Quyết định 36/2008/QĐ-UBND thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: | 36/2008/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Nguyễn Thế Thảo |
Ngày ban hành: | 15/10/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Khiếu nại, tố cáo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/2008/QĐ-UBND |
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004; Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;
Căn cứ Nghị định số 136/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Giao thông vận tải; Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-BGTVT-BNV ngày 06 tháng 01 năm 2005 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Thanh tra Giao thông vận tải ở địa phương; Thông tư số 04/2007/TT-BGTVT ngày 13 tháng 3 năm 2007 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn hoạt động thanh tra Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 219/TTr-GTVT ngày 07 tháng 10 năm 2008 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 360/TTr-SNV ngày 14 tháng 10 năm 2008 về việc đổi tên và xác định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Thanh tra Sở Giao thông vận tải trực thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Thanh tra Sở Giao thông công chính thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội (cũ) và Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tây (cũ).
Điều 2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội
1. Vị trí, chức năng
Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội là cơ quan chuyên môn của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quyền hạn của Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về công tác, nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra thành phố; đồng thời, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải trình Giám đốc Sở phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó sau khi được phê duyệt;
b) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính (thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của tổ chức, cá nhân) thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Sở Giao thông vận tải gồm:
b.1) Thanh tra, kết luận, quyết định theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý;
b.2) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính theo hướng dẫn của Thanh tra thành phố;
c) Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động giao thông vận tải:
c.1) Thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt đô thị (nếu có) trên địa bàn do thành phố trực tiếp quản lý;
c.2) Thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn giao thông đối với phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa (trừ tàu biển) và đường sắt đô thị;
c.3) Thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải;
c.4) Phối hợp với chính quyền quận, huyện, thành phố trực thuộc, phường, xã, thị trấn, Thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải của Trung ương và các ngành chức năng có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, hàng lang an toàn đường sắt, hành lang bảo vệ luồng tuyến đường thủy nội địa;
c.5) Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do địa phương trực tiếp quản lý trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo, cấp bằng, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ cho người điều khiển phương tiện giao thông và người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải;
c.6) Phối hợp với Thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải của Trung ương trong việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kiểm định kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông vận tải;
c.7) Phối hợp với lực lượng Công an, UBND quận, huyện, thành phố trực thuộc, xã, phường, thị trấn và các ngành chức năng có liên quan trong việc phòng ngừa và xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông vận tải, trật tự đô thị, phân luồng giao thông tại các khu vực trọng điểm;
d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông:
d.1) Xây dựng kế hoạch thanh tra các dự án, hạng mục dự án xây dựng, cải tạo, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông;
d.2) Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường giao thông, hè, đường phố, cầu đường bộ, hầm đường bộ, đảo giao thông, dải phân cách, rào chắn, bến tàu, bến xe, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, điểm đỗ xe, nơi trông giữ các phương tiện giao thông (ôtô, xe máy, xe đạp …), nhà chờ xe buýt, hệ thống tuy nen, hào kỹ thuật, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và các công trình hạ tầng giao thông vận tải khác;
d.3) Thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về giới hạn phạm vi bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm điều khiển giao thông, các công trình quản lý khai thác đường bộ, phạm vi bảo vệ trên không đối với các công trình nổi, các đường dây dẫn, hành lang chồng lấn giữa đường bộ và đường sắt;
d.4) Tổ chức thanh tra, phúc tra việc thực hiện các quy định của thành phố về công tác quản lý đường, hè và hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa;
đ) Tổ chức thanh tra, phúc tra việc thực hiện các kết luận thanh tra và báo cáo Giám đốc Sở;
e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo:
e.1) Chủ trì hoặc tham gia tiếp công dân, tổ chức đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật;
e.2) Chủ trì hoặc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức trong quá trình thực hiện các dự án do Sở Giao thông vận tải Hà Nội quản lý;
e.3) Giúp Giám đốc Sở giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của Giám đốc Sở đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Sở; xác minh, kết luận và kiến nghị giải quyết tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Sở theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định;
e.4) Theo dõi, kiểm tra các tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của Sở trong việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo;
g) Thực hiện công tác phòng ngừa, chống tham nhũng trong lĩnh vực giao thông vận tải ở địa phương theo quy định của pháp luật về chống tham nhũng; theo dõi, kiểm tra các tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của Sở trong việc thi hành pháp luật chống tham nhũng;
h) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định sau thanh tra; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra hành chính; thanh tra chuyên ngành và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Sở;
i) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật và kiểm tra các đơn vị thuộc Sở thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo; phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị;
k) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra; được sử dụng cộng tác viên thanh tra theo đúng quy định của pháp luật hiện hành;
l) Quản lý tổ chức, biên chế, tài sản và kinh phí phục vụ hoạt động của Thanh tra Sở theo quy định;
m) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc khi Giám đốc Sở Giao thông vận tải giao.
3. Cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo Thanh tra Sở:
Lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải có Chánh Thanh tra và các Phó Chánh Thanh tra.
Chánh Thanh tra là người đứng đầu Thanh tra Sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở, trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở.
Phó Chánh Thanh tra Sở là người giúp Chánh Thanh tra Sở phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác, chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Sở, Giám đốc Sở Giao thông vận tải và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Việc bổ nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải do Giám đốc Sở Giao thông vận tải quyết định theo các quy định hiện hành của Nhà nước và của thành phố về công tác cán bộ.
Việc miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, cho từ chức, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.
b) Cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra Sở Giao thông vận tải:
b.1) Phòng Tổ chức;
b.2) Phòng Hành chính – Quản trị;
b.3) Phòng Tham mưu Tổng hợp;
b.4) Phòng Tài chính – Kế toán;
b.5) Phòng Thanh tra hành chính;
b.6) Đội Thanh tra giao thông đường thủy nội địa;
b.7) Đội Thanh tra giao thông cầu, đường bộ;
b.8) Đội Thanh tra giao thông vận tải đường bộ;
b.9) Đội Thanh tra cơ động;
b.10) Các Đội Thanh tra giao thông quận, huyện, thành phố trực thuộc:
Mỗi quận, huyện, thành phố trực thuộc thành lập 01 Đội Thanh tra giao thông vận tải; tên Đội được đặt theo tên địa danh hành chính của quận, huyện, thành phố trực thuộc.
Các Đội Thanh tra được sử dụng con dấu riêng để thực thi công vụ và nhiệm vụ theo quy định hiện hành của pháp luật.
Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải căn cứ vào tình hình thực tế để thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Đội Thanh tra giao thông vận tải quận, huyện, thành phố trực thuộc cho phù hợp; phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, cho từ chức, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ chính sách khác đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Đội trưởng, Đội phó thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải do Chánh Thanh tra Sở quyết định theo quy định hiện hành của Nhà nước và của thành phố về công tác cán bộ.
4. Biên chế
Biên chế của Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội là biên chế hành chính, được UBND thành phố giao hàng năm trong tổng số biên chế của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội. Biên chế năm 2008 của Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội được giao là 416 (bốn trăm mười sáu) chỉ tiêu.
5. Chế độ chính sách
a) Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội là đơn vị tương đương Chi cục, được hưởng các chế độ, chính sách như Chi cục trực thuộc Sở.
b) Thanh tra viên và các chức danh khác khi thi hành công vụ được pháp luật bảo vệ, được khen thưởng và hưởng các chế độ chính sách theo quy định hiện hành của pháp luật.
c) Cộng tác viên Thanh tra Sở Giao thông vận tải được hưởng quyền lợi theo quy định tại Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành.
d) Trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, thẻ Thanh tra viên, thẻ kiểm tra phương tiện kỹ thuật …. của Thanh tra Sở Giao thông vận tải được thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và các quy định pháp luật hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ các Quyết định trước đây của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND thành phố Hà Nội (cũ) ban hành trái với Quyết định này.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Giao thông vận tải, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Nghị định 100/2007/NĐ-CP về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra Ban hành: 13/06/2007 | Cập nhật: 19/06/2007
Thông tư 04/2007/TT-BGTVT hướng dẫn hoạt động thanh tra giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 13/03/2007 | Cập nhật: 24/03/2007
Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT-BGTVT-BNV hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của thanh tra giao thông vận tải ở địa phương do Bộ Giao thông vận tải - Bộ Nội vụ ban hành Ban hành: 06/01/2005 | Cập nhật: 09/12/2009
Nghị định 136/2004/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Giao thông vận tải Ban hành: 16/06/2004 | Cập nhật: 25/03/2010