên bậc đại học);

- Phối hợp Sở Kế hoạch - Đầu tư hoàn tất dự án trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng các Bộ, ngành thẩm định trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời bố trí ngân sách hàng năm thực hiện đề án đúng tiến độ;

- Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch tiếp nhận, đào tạo cán bộ chuyên ngành Ung bướu để hoàn thiện tổ chức bộ máy bệnh viện (theo đề án);

- Phối hợp với Sở Tài chính để cấp kinh phí kịp tiến độ của Đề án.

1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp Sở Y tế hoàn thiện đề án tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan bố trí nguồn vốn từ nguồn Trái phiếu Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác để xây dựng Bệnh viện Ung bướu giai đoạn 2010 - 2015;

- Chủ trì thẩm định dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu; Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư, vận động nguồn vốn ODA;

- Căn cứ vào kế hoạch hoạt động của ngành Y tế xây dựng hàng năm, bố trí nguồn vốn theo kế hoạch, ưu tiên đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và phương tiện chuyên ngành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.3. Sở Nội vụ:

- Phối hợp Sở Y tế huớng dẫn việc thành lập tổ chức bộ máy và bố trí đội ngũ cán bộ, viên chức cho Bệnh viện Ung bướu;

- Phối hợp Sở Y tham mưu cơ chế chính sách thu hút Bác sỹ, kỹ thuật viên, viên chức về công tác tại bệnh viện.

1.4. Sở Tài chính:

Hàng năm căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương, Sở Tài chính tham mưu dự toán kinh phí hoạt động của Đề án, cân đối, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách sự nghiệp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, bảo đảm tiến độ triển khai các hoạt động của Đề án.

1.5. Sở Xây dựng: Có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh quyết định cấp đất xây dựng bệnh viện Ung bướu; Thẩm định quy hoạch và thiết kế cơ sở dự án đầu tư do Chủ đầu tư trình.

1.6. Sở Tài nguyên & Môi trường: Phối hợp Sở Y tế, Sở Xây dựng sớm hoàn thành thủ tục cấp đất xây dựng bệnh viện; Đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng bệnh viện;

Hướng dẫn các thủ tục pháp lý về môi trường, đất đai trong quá trình thực hiện; Hướng dẫn và tham gia thẩm định các dự án liên quan đến môi trường, xử lý chất thải.

1.7. Sở Khoa học & Công nghệ: Có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế lựa chọn thiết bị công nghệ của dự án; Hướng dẫn chủ đầu tư làm thủ tục cấp phép sử dụng các thiết bị an toàn bức xạ hạt nhân của bệnh viện theo quy định.

1.8. Trường Đại học Y Nghệ An:

Căn cứ vào kế hoạch đào tạo hàng năm, phối hợp với ngành Y tế để đào tạo và hỗ trợ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cán bộ.

1.9. Ủy ban nhân dân TP Vinh:

Phối hợp các Sở liên quan giải quyết việc cấp đất, đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng bệnh viện.

1.10. Các Sở, ngành khác có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết những yêu cầu phục vụ cho việc triển khai đề án cũng như đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu.

II. Kiến nghị

Việc thành lập Bệnh viện Ung bướu tại Nghệ An là cần thiết, phù hợp với định hướng chiến lược công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn hiện nay của Chính phủ và của Bộ Y tế. Tạo điều kiện thuận tiện cho việc khám chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Nghệ An và các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, cũng như 3 tỉnh nước bạn Lào giáp Nghệ An, tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan bố trí nguồn vốn từ nguồn Trái phiếu Chính phủ theo Quyết định 930 và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu Nghệ An kịp thời theo tiến độ./.