Quyết định 3704/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải taxi trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Số hiệu: | 3704/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Tĩnh | Người ký: | Đặng Quốc Khánh |
Ngày ban hành: | 23/09/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3704/QĐ-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 09 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô;
Căn cứ Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;
Căn cứ Quyết định số 1786/QĐ-TTG ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050;
Căn cứ Quyết định số 1203/QĐ-UBND ngày 11/04/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải Hà Tĩnh đến năm 2020; Quyết định số 2254/QĐ-UBND ngày 12/07/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các tuyến vận tải khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 3027/TTr-SGTVT-QLPTNL ngày 11/9/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải taxi trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung sau:
I. Đối tượng, mục tiêu, quan điểm và phạm vi quy hoạch:
1. Đối tượng quy hoạch:
Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bao gồm hệ thống bến, bãi, điểm đỗ xe, số lượng doanh nghiệp và số lượng xe taxi đăng ký hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
2. Mục tiêu quy hoạch:
- Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm hoạch định kế hoạch phát triển dịch vụ vận tải khách công cộng nói chung và vận tải khách bằng xe taxi nói riêng phù hợp với quy định, lộ trình của quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi bảo đảm kết nối liên hoàn với tất cả các loại hình dịch vụ vận tải khác, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, dịch vụ, đi đôi với phát triển đô thị; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà;
- Đề ra các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải tại địa phương; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp tự giác tuân thủ, chấp hành nghiêm túc quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh,
3. Quan điểm quy hoạch:
- Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Tạo ra môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nhằm thúc đẩy phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi để gắn kết với mạng lưới vận tải hành khách bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; tạo điều kiện phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ với chi phí vận tải hợp lý, phù hợp với đa số người dân.
4. Phạm vi quy hoạch:
- Về không gian: Xây dựng quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi đảm bảo hài hòa, khớp nối với quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và các quy hoạch thuộc các lĩnh vực dịch vụ khác trên địa bàn tỉnh.
- Về thời gian: Quy hoạch phát triển vận tải khách bằng xe taxi giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
II. Quy hoạch phát triển vận tải taxi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
1. Định hướng mức tăng và số lượng phương tiện đến năm 2030:
Tổng số phương tiện vận tải taxi tính đến thời điểm năm 2015 là 559 xe. Căn cứ vào Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, dự báo mức tăng trưởng kinh tế của từng vùng, địa phương, dự kiến tỷ lệ tăng bình quân hàng năm phương tiện taxi từ năm 2015 đến 2030 trên nguyên tắc cung cầu của thị trường có thể chia làm 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1 (từ năm 2015 đến 2017): Giai đoạn này nhiều địa phương chưa có doanh nghiệp taxi đóng trên địa bàn và số lượng phương tiện còn ít, nhu cầu đi lại tăng nhiều nên mức tăng phương tiện ở mức cao; bình quân tăng số đầu phương tiện là 17%/năm; đến 2017 số lượng xe khoảng 654 xe.
- Giai đoạn 2 (từ năm 2017 đến 2020): Giai đoạn này các địa phương đã có doanh nghiệp trên địa bàn, bình quân tăng số đầu phương tiện là 11%/năm; đến 2020 số lượng xe khoảng 726 xe.
- Giai đoạn 3 (từ năm 2020 đến 2030): Giai đoạn này các loại hình vận tải khác cũng phát triển, như: xe buýt, phương tiện cá nhân. Tỷ lệ tăng phương tiện bình quân là 5%/năm; đến 2030 số lượng xe khoảng 762 xe.
2. Định hướng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030:
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cần có sự phát triển cả về quy mô và số lượng doanh nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu của người dân của các địa phương trên địa bàn tỉnh một cách đa dạng hơn về phương tiện taxi cả số lượng và chất lượng, tăng tính cạnh tranh lành mạnh của từng doanh nghiệp.
Dự kiến đối với các huyện chưa có doanh nghiệp taxi đóng trên địa bàn, giai đoạn từ năm 2015 đến 2017, tối thiểu mỗi địa phương có 01 doanh nghiệp. Giai đoạn từ 2017 đến 2020 mỗi địa phương tăng thêm 01 doanh nghiệp. Giai đoạn từ 2020 - 2030: Thành phố Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh có mức tăng cao hơn, mỗi địa phương tăng thêm 01 doanh nghiệp, các địa phương còn lại giữ nguyên số lượng. Dự báo phát triển số lượng doanh nghiệp qua các năm như sau:
Số lượng doanh nghiệp phát triển |
||||
Năm |
2015 |
2017 |
2020 |
2030 |
Số lượng |
10 |
26 |
40 |
42 |
3. Tiêu chí đối với doanh nghiệp taxi thành lập mới: Phải có đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.
4. Định hướng quy hoạch bãi đậu, đỗ xe taxi đến năm 2030:
- Sử dụng một phần bãi đỗ xe chung cho các loại xe theo Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2254/QĐ-UBND ngày 12/07/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020;
- Ngoài diện tích bãi đỗ xe đã được phê duyệt, sẽ khảo sát, bố trí điểm dừng, đỗ xe taxi công cộng trên một số tuyến đường có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của nhà nước về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý đô thị để kẻ vạch, cắm biển dừng đỗ cho xe taxi thuận lợi trọng việc đón, trả khách.
5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:
5.1. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực vận tải hành khách bằng taxi:
- Củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong công tác quản lý vận tải vận tải taxi;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối giữa các cơ quan quản lý, đơn vị vận tải và hành khách.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; giám sát thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi; kê khai, niêm yết giá vé; kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình hoạt động trên tuyến; xây dựng chế độ hậu kiểm sau khi cấp phép với doanh nghiệp về phương tiện và nhân lực theo định kỳ; triển khai xử lý các vi phạm (về tốc độ, về dừng, đỗ đón trả khách, phóng nhanh, vượt ẩu...) thông qua thiết bị giám sát hành trình và trên thực địa.
5.2. Đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông:
- Ưu tiên bố trí quỹ đất, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống bến xe, điểm đón, trả khách theo quy hoạch được phê duyệt để hỗ trợ người dân thuận tiện tiếp cận và tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác;
- Tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội hóa cũng như nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.
5.3. Tăng cường, nâng cao chất lượng dịch vụ:
- Thực hiện việc lựa chọn đơn vị tham gia khai thác căn cứ vào chất lượng, quy mô đơn vị vận tải và lưu lượng vận tải trên tuyến;
- Nghiên cứu ban hành quy định về xếp loại đơn vị kinh doanh vận tải và quy định phạm vi hoạt động đối với từng loại đơn vị để hạn chế và loại bỏ dần các đơn vị yếu kém, chất lượng dịch vụ thấp;
- Các đơn vị tham gia phải ký cam kết chất lượng dịch vụ vận tải, công khai các chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ và thiết lập hệ thống thông tin phản hồi giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
5.4. Tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng đối với đơn vị tham gia:
- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã) tham gia kinh doanh vận tải và dịch vụ vận tải một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi (nếu có).
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thuê, mua đất dài hạn sử dụng vào mục đích làm bãi đỗ xe, trụ sở.
- Khuyến khích các đơn vị xây dựng thương hiệu doanh nghiệp theo hướng an toàn - văn minh - lịch sự;
- Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương tiện vận tải theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường;
- Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản lý điều hành vận tải, giảm chi phí, xây dựng mức giá vé hợp lý;
- Kịp thời khen thưởng, tuyên dương đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tốt.
5.5. Giải pháp về thông tin truyền thông:
- Công bố, niêm yết công khai Quy hoạch trên trang web của Sở Giao thông Vận tải để các đơn vị kinh doanh vận tải biết và thực hiện.
- Công bố, niêm yết công khai danh sách các doanh nghiệp đang khai kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn.
1. Sở Giao thông Vận tải:
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vận tải hành khách công cộng nói chung và vận tải khách bằng xe taxi nói riêng, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển vận tải theo từng giai đoạn của quy hoạch về phát triển phương tiện đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch, chủ động tăng, giảm số lượng doanh nghiệp, số lượng xe taxi nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Chấp thuận hoặc phê duyệt chỉ tiêu phát triển số lượng xe taxi theo đề nghị của doanh nghiệp, phù hợp với quy hoạch.
- Xây dựng Quy chế quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng phổ biến pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ lái xe taxi của các doanh nghiệp.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi theo quy định của pháp luật.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Cấp đăng ký kinh doanh, quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp theo quy định, định kỳ báo cáo UBND tỉnh,
- Phát hành thông tin về doanh nghiệp công bố thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, các thông tin về pháp luật trong đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
- Thẩm định năng lực đầu tư của doanh nghiệp để đề xuất định hướng về các chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho loại hình vận chuyển khách bằng taxi.
- Hoàn thiện, cụ thể hoá các hệ thống văn bản pháp quy, hỗ trợ tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vận tải hành khách bằng xe taxi.
3. Sở Tài chính:
- Hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải theo đúng quy định, phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu đến giá cước vận tải; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải của các đơn vị vận tải trên địa bàn theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý cước vận tải.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ các quy định hiện hành xây dựng, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
4. Công an tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm theo Luật giao thông đường bộ và các quy định pháp luật về vận tải khách bằng ô tô nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình vận tải.
- Chỉ đạo làm thủ tục cấp đăng ký, biển số cho xe taxi theo văn bản chấp thuận doanh nghiệp bổ sung, đăng ký mới phương tiện hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan rà soát và bổ sung quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương để xây dựng bãi đỗ xe theo các quy hoạch liên quan đến phát triển giao thông vận tải đã được phê duyệt.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải (nếu có).
- Tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thỏa thuận địa điểm, thời gian giao đất cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xây dựng bến, bãi đỗ xe taxi.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lái xe taxi và nhân viên điều hành nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ đối với khách du lịch.
- Phối hợp với các sở, ngành và đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hình ảnh, con người, quê hương Hà Tĩnh với du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh Hà Tĩnh.
7. Hiệp hội vận tải ô tô Hà Tĩnh:
Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ lái xe về luật giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ.
8. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi:
- Chấp hành nghiêm túc các quy định về vận tải hành khách công cộng nói chung và vận tải hành khách bằng xe taxi nói riêng, thực hiện các chỉ thị, thông tư, văn bản hướng dẫn của các ngành chức năng quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi.
- Phải ký cam kết chất lượng dịch vụ vận tải, công khai các chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ và thiết lập hệ thống thông tin phản hồi giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
- Xây dựng quy chế quản lý phương tiện, quản lý lao động, biện pháp xử lý kỷ luật, chế độ khen thưởng đối với người lái xe taxi; thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại cho đội ngũ lái xe đủ tiêu chuẩn, nâng cao trình độ giao tiếp.
9. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Theo chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với nhà nước theo quy định; theo thẩm quyền xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.
- Quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương, nhất là các trung tâm đô thị để tạo quỹ đất, bố trí đất xây dựng bến, bãi đỗ xe công cộng, cho đơn vị vận tải taxi thuê đất xây dựng văn phòng, xưởng sửa chữa, bãi đỗ xe giao ca phù hợp với quy hoạch được duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng bố trí điểm dừng, đỗ xe taxi công cộng trên các tuyến đường tại khu vực trung tâm các huyện, thành phố, thị xã và khu kinh tế, công nghiệp, du lịch...có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của nhà nước về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý đô thị để kẻ vạch, cắm biển dừng đỗ cho xe taxi thuận lợi trong việc đón, trả khách.
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ cơ sở hạ tầng về bến xe, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn mà địa phương quản lý.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký;
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BÂN NHÂN DÂN |
Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 07/11/2014 | Cập nhật: 14/11/2014
Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô Ban hành: 10/09/2014 | Cập nhật: 12/09/2014
Quyết định 1786/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 Ban hành: 27/11/2012 | Cập nhật: 03/12/2012