Quyết định 360/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Số hiệu: 360/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh Người ký: Nguyễn Văn Phong
Ngày ban hành: 24/03/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 Số: 360/QĐ-UBND

 Trà Vinh, ngày 24 tháng 3 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT GIỐNG THỦY SẢN TẬP TRUNG TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh Trà Vinh;

Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1771/QĐ-BNN-TCTS ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc Phê duyệt Đề cương và dự toán Quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Hội đồng thẩm định các quy hoạch thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 tại Tờ trình số 04/TTr-HĐTĐDA ngày 03 tháng 3 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm

Phát triển hệ thống giống thủy sản tỉnh Trà Vinh trên các vùng sinh thái, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để tăng khả năng cạnh tranh và tăng thu nhập cho người dân tham gia nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh việc kêu gọi và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất giống thủy sản hàng hóa.

Tăng khả năng cung cấp con giống chất lượng, sạch bệnh nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu con giống cho các loại hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến ở các đối tượng tôm sú, tôm chân trắng, tôm càng xanh, cá nước ngọt, nhuyễn thể và các thủy đặc sản khác trên địa bàn tỉnh; góp phần ngăn ngừa dịch bệnh, phát triển vùng nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khâu sản xuất, cung ứng giống thủy sản đáp ứng nhu cầu giống chất lượng, sạch bệnh phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh giai đoạn đến 2020 và những năm sau, phù hợp với xu thế phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tổng số cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2030 là 150 cơ sở, không tăng thêm số lượng các cơ sở.

- Tổng sản lượng con giống sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 là 3.296 triệu con tăng lên 6.704 triệu con vào năm 2020 và tiềm năng đạt 8.543 triệu con vào năm 2030.

- Khả năng đáp ứng của các cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 là 53,1% tăng lên 96,4% vào năm 2020 và định hướng đến năm 2030, các cơ sở đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sản xuất trong tỉnh.

- Thu hút lực lượng lao động phục vụ các cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2030 là 580 người.

(Chi tiết Phụ lục 01 đính kèm)

III. Quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản

1. Xác định địa điểm cụ thể các khu nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản tập trung trên các vùng sinh thái

- Khu sản xuất giống thủy sản nước ngọt tập trung: Tại ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, quy mô 86 ha.

- Khu sản xuất giống thủy - hải sản nước mặn, lợ tập trung có 02 khu với tổng diện tích là 183 ha, bao gồm:

+ Khu vực thuộc xã Long Hữu, gồm: Nông trường Mỏ Quạ và khu vực lân cận với quy mô 63 ha nằm cập sông Láng Chim thuộc xã Long Hữu, huyện Duyên Hải.

+ Khu vực bãi bồi phục vụ sản xuất nghêu và khu vực thuộc ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải với quy mô 120 ha, nằm cặp Tỉnh lộ 913 và Biển Ba Động.

2. Quy mô, số lượng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo đối tượng

a) Quy hoạch các cơ sở sản xuất giống thủy sản giai đoạn 2014 - 2030 là 115 cơ sở, bao gồm:

- Cá nước ngọt và thủy đặc sản: Tăng 3 cơ sở nâng tổng số 5 cơ sở trong giai đoạn 2014 - 2030; đến năm 2015 sản xuất 324 triệu con giống, đến năm 2020 là 645 triệu con và năm 2030 là 930 triệu con.

- Tôm mặn, lợ: Duy trì 110 cơ sở sản xuất giai đoạn 2014 - 2030; đến năm 2015 sản xuất 2.640 triệu con giống, đến năm 2020 là 4.455 triệu con và năm 2030 là 4.950 triệu con. Công suất trung bình 01 cơ sở từ 60 - 100 triệu con giống/năm; đến năm 2015 công suất trung bình 01 cơ sở sản xuất tôm sú tối thiểu 25 triệu con/năm, tôm chân trắng tối thiểu 100 triệu con/năm; đến năm 2020 công suất giống trại tôm sú tối thiểu 30 triệu con/năm, tôm chân trắng tối thiểu 150 triệu con/năm.

- Cua biển và nhuyễn thể: Khuyến khích các cơ sở sản xuất tôm nước lợ được chuyển đổi sản xuất sang cua biển và nhuyễn thể khi kết thúc mùa sản xuất giống tôm. Đến năm 2015 sản xuất 32 triệu con giống, đến năm 2020 là 54 triệu con và năm 2030 là 75 triệu con. Riêng nhuyễn thể bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, đến năm 2015 đáp ứng 6,7% nhu cầu trong tỉnh và tăng lên 65,4% năm 2020 và đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nuôi vào năm 2030.

- Diện tích quy hoạch trung bình mỗi cơ sở sản xuất giống tôm mặn, lợ là 1 ha, đối với cơ sở có quy mô nhỏ bố trí 0,5 ha/cơ sở và mở rộng diện tích mỗi cơ sở lên 2 ha vào năm 2030. Mỗi cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt kể cả cá tra có quy mô là 5 ha. Các cơ sở sản xuất kết hợp cần có thiết kế phù hợp với nhiều đối tượng sản xuất và tận dụng hết công năng của cơ sở nhằm tăng hiệu quả đầu tư.

b) Quy hoạch các cơ sở ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản giai đoạn 2014 - 2030 là 35 cơ sở, bao gồm:

- Tôm nước lợ: Duy trì 20 cơ sở ương dưỡng, giai đoạn 2015 - 2030 không khuyến khích phát triển các cơ sở ương dưỡng giống tôm sú mà chuyển sang ương dưỡng các đối tượng thủy - hải sản khác. Sản lượng ương dưỡng tôm mặn, lợ giảm xuống còn 500 triệu con vào năm 2015 và giảm còn 250 triệu con vào năm 2020 và năm 2030.

- Cá nước ngọt: Duy trì 15 cơ sở ương dưỡng trong giai đoạn 2014 - 2030. Đến năm 2015 ương dưỡng được 40 triệu con, 43 triệu con đến năm 2020 và năm 2030.

3. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản theo đúng các quy định hiện hành.

4. Sản lượng giống thủy sản theo đối tượng

- Đến năm 2015 sản lượng giống thủy sản đạt 3.296 triệu con, đáp ứng được 53,1% nhu cầu thả nuôi trong tỉnh, trong đó: Giống thủy sản nước ngọt 324 triệu con (cá các loại 205 triệu con, tôm càng xanh 115 triệu con, thủy đặc sản 4 triệu con); giống thủy sản nước mặn 2.972 triệu con (tôm nước mặn 2.740 triệu con, cua biển 32 triệu con, nhuyễn thể 200 triệu con).

- Đến năm 2020 đạt 6.704 triệu con, đáp ứng được 96,4% nhu cầu thả nuôi trong tỉnh, trong đó: Giống thủy sản nước ngọt 645 triệu con (cá các loại 408 triệu con, tôm càng xanh 230 triệu con, thủy đặc sản 7 triệu con); giống thủy sản nước mặn 6.059 triệu con (tôm nước mặn 4.705 triệu con, cua biển 54 triệu con, nhuyễn thể 1.300 triệu con).

- Đến năm 2030 đạt 8.543 triệu con, đáp ứng được 100% nhu cầu thả nuôi trong tỉnh và 18,2% xuất bán đến các tỉnh khác, trong đó: Giống thủy sản nước ngọt 928 triệu con (cá các loại 650 triệu con, tôm càng xanh 270 triệu con, thủy đặc sản 9 triệu con); giống thủy sản nước mặn 7.615 triệu con (tôm nước mặn 5.200 triệu con, cua biển 75 triệu con, nhuyễn thể 2.340 triệu con).

5. Quy hoạch nguồn nhân lực phục vụ giống thủy sản

Duy trì khoảng 580 lao động trực tiếp và thường xuyên trong các cơ sở sản xuất, ương dưỡng và kinh doanh giống thủy sản, trong đó đào tạo 133 lao động có chuyên môn sâu, số lao động còn lại được tập huấn ngắn hạn về sản xuất và ương dưỡng giống và đào tạo từ 5 - 10 cán bộ có trình độ sau đại học về công tác giống thủy sản để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh.

IV. Các dự án ưu tiên đầu tư

(Chi tiết Phụ lục 02 đính kèm)

V. Các giải pháp thực hiện

1. Tổ chức lại sản xuất

- Nâng cao vai trò quản lý nhà nước của các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản. Thường xuyên kiểm định các loại thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất, vật tư nuôi trồng thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn. Quản lý và thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, kế hoạch hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản; quản lý tốt lịch thời vụ thả nuôi, vùng nuôi và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, ương giống.

- Các ngành, các cấp đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động sản xuất, quản lý chất lượng giống thủy sản; tăng cường công tác chế tài đối với các cơ sở vi phạm về chất lượng giống. Kiểm tra điều kiện trước khi cấp giấy chứng nhận sản xuất giống cho cơ sở và thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất.

- Đối với Trung tâm Giống thủy sản tỉnh: Thực hiện các chương trình, dự án phát triển giống thủy sản; cung cấp đàn bố mẹ thuần cho các trại giống; tham gia dịch vụ khảo nghiệm giống, kiểm định chất lượng giống tại địa phương; phối hợp với các Viện, Trường, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Chi cục Phát triển nông thôn đào tạo, tập huấn cho công nhân kỹ thuật sản xuất giống thủy sản.

- Đối với khu sản xuất giống tập trung: Xây dựng quy chế quản lý và chính sách khuyến khích các cơ sở đầu tư di dời vào khu sản xuất giống tập trung. Lựa chọn và sản xuất các đối tượng giống theo mùa vụ phù hợp; sử dụng nước và xử lý nước thải có sự giám sát của cộng đồng; kiểm dịch bắt buộc và thực hiện việc dán nhãn mác, công bố chất lượng hàng hóa. Quản lý chất lượng giống tốt tiến đến xây dựng thương hiệu giống thủy sản Trà Vinh.

- Đối với các cơ sở sản xuất giống bên ngoài: Quản lý và kiểm soát về điều kiện sản xuất kinh doanh, quy trình sản xuất giống, nguồn gốc đàn bố mẹ, việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường, đảm bảo cung cấp giống chất lượng và sạch bệnh cho nuôi trồng thủy sản.

- Thành lập Hiệp hội giống thủy sản tỉnh, phát triển hợp tác xã, vận động các thành viên, doanh nghiệp sản xuất giống áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất giống tốt để đảm bảo uy tín chất lượng đáp ứng nhu cầu nuôi trong tỉnh. Xây dựng chuyên trang điện tử trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thị trường giống thủy sản.

2. Về cơ chế, chính sách

- Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương, cụ thể hoá các chính sách ngành thủy sản để giải quyết các vấn đề về giống thủy sản của tỉnh.

- Có chính sách ưu đãi, thu hút lao động có trình độ chuyên môn tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản.

- Phổ biến các quy định về tiêu chuẩn trại sản xuất giống, kinh doanh về giống thủy sản, quy trình công nghệ cho các cơ sở chuyên sản xuất, ương giống nắm và đăng ký thực hiện, làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận sản xuất giống thủy sản.

- Khuyến khích các cơ sở tự đầu tư di dời vào vùng sản xuất giống tập trung, quản lý chặt chẽ, phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản, tạo nhu cầu ổn định về con giống; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung; đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giống thủy sản.

- Thực hiện việc giao đất, giao mặt nước cho các thành phần kinh tế sử dụng vào hoạt động sản xuất và ương dưỡng giống ổn định, lâu dài.

- Áp dụng ưu đãi đối với các dự án đầu tư hệ thống giống thủy sản. Có chính sách cho vay vốn ưu đãi, miễn hoặc giảm thuế đối với các tổ chức, tập thể sản xuất giống thủy sản.

- Có chính sách bảo hiểm đối với các cơ sở sản xuất giống, xây dựng tiêu chuẩn, quy định bảo hiểm, không để tiêu cực xảy ra. Ưu tiên cung cấp đàn giống bố mẹ sạch bệnh; ưu đãi chi phí kiểm tra, kiểm dịch con giống cho các cơ sở sản xuất giống trong vùng sản xuất giống tập trung, quảng bá thương hiệu giống Trà Vinh tại các buổi tập huấn, hội nghị, diễn đàn.

3. Về thị trường tiêu thụ

- Nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật trong sản xuất giống thủy sản, sản xuất đa đối tượng, hướng đến đa thị trường, tránh hiện tượng thụ động trong sản xuất.

- Các Trung tâm Giao dịch giống tại khu sản xuất giống tập trung thực hiện chức năng cấp giấy chứng nhận đảm bảo nguồn gốc, chất lượng giống xuất bán, tìm thị trường tiêu thụ thông qua các buổi tập huấn, diễn đàn, hội nghị,… giới thiệu con giống chất lượng đến người nuôi trong và ngoài tỉnh.

4. Về khoa học, công nghệ

- Hoàn thiện và áp dụng công nghệ cao vào các quy trình sản xuất và ương dưỡng giống với các đối tượng như: Tôm sú, thẻ chân trắng, cua, nghêu, sò huyết, cá chẽm, cá kèo, tôm càng xanh, cá tra, cá nước ngọt chủ lực khác. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ chương trình, dự án giống cho ngành thủy sản, các tổ chức trong và ngoài tỉnh để đưa các đề tài khoa học về sản xuất giống mới, giống chất lượng cao áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

- Đầu tư công tác chọn đàn giống bố mẹ nâng cao chất lượng con giống ngày càng chất lượng hơn.

- Phát triển giống, nâng cao chất lượng giống tốt, giống sạch, nâng cao năng suất nuôi giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

- Giám sát môi trường và dịch bệnh để có giống sạch.

- Tăng cường nghiên cứu, cập nhật thông tin, chủ động tiếp cận các Viện, Trường nghiên cứu về giống thủy sản để ứng dụng những thành tựu mới, đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật.

- Nghiên cứu mô hình quản lý sản xuất giống tập trung, quản lý cộng đồng và khai thác các bãi giống tự nhiên, phổ biến các mô hình.

- Trung tâm Giống Thủy sản tỉnh có nhiệm vụ: Tiếp nhận và chuyển giao công nghệ về sản xuất và lai tạo giống thủy sản có giá trị kinh tế cao. Cung cấp đàn tôm, cá bố mẹ và ấu trùng tôm Nauplius, cá bột đảm bảo chất lượng cho các cơ sở ương dưỡng trong tỉnh. Nghiên cứu thực nghiệm, ứng dụng các công nghệ mới về giống thủy sản và chuyển giao cho sản xuất. Tham gia sản xuất giống chủ lực phục vụ nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

5. Về nguồn nhân lực

- Ưu tiên đào tạo cán bộ đầu ngành có chuyên môn sâu, giỏi về lĩnh vực thủy sản nói chung và về giống thủy sản nói riêng.

- Đẩy mạnh các hình thức đào tạo về quản lý và kỹ thuật sản xuất giống, nâng cao trình độ sản xuất giống cho đội ngũ kỹ thuật, công nhân tại các cơ sở sản xuất; tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đến người sản xuất giống, ương nuôi giống thủy sản. Đào tạo ngắn hạn và đào tạo lại cho cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật của các cơ sở, vùng sản xuất giống tập trung để cập nhật nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

- Có chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước về lĩnh vực sản xuất giống thủy sản.

6. Về môi trường

- Quy hoạch cơ sở hạ tầng khu sản xuất giống tập trung, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi: cống cấp, thoát nước phải được thiết kế đồng nhất nhằm đảm bảo tất cả các cơ sở sản xuất có cùng hướng cấp và thoát nước. Chất thải phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy định.

- Khi tiến hành xây dựng tiêu chuẩn, quy định bảo hiểm, đặc biệt là thiết kế của cơ sở sản xuất; khảo sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các quy trình xử lý nước thải. Những cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, không chỉ được bảo hiểm, còn được ưu tiên giới thiệu đến các buổi hội nghị, diễn đàn nhằm quảng bá sản phẩm; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sản xuất hiện tại và mai sau.

7. Về ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng

- Xây dựng cơ sở hạ tầng khu sản xuất giống tập trung, xây dựng cống cấp, thoát, đập ngăn mặn và các khu sản xuất giống ven biển, xây dựng kiên cố, tính toán mực nước biển dâng, hạn chế tác động của nước biển đến cơ sở sản xuất.

- Xây dựng các ao, hồ chứa nước đối với các khu sản xuất giống nước ngọt có thể bị nhiễm mặn khi nước biển dâng, đảm bảo lượng nước sản xuất giống, không thụ động chờ nước biển rút.

- Thiết kế cơ sở sản xuất giống, hạn chế tối đa các tác động từ môi trường bên ngoài và hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu, tạo tiền đề nâng cao sản lượng giống trong tỉnh.

8. Tăng cường quản lý nhà nước ngành thủy sản

- Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất giống, đặc biệt là các cơ sở nhập giống ngoài tỉnh. xây dựng các thống kê hàng năm nhằm hạn chế nhập giống tràn lan, không rõ nguồn gốc vào địa bàn.

- Xây dựng Trung tâm Giao dịch giống Thủy sản tại khu sản xuất giống tập trung là điểm giao dịch giống trọng điểm thuộc sự quản lý của Nhà nước, các quy định, tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng, giá con giống được phép bán ra thị trường, nắm bắt nhu cầu con giống từng đối tượng nuôi của các vùng nuôi thủy sản tập trung. Phổ biến cho các cơ sở sản xuất giống trong vùng quy hoạch nhằm sản xuất một cách liên tục, có hiệu quả cả về kinh tế và chất lượng con giống. Phân phối nguồn giống đến các khu vực nuôi trọng điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cho các cơ sở sản xuất.

9. Tổng vốn đầu tư

a) Sơ bộ về đầu tư

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 804 tỷ đồng.

+ Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giống thủy sản: 787 tỷ đồng;

+ Đầu tư tăng cường năng lực giống thủy sản: 17 tỷ đồng.

- Nguồn vốn đầu tư:

+ Vốn ngân sách: 285 tỷ đồng

++ Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giống thủy sản: 268 tỷ đồng;

++ Đầu tư tăng cường năng lực giống thủy sản: 17 tỷ đồng.

+ Vốn huy động:

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giống thủy sản: 519 tỷ đồng.

- Phân kỳ đầu tư:

+ Giai đoạn đến 2015: 394 tỷ đồng.

++ Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giống thủy sản: 378 tỷ đồng;

++ Đầu tư tăng cường năng lực giống thủy sản: 16 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 410 tỷ đồng.

++ Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giống thủy sản: 409 tỷ đồng;

++ Đầu tư tăng cường năng lực giống thủy sản: 1 tỷ đồng.

b) Giải pháp về tạo nguồn và hỗ trợ cho phát triển sản xuất

- Vốn ngân sách Trung ương: Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu của các khu sản xuất giống thủy sản tập trung; hỗ trợ đầu tư xây dựng các trường, trung tâm đào tạo, nâng cấp cơ sở nghiên cứu, thực nghiệm thủy sản.

- Vốn ngân sách địa phương: Đầu tư xây dựng hoàn thiện Trung tâm Giống thủy sản của tỉnh; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ về giống; hỗ trợ tài chính cho sản xuất giống gốc, đàn bố mẹ; đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực giống thủy sản.

- Các nguồn vốn khác, như: Huy động các thành phần kinh tế, vốn tự có trong dân và doanh nghiệp, vốn tín dụng và vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản,...

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Công bố, phổ biến rộng rãi nội dung quy hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án,… để thực hiện quy hoạch; đồng thời, quản lý, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và giám sát việc thực hiện Quy hoạch; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh quy hoạch kịp thời khi không phù hợp.

- Nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất giống cho các địa phương và các doanh nghiệp.

2. Các Sở, ngành tỉnh có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ của ngành có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức phổ biến nội dung quy hoạch trên địa bàn; công bố địa điểm quy hoạch đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đầu tư sản xuất giống thủy sản trên địa bàn nhằm đảm bảo chỉ tiêu đề ra trong quy hoạch.

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án,… sản xuất giống thủy sản tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung việc thực hiện quy hoạch phát triển thủy sản, lồng ghép quy hoạch sản xuất giống trên địa bàn huyện, thành phố.

3. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống thủy sản

Nghiên cứu, thực hiện tốt các quy định trong sản xuất giống thủy sản nhằm hỗ trợ ngành thực hiện tốt mục tiêu sản xuất giống đến năm 2020, và năm 2030 đạt kết quả.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phong

 

PHỤ LỤC 01

CÁC CHỈ TIÊU QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT GIỐNG THỦY SẢN TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số: 360/QĐ-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

TT

Danh mục

ĐVT

Hiện trạng

Quy hoạch

Năm 2015

Năm 2020

Năm 2030

1

Nhu cầu con giống

Triệu con

4.311

6.202

6.954

7.226

1.1

Nước ngọt

Nt

289

512

593

770

-

Nt

-

410

468

540

-

Tôm càng xanh

Nt

40

99

120

225

-

Thủy đặc sản

Nt

-

3

5

5

1.2

Nước lợ mặn

Nt

4.022

5.690

6.361

6.456

-

Tôm nước lợ

Nt

3.028

3.760

4.298

4.390

-

Cua biển

Nt

89

78

74

77

-

Nhuyễn thể

Nt

905

1.853

1.989

1.989

2

Số cơ sở

cơ sở

145

150

150

150

2.1

Nước ngọt

Nt

15

20

20

20

-

Nt

15

20

20

20

-

Tôm càng xanh

Nt

-

5

5

5

-

Thủy đặc sản

Nt

1

5

5

5

2.2

Nước lợ mặn

Nt

130

130

130

130

-

Tôm nước lợ

Nt

130

130

130

130

-

Cua biển

Nt

22

50

70

70

-

Nhuyễn thể

Nt

-

15

30

40

3

Sản lượng

triệu con

1.578

3.296

6.704

8.543

3.1

Nước ngọt

Nt

16

324

645

928

-

Nt

-

205

408

650

-

Tôm càng xanh

Nt

-

115

230

270

-

Thủy đặc sản

Nt

-

4

7

9

3.2

Nước lợ mặn

Nt

1.562

2.972

6.059

7.615

-

Tôm nước lợ

Nt

1.550

2.740

4.705

5.200

-

Cua biển

Nt

12

32

54

75

-

Nhuyễn thể

Nt

-

200

1.300

2.340

4

Khả năng đáp ứng

%

-

53,1

96,4

118,2

4.1

Nước ngọt

Nt

-

63,2

108,8

120,5

-

Nt

-

50

87,2

120,4

-

Tôm càng xanh

Nt

-

116,7

191,9

119,9

-

Thủy đặc sản

Nt

-

112,9

138,3

157,4

4.2

Nước lợ mặn

Nt

-

52,2

95,2

118

-

Tôm nước lợ

Nt

26

72,9

109,5

118,5

-

Cua biển

Nt

13

41,2

72,8

97

-

Nhuyễn thể

Nt

-

10,8

65,4

117,7

 

PHỤ LỤC 02

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

TT

TÊN DỰ ÁN

I

Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giống thủy sản

1

Dự án đầu tư xây dựng Khu sản xuất giống thủy - hải sản tập trung tại xã: Trường Long Hòa và Long Hữu, huyện Duyên Hải;

2

Dự án xây dựng Trung tâm giao dịch giống tại các khu sản xuất giống tập trung;

3

Dự án mở rộng, nâng cấp các cơ sở sản xuất giống thuộc Trung tâm Giống thủy sản Trà Vinh;

4

Dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng cơ sở hạ tầng, điện lưới, thủy lợi xã Đức Mỹ phục vụ sản xuất giống thủy sản nước ngọt.

II

Các dự án tăng cường năng lực giống thủy sản

1

Dự án sản xuất giống tôm sú sạch bệnh phục vụ nuôi thâm canh, bán thâm canh;

2

Dự án sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực;

3

Dự án sản xuất giống cá tra chất lượng cao;

4

Dự án sản xuất giống cua biển chất lượng cao;

5

Dự án sản xuất giống nghêu;

6

Dự án sản xuất giống thủy đặc sản;

7

Dự án bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho kỹ thuật nhận chuyển giao và nghiên cứu chuyển giao các công nghệ sản xuất các giống loài thủy sản.

Ghi chú: Về vị trí, quy mô diện tích chiếm đất, tổng mức và nguồn vốn đầu tư của các Chương trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.