Quyết định 3687/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Tiêu chí chọn nhà đầu tư hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu: 3687/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Trần Xuân Hoà
Ngày ban hành: 11/09/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3687/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 11 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT TIÊU CHÍ CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28/9/2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô;

Căn cứ Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Quy định về quản lý và khai thác vận tải khách công cộng bằng xe buýt;

Căn cứ Thông báo số 277-TB/TU ngày 06/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án vận tải khách công cộng bằng xe buýt, Dự án đầu tư bến xe của tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 571/TTr-SGTVT ngày 28/8/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Tiêu chí chọn nhà đầu tư hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Giao trách nhiệm cho:

1. Sở Giao thông vận tải tổ chức công bố nội dung các tiêu chí trên các phương tiện thông tin đại chúng; chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan kêu gọi, đề xuất và kiến nghị nhà đầu tư có năng lực, đủ điều kiện thực hiện đầu tư, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với các quy định của pháp luật và điều kiện thực tế Ninh Thuận, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hoà

 

TIÊU CHÍ

CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3687/QĐ-UBND ngày 11/9/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

I. NỘI DUNG ĐẦU TƯ.

1. Quy hoạch các tuyến xe buýt:

1.1. Tuyến số 1 (Phan Rang - Ninh Sơn và ngược lại): dài 49 km

Điểm đầu: Bến xe Phan Rang (khi có bến xe mới sẽ điều chỉnh về bến xe mới).

Điểm cuối: Km 224+800 Quốc lộ 27 (phía phải theo chiều từ Phan Rang đi Ninh Sơn, kề Nhà máy thủy điện Đa Nhim);

1.2. Tuyến số 2 (Phan Rang - Thuận Bắc và ngược lại): dài 32 km

Điểm đầu: Bến xe Phan Rang (khi có bến xe mới sẽ điều chỉnh về bến xe mới).

Điểm cuối: Km 1526+050 Quốc lộ 1A (phía Đông Quốc lộ 1A, cách ranh giới tỉnh Khánh Hoà khoảng 500m);

1.3. Tuyến số 3 (Phan Rang - Vĩnh Hy và ngược lại): dài 40 km

Điểm đầu: Bến xe Phan Rang (khi có bến xe mới sẽ điều chỉnh về bến xe mới).

Điểm cuối: Km 40+000 đường tỉnh 702 (phía Đông đường tỉnh 702); thuộc thôn Vĩnh Hy;

1.4. Tuyến số 4 (Phan Rang - Cà Ná và ngược lại): dài 33 km

Điểm đầu: Bến xe Phan Rang (khi có bến xe mới sẽ điều chỉnh về bến xe mới);

Điểm cuối: Km 1589+250 Quốc lộ 1A (phía Đông Quốc lộ 1A, trùng với điểm dừng xe khách trên tuyến);

1.5. Tuyến số 5 (nội thành Phan Rang): dài 20 km

Điểm đầu và điểm cuối đều tại Bến xe Phan Rang (khi có bến xe mới sẽ điều chỉnh về bến xe mới).

2. Nội dung đầu tư: đầu tư phương tiện, xây dựng các công trình hạ tầng, tổ chức khai thác vận tải khách công cộng bằng xe buýt theo từng tuyến, một số tuyến hoặc toàn bộ các tuyến quy theo quy hoạch như trên, đảm bảo các yêu cầu về tần suất, chất lượng dịch vụ, an toàn theo các quy định của pháp luật.

3. Tổng mức đầu tư: ước tính 25 tỷ đồng, trong đó:

- Phương tiện: 23 tỷ đồng;

- Cơ sở hạ tầng: 2 tỷ đồng.

II. TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ.

1. Điều kiện pháp lý:

Các nhà đầu tư (doanh nghiệp) có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có đủ các điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28/9/2006 của Chính phủ đều được tham gia đăng ký đấu thầu khai thác vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, cụ thể như sau:

a) Có đăng ký kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt theo quy định;

Ưu tiên cho nhà đầu tư mở doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh tại Ninh Thuận;

b) Đảm bảo số lượng phương tiện đáp ứng nhu cầu hoạt động vận tải xe buýt theo biểu đồ vận hành trên từng tuyến hoặc toàn bộ các tuyến mà nhà đầu tư đăng ký do Sở Giao thông vận tải quy định.

Trong trường hợp chưa đủ số phương tiện theo yêu cầu, nhà đầu tư cần có hợp đồng mua bán phương tiện có giá trị pháp lý với nhà cung cấp để chứng minh khả năng đảm bảo số lượng và chất lượng phương tiện theo yêu cầu. Hợp đồng mua bán trên phải được công chứng;

c) Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của nhà đầu tư, bảo đảm yêu cầu phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường;

d) Đáp ứng yêu cầu về con người, chất lượng phương tiện và cơ sở hạ tầng quy định tại mục 3 dưới đây;

đ) Được Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải được ủy quyền ở địa phương chấp thuận tham gia hoạt động vận tải khách bằng xe buýt.

2. Điều kiện về năng lực tài chính:

2.1. Vốn tự có:

Vốn tự có của nhà đầu tư phải đạt ít nhất 30% nhu cầu vốn cho hoạt động vận tải khách công cộng mà nhà đầu tư đăng ký.

Vốn của nhà đầu tư là tiền tính bằng đồng Việt Nam (tiền mặt hay tài khoản tại ngân hàng), ngoại tệ tự do chuyển đổi và các tài sản hợp pháp khác để thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp;

2.2. Vốn do ngân hàng bảo lãnh: phần vốn còn thiếu, nhà đầu tư phải có bảo lãnh hoặc xác nhận của ngân hàng về việc cung cấp vốn đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho hoạt động vận tải khách công cộng mà nhà đầu tư đăng ký.

3. Điều kiện về con người, phương tiện và cơ sở hạ tầng:

3.1. Về con người:

a) Đảm bảo số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh của nhà đầu tư:

- Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải có lý lịch rõ ràng được chính quyền địa phương (cấp phường hoặc xã) xác nhận; có Giấy chứng nhận sức khoẻ đủ điều kiện lao động của cơ quan Y tế có thẩm quyền; có hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động.

- Lái xe có giấy phép lái xe còn hiệu lực phù hợp với loại phương tiện điều khiển, không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

b) Nhân viên phục vụ trên xe buýt phải được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

c) Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải phải có trình độ chuyên môn chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên.

Trong trường hợp chưa có đủ số lượng nhân viên, lái xe theo quy định trên, nhà đầu tư phải có cam kết về thời gian thực hiện tuyển chọn và đào tạo để chứng minh khả năng đảm bảo số lượng và chất lượng theo quy định. Thời gian thực hiện không được quá 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày được chấp thuận khai thác tuyến.

3.2. Về phương tiện:

Nhà đầu tư phải có cam kết thực hiện đúng các yêu cầu sau:

a) Bảo đảm yêu cầu kỹ thuật quy định tại Tiêu chuẩn ngành 22 TCN 302-06 của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 02/3/2006;

b) Ôtô có từ 17 ghế trở lên và có diện tích sàn xe dành cho khách đứng theo tiêu chuẩn quy định, có màu sơn đặc trưng được đăng ký với Sở Giao thông vận tải;

c) Ôtô có niên hạn sử dụng:

- Không quá 20 năm đối với xe ôtô sản xuất để chở khách.

- Không quá 17 năm đối với ôtô chuyển đổi công năng trước ngày 01 tháng 01 năm 2002 từ các loại xe khác thành ôtô chở khách.

Ưu tiên cho nhà đầu tư đề xuất đưa vào khai thác, sử dụng các loại xe mới, có số lượng ghế cao, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định;

3.3. Về cơ sở hạ tầng:

Nhà thầu có cam kết tuân thủ theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, cụ thể như sau:

a) Về nhà chờ xe buýt:

- Xây dựng nhà chờ xe buýt tại các vị trí như sau:

+ Trong đô thị, nếu có bề rộng hè đường từ 4m trở lên.

+ Ngoài đô thị nếu có bề rộng lề đường từ 1,5 m trở lên.

- Có ghế để khách ngồi chờ theo mẫu quy định của Sở Giao thông vận tải.

- Xây dựng lối lên xuống thuận tiện và vị trí dành riêng cho người tàn tật.

- Niêm yết đầy đủ các thông tin về các tuyến xe buýt: số hiệu, tên, lộ trình, tần suất xe chạy, thời gian hoạt động trong ngày, số điện thoại liên hệ.

- Tại nhà chờ xe buýt, các thông tin quảng cáo mà nội dung không liên quan đến hoạt động của xe buýt chỉ được thực hiện khi đã thông tin đầy đủ nội dung nêu trên; đồng thời phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành về quảng cáo;

b) Về điểm dừng xe buýt:

- Tuân thủ theo quy hoạch các điểm dừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đáp ứng các quy định của Luật Giao thông đường bộ.

- Trong phạm vi điểm dừng, phải sơn vạch phản quang để người điều khiển các phương tiện giao thông khác nhận biết.

- Có biển báo hiệu điểm dừng xe buýt, trên biển báo hiệu phải ghi số hiệu, tên tuyến (điểm đầu - điểm cuối), lộ trình của các tuyến xe buýt dừng tại vị trí đó.

- Xây dựng lối lên xuống thuận tiện cho xe lăn tại vị trí các điểm dừng có phục vụ người tàn tật sử dụng xe lăn.

4. Các tiêu chí về đầu tư:

4.1. Khả năng và quy mô đầu tư: Nhà đầu tư đầu tư toàn bộ 5 tuyến, bao gồm phương tiện và cơ sở hạ tầng;

4.2. Về tần suất chạy xe: tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý tuyến.

Ưu tiên cho nhà đầu tư có tần suất chạy xe đề xuất cao nhất (thời gian giữa 2 chuyến xe liền kề thấp nhất);

4.3. Về giá vé: Nhà đầu tư tự xây dựng và đề xuất giá vé, cước cho từng cung chặng, cho từng tuyến trên cơ sở chi phí giá thành và cung cầu.

Ưu tiên cho nhà đầu tư xây dựng giá vé trên từng tuyến thấp nhất;

4.4. Về thời gian độc quyền khai thác: Nhà đầu tư được chấp thuận khai thác tuyến sẽ được độc quyền khai thác tuyến trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ tổ chức chọn thầu lại. Do đó, nhà đầu tư phải đề xuất thời gian độc quyền khai thác cho từng tuyến hoặc toàn bộ các tuyến theo đơn vị là năm, kể từ ngày được phép khai thác tuyến.

Ưu tiên cho nhà đầu tư có đề xuất thời gian độc quyền khai thác tuyến thấp nhất;

4.5. Về tiến độ triển khai: Nhà đầu tư xây dựng tiến độ triển khai hoạt động vận tải khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh, trong đó phải triển khai ít nhất 1 tuyến trong năm 2007 và 2 tuyến vào đầu năm 2008, các tuyến còn lại trong cuối năm 2008.

Ưu tiên cho các nhà đầu tư có kế hoạch triển khai sớm nhất./.