Quyết định 366/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2011-2015
Số hiệu: | 366/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Vĩnh Long | Người ký: | Phan Anh Vũ |
Ngày ban hành: | 13/03/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, hợp tác xã, Khoa học, công nghệ, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 366/QĐ-UBND |
Vĩnh Long, ngày 13 tháng 3 năm 2012 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg , ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;
Căn cứ Thông tư số 20/2010/TT-BKHCN , ngày 29/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về tổ chức, quản lý và điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 43/TTr-SKHCN, ngày 06/02/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2011 - 2015” (kèm theo dự án).
Điều 2. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện Dự án này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 366/QĐ-UBND ngày 13/3/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
1. Tên dự án: “Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2011 - 2015”.
2. Thuộc chương trình: Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được phê duyệt theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Cơ quan chủ trì dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
4. Cơ quan quản lý dự án: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long.
5. Thời gian, phạm vi, đối tượng của dự án:
- Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2015.
- Phạm vi, đối tượng của dự án:
+ Các doanh nghiệp tham gia dự án: Sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh như gạo; thủy sản, nông sản chế biến; thức ăn chăn nuôi; sản phẩm may mặc; giày dép; dầu nhờn công nghiệp; viên nang, thuốc viên; gạch nung,…
+ Các cơ quan, tổ chức liên quan: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Y tế; Ban Quản lý các khu công nghiệp; Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh; các tổ chức tư vấn và tổ chức đánh giá sự phù hợp,…
1. Đánh giá hiện trạng về năng suất và chất lượng:
Theo quan niệm truyền thống, năng suất lao động là lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian. Năng suất trở thành vấn đề trọng tâm, phản ánh hiệu quả của quá trình sản xuất-kinh doanh. Theo ISO, chất lượng là khả năng của tập hợp các đặc tính của một sản phẩm, hệ thống hay quá trình để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và các bên có liên quan. Năng suất - chất lượng có mối quan hệ mật thiết với nhau, năng suất tác động đến chất lượng, bởi khi năng suất nâng cao sẽ đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu của khách hàng về số lượng, chủng loại, giá cả của sản phẩm... từ đó có thể làm cho chất lượng nâng lên, thỏa mãn được yêu cầu của khách hàng. Ngược lại chất lượng cũng tác động đến năng suất, bởi năng suất thường đồng nghĩa với hiệu suất, năng suất bằng tỉ lệ giữa đầu ra và đầu vào, vì thế chất lượng cao sẽ giảm số sản phẩm sai hỏng, dẫn đến sản phẩm đầu ra tăng lên với cùng một khối lượng đầu vào nên hiệu suất tăng lên. Ngoài ra, chất lượng cao còn làm tăng độ bền sản phẩm, kéo dài tuổi thọ. Đối với những sản phẩm là các công cụ, phương tiện sản xuất hay tiêu dùng có sử dụng nguyên liệu, năng lượng trong quá trình tiêu dùng, thì chi phí trong vận hành, khai thác sản phẩm là một thuộc tính chất lượng rất quan trọng. Sản phẩm càng hoàn thiện, chất lượng càng cao thì mức độ tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng trong sử dụng càng ít, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động.
Vai trò của năng suất - chất lượng đã được khẳng định là rất quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia phát triển. Chương trình năng suất - chất lượng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia,… được triển khai rộng rãi trên toàn quốc, thực hiện liên tục, qua nhiều giai đoạn, đã tạo được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan quản lý các cấp. Tại châu Á, phong trào năng suất chất lượng được hình thành sớm nhất là ở Nhật Bản (từ những năm 1955), tiếp đó là Singapore (năm 1981), Malaysia,… đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng năng suất quốc gia lên đáng kể thông qua chỉ số tổng thu nhập quốc nội của mỗi nước. Những năm đầu 1960, Singapore đã bắt đầu quan tâm, chú ý đến hiệu quả năng suất, Chính phủ nước này đã phát động phong trào năng suất trên cả nước nhằm mục đích thay đổi thói quen và suy nghĩ của tất cả đối tượng có liên quan về năng suất chất lượng. Từ tháng 06/1981, những nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm thực hiện phong trào năng suất từ Nhật Bản được Singapore đưa vào áp dụng như: Cải tiến năng suất, thái độ làm việc và mối quan hệ trong quản lý nguồn nhân lực. Đến tháng 09/1981, Singapore thành lập hội đồng năng suất quốc gia và phát động phong trào năng suất. Phong trào này chính là cam kết của Chính phủ, doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp trong việc thực hiện các chương trình nhằm nâng cao năng suất quốc gia. Nếu như tỷ lệ tăng trưởng trung bình của Singapore trong giai đoạn 1980 - 1985 là 0,1% thì sau khi triển khai phong trào năng suất quốc gia (1981-2001) thì tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Singapore đã lên đến 7,2%. Năm 2002, khối sản xuất và phi sản xuất đóng góp vào tỷ lệ tăng trưởng GDP lần lượt là 26% và 74%, góp phần nâng chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Singapore xếp hạng 3/139 quốc gia (đứng đầu là Thụy Sỹ, thứ 2 là Thụy Điển). Tại Malaysia, điểm đáng lưu ý là trong kế hoạch phát triển 5 năm (1996 - 2000) đã đề cập đến năng suất và chất lượng và cũng từ đó, năng suất chất lượng là phần không thể thiếu trong các kế hoạch phát triển của Malaysia. Ở cấp độ năng suất hiện tại của Malaysia là 12.793 USD, cao nhất ở các nước châu Á mới nổi. Thái Lan có một mức năng suất khoảng một phần ba của Malaysia là 4.596 USD; Trung Quốc là 3.734 USD; Philipines 3.192 USD; Indonesia 2.471 USD và Ấn Độ là 2.051 USD,…
Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2005, năng suất lao động (NSLĐ) còn thấp so với NSLĐ của các nước/vùng lãnh thổ khác, xấp xỉ bằng NSLĐ của Ấn Độ và đứng cuối cùng trong số 20 nước/vùng lãnh thổ được chọn để so sánh. Nếu tách riêng 6 nước trong khối ASEAN (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippin, Indonesia và Việt Nam) thì Singapore dẫn đầu và Việt Nam ở vị trí cuối, NSLĐ của Việt Nam bằng 2,35% so với Singapore, bằng 10,95% so với Malaysia, bằng 28,73% so với Thái Lan, bằng 44,07% so với Philippin và bằng 63,37% so với Indonesia (Nguồn: Tạp chí Hoạt động Khoa học số 06/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ). Báo cáo “Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2009/10” do Tổ chức lao động Quốc tế công bố và đưa ra nhận định: “Dù sự dịch chuyển sang các khu vực có năng suất cao hơn, giúp cho tổng năng suất lao động tăng thêm 5,1%/năm, nhưng năng suất lao động của Việt Nam nhìn chung chỉ bằng 1/5 năng suất trung bình trong ASEAN và khoảng 1/10 mức năng suất của Singapore”. Phong trào năng suất - chất lượng của Việt Nam được phát động tại Hội nghị thập niên chất lượng quốc gia lần thứ nhất (1995 - 2005) và đến thập niên chất lượng lần thứ hai (2006-2015), vấn đề năng suất - chất lượng (NSCL) vẫn được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, tuy nhiên phong trào NSCL chưa phát triển như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là nội dung và phương pháp triển khai chưa phù hợp, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức đầy đủ vai trò của các công cụ NSCL, phát triển tài sản trí tuệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, lực lượng tư vấn trong lĩnh vực này còn hạn chế, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư nên vẫn tiếp tục duy trì phương thức sản xuất, quản lý, kinh doanh hiện có, từ đó năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa có bước đột phá.
Cùng với xu thế phát triển chung của cả nước, nền kinh tế tỉnh Vĩnh Long có bước phát triển rõ rệt trong những năm gần đây, các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ ngày càng phát triển ổn định và có những đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12/2010, toàn tỉnh có 2.568 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư 13.430 tỷ đồng (bình quân 5,23 tỷ đồng/doanh nghiệp, thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa), hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng 719 doanh nghiệp; công nghiệp-công nghiệp chế biến 385 doanh nghiệp; thương mại - dịch vụ 1.125 doanh nghiệp; các lĩnh vực khác 256 doanh nghiệp. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh bao gồm: Gạo; thủy sản, nông sản chế biến; thức ăn chăn nuôi; sản phẩm may mặc; giày thể thao; dầu nhờn công nghiệp; viên nang, thuốc viên; gạch, gốm nung,…đã góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn là do thiếu giống cây, con có năng suất và chất lượng (đối với sản phẩm nông nghiệp), trình độ sản xuất, kỹ năng và kỹ thuật thấp, công nghệ lạc hậu; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thiếu tổ chức, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đồng đều và ổn định; quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường; thiếu hệ thống phân phối mang tính chất tập trung, thiếu liên kết vùng và liên kết từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu,…
Đề án “Phương hướng thập niên chất lượng, giai đoạn 2006 - 2015” được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và triển khai thực hiện rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Qua 5 năm thực hiện, toàn tỉnh có 86 đơn vị (37 cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và 49 doanh nghiệp) đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế TCVN ISO 9000:2000 , ISO/IEC 17025, các công cụ năng suất - chất lượng 5S, TQM, HACCP,… bước đầu góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao nâng suất-chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong xu thế hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án cũng gặp khó khăn như còn thiếu biện pháp, chính sách đồng bộ, bên cạnh đó các doanh nghiệp (phần lớn có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, sản phẩm tiêu thụ nội địa là chính) chưa nhận thức và hiểu biết đầy đủ về hệ thống quản lý chất lượng, vai trò của các công cụ năng suất - chất lượng, thiếu vốn đầu tư để phát triển sản xuất, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, chưa ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh,…từ đó năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp còn hạn chế.
2. Định hướng phát triển về năng suất và chất lượng:
Vĩnh Long là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống giao thông thủy bộ phát triển, đất đai phì nhiêu, thủy lợi khá hoàn chỉnh, tài nguyên nước, khoáng sét khá phong phú,…tất cả các yếu tố đó là điều kiện thuận lợi để xác định và tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế như gạo, thủy sản, nông sản chế biến, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm may mặc, thủ công mỹ nghệ, gạch, gốm nung,…
Trước hết cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa. Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của cạnh tranh ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết đối với doanh nghiệp. Cạnh tranh giúp cho việc phối hợp các hoạt động kinh tế một cách nhịp nhàng, buộc các doanh nghiệp phải luôn cải tiến, đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao năng suất-chất lượng sản phẩm, hàng hóa và giảm chi phí sản xuất. Cạnh tranh còn có tác động thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó làm tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, giúp doanh nghiệp ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần củng cố vị thế sản phẩm, hàng hóa của mình.
Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa. Xuất khẩu sản phẩm là điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng cường mối quan hệ kinh doanh với các bạn hàng trong và ngoài nước. Xuất khẩu cũng là điều kiện để các doanh nghiệp tăng doanh thu và lợi nhuận, là điều kiện để nhà nước tạo được nguồn vốn cho nhập khẩu và tích lũy để phát triển sản xuất. Như vậy, các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhất là các sản phẩm có lợi thế như gạo, thủy sản, cây ăn quả, thủ công mỹ nghệ,…cần quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu nhằm tăng cường sức mạnh và uy tín của doanh nghiệp cũng như của địa phương.
Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm là chỉ tiêu quan trọng quyết định đến năng lực cạnh tranh, đến khả năng tiêu thụ của sản phẩm và khả năng tồn tại, phát triển của sản phẩm đó. Vì vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực của tỉnh vừa là mục tiêu phát triển, vừa là điều kiện và biện pháp để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Ổn định quy mô sản xuất. Quy mô và mức độ sẵn có của sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng trong việc chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu. Nếu nguồn cung cấp không đủ lớn về quy mô, không đều đặn kịp thời về thời gian cung cấp, người tiêu dùng sẽ chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm thay thế. Điều đó làm mất dần thói quen tiêu dùng và nhanh chóng làm giảm thị phần của sản phẩm. Vì vậy, để phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh, cần xác định quy mô sản xuất hợp lý và việc đẩy nhanh công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển các sản phẩm trên cơ sở cân đối nguồn lực đất đai, nguồn nước, nguồn nguyên liệu, đồng thời hợp tác liên kết với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tạo nên vùng sản xuất các sản phẩm có quy mô lớn là rất cần thiết.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Sức cạnh tranh, khả năng phát triển của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thể hiện sức mạnh của mỗi doanh nghiệp. Khi nói đến sức mạnh của doanh nghiệp, trước hết cần nói đến trình độ công nghệ của sản xuất, dịch vụ. Trình độ công nghệ của hàng hóa, của dịch vụ chính là tiềm lực về vốn, tài sản, con người, năng lực tổ chức, quản lý của doanh nghiệp. Việc đổi mới máy móc thiết bị và công nghệ mới là thước đo đánh giá năng suất, chất lượng sản phẩm, nó làm tăng hiệu quả vận hành thiết bị và tăng mức độ tương thích, đồng nhất giữa sản phẩm đầu vào, đầu ra. Tốc độ đổi mới công nghệ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự biến động của chi phí tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu. Khi áp dụng công nghệ lạc hậu hoặc đổi mới công nghệ mới chậm sẽ làm cho chi phí tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu cao, giá thành sản phẩm cao. Ngược lại, doanh nghiệp chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất tiên tiến sẽ làm tăng nhanh khối lượng sản phẩm, chi phí tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu thấp, chất lượng sản phẩm đầu ra sẽ ổn định và được nâng cao, làm tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước.
Từ những vấn đề trên, đồng thời thực hiện Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 20/2010/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Vĩnh Long xây dựng và triển khai thực hiện dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2011 - 2015” nhằm góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
1. Mục tiêu chung:
- Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý chất lượng, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng. Phát triển nguồn nhân lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.
- Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm chủ lực của tỉnh.
- Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh. Phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, thân thiện môi trường.
2. Các chỉ tiêu cụ thể:
- Có 65 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; hỗ trợ hoàn thiện công nghệ; thực hiện chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật; đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; tham gia và đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia. Cụ thể:
+ 20 doanh nghiệp xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ năng suất - chất lượng, xây dựng áp dụng bộ tiêu chuẩn cơ sở (của doanh nghiệp) làm mô hình để kết hợp tuyên truyền nhân rộng.
+ 39 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh tham gia dự án (có vốn đối ứng) để áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ năng suất-chất lượng (5S, 7 công cụ, Kaizen, GHK, TQM, Lean,…), trong đó có 04 lượt doanh nghiệp tham gia và đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia.
+ 06 doanh nghiệp được hỗ trợ hoàn thiện quy trình công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả hoạt động.
- 100% sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh (nhất là sản phẩm xuất khẩu) đều được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- 80% sản phẩm, hàng hóa: Gạo, thủy sản, nông sản chế biến của tỉnh có chất lượng phù hợp theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN)/quy định của các quốc gia nhập khẩu.
- 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh hình thành được mạng lưới phân phối hàng hóa, tham gia thương mại điện tử, xây dựng website quảng bá sản phẩm,... (tổng cộng 65 doanh nghiệp nêu trên).
- Có 80% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giải quyết tốt việc xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất.
- Có 80% sản phẩm hàng hóa chủ lực (sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm 2) thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật; chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn theo tiêu chuẩn quốc gia/quốc tế tương ứng.
- Đào tạo 15 - 20 cán bộ có trình độ chuyên gia tư vấn hệ thống quản lý chất lượng, năng suất chất lượng, chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý chất lượng cho các cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công thương và doanh nghiệp,…làm nòng cốt để thực hiện dự án của tỉnh và tham gia phong trào năng suất chất lượng cho những năm tiếp theo (mỗi sở ngành, doanh nghiệp cử 1 - 3 cán bộ tham gia dự án).
IV. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ, CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI DỰ ÁN:
1. Nội dung, nhiệm vụ:
1.1. Tổ chức Hội nghị triển khai dự án sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để phổ biến nội dung, chính sách hỗ trợ, cách thức tham gia dự án. Giới thiệu các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, các mô hình doanh nghiệp đã áp dụng các công cụ cải tiến năng suất,…
1.2. Xác định các sản phẩm chủ lực của tỉnh Vĩnh Long theo hướng hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu (chú trọng các sản phẩm xuất khẩu).
1.3. Khảo sát 150 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh làm cơ sở để phân tích, đánh giá, xác định các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp (thực hiện nội dung 1.5, 1.6, 1.7, 1.8).
1.4. Hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tham gia dự án và phối hợp với các đơn vị tư vấn để triển khai thực hiện. Vận động và tổ chức xét duyệt doanh nghiệp tham gia, xây dựng kế hoạch thực hiện dự án. Theo dõi tiến độ triển khai thực hiện dự án tại các doanh nghiệp.
1.5. Phân tích, đánh giá hiện trạng năng suất lao động, trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp. Xác định nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại về năng suất, chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện quy trình công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động.
1.6. Triển khai thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh tham gia áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Thực hiện chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật cho 20 sản phẩm hàng hóa.
1.7. Phân tích, đánh giá về thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Xác định nguyên nhân chủ yếu và hỗ trợ các giải pháp cụ thể để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh tham gia thương mại điện tử, xây dựng website quảng bá sản phẩm,...(tổng cộng 65 doanh nghiệp).
1.8. Phân tích, đánh giá quy trình công nghệ sản xuất, kinh doanh theo hướng liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân hạn chế trong chuỗi liên kết và đề xuất giải pháp khắc phục.
1.9. Hỗ trợ các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh (nhất là sản phẩm xuất khẩu) được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước và tại một số quốc gia nhập khẩu. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, chú trọng các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.
1.10. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, hội thảo khoa học về năng suất, chất lượng; hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế; các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; kiến thức về hàng rào kỹ thuật trong thương mại,... cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, người lao động của các doanh nghiệp.
1.11. Đào tạo mạng lưới chuyên gia về năng suất chất lượng cho lực lượng cán bộ công chức, viên chức của các sở, ngành như: Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Nông nghiệp - PTNT, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Công thương và cán bộ phụ trách khoa học và công nghệ thuộc Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng/Công thương các huyện/thành phố.
1.12. Viết báo cáo tổng kết dự án.
2. Các bước triển khai dự án:
Bước 1: Tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu nội dung, chính sách của dự án và tuyên truyền nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng.
Bước 2: Đơn vị tư vấn phối hợp với doanh nghiệp xác định nội dung triển khai thực hiện ở doanh nghiệp, dự toán kinh phí trình Ban Chỉ đạo (Ban Điều hành) dự án xem xét, quyết định.
Bước 3: Ban Chỉ đạo tổ chức thẩm định dự toán kinh phí, ký kết hợp đồng tư vấn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện dự án tại các doanh nghiệp và đánh giá, nghiệm thu kết quả.
Bước 4: Tổng hợp, báo cáo sơ kết và tổng kết việc thực hiện dự án.
V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ:
ĐVT: Triệu đồng
TT |
Nội dung thực hiện |
Thời gian |
Sản phẩm cần đạt |
Tổng kinh phí |
Nguồn kinh phí |
|||
SNKH cấp tỉnh |
Doanh nghiệp |
|||||||
I |
CHI HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ DỰ ÁN. (Kinh phí: 268,0 triệu đồng) |
|||||||
1 |
Thông tin/tọa đàm trên Đài Truyền hình: (04 cuộc x 20 triệu đồng/lần/năm=80 triệu đồng) |
2012 - 2015 |
04 cuộc |
80,0 |
80,0 |
- |
||
2 |
Viết bài đăng trên Thông tin của Sở Khoa học và Công nghệ: (04 bài/năm x 4 năm x 0,5 triệu đồng/bài/lần = 8 triệu đồng). |
2012 - 2015 |
16 bài viết |
8,0 |
8,0 |
- |
||
3 |
Thông báo/ đăng bài quảng bá tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến áp dụng trên báo: (01 lần/năm x 4 năm x 5) |
2012 - 2015 |
04 lần thông báo/đăng bài quảng bá |
20,0 |
20,0 |
- |
||
4 |
Hội thảo, hội nghị phổ biến, triển khai các nội dung của dự án NSCL cho DN: (04 cuộc x 20 triệu đồng/cuộc/năm = 80 triệu đồng |
2012 - 2015 |
04 cuộc |
80,0 |
80,0 |
- |
||
5 |
Hội thảo, hội nghị tuyên truyền phổ biến về các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng: (04 cuộc x 20 triệu đồng/cuộc/ năm = 80 triệu đồng) |
2012 - 2015 |
04 cuộc |
80,0 |
80,0 |
- |
||
II |
CHI HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP THAM GIA DỰ ÁN. (Kinh phí: 7.282 triệu đồng) |
|||||||
(a) |
Các doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm. (Kinh phí SNKH cấp tỉnh 100%) |
|||||||
1 |
10 doanh nghiệp áp dụng HTQLCL ISO 9000, 14000,.. |
2012 - 2013 |
Được cấp chứng nhận. |
1.300,0 |
1.300,0 |
- |
||
- Chi phí tư vấn, hướng dẫn áp dụng HTQLCL: (10 DN x 90 triệu đồng/DN = 900 triệu đồng) |
|
|
900,0 |
900,0 |
- |
|||
- Chi phí đánh giá chứng nhận lần đầu: (10 DN x 40 triệu đồng/DN = 400 triệu đồng) |
|
|
400,0 |
400,0 |
- |
|||
2 |
05 doanh nghiệp áp dụng các công cụ NSCL: (05 DN x 100 triệu đồng/DN = 500 triệu đồng |
2012 - 2013 |
Được đánh giá, nghiệm thu. |
500,0 |
500,0 |
- |
||
3 |
05 đơn vị (doanh nghiệp, làng nghề) xây dựng 05 bộ tiêu chuẩn cơ sở (5 bộ tiêu chuẩn cơ sở x 50triệu đồng/bộ = 250 triệu) |
2012 - 2015 |
05 bộ tiêu chuẩn cơ sở |
250,0 |
250,0 |
- |
||
(b) |
Các doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án. |
|||||||
1 |
20 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, 14000, 22000,… (Kinh phí SNKH cấp tỉnh: 50%; doanh nghiệp: 50%) |
2014 - 2015 |
Được cấp chứng nhận. |
2.600,0 |
1.300,0 |
1.300,0 |
||
- Chi phí tư vấn, hướng dẫn áp dụng HTQLCL: (20 DN x 90,0 đồng/DN = 1.800 triệu đồng |
|
|
1.800,0 |
900,0 |
900,0 |
|||
- Chi phí đánh giá chứng nhận lần đầu: (20 DN x 40,0 triệu đồng/DN = 800,0 triệu đồng) |
|
|
800,0 |
400,0 |
400,0 |
|||
2 |
15 doanh nghiệp áp dụng các công cụ năng suất chất lượng kinh phí SNKH cấp tỉnh: 50%; doanh nghiệp: 50%) (15 DN x 100 triệu đồng/DN = 1.500 triệu đồng. |
2014 - 2015 |
Được đánh giá, nghiệm thu |
1.500,0 |
750,0 |
750,0 |
||
3 |
20 sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp chứng nhận và công bố phù hợp chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật làm mô hình nhân rộng. (Kinh phí: SNKH cấp tỉnh 100%) |
2012 - 2015 |
Được cấp chứng nhận, công bố hợp chuẩn/hợp quy. |
282,0 |
282,0 |
- |
||
- Thử nghiệm mẫu sản phẩm hàng hóa để chứng nhận, theo đơn giá thực tế tại thời điểm thực hiện: (20 mẫu x 9,3 triệu đồng/mẫu = 186,0 triệu đồng) |
|
|
186,0 |
186,0 |
- |
|||
- Chi phí chuyên gia đánh giá: (20 sản phẩm x 4,8 triệu đồng/sản phẩm = 96,0 triệu đồng). |
|
|
96,0 |
96,0 |
- |
|||
4 |
04 doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia. Kinh phí SNKH cấp tỉnh 50%; doanh nghiệp 50% (04 doanh nghiệp x 30,0 triệu đồng/DN = 120,0 triệu đồng). |
2012 - 2015 |
Đạt giải thưởng chất lượng quốc gia. |
120,0 |
60,0 |
60,0 |
||
- Chi phí tư vấn xây dựng báo cáo tự đánh giá theo 7 tiêu chí giải thưởng: (04 doanh nghiệp x 10 triệu đồng/DN = 40 triệu đồng). |
|
|
40,0 |
20,0 |
20,0 |
|||
- Chi phí xét tuyển của Hội đồng sơ tuyển: (04 doanh nghiệp x 5,0 triệu đồng/lượt/doanh nghiệp = 20,0 triệu đồng) |
|
|
20,0 |
10,0 |
10,0 |
|||
- Chi phí xét tuyển tại Hội đồng quốc gia: (04 doanh nghiệp x 15,0 triệu/DN/lượt = 60,0 triệu đồng). |
|
|
60,0 |
30,0 |
30,0 |
|||
(c) |
Các doanh nghiệp hoàn thiện quy trình công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn. |
|||||||
|
06 doanh nghiệp được hỗ trợ hoàn thiện quy trình công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn (kinh phí SNKH cấp tỉnh: 50%; doanh nghiệp: 50%) (06 DN x 100 triệu đồng/DN = 600 triệu đồng). |
2012 - 2015 |
Được đánh giá, nghiệm thu. |
600,0 |
300,0 |
300,0 |
||
(d) |
Các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, xây dựng website quảng bá sản phẩm,… |
|||||||
|
65 doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia thương mại điện tử, xây dựng website quảng bá sản phẩm,... (2 triệu đồng x 65 DN) |
2012 - 2015 |
Được đánh giá, nghiệm thu. |
130,0 |
130,0 |
|
||
III |
CHI HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ. (Kinh phí: 1.569,4 triệu đồng) |
|||||||
1 |
Xây dựng thuyết minh dự án năng suất chất lượng của tỉnh. |
10/2011 |
Thuyết minh dự án được duyệt. |
2,0 |
2,0 |
- |
||
2 |
Khảo sát 150 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh làm cơ sở để phân tích, đánh giá, xác định các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp (thực hiện nội dung 1.5, 1.6, 1.7, 1.8.) (2,5 triệu đồng/doanh nghiệp x 150 DN). |
04/2012 |
Kết quả điều tra, phân tích, đánh giá. |
375,0 |
375,0 |
|
||
3 |
Đào tạo về công tác tiêu chuẩn hóa cho các doanh nghiệp: (02 cuộc/năm x 4 năm x 25 triệu đồng/cuộc = 200 triệu). |
2012 - 2015 |
08 cuộc tập huấn |
200,0 |
200,0 |
- |
||
4 |
Đào tạo cán bộ, công chức của Sở KHCN, Chi cục TCĐLCL, một số sở ngành đạt trình độ chuyên gia tư vấn về HTQLCL, năng suất chất lượng (lý thuyết và thực hành tại doanh nghiệp): (20 chuyên gia x 30 triệu đồng/chuyên gia = 600 triệu đồng |
2012 - 2015 |
20 CBCC đạt trình độ chuyên gia tư vấn |
600,0 |
600,0 |
- |
||
5 |
Chi thù lao hàng tháng cho Ban Điều hành dự án NS-CL của tỉnh, gồm 13 người, 01 Trưởng ban 0,5 triệu đồng/tháng, 12 thành viên 0,4 triệu đồng/người/tháng: (63,6 triệu đồng/năm x 4 năm = 254,4 triệu đồng) |
2012 - 2015 |
Theo quy định. |
254,0 |
254,0 |
- |
||
6 |
Chi họp Ban Điều hành dự án của tỉnh mỗi năm 02 lần, mỗi lần 01 ngày, gồm 13 người, Trưởng ban 0,4 triệu đồng/ngày, thành viên 0,2 triệu đồng/ngày: (5,6 triệu đồng/năm x 4 năm = 22,4 triệu đồng) |
2012 - 2015 |
Theo quy định |
22,4 |
22,4 |
- |
||
7 |
Chi họp sơ kết giữa giai đoạn (2012-2013): (01 cuộc x 20 triệu đồng = 20 triệu đồng. |
Quí 4/ 2013 |
Theo quy định. |
20,0 |
20,0 |
- |
||
8 |
Chi viết báo cáo tổng kết dự án |
Quí 4/ 2015 |
Theo quy định. |
6,0 |
6,0 |
- |
||
9 |
Chi họp tổng kết đánh giá nghiệm thu dự án (2011 - 2015): (01 cuộc x 30 triệu đồng = 30 triệu đồng). |
Quí 4/ 2015 |
Theo quy định. |
30,0 |
30,0 |
- |
||
10 |
Chi phí khác: (15 triệu đồng/năm x 4 năm = 60 triệu đồng). |
2012 - 2015 |
|
60,0 |
60,0 |
- |
||
|
Tổng cộng |
9.119,4 |
6.709,4 |
2.410,0 |
||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
* Dự toán kinh phí thực hiện cụ thể (giai đoạn 2012 - 2015)
ĐVT: Triệu đồng
TT |
Nội dung thực hiện |
Thời gian |
Tổng kinh phí |
Kinh phí năm |
|||
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
||||
01 |
Chi hoạt động thông tin tuyên truyền |
2012 - 2015 |
268 |
67 |
67 |
67 |
67 |
02 |
Chi hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự án. |
2012 - 2015 |
7.282 |
1.271 |
1.421 |
2.580 |
1.880 |
03 |
Chi hoạt động nghiệp vụ |
2012 - 2015 |
1.569,4 |
336,1 |
354,1 |
334,1 |
164,1 |
Cộng |
9.119,4 |
2.036,1 |
1.679,1 |
2684,1 |
2.720,1 |
* Ghi chú:
Tổng kinh phí năm 2012 là: 2.036,1 triệu đồng (hai tỷ, không trăm ba mươi sáu triệu, một trăm ngàn đồng). Trong đó:
+ Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh: 1.946,1 triệu đồng;
+ Kinh phí của doanh nghiệp: 90 triệu đồng.
VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN DỰ ÁN:
1. Nguồn lực thực hiện dự án:
1.1. Kinh phí của doanh nghiệp: Gồm kinh phí đối ứng để chuyển giao áp dụng các công cụ năng suất chất lượng, ứng dụng tiến bộ KHCN; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật, kinh phí đầu tư, tăng cường năng lực đo lường, thử nghiệm phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp,…
1.2. Kinh phí của nhà nước:
Kinh phí dự án Năng suất chất lượng được sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh phê duyệt hàng năm và được phân bổ cho Sở Khoa học và Công nghệ để triển khai thực hiện, gồm:
- Kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn, chứng nhận chất lượng sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật; đào tạo, tư vấn áp dụng các mô hình NS - CL, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng và các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia, thương mại điện tử, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, cải tiến thiết bị, quy trình công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Kinh phí hoạt động của cơ quan thường trực dự án NS-CL thực hiện công tác tuyên truyền, đánh giá nghiệm thu, hội nghị (triển khai, sơ kết, tổng kết), tổ chức hội thảo và một số chi phí phát sinh khác.
1.3. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự án:
1.3.1. Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận và công bố hợp chuẩn/hợp quy: Hỗ trợ (100%) kinh phí thử nghiệm và chi phí phụ cấp chuyên gia đánh giá.
1.3.2. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000,… các công cụ cải tiến năng suất-chất lượng: Hỗ trợ 01 lần chi phí tư vấn, chi phí đánh giá chứng nhận:
a) Các doanh nghiệp được chọn xây dựng mô hình điểm để nhân rộng: Đối với doanh nghiệp xây dựng áp dụng HTQLCL quốc tế ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000,….được hỗ trợ: Chi phí tư vấn: 100% (không quá 90 triệu đồng/doanh nghiệp); Chi phí đánh giá chứng nhận lần đầu: 100% (không quá 40 triệu đồng/doanh nghiệp, không bao gồm chi phí đánh giá giám sát cho các năm tiếp theo).
b) Đối với các doanh nghiệp áp dụng các công cụ năng suất-chất lượng (mỗi doanh nghiệp áp dụng 1 - 2 công cụ năng suất - chất lượng, chi phí tư vấn áp dụng mỗi công cụ bình quân 50 triệu đồng) được hỗ trợ: 100% chi phí tư vấn, chuyển giao áp dụng (không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp áp dụng 02 công cụ năng suất - chất lượng).
c) Đối với các doanh nghiệp tham gia dự án còn lại:
- Đối với doanh nghiệp xây dựng áp dụng HTQLCL ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000, …. được hỗ trợ:
+ Chi phí tư vấn: 50% (không quá 45 triệu đồng/doanh nghiệp);
+ Chi phí đánh giá chứng nhận lần đầu: 50% (không quá 20 triệu đồng/doanh nghiệp, không bao gồm chi phí đánh giá giám sát cho các năm tiếp theo).
- Đối với các doanh nghiệp áp dụng các công cụ năng suất-chất lượng (mỗi doanh nghiệp áp dụng từ 1 - 2 công cụ năng suất, chất lượng, chi phí tư vấn áp dụng mỗi công cụ bình quân 50 triệu đồng): Được hỗ trợ 50% chi phí tư vấn áp dụng (không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp áp dụng 02 công cụ năng suất - chất lượng).
1.3.3. Đối với doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia: Hỗ trợ 50% chi phí tư vấn xây dựng báo cáo đánh giá theo 7 tiêu chí Giải thưởng chất lượng quốc gia và chi phí xét tuyển của Hội đồng Sơ tuyển và Hội đồng Quốc gia (doanh nghiệp nộp chi phí tham dự cho Hội đồng Sơ tuyển và Hội đồng Quốc gia). Số kinh phí hỗ trợ tư vấn xây dựng báo cáo giải thưởng chất lượng quốc gia, kinh phí xét tuyển không quá 15 triệu đồng/doanh nghiệp.
1.3.4. Đối với doanh nghiệp thực hiện đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp: Thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015 và Thông tư 112/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 02/08/2011 của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn quản lý tài chính đối với Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, giai đoạn 2011 - 2015.
1.3.5. Đối với doanh nghiệp cải tiến thiết bị, quy trình công nghệ, đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn,…: Thực hiện hỗ trợ theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21/02/2011 của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí và các văn bản hướng dẫn khác.
2. Đào tạo nguồn nhân lực để triển khai dự án:
Đào tạo 15 - 20 cán bộ, công chức, viên chức của Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các Sở: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Công thương và một số cán bộ phụ trách khoa học công nghệ thuộc các Phòng kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố có khả năng tham gia hoạt động tư vấn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ năng suất chất lượng hoặc đánh giá HTQLCL (làm nòng cốt tham gia quản lý và triển khai thực hiện dự án).
3. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng:
Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng phóng sự các mô hình năng suất-chất lượng. Quảng bá dự án năng suất - chất lượng và các doanh nghiệp điển hình tham gia dự án trên báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, website và một số báo, tạp chí khác trong tỉnh.
4. Áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ, Bộ ngành trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
VII. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN:
1. Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN):
a) Sở KHCN là cơ quan thường trực dự án Năng suất - chất lượng của tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, theo dõi tình hình thực hiện dự án và phối hợp với Sở Tài chính, các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh các chính sách, biện pháp cần thiết để thực hiện dự án có hiệu quả.
b) Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan chuyên môn tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các nhiệm vụ:
- Lập kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động hàng năm cho hoạt động của dự án, đề nghị tổng hợp vào kế hoạch của Sở Khoa học và Công nghệ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tổ chức phổ biến nội dung, chính sách hỗ trợ của dự án năng suất và chất lượng cho các các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh.
- Tổ chức triển khai thực hiện dự án, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất (khi cần thiết) để nắm tình hình thực hiện dự án tại các doanh nghiệp. Báo cáo và đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
- Thực hiện việc sơ kết, tổng kết và báo cáo định kỳ cho Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh. Đề nghị khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.
- Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện dự án cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Tài chính:
Cử cán bộ tham gia Hội đồng xét duyệt nội dung, nghiệm thu và tham gia xét duyệt kinh phí dự án năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp theo chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã được phê duyệt.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và PTNT:
- Cử cán bộ tham gia Hội đồng xét duyệt nội dung, nghiệm thu và kiểm tra tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp.
- Tuyên truyền về nội dung và chính sách hỗ trợ của dự án.
- Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong việc vận động các doanh nghiệp tham gia dự án năng suất và chất lượng của tỉnh.
4. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long:
- Tuyên truyền về nội dung và chính sách hỗ trợ của dự án năng suất-chất lượng.
- Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong việc vận động doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm tuyến công nghiệp tham gia dự án.
5. Tổ chức tư vấn:
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để thực hiện việc tư vấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ năng suất chất lượng,…. Cam kết cử các chuyên gia tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện khảo sát, đào tạo và tư vấn có hiệu quả cho các doanh nghiệp.
- Thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính, thanh quyết toán theo đúng quy định của Nhà nước.
6. Doanh nghiệp tham gia dự án:
Cam kết thực hiện đúng các nội dung dự án tại doanh nghiệp theo kế hoạch được duyệt. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình, tiến độ, kinh phí, những thuận lợi khó khăn trong quá trình thực hiện các nội dung dự án tại doanh nghiệp và đề xuất cho Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xem xét, phối hợp giải quyết.
VIII. KẾT QUẢ VÀ HIỆU QUẢ CỦA DỰ ÁN:
- Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong tỉnh và xã hội về áp dụng tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật, công cụ năng suất chất lượng, giải thưởng chất lượng; tạo dựng phát triển phong trào năng suất - chất lượng trong tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
- Thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thực hiện quyền sở hữu công nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
- Kết quả dự án năng suất - chất lượng của tỉnh góp phần thiết thực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đảm bảo nâng cao được năng suất - chất lượng và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (được lựa chọn tham gia dự án) từ 5 - 10% so với trước khi dự án được triển khai thực hiện./.
Vĩnh Long, ngày 06 tháng 02 năm 2012
Cơ quan quản lý dự án |
Cơ quan lập dự án |
UBND TỈNH VĨNH LONG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Anh Vũ
Quyết định 712/QĐ-TTg năm 2018 về Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 Ban hành: 12/06/2018 | Cập nhật: 14/06/2018
Quyết định 712/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 - 2020 Ban hành: 26/05/2017 | Cập nhật: 29/05/2017
Thông tư liên tịch 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn quản lý tài chính đối với dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí do Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Ban hành: 21/02/2011 | Cập nhật: 29/03/2011
Thông tư 20/2010/TT-BKHCN Quy định về tổ chức, quản lý và điều hành Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Ban hành: 29/12/2010 | Cập nhật: 11/02/2011
Quyết định 2204/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 Ban hành: 06/12/2010 | Cập nhật: 09/12/2010
Quyết định 712/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” Ban hành: 21/05/2010 | Cập nhật: 26/05/2010
Quyết định 2204/QĐ-TTg năm 2009 về Ông Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế nghỉ hưu Ban hành: 29/12/2009 | Cập nhật: 09/05/2017
Quyết định 712/QĐ-TTg năm 2008 về việc tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Ban hành: 04/06/2008 | Cập nhật: 10/06/2008