Quyết định 37/2001/QĐ-UBND về quy chế cho phép cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài
Số hiệu: 37/2001/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Phan Thiên
Ngày ban hành: 07/06/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2001/QĐ-UB

ngày 07 tháng 06 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V : BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ CHO PHÉP CÁN BỘ - CÔNG CHỨC - VIÊN CHỨC ĐI NƯỚC NGOÀI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ Nghị định số 05/2000/NĐ-CP ngày 03/3/2000 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;

Căn cứ Quy chế số 57/QC-TU ngày 09/12/1994 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thẩm quyền và quy trình xét duyệt cán bộ đi công tác, học tập, tham quan nước ngoài;

Theo đề nghị của Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tư pháp Lâm Đồng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về cho phép cán bộ - công chức - viên chức đi nước ngoài.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 31/1998/CT-UB ngày 30/6/1998 của UBND tỉnh " Về việc quản lý công tác xuất nhập cảnh theo chủ trương mới".

Điều 3: Các ông : Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan - đơn vị thuộc tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch UBND các Huyện, thị xã Bảo Lộc, Thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Phan Thiên

 

QUY CHẾ

VỀ CHO PHÉP CÁN BỘ - CÔNG CHỨC - VIÊN CHỨC ĐI NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2001/QĐ-UB ngày 07 tháng 6 năm 2001)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định việc cho phép cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước (kể cả người làm công theo chế độ hợp đồng từ một năm trở lên và những người được cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước cử sang làm việc tại các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thuộc thẩm quyền quản lý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng (sau đây được gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức - viết tắt : CBCCVC) đi ra nước ngoài để công tác, học tập, nghiên cứu khoa học, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, tham quan, giải quyết việc riêng (sau đây được gọi chung là xuất cảnh).

Điều 2: Quản lý nhà nước về xuất cảnh

1 - UBND tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước đối với việc cho phép CBCCVC chức xuất cảnh theo các quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc cử CBCCVC xuất cảnh vì việc công hoặc cho phép xuất cảnh vì việc riêng.

2 - Ban Tổ chức chính quyền, Văn phòng UBND tỉnh là các cơ quan tham mưu trực tiếp, giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với việc cho phép CBCCVC xuất cảnh.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ, THỦ TỤC ĐỂ XUẤT CẢNH

Điều 3: Điều kiện để xuất cảnh

1 - CBCCVC không thuộc diện "Chưa được phép xuất cảnh" theo quy định của pháp luật.

2 - UBND tỉnh xem xét và tạo điều kiện thuận lợi cho CBCCVC xuất cảnh từ nguồn kinh phí không lấy từ ngân sách địa phương.

3 - UBND tỉnh chỉ giải quyết cho những trường hợp xét thấy thật cần thiết nếu CBCCVC xuất cảnh bằng kinh phí (hoặc một phần kinh phí) lấy từ ngân sách địa phương.

Trong trường hợp này thì Cơ quan, đơn vị cử CBCCVC xuất cảnh chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí phục vụ cho việc xuất cảnh từ nguồn chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4 - UBND tỉnh không cấp kinh phí từ nguồn ngân sách của Tỉnh cho các đoàn xuất cảnh. Trừ trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 4 dưới đây.

5 - CBCCVC được cử đi học tập, đào tạo các bậc học ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí Nhà nước phải là đối tượng nằm trong kế hoạch đào tạo, quy hoạch của cơ quan, đơn vị đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

6 - Đối với Doanh nghiệp Nhà nước, nếu do yêu cầu sản xuất kinh doanh, cần phải xuất cảnh, thì đơn vị phải có tờ trình nêu rõ nhu cầu và xác định hiệu quả của đợt công tác đối với kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Điều 4: Tổ chức đoàn đi công tác nước ngoài

1 - Cơ quan, đơn vị có yêu cầu thành lập đoàn để xuất cảnh có trách nhiệm xây dựng đề án, đề cương nghiên cứu; tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ đối với các thành viên; chương trình, mục đích chuyến đi để trình UBND tỉnh.

Khi đã được UBND tỉnh phê duyệt, cơ quan, đơn vị đứng ra thành lập đoàn thông báo cho các cơ quan đơn vị liên quan để lựa chọn, cử CBCCVC có trình độ chuyên môn, năng lực phù hợp với mục đích chuyến đi tham gia đoàn.

2 - UBND tỉnh xem xét, ra quyết định thành lập các đoàn xuất cảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại của Tỉnh khi thấy cần thiết.

Điều 5: Hồ sơ xin xuất cảnh

1 - Văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị nêu rõ nước đến, mục đích, thời gian, nguồn kinh phí cho chuyến đi.

2 - Bản chính công văn, thư mời của đơn vị tổ chức chuyến đi (Nếu là văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch).

3 - Nếu xin xuất cảnh vì việc riêng phải kèm đơn của đương sự nêu rõ mục đích xuất cảnh, thời gian ở nước ngoài và những văn bản liên quan đến người bảo lãnh.

Điều 6: Thủ tục xét duyệt hồ sơ cho phép xuất cảnh

1 - Ban Tổ chức Chính quyền là nơi tiếp nhận và thẩm định hồ sơ của các cơ quan, đơn vị xin cho CBCCVC xuất cảnh.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ :

a/ - Ban Tổ chức Chính quyền có công văn trả lời đối với những trường hợp không đủ điều kiện xuất cảnh.

b/ - Đối với những trường hợp xét thấy đủ điều kiện xuất cảnh, Ban Tổ chức Chính quyền có công văn đề xuất gửi UBND tỉnh kèm hồ sơ xin xuất cảnh của CBCCVC.

2 - Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ và công văn đề xuất của Ban Tổ chức Chính quyền :

a/ - UBND tỉnh sẽ ra quyết định cho phép CBCCVC xuất cảnh hoặc công văn thông báo về việc không cho phép xuất cảnh.

b/ - Đối với những CBCCVC thuộc diện quy định tại khoản a, b Điều 3 Quy chế số 57/QC-TU ngày 9 tháng 12 năm 1994 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, UBND tỉnh sẽ có công văn báo cáo, xin ý kiến Trung ương hoặc Tỉnh ủy theo quy định.

c/ -Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được ý kiến của Trung ương hoặc Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ có quyết định cho phép xuất cảnh hoặc thông báo về việc không cho phép xuất cảnh đối với các đối tượng nêu tại mục b trên đây.

Chương III

CẤP, ĐỔI VÀ QUẢN LÝ HỘ CHIẾU

Điều 7: Đối tượng và thủ tục xin cấp hộ chiếu ngoại giao

1 - UBND tỉnh làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho : Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

2 - Hồ sơ xin cấp hộ chiếu bao gồm :

- 01 tờ khai xin cấp hộ chiếu, có dán ảnh đóng dấu giáp lai và xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý (theo mẫu do Bộ Ngoại giao quy định). Mẫu tờ khai xin cấp hộ chiếu do phòng Hành chính - Tổ chức VP UBND tỉnh phát hành.

- Quyết định cử đi nước ngoài của UBND tỉnh.

- 03 ảnh giống nhau cỡ 4x6 cm, chụp mắt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu, chụp chưa quá một năm; trong đó 01 ảnh dán vào Tờ khai, đóng dấu giáp lai vào 1/4 ảnh.

3 - Việc liên hệ xin cấp hộ chiếu ngoại giao, thị thực nhập cảnh do Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm.

Điều 8: Đối tượng, thủ tục xin cấp hộ chiếu công vụ

1 - Hộ chiếu công vụ được cấp cho CBCCVC Nhà nước, cán bộ từ cấp phòng trở lên và kế toán trưởng của các doanh nghiệp Nhà nước, ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ chính thức của cơ quan, doanh nghiệp.

2 - Hồ sơ xin cấp hộ chiếu : Như quy định đối với hộ chiếu ngoại giao nêu tại khoản 2 Điều 7 trên đây.

3 - Việc xin cấp hộ chiếu công vụ, thị thực nhập cảnh do cơ quan thành lập đoàn hoặc CBCCVC được phép xuất cảnh tự liên hệ với Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh hoặc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Điều 9: Đối tượng, thủ tục xin cấp hộ chiếu phổ thông

1 - Đối với CBCCVC được UBND tỉnh cho phép xuất cảnh nhưng không thuộc diện quy định tại điều 7, điều 8 bản Quy chế này, thì làm thủ tục xin cấp hộ chiếu phổ thông.

2 -Hồ sơ xin cấp hộ chiếu :

- 02 tờ khai xin cấp hộ chiếu, có dán ảnh đóng dấu giáp lai và xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý (theo mẫu do Bộ Công an quy định). Mẫu tờ khai xin cấp hộ chiếu phổ thông do Công an tỉnh Lâm Đồng phát hành.

- Văn bản cử đi nước ngoài về việc công hoặc cho phép đi nước ngoài về việc riêng của UBND tỉnh.

- 06 ảnh giống nhau cỡ 4x6 cm, chụp mắt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu, chụp chưa quá một năm; trong đó 02 ảnh dán vào Tờ khai đóng dấu giáp lai vào 1/4 ảnh.

3 - Việc xin cấp hộ chiếu phổ thông, thị thực nhập cảnh do CBCCVC được phép xuất cảnh tự liên hệ với Công an tỉnh Lâm Đồng hoặc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Điều 10: Gia hạn, cấp đổi hộ chiếu

1 - Gia hạn hộ chiếu : Đối với CBCCVC đã được cấp hộ chiếu, khi được phép xuất cảnh mà hộ chiếu hết hạn thì có thể đề nghị gia hạn hộ chiếu. Hồ sơ gồm :

- 01 đơn đề nghị gia hạn hộ chiếu (theo mẫu quy định).

- Hộ chiếu.

- Quyết định cử hoặc cho phép đi nước ngoài của UBND tỉnh.

2 - Cấp đổi hộ chiếu: Đối với CBCCVC đã được cấp hộ chiếu, khi được phép xuất cảnh mà hộ chiếu cũ bị rách nát, hư hỏng, hết trang, hết thời hạn sử dụng (đối với hộ chiếu đã được gia hạn một lần), thì có thể đề nghị cấp đổi hộ chiếu.

Hồ sơ như khi đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu và nộp kèm hộ chiếu cũ.

Điều 11: Quản lý hộ chiếu

1/ - Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh là cơ quan tổ chức việc thu giữ và quản lý hộ chiếu của CBCCVC sau mỗi lần xuất cảnh.

2/ - Ban Tổ chức Chính quyền giao hộ chiếu phù hợp với mục đích xuất cảnh cho CBCCVC khi đã có Quyết định cho phép xuất cảnh của UBND tỉnh và xử lý những vấn đề liên quan đến quyền sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ theo quy định.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CBCCVC ĐƯỢC PHÉP XUẤT CẢNH VÀ CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 12: Trách nhiệm của CBCCVC được phép xuất cảnh

1 - CBCCVC được phép xuất cảnh phải chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước Việt Nam và luật pháp nước sở tại.

2 - Trong thời hạn 07 ngày kể từ khi về nước CBCCVC được phép xuất cảnh phải nộp hộ chiếu và báo cáo (bằng văn bản) về các hoạt động và kết quả chuyến đi tại Ban Tổ Chức Chính quyền và thủ trưởng cơ quan quản lý CBCCVC.

Trong trường hợp đi theo đoàn, thì trưởng đoàn có trách nhiệm nộp hộ chiếu của các thành viên và báo cáo chung về các hoạt động và kết quả chuyến đi (bằng văn bản) tại Ban Tổ Chức Chính quyền và thủ trưởng cơ quan quản lý CBCCVC xuất cảnh.

3 - CBCCVC được phép xuất cảnh theo các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học có trách nhiệm hoàn thành phần nội dung nghiên cứu được giao và báo cáo đúng thời gian quy định.

Điều 13: Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị cử CBCCVC xuất cảnh

1 - Thủ trưởng Cơ quan, đơn vị có CBCCVC xuất cảnh chịu trách nhiệm về nhân sự do mình đề nghị cho phép xuất cảnh và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin, văn bản đề nghị cho phép xuất cảnh.

Khi phát hiện những sai phạm, thiếu trung thực trong việc khai báo xin xuất cảnh của CBCCVC thuộc quyền, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

2 - Thủ trưởng Cơ quan, đơn vị cử CBCCVC xuất cảnh phải đảm bảo thực hiện công khai, công bằng và dân chủ trong việc cử hoặc đề xuất, lựa chọn CBCCVC tham gia các đoàn xuất cảnh.

4 - Khi phát hiện CBCCVC thuộc quyền không về nước đúng thời hạn cho phép xuất cảnh, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo Ban Tổ chức Chính quyền để xử lý theo quy định.

Điều 14: Cơ quan đầu mối quản lý Nhà nước về xuất cảnh

1 - Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh là cơ quan đầu mối xử lý các vấn đề liên quan đến việc cho phép CBCCVC trong tỉnh xuất cảnh.

2 - Ban Tổ chức Chính quyền có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý Nhà nước về việc thu giữ, quản lý hộ chiếu, cho phép CBCCVC trong tỉnh xuất cảnh và đề xuất xử lý những sai phạm của CBCCVC trong việc xuất cảnh.

3 - Định kỳ sáu tháng, một năm, Ban Tổ chức Chính quyền có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi UBND tỉnh về những vấn đề liên quan đến việc quản lý, thu giữ hộ chiếu và cho phép CBCCVC trong tỉnh xuất cảnh.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15: Tổ chức thực hiện

Các ông Giám đốc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố Đà Lạt, Thị xã Bảo Lộc có trách nhiệm triển khai Quy chế này đến CBCCVC thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý để thực hiện.

Trong quá trình thực hiện bản Quy chế này, những vấn đề mới phát sinh hoặc vướng mắc, cần kịp thời báo cáo UBND tỉnh để được hướng dẫn giải quyết.

Bản Quy chế này sẽ được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với các quy định của Nhà nước.

Điều 16: Xử lý vi phạm

Các cơ quan, đơn vị, CBCCVC có hành vi vi phạm các điều quy định tại Quy chế này thì tuỳ theo mức độ, tính chất vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính; bị xử lý kỷ luật theo Pháp lệnh Cán bộ - Công chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật./.