Quyết định 3672/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt đồ án Quy hoạch thoát nước thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Số hiệu: 3672/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Võ Thành Thống
Ngày ban hành: 29/11/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3672/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 29 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH THOÁT NƯỚC THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Công văn số 40/BXD-HTKT ngày 31 tháng 12 năm 2015 về việc góp ý đồ án Quy hoạch thoát nước thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2926/TTr-SXD ngày 03 tháng 10 năm 2016 và Công văn số 3667/SXD-QHKT ngày 17 tháng 11 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đồ án Quy hoạch thoát nước thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nội dung chính như sau:

1. Tên đồ án quy hoạch:

Quy hoạch thoát nước thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Phạm vi quy hoạch:

a) Phạm vi lập nghiên cứu: bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Cần Thơ với diện tích 1.439 km2.

b) Phạm vi lập quy hoạch bao gồm khu vực đô thị của 5 quận nội thành: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, và 5 thị trấn của 4 huyện ngoại thành là: Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Thạnh An với dân số đô thị khoảng 1,1 - 1,2 triệu người vào năm 2020 và khoảng 1,5 - 1,6 triệu người vào năm 2030.

c) Nội dung nghiên cứu được chia thành hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Đề xuất dự án ưu tiên thực hiện trong thời gian từ 2015 - 2020 cho các khu vực trung tâm, phù hợp với kế hoạch phát triển dài hạn.

- Giai đoạn 2: Nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn của hệ thống thoát nước đến năm 2030 cho toàn khu vực nghiên cứu.

3. Quan điểm quy hoạch:

a) Quy hoạch tổng thể thoát nước phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch thoát nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long; định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.

b) Quy hoạch thoát nước thành phố Cần Thơ xem xét đến các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển hệ thống thoát nước đảm bảo ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mặt và nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý cho từng lưu vực, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, cụ thể:

- Quy hoạch thoát nước mưa áp dụng mô hình kỹ thuật hệ thống thoát nước bền vững, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, ao, hồ, sông, rạch, tăng cường khả năng thấm và trữ nước mưa, góp phần giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng tại trung tâm đô thị và các đô thị khác trong phạm vi lập quy hoạch.

- Quy hoạch thoát nước thải và xử lý nước thải tập trung cho các đô thị (đặc biệt là khu vực trung tâm); định hướng thoát nước cho các đô thị nhỏ, khu vực ngoài đô thị, khu công nghiệp và y tế; sử dụng công nghệ, thiết bị lĩnh vực thoát nước phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, ưu tiên áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng có tính đến khả năng nâng cấp trong tương lai; nhằm góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước thành phố Cần Thơ.

4. Mục tiêu quy hoạch:

a)  Mục tiêu chung:

- Cụ thể hóa định hướng phát triển thoát nước thành phố Cần Thơ trong điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có xem xét đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

- Phân vùng, xác định lưu vực tiêu thoát nước. Dự báo yêu cầu thoát nước mưa và tổng lượng nước thải đô thị. Xác định phương án thoát nước, xử lý nước thải theo từng lưu vực.

- Từng bước khắc phục tình trạng ngập úng đô thị và toàn bộ nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.

- Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững của thành phố Cần Thơ.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

Thoát nước mưa: Phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đến năm 2020 đạt 80 - 90%.

- Thoát nước thải:

+ Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng đến năm 2020 đạt 75 - 80%.

+ Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tại các quận Ô Môn, Thốt Nốt đến năm 2020 đạt 65 - 75%.

+ Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tại các thị trấn Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Thạnh An, Phong Điền đến năm 2020 đạt 65 - 70%.

+ Toàn bộ nước thải công nghiệp, bệnh viện và nước thải từ các làng nghề được thu gom và xử lý đạt Quy chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường.

c) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

Thoát nước mưa: Phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đến năm 2030 đạt 100%

- Thoát nước thải:

+ Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng đến năm 2030 đạt 90%.

+ Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tại các quận Ô Môn, Thốt Nốt đến năm 2030 đạt 80 - 85%.

+ Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tại các thị trấn Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Thạnh An, Phong Điền đến năm 2030 đạt 75 - 85%.

+ Toàn bộ nước thải công nghiệp, bệnh viện và nước thải từ các làng nghề được thu gom và xử lý đạt Quy chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường.

5. Nội dung quy hoạch:

a) Quy hoạch thoát nước mưa

- Tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch.

Quy hoạch thoát nước mưa phải phù hợp với quy hoạch thủy lợi chống ngập úng thành phố Cần Thơ Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam thực hiện và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại quyết định số 1721/QĐ-BNN-TCTL ngày 20/07/2012.

- Tiêu chuẩn thiết kế cho công trình thoát nước mưa:

Cấp độ cống

Chu kỳ tính toán (P)

Cống cấp III,IV

1-2 năm

Cống cấp II

2-5 năm (kiểm tra 10 năm)

Cống hoặc kênh mương cấp I

5-10 năm

Trạm bơm, Sông, Hồ điều hòa

10 năm (kiểm tra theo kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050 - lượng mưa tăng 5%)

- Trận mưa thiết kế:

Trận mưa được lấy phù hợp theo Quyết định số 1721/QĐ-BNN-TCTL ngày 20/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng thành phố Cần Thơ:

+ Thời đoạn mưa thiết kế 90 phút, lượng mưa thiết kế với tần suất 10%, tại trạm Cần Thơ (tương ứng 86 mm).

+ Tổ hợp thiết kế tính toán chọn: Triều biển Đông 10% (tương đương năm 2001); lũ thiết kế năm 2000.

+ Tính toán ứng phó với nước biển dâng theo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời đoạn mưa thiết kế 90 phút, lượng mưa thiết kế với tần suất 10%, tại trạm Cần Thơ (tương ứng 86 mm).

-  Phân chia lưu vực thoát nước mưa:

+ Quy hoạch thoát nước đề xuất phân chia lưu vực thoát nước mưa về dài hạn sẽ theo quy hoạch thủy lợi, trong giai đoạn ngắn hạn (đến năm 2020) sẽ phân chia lưu vực dựa trên các điều kiện hiện trạng của hệ thống thoát nước, với các lưu vực nhỏ hơn, các đề xuất mang tính thiết thực, giải quyết những vấn đề cấp bách.

+ Tiêu chí phân chia lưu vực: đặc điểm xây dựng của đô thị hiện hữu; quy hoạch xây dựng đô thị trong tương lai; đặc điểm địa hình, thủy văn,… các khu vực trong đô thị; hiện trạng các công trình thoát nước, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật,… cũng như các nguồn xả, nguồn tiếp nhận.

+ Phân chia đô thị thành phố Cần Thơ thành 16 lưu vực thoát nước mưa trên phạm vi đô thị.

STT

Tên lưu vực

Diện tích (ha)

Diện tích hồ điều hòa (ha)

Diện tích mặt nước (ha)

Hướng thoát chính

Giải pháp thoát nước dự kiến

1

Ninh Kiều 1

3.630

89,5

205

Rạch Khai Luông, sông. Bình Thủy, rạch Cái Sơn, sông Cần Thơ, sông Hậu, các rạch Cái Khế, Đầu Sấu, Ngỗng...

Tường chắn, trạm bơm, cống ngăn triều, cống và công trình thoát nước đô thị.

2

Ninh Kiều 2

810

 

10

Sông Cần Thơ, rạch Cái Sơn

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng chính, không tôn nền đối với công viên, quảng trường...

3

Cái Răng 1

2.280

10

50

Sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Cái Sâu, rạch Cái Đôi, rạch Bùng Binh

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng chính, không tôn nền đối với công viên, quảng trường...

4

Cái Răng 2

1.165

18

100

Sông Cần Thơ, rạch Cái Nai, rạch Rau Răm, rạch Ấp Mỹ

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng chính, không tôn nền đối với công viên, quảng trường...

5

Cái Răng 3

2.630

74

1315

Rạch Cái Cui, rạch Cái Nai, rạch Ấp Mỹ

Giải pháp thích  ứng

6

Bình Thủy

2.425

30

30

Sông Hậu, sông Bình Thủy, sông Trà Nóc

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng chính, không tôn nền đối với công viên, quảng trường....

7

Trà Nóc

2.810

76

303

Sông Hậu, sông Trà Nóc

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng chính, không tôn nền đối với công viên, quảng trường....

8

Ô Môn 1

4.240

143

170

Sông Ô Môn, kênh Thơm Rơm

Tôn nền, không xây dựng tường chắn, không tôn nền đối với công viên, quảng trường...

9

Ô Môn 2

425

 

-

Sông Ô Môn

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng mới.

10

Ô Môn 3

4.860

198

2430

Sông Hậu, sông Ô Môn, kênh Thơm Rơm

Giải pháp thích  ứng

11

Thốt Nốt

3.540

87

235

Sông Hậu, kênh Cái Sắn, kênh Thắng Lợi, sông Thốt Nốt

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng mới.

12

Phong Điền

505

 

-

Sông Cần Thơ

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng chính, không tôn nền đối với công viên, quảng trường....

13

Thới Lai

500

 

-

Rạch Ô Môn, kênh Đứng, kênh Bà Đầm

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng mới.

14

Cờ Đỏ

425

 

-

Kênh Thốt Nốt, kênh Thơm Rơm, kênh Đứng

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng chính, không tôn nền đối với công viên, quảng trường....

15

Vĩnh Thạnh

550

 

-

Kênh Cái Sắn

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng mới.

16

Thạnh An

275

 

-

Kênh Cái Sắn

Xây dựng bổ sung các cống thoát nước đô thị. Yêu cầu tôn nền đối với các công trình xây dựng mới.

 

Tổng

31.070

725,5

4.848

 

 

Ghi chú: Diện tích mặt nước là tổng diện tích hồ điều tiết, kênh, rạch, bề mặt trữ nước (kể cả diện tích trữ tạm - các lưu vực bán ngập)... nhưng không bao gồm diện tích bề mặt của các sông chính như sông Hậu, Cần Thơ, Bình Thủy, Trà Nóc...

- Giải pháp thoát nước:

Quy hoạch đề xuất các giải pháp, phương án thoát nước chính như sau:

+ Giải pháp tôn nền, không xây dựng tường chắn.

+ Giải pháp tường chắn, trạm bơm.

+ Giải pháp thích ứng.

+ Giải pháp kết hợp.

- Ứng với mỗi giải pháp là áp dụng phù hợp, linh hoạt các công trình xây tường chắn, cống ngăn triều, van ngăn triều, hệ thống cống thoát nước đô thị, trạm bơm thoát nước, hồ điều hòa....

-  Quy hoạch không gian điều tiết nước mặt:

+ Đảm bảo dung tích trữ gồm tổng diện tích hồ điều tiết, kênh, rạch, bề mặt trữ nước (kể cả diện tích trữ tạm - các lưu vực bán ngập)... nhưng không bao gồm diện tích bề mặt của các sông chính như sông Hậu, Cần Thơ, Bình Thủy, Trà Nóc... cho toàn thành phố là vào khoảng 4.848 ha, tương ứng với 15 % diện tích đô thị.

+ Đề xuất nạo vét, cải tạo các rạch nội đồng khu vực trung tâm như: rạch Ngỗng, Hàng Bàng, Sao, Súc, Bà Bộ. Tất cả các rạch này khi cải tạo đều phải đảm bảo khoảng cây xanh cách ly (không xây dựng) theo quy định. Nhằm tạo vùng đệm thấm nước, vùng đất ngập nước nhằm trữ nước mưa, gia tăng lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm, giảm sự hình thành dòng chảy mặt, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ do mưa lớn thời gian ngắn, giảm tải cho hệ thống thoát nước của Thành phố.

- Quy hoạch thoát nước đô thị cho từng lưu vực:

+ Lưu vực Ninh Kiều 1 (trung tâm thành phố)

. Cải tạo, xây dựng công trình kè, tường chắn, đường kết hợp làm tường chắn dọc các sông Hậu, Cần Thơ, Bình Thủy, và các rạch Khai Luông, Cái Sơn với tổng chiều dài là 36,2 km.

. Xây dựng 2 âu thuyền và 11 cống ngăn triều trên các rạch: Cái Khế, Tham Tướng, Bà Nga, Đầu Sấu, Cái Sơn, Nước Lạnh, Súc... và kết hợp hoàn thiện van ngăn triều cho hệ thống cống thoát nước đô thị.

. Xây dựng các trạm bơm thoát nước: Cái Khế, Tham Tướng, Đầu Sấu, Ninh Kiều, Trung tâm thương mại Cái Khế

. Cải tạo, xây dựng bổ sung các hồ điều hòa, tận dụng kênh, rạch làm hồ điều hòa. Tổng diện tích mặt nước quy hoạch của lưu vực là 260,5 ha, bao gồm:

.. Hồ Búng Xáng: 18ha.

.. Hồ Xáng Thổi: 6,5ha.

.. Hồ quy hoạch (tại phường Long Hòa – quận Bình Thủy): 65ha.

.. Cải tạo các rạch: Ngỗng, Sao, Bà Bộ, Súc, Mương Củi, Hàng Bàng, Nước Lạnh, Đầu Sấu - Ông Tà, Ông Kinh - Ông Đội, Bà Chính...kết hợp các rạch đã cải tạo như rạch Cái Khế, Tham Tướng, Bần, Cầu Chùa, Sơn...: 171 ha.

Danh mục các kênh cần cải tạo

TT

TÊN KÊNH, RẠCH

TỪ

ĐẾN

DÀI (km)

RỘNG TB (m)

1

Rạch Ngỗng

Rạch Cái Khế

Rạch Sao

2,2

20

2

Rạch Sao

Rạch Súc

Rạch Ngỗng

2,5

15

3

Rạch Bà Bộ

Rạch Sao

Rạch Hàng Bàng

1,9

15

4

Rạch Súc

Sông Bình Thủy

Rạch Nước Lạnh

3,1

15

5

Rạch Mương Củi

Rạch Đầu Sấu

hết rạch

2,5

10

6

Rạch Hàng Bàng - Nước Lạnh

Rạch Cái Sơn

Rạch Long Tuyền

4,7

10

7

Rạch Đầu Sấu - Ông Tà

Sông Cần Thơ

Hồ Bún Xáng

4,6

20

8

Rạch Ông Kinh - Ông Đội

Rạch Long Tuyền

hết rạch

3

8

9

Rạch Bà Chính - Ông Đội

Sông Bình Thủy

Rạch Súc

4

10

10

Các rạch nhỏ khác

 

 

10

3 - 6

 

Tổng

 

 

38,5

 

+ Các công trình cống thoát nước đô thị (sử dụng loại cống hộp bề mặt) đã được định hướng tuyến, quy mô theo từng tiểu lưu vực thoát nước; sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.

+ Các lưu vực Cái Răng 3, Ô Môn 3 (chấp nhận bán ngập)

. Cải tạo, xây dựng mới hệ thống mạng lưới cống, kênh, sông, ưu tiên các các công trình thấm, trữ và chứa nước mưa.

. Tận dụng các khoảng mặt nước như hồ hiện hữu, hồ quy hoạch, thảm thực vật, bề mặt phi xây dựng, các khu đô thị sinh thái, khu công viên cây xanh, khu hạn chế xây dựng... để giữ nước và làm giảm dòng chảy bề mặt và tạo ra vùng chứa nước để giảm tải cho các lưu vực khác.

. Tôn nền cục bộ đối với các công trình có yêu cầu bảo vệ (đường giao thông chính, dân cư mật độ cao...)

+ Các lưu vực còn lại

. Cải tạo, xây dựng mới hệ thống mạng lưới cống, kênh, sông và các trạm bơm thoát nước, các công trình thấm, trữ và chứa nước mưa

. Cải tạo và và giảm thiểu ô nhiễm môi trường các sông, kênh rạch và hồ hiện có, phát huy chức năng tổng hợp của các hồ điều hòa, hồ cảnh quan.

. Khu vực đô thị hiện hữu: Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước hiện có, xây dựng bổ sung hoàn thiện hệ thống thoát nước chung để thoát nước mưa, kết hợp giải pháp xây dựng mới các công trình thu gom và chuyển tải nước thải về nhà máy xử lý.

. Khu vực đô thị mới: Xây dựng hệ thống thoát nước riêng đồng bộ với phát triển hạ tầng đô thị bao gồm mạng lưới thoát nước mưa, kênh mương, hồ điều hòa, trạm bơm và các công trình thoát nước tại chỗ (thấm, trữ nước mưa…). Nước mưa được thoát ra sông, kênh, rạch, hồ…

. Mạng lưới thoát nước mưa gồm kênh, mương, hồ, cống thoát nước chính đã được quy hoạch về hướng tuyến, quy mô theo từng lưu vực, tiểu lưu vực thoát nước; sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.

+ Các khu vực ven đô thị và ngoài đô thị:

. Lựa chọn hệ thống thoát nước phù hợp với hệ thống tiêu thủy lợi và điều kiện địa phương.

. Đối với sông, kênh chảy qua khu vực dân cư cần cải tạo, gia cố bờ, chống sạt lở.

b) Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải:

- Các chỉ tiêu tính toán hệ thống thu gom và xử lý nước thải:

Các chỉ tiêu tính toán hệ thống thu gom và xử lý nước thải căn cứ theo Tiêu chuẩn, Quy chuẩn hiện hành;

+ Tiêu chuẩn thoát nước:

STT

Khu vực

Đơn vị tính

Tiêu chuẩn

Năm 2020

Năm 2030

1

Tiêu chuẩn nước thải sinh hoạt (80% nước cấp)

 

 

 

 

Các đô thị trung tâm

(lít/người-ngày.đêm)

120

144

 

Các thị trấn ngoại thành

(lít/người-ngày.đêm)

96

120

2

Nước thải phi sinh hoạt (nước tiêu thụ phục vụ cộng cộng, khách vãng lai, ….dịch vụ)

% S.hoạt

15

15

3

Tỉ lệ được phục vụ

%

 

 

 

Đô thị trung tâm

 

70 - 80

85 - 90

 

Các thị trấn ngoại thành

 

65

80

4

Lượng nước thấm

% S.hoạt

10

10

5

Tiêu chuẩn lượng nước thải tương đương

(lít/người-ngày.đêm)

 

 

 

Đô thị trung tâm

 

96 - 115

155 - 164

 

Các thị trấn ngoại thành

 

63

109

+ Chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định.

- Dự báo lượng nước thải đô thị.

 Dự báo tổng lượng nước thải thu gom và xử lý cho thành phố Cần Thơ như sau:

TT

Tên lưu vực 

Lưu lượng nước thải phát sinh (m3/ngày-đêm)

Đến năm 2020

Đến năm 2030

I

Khu vực đô thị trung tâm

136.800

280.900

1

Lưu vực Ninh Kiều – Bình Thủy

55.700

94.300

2

Lưu vực Cái Răng

27.700

56.600

3

Lưu vực Trà Nóc

13.800

33.900

4

Lưu vực Ô Môn

11.000

28.500

5

Lưu vực Thốt Nốt

23.100

51.600

6

Lưu vực Phong Điền

5.500

16.000

II

Khu vực các huyện

5.300

10.500

7

Lưu vực Vĩnh Thạnh

1.700

3.300

8

Lưu vực Thạnh An

800

1.700

9

Lưu vực Cờ Đỏ

1.300

2.600

10

Lưu vực Thới Lai

1.500

2.900

 

Tổng cộng

142.100

291.400

- Lưu vực thu gom và xử lý nước thải tập trung được phân chia dựa trên xem xét các điều kiện địa hình, đặc điểm đô thị, ranh giới hành chính và quy hoạch chung. Trên cơ sở đó, các khu vực đô thị Cần Thơ được phân chia làm 10 lưu vực thu gom và xử lý nước thải, với quy mô phục vụ cho 1.600.000 người dân đô thị vào năm 2030. Cải tạo hệ thống thu gom đối với khu đô thị hiện hữu; từng bước phát triển mạng lưới thu gom nước thải riêng. Nước thải được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung và xử lý đảm bảo Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi thải ra môi trường.

- Trong giai đoạn trước mắt, khi nguồn lực tài chính có hạn, tùy theo điều kiện thực tế, các lưu vực thoát nước thải có thể xây dựng các trạm xử lý nước thải phân tán hoặc trạm xử lý nước thải theo từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên về tổng thể phải phù hợp về quy mô và hướng thoát so với các nhà máy xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch được duyệt.

- Mạng lưới thu gom nước thải bao gồm các trạm bơm chuyển bậc, các tuyến cống bao và giếng tách nước thải, cống thu gom nước thải riêng đã được quy hoạch về hướng tuyến, quy mô và sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu thu gom toàn bộ nước thải về các nhà máy xử lý nước thải.

- Đối với các khu dân cư tập trung ở xa, khó tiếp cận với các nhà máy xử lý nước thải tập trung thì có thể xây dựng các trạm xử lý nước thải phân tán.

- Các khu công nghiệp và cơ sở y tế: Xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho nước mưa và nước thải; nước thải được thu gom và xử lý cục bộ đạt Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc ra môi trường.

- Quy hoạch xây dựng các nhà máy xử lý nước thải:

+ Dự kiến xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung chính cho các đô thị:

TT

Nhà máy xử lý nước thải

Công suất (m3/ngđ)

Phạm vi phục vụ/Vị trí/Diện tích đất sử dụng

2020

2025

2030

1

Cái Sâu 1

60.000

60.000

60.000

- Lưu vực Ninh Kiều - Bình Thủy, lưu vực Cái Răng

- Vị trí: Phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

- Diện tích đất 5,0 ha (đã giải phóng mặt bằng)

2

Cái Sâu 2

-

20.000

60.000

- Lưu vực Ninh Kiều - Bình Thủy, lưu vực Cái Răng

- Vị trí: Phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

- Diện tích đất 5,0 ha

3

Long Tuyền

10.000

10.000

30.000

- Lưu vực Ninh Kiều - Bình Thủy, lưu vực Phong Điền.

- Vị trí: Quận Bình Thủy.

- Diện tích đất 2,0 ha

4

Trà Nóc

15.000

15.000

30.000

- Lưu vực Trà Nóc

- Vị trí: Phường Thới An Đông, quận Bình Thủy.

- Diện tích đất 3,0 ha

5

Ô Môn

15.000

15.000

30.000

- Lưu vực Ô Môn

- Vị trí: Phường Thới An, quận Ô Môn.

- Diện tích đất 3,0 ha.

6

Thốt Nốt

25.000

25.000

50.000

- Lưu vực Thốt Nốt

- Vị trí: Xã Thới Thuận, quận Thốt Nốt.

- Diện tích đất 4,5 ha.

7

Phong Điền

5.000

5.000

15.000

- Lưu vực thị trấn Phong Điền

- Vị trí: Xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

- Diện tích đất 2,0 ha

8

Vĩnh Thạnh

1.500

1.500

3.000

- Lưu vực thị trấn Vĩnh Thạnh

- Vị trí: Thị trấn Vĩnh Thạnh.

- Diện tích đất 0,5 ha.

9

Thạnh An

1.000

1.000

2.000

- Lưu vực thị trấn Thạnh An

- Vị trí: Thị trấn Thạnh An.

- Diện tích đất 0,5 ha.

10

Cờ Đỏ

1.500

1.500

3.000

- Lưu vực thị trấn Cờ Đỏ

- Vị trí: Thị trấn Cờ Đỏ.

- Diện tích đất 0,5 ha.

11

Thới Lai

1.500

1.500

3.000

- Lưu vực thị trấn Thới Lai

- Vị trí: Thị trấn Thới Lai.

- Diện tích đất 0,5 ha.

 

Cộng

135.500

155.500

286.500

 

- Các hệ thống cống thu gom, trạm bơm chuyển tiếp đã được định hướng tuyến, quy mô theo từng tiểu lưu vực thu gom; sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.

- Quy hoạch các lưu vực thoát nước thải và các nhà máy xử lý nước thải tập trung chính cho các đô thị, chi tiết xem tại Phụ lục I.

- Dự kiến hệ thống cống thoát nước thải thu gom và trạm bơm như sau:

TT

Hạng mục

Khối lượng

Giai đoạn 2020

Giai đoạn 2030

1

Cống thoát nước thải (HDPE)

353.471 m

98.204 m

 

D160 mm

85.980 m

17.086 m

 

D200 mm

163.151 m

46.582 m

 

D300 mm

28.530 m

24.366 m

 

D400 mm

32.500 m

5.850 m

 

D500 mm

23.630 m

4.320 m

 

D600 mm

10.010 m

 

 

D700 mm

4.670 m

 

 

D900 mm

3.400 m

 

 

D1000 mm

1.600 m

 

2

Trạm bơm chuyển tiếp

40 trạm

20 trạm

 

Công suất 10 l/s

 

9 trạm

 

Công suất 20 l/s

4 trạm

 

 

Công suất 50 l/s

11 trạm

4 trạm

 

Công suất 80 l/s

1 trạm

2 trạm

 

Công suất 120 l/s

8 trạm

3 trạm

 

Công suất 150 l/s

3 trạm

1 trạm

 

Công suất 175 l/s

4 trạm

1 trạm

 

Công suất 200 l/s

1 trạm

 

 

Công suất 240 l/s

2 trạm

 

 

Công suất 260 l/s

1 trạm

 

 

Công suất 350 l/s

2 trạm

 

 

Công suất 580 l/s

1 trạm

 

 

Công suất 640 l/s

1 trạm

 

 

Công suất 820 l/s

1 trạm

 

- Công nghệ xử lý nước thải và xử lý bùn:

Sử dụng công nghệ, thiết bị xử lý nước thải, bùn thải đáp ứng yêu cầu, Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật xử lý nước thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, ưu tiên áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, có tính đến khả năng nâng cấp, mở rộng trong tương lai.

- Công nghệ xử lý nước thải:

+ Đối với nhà máy xử lý nước thải tập trung: Áp dụng công nghệ xử lý nước thải bằng sinh học đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật quy định về môi trường; định hướng về lâu dài sẽ áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, thân thiện hơn với môi trường.

+ Đối với trạm xử lý nước thải phân tán: tận dụng tối đa công nghệ xử lý bằng sinh học tự nhiên.

+ Đối với xử lý nước thải công nghiệp, y tế: Áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến cho các trạm xử lý cục bộ.

- Công nghệ xử lý bùn thải: Đối với bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải, bể tự hoại, bùn phát sinh từ hoạt động nạo vét, duy tu quản lý mạng lưới thoát nước được thu gom xử lý đạt Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật. Ưu tiên giải pháp thân thiện môi trường, tạo ra các sản phẩm tái sử dụng, tái tạo năng lượng hoặc vật liệu xây dựng.

6. Khái toán kinh phí và nguồn vốn đầu tư:

a) Khái toán kinh phí đầu tư:

Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện quy hoạch thoát nước thành phố Cần Thơ đến năm 2030 là khoảng 20.280 tỷ đồng (tương đương với 926 triệu USD); trong đó, giai đoạn đến năm 2020, cần khoảng 11.690 tỷ đồng và giai đoạn đến năm 2030 cần 8.590 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn ngân sách Nhà nước gồm: vốn ngân sách Trung ương và địa phương;

- Vốn vay ODA, vốn tài trợ nước ngoài;

- Vốn hợp tác công tư (PPP), vốn xã hội hóa;

- Vốn tín dụng đầu tư;

- Vay vốn thương mại trong nước;

- Vốn đóng góp của cộng đồng dân cư và người thụ hưởng của dự án.

7. Các dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020:

a) Hệ thống thoát nước mưa:

- Dự án chống ngập lưu vực trung tâm thành phố Cần Thơ (lưu vực Ninh Kiều 1) gồm các hạng mục:

+ Tiểu Dự án cải tạo và xây dựng tường chắn khu vực trung tâm

+ Dự án nâng cấp và xây dựng đường kết hợp làm tường chắn.

+ Tiểu Dự án Âu thuyền và cống ngăn triều.

+ Tiểu Dự án các Trạm Bơm thoát nước.

+ Tiểu dự án nạo vét kênh rạch

+ Tiểu dự án các công trình cống thoát nước.

b) Hệ thống thoát nước thải:

- Dự án nâng công suất hệ thống xử lý nước thải Cái Sâu 1 lên 60.000 m3/ngđ.

- Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Long Tuyền công suất 10.000 m3/ngđ.

- Xây dựng mới, cải tạo mạng lưới thoát nước thải, nâng tỷ lệ đấu nối lưu vực Ninh Kiều, Bình Thủy.

8. Đánh giá môi trường chiến lược

a) Tác động tích cực đến môi trường:

- Đảm bảo quản lý ngập lụt và tiêu thoát nước mưa đô thị phù hợp với đặc điểm hiện trạng, thủy văn, địa hình và các quy hoạch khác trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Giảm thiểu ô nhiễm do nước thải thông qua việc thu gom và xử lý nước thải cho các khu vực trung tâm và các huyện ngoại thành; cải thiện chất lượng nước sông, kênh, rạch, hồ và tạo dòng chảy tăng cường khả năng tự làm sạch.

- Góp phần tạo cảnh quan môi trường đô thị; giảm thiểu các dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước và tăng cường sức khỏe cho người dân. Tạo động lực cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ.

b) Dự báo tác động môi trường khi thực hiện quy hoạch:

- Việc xây dựng các hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải sẽ gây tác động ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và xã hội của khu vực: ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, rung, nguồn nước mặt, giao thông đô thị, thu hồi đất do giải phóng mặt bằng...

- Quản lý vận hành thoát nước không đảm bảo sẽ dẫn đến ảnh hưởng chất lượng môi trường và nguồn nước.

c) Các giải pháp giảm thiểu tác động tới môi trường:

- Giải pháp thiết kế, công nghệ hợp lý, hướng tới tái sử dụng đáp ứng về bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn nước, đồng thời hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng.

- Trong giai đoạn xây dựng:

+ Ứng dụng công nghệ xây dựng tiên tiến và biện pháp thi công hợp lý, các giải pháp hạn chế thấp nhất các tác động đến môi trường.

+ Xây dựng và thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn đối với các phương tiện vận chuyển, thi công cơ giới trên công trường và dọc tuyến đường vận chuyển; các biện pháp phòng chống sự cố trong quá trình xây dựng.

+ Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch quản lý và giám sát môi trường đảm bảo phù hợp với quy định.

- Trong giai đoạn quản lý, vận hành:

+ Nâng cao năng lực quản lý và vận hành của các đơn vị quản lý thoát nước.

+ Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm phục vụ quản lý và vận hành hệ thống thoát nước khi có mưa lớn, triều cường;

+ Xây dựng quy trình quan trắc môi trường đảm bảo phòng, ngừa, phát hiện và xử lý sự cố của hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, bùn thải.

- Các biện pháp hỗ trợ khác.

Điều 2. Giao Sở Xây dựng, các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện:

1. Công bố đồ án quy hoạch này để các tổ chức, cá nhân có liên quan biết và thực hiện theo quy hoạch; danh mục các dự án thu hút đầu tư.

2. Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư theo từng giai đoạn phát triển đô thị.

3. Tổ chức quản lý, triển khai các nội dung theo quy hoạch được duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Võ Thành Thống