Quyết định 37/2018/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp đảm bảo an toàn công trình đường ống xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Số hiệu: | 37/2018/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hưng Yên | Người ký: | Nguyễn Văn Phóng |
Ngày ban hành: | 15/10/2018 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2018/QĐ-UBND |
Hưng Yên, ngày 15 tháng 10 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG ỐNG XĂNG, DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền;
Căn cứ Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu;
Theo đề nghị của Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Hưng Yên tại Tờ trình số 618/PLXXDHY-TTr ngày 10 tháng 9 năm 2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp đảm bảo an toàn công trình đường ống xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 10 năm 2018.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện: Ân Thi, Khoái Châu; Chủ tịch UBND các xã có đường ống xăng, dầu đi qua; Thành viên Ban Chỉ đạo đảm bảo an toàn các công trình xăng, dầu của tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG ỐNG XĂNG, DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành theo Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định mục tiêu, nguyên tắc phối hợp xử lý sự cố, trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác bảo vệ an toàn công trình đường ống dẫn xăng, dầu và xử lý sự cố tràn dầu đối với đường ống dẫn xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
2. Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành liên quan; các huyện, các xã có đường ống xăng, dầu đi qua và Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên.
Điều 2. Mục tiêu phối hợp
Công trình đường ống dẫn xăng, dầu do Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên quản lý trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đây là công trình kinh tế trọng yếu của Nhà nước, có liên quan đến an ninh quốc gia. Để xử lý sự cố tràn dầu, đảm bảo an toàn cần liên quan đến nhiều ngành, do vậy cần có quy chế để công tác đảm bảo an toàn công trình xăng, dầu có hiệu quả theo quy định tại Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11/02/2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Khi phát sinh các vi phạm về quy định khoảng cách an toàn đối với đường ống xăng, dầu phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý sớm, không để hình thành các công trình vi phạm hoặc vụ việc phức tạp về an ninh trật tự.
2. Trong mọi trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu do bục, vỡ đường ống, phải báo cáo ngay cho UBND các cấp và Ban Chỉ đạo đảm bảo an toàn các công trình xăng, dầu tỉnh Hưng Yên để kịp thời huy động các lực lượng, phương tiện, phân công nhiệm vụ. Thực hiện các biện pháp cấp bách theo quy định của pháp luật, tuân thủ nghiêm túc quy trình, quy phạm trong xử lý sự cố; dừng ngay việc nhập xuất, bơm chuyển xăng dầu, nhanh chóng triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ, kịp thời khắc phục hạn chế đến mức thấp nhất lượng xăng dầu tràn ra ngoài; khẩn trương, nhanh chóng thu hồi số xăng dầu tràn ra, phòng ngừa và triệt tiêu mọi nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ, ảnh hưởng môi trường.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục I. BẢO VỆ KHOẢNG CÁCH AN TOÀN CÔNG TRÌNH XĂNG, DẦU
Điều 4. Khoảng cách an toàn đường ống xăng, dầu
Khoảng cách an toàn đường ống xăng, dầu (được xác định theo quy định tại Điều 10, Chương III Nghị định 13/2011/NĐ-CP về an toàn công trình dầu khí trên đất liền) phải có các cột mốc chỉ tim ống, cột mốc chỉ giới khoảng cách an toàn, các biển báo, biển cấm theo quy định ở những vị trí dễ thấy, dễ đọc.
Điều 5. Nguyên tắc xử lý phát sinh vi phạm khoảng cách an toàn đường ống xăng, dầu
1. Mọi trường hợp phát sinh công trình hoặc các hành vi xâm hại khoảng cách an toàn đối với đường ống xăng, dầu phải được phát hiện, lập biên bản và xử lý kịp thời, kiên quyết không để phát sinh thành công trình vi phạm hay vụ việc diễn biến phức tạp. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải được xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Ngay khi có phát sinh công trình vi phạm, Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, huyện nơi có công trình vi phạm triển khai các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn, yêu cầu tháo dỡ phần công trình đã xây dựng trả lại mặt bằng ban đầu; đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa tái vi phạm khoảng cách an toàn đối với công trình xăng, dầu.
Mục II. XỬ LÝ SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XĂNG, DẦU
Điều 6. Phân loại sự cố
1. Sự cố mức 1: Là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn lớn hơn 500 tấn.
2. Sự cố mức 2: Là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 20 tấn đến 500 tấn.
3. Sự cố mức 3: Là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 01 tấn đến dưới 20 tấn.
4. Sự cố mức 4: Là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 01 tấn.
5. Thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố tràn dầu
a) Đối với sự cố mức 4: Thành lập Ban Chỉ đạo do Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên hoặc người được ủy quyền làm Trưởng ban; lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã nơi xảy ra sự cố làm Phó Trưởng ban. Thành phần Ban Chỉ đạo do Chi nhánh Xăng dầu Hưng Yên quyết định thành lập.
b) Đối với sự cố mức 3: Thành lập Ban Chỉ đạo do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện nơi xảy ra sự cố làm Trưởng ban; lãnh đạo Chi nhánh Xăng dầu làm Phó Trưởng ban. Thành phần Ban Chỉ đạo do Ủy ban nhân dân huyện quyết định thành lập.
c) Đối với sự cố mức 1, mức 2: Thành lập Ban Chỉ đạo do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban; lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo Chi nhánh Xăng dầu Hưng Yên làm Phó Trưởng ban. Thành phần Ban Chỉ đạo do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập.
Điều 7. Công tác bảo vệ và đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố
1. Ngay sau khi xảy ra sự cố, phải nhanh chóng xác định tính chất, mức độ nguy hiểm, phạm vi bảo vệ và phải cắm đủ biển báo, biển cấm, cọc dây khoanh vùng làm hàng rào bảo vệ, triển khai các phương tiện chữa cháy và bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để bảo vệ tuyệt đối an toàn, không cho người không có nhiệm vụ vào khu vực sự cố. Chỉ tháo bỏ hàng rào bảo vệ, thu hồi các phương tiện chữa cháy và rút các lực lượng bảo vệ khi không còn nguy hiểm cháy nổ.
2. Căn cứ vào mức sự cố, yêu cầu khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định tại Khoản 5, Điều 6 Quy chế này, có sự tham gia của lực lượng công an, quân đội, tài nguyên - môi trường. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ và thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật, bảo vệ tuyệt đối an toàn trong quá trình khắc phục giải quyết sự cố, tổ chức cấp cứu người bị thương (nếu có).
3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành nghiêm túc mọi yêu cầu và biện pháp của Ban Chỉ đạo để bảo vệ tuyệt đối an toàn trong quá trình giải quyết sự cố.
4. Trong mọi trường hợp xảy ra sự cố công trình xăng, dầu phải huy động đủ trang thiết bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, áp dụng các biện pháp phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ. Đồng thời phải tiến hành các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa sau khi khắc phục xong sự cố, đảm bảo cho các công trình xăng, dầu hoạt động trở lại bình thường.
Mục III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ KHOẢNG CÁCH AN TOÀN VÀ GIẢI QUYẾT SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XĂNG, DẦU
Điều 8. Trách nhiệm của ngành xăng, dầu
1. Bảo vệ khoảng cách an toàn công trình xăng dầu.
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng bảo vệ hành lang an toàn đường ống xăng dầu và xử lý sự cố tràn dầu.
b) Phải cắm đủ các cột mốc tim ống, cột mốc chỉ giới khoảng cách an toàn tuyến ống, các biển báo, biển cấm theo quy định; đồng thời xác lập sơ đồ hiện trạng tuyến ống và cung cấp cho thôn, khu phố và Ủy ban nhân dân xã nơi có tuyến đường ống xăng, dầu đi qua.
c) Bố trí lực lượng bảo vệ hàng ngày tuần tra bảo vệ tuyến ống, phát hiện việc đào bới, trơ treo, dò thấm và các hành vi vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường ống dẫn xăng dầu để phối hợp với địa phương giải quyết kịp thời.
d) Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, bảo đảm cho tuyến đường ống xăng, dầu hoạt động an toàn, hạn chế thấp nhất sự cố xảy ra; đầu tư nâng cấp tuyến ống, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hệ số an toàn trong vận hành, nhập xuất, bơm chuyển đường ống xăng, dầu.
2. Giải quyết sự cố tràn dầu.
a) Khẩn trương triển khai căng dây làm hàng rào bảo vệ, cắm hệ thống biển báo “Cấm lửa”, “Nguy hiểm”, “Cấm vào”, cọc dây khoanh vùng cô lập khu vực sự cố đã được xác định; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng bảo vệ cảnh giới không cho người không có nhiệm vụ vào khu vực sự cố.
b) Triển khai ngay các biện pháp xử lý kỹ thuật, tổ chức lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố theo đúng quy trình; đồng thời tổ chức thu vét triệt để lượng xăng, dầu tràn ra ngoài, đưa về nơi an toàn, không để xăng, dầu tập trung ở nơi xảy ra sự cố.
c) Chủ trì phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân xã, huyện thực hiện phương án xử lý kỹ thuật, bảo vệ, giải quyết sự cố; tổ chức canh gác từ khi sự cố phát sinh cho đến khi khắc phục xong sự cố và không còn nguy cơ xảy ra sự cố nữa. Cấp kinh phí phục vụ hậu cần cho các lực lượng tham gia bảo vệ, giải quyết sự cố và khắc phục những hậu quả do sự cố gây ra về người, tài sản, môi trường... theo đúng quy định của Nhà nước và của ngành xăng dầu.
d) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức xử lý làm sạch môi trường nơi xảy ra sự cố.
đ) Kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã nơi xảy ra sự cố từ khi phát sinh, quá trình diễn biến, khắc phục sự cố cho tới khi kết thúc. Đồng thời chủ động đề xuất các phương án, biện pháp giải quyết kịp thời, có hiệu quả.
Điều 9. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Bố trí lực lượng phối hợp với các cấp, các ngành có chức năng bảo vệ an toàn việc khắc phục, giải quyết sự cố.
2. Chủ động triển khai phương án phòng, chống cháy nổ, yêu cầu các tập thể, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả, không để xảy ra cháy, nổ. Trực tiếp chỉ huy phối hợp các lực lượng thực hiện các biện pháp phòng ngừa và chữa cháy khi xảy ra cháy.
3. Tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ công tác khắc phục, giải quyết sự cố. Trong những trường hợp cần thiết được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để ngăn chặn các hành vi xâm phạm tài sản, gây rối, cản trở các lực lượng, các ngành chức năng tham gia khắc phục, giải quyết sự cố.
4. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn và đảm bảo trật tự an toàn giao thông khi sự cố xăng, dầu có ảnh hưởng tới giao thông.
Điều 10. Trách nhiệm của ngành Y tế
1. Chủ động phương án cấp cứu, cứu chữa cho người bị tai nạn trong quá trình khắc phục giải quyết sự cố.
2. Chủ trì, phối hợp với các ngành có chức năng, Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc cấp cứu người bị thương và tổ chức cứu chữa có hiệu quả.
Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
1. Bố trí lực lượng phối hợp bảo vệ việc giải quyết sự cố theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo bảo vệ việc giải quyết sự cố.
2. Trực tiếp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình bảo vệ giải quyết sự cố có liên quan đến lực lượng quân đội.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường do sự cố tràn dầu gây ra.
Điều 13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Chủ trì, phối hợp với Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên thành lập Ban Chỉ đạo và chỉ đạo bảo vệ giải quyết sự cố đảm bảo tuyệt đối an toàn.
2. Khi có nguy cơ sự cố phát sinh, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo giải quyết.
3. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11/02/2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền.
Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tuyên truyền, giáo dục nhân dân trên địa bàn quản lý thực hiện nghiêm túc Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11/2/2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền, đặc biệt là bảo vệ khoảng cách an toàn đối với đường ống dẫn xăng, dầu. Phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên ngăn chặn phát sinh công trình vi phạm hoặc các hành vi xâm phạm khoảng cách an toàn đối với các công trình xăng, dầu.
2. Khi phát hiện sự cố đường ống xăng, dầu, tổ chức ngay lực lượng bảo vệ ban đầu. Thông tin nhanh nhất về Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên và báo cáo cấp có thẩm quyền để chỉ đạo phối hợp các lực lượng giải quyết.
3. Phối hợp với Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên thành lập Ban Chỉ đạo và trực tiếp chỉ đạo bảo vệ vòng ngoài trong quá trình giải quyết sự cố. Kiên quyết ngăn chặn người không có nhiệm vụ vào khu vực sự cố.
4. Thực hiện việc di dân khi cần thiết, phối hợp giải quyết hậu quả khi có thiệt hại về người và tài sản do có sự cố gây ra.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Điều khoản thi hành
1. Việc bảo vệ khoảng cách an toàn và khắc phục sự cố các công trình xăng, dầu là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và mọi người dân. Khi có yêu cầu phối hợp, lãnh đạo các cấp chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cơ sở phải nâng cao ý thức trách nhiệm nghiêm túc thực hiện phần việc được giao, đồng thời nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành chức năng khắc phục kịp thời và bảo vệ tuyệt đối an toàn các vụ sự cố công trình xăng, dầu.
2. Các thành viên Ban Chỉ đạo đảm bảo các công trình xăng, dầu của tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai việc thực hiện Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện./.
Quyết định 02/2013/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu Ban hành: 14/01/2013 | Cập nhật: 16/01/2013
Nghị định 13/2011/NĐ-CP về an toàn công trình dầu khí trên đất liền Ban hành: 11/02/2011 | Cập nhật: 16/02/2011