Quyết định 36/2004/QĐ-UBND Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Số hiệu: 36/2004/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Nguyễn Văn Lạng
Ngày ban hành: 16/06/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2004/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 16 tháng 06 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ MẪU VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TƯ PHÁP XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 16/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 14/5/2004 của Bọ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 04/2004/QĐ/-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường thị trấn;

Xét Tờ trình số 164/TTr-TP ngày 03 tháng 6 năm 2004 của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đăk Lăk

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành theo Quyết định này bản Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của ban tư pháp xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Trên cơ sở Quy chế mẫu này, UBND các huyện, thành phố Buôn Ma Thuộc chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng và ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của ban tư pháp xã, phường, thị trấn phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đòng nhân dân, UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- Bộ Tư pháp (thay báo cáo);
- TT Tỉnh ủy; (nt)
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3 (để thực hiện)
- Các sở, ngành ở tỉnh;
- Chủ tịch HĐND, UBND các huyện, TP;
- Lđ VP – Lưu VP,VT,NC, TH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Lạng

 

QUY CHẾ MẪU

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TƯ PHÁP XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 16/6/2004)

I. Chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn:

Điều 1. Chức năng của Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn:

Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn (Ban Tư pháp) là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã), giúp Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý Nhà nước về công tác Tư pháp ở địa phương và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Tư pháp và cơ quan chuyên môn cấp trên.

Điều 2. Nhiệm vụ quyền hạn của Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn:

1. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý Nhà nước về công tác Tư pháp;

2. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã soạn thảo, ban hành các văn bản quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật; tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật, pháp lệnh theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp xã và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên; phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương;

3. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo cộng đồng dân cư tự quản xây dựng hương ước, quy ước; thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật; quản lý tủ sách pháp luật, tổ chức phục vụ nhân dân nghiên cứu pháp luật; phối hợp, hướng dẫn, quản lý hoạt động đối với tổ hòa giải; phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố sơ kết, tổng kết công tác hòa giải, báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan tư pháp cấp trên.

4. Thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ tịch theo các nhiệm vụ cụ thể, được phân cấp quản lý đúng thẩm quyền được giao.

5. Thưc hiện chứng thực theo đúng thẩm quyền đối với các nhiệm vụ được pháp luật quy định.

6. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện một số công việc về quốc tịch theo quy định của pháp luật.

7. Quản lý lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp ở địa phương.

8. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã về công tác thi hành án theo nhiệm vụ cụ thể được phân công.

9. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan quyết định việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

10. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm về quyền sử dụng đất, bất động sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

11. Thực hiện các nhiệm vụ tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

II. Về tổ chức và chế độ làm việc của Ban Bư pháp.

Điều 3. Tổ chức của Ban Tư pháp.

Ban Tư pháp có tư 5 đến 7 thánh viên cụ thể:

1. Trưởng Ban Tư pháp do Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phụ trách.

2. Cán bộ Tư pháp xã, phường, thị trấn là công chức Tư pháp - Hộ tịch làm Phó trưởng ban thường trực.

3. Thành viên khác của Ban tư pháp gồm: Bí thư đoàn thanh niên CSHCM xã, Hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ xã, Chủ tịch Hội nông dân xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trân tổ quốc Việt Nam xã, Chủ tịch hội cựu chiến binh xã, cán bộ hộ tịch xã.

4. Ban Tư pháp và các thành viên của Ban làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Điều 4. Tiêu chuẩn chung của các thành viên Ban Tư pháp.

- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội; có năng lực tổ chức vận động nhân dân thực hiện có kết quả đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước ở địa phương.

- Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư công tâm thạo việc, tận tuỵ với dân. Không tham nhũng và cương quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức kỷ luật trong công tác. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

- Có trình độ hiểu biết về chính trị, quan điểm, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có trình độ học vấn, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Ở những địa bàn có dân tộc thiểu số sinh sống, thành viên Ban Tư pháp phải biết ít nhất một thứ tiếng của một dân tộc của dân tộc thiểu số.

Điều 5. Nhiêm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Trưởng Ban Tư pháp.

- Điều hành hoạt động của Ban Tư pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tư pháp theo quy định tại Điều 2 của Quy chế này.

- Phân công các thành viên Ban Tư pháp thực hiện công việc của Ban Tư pháp và chỉ đạo phối hợp hoạt động của các thành viên Ban Tư pháp.

- Quyết định, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Tư pháp.

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan tư pháp cấp trên về toàn bộ hoạt động của Ban Tư pháp.

Điều 6. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của Phó trưởng Ban Tư pháp thường trực.

1. Ngoài những tiêu chuẩn chung được quy định tại Điều 4 Quy chế này, Phó trưởng Ban Tư pháp phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Về tuổi đời: không quá 35 tuổi khi tuyển dụng lần đầu.

- Về học vấn: tối thiểu phải tốt nghiệp từ trung học cơ sở trở lên.

- Về trình độ lý luận chính trị: sau khi được tuyển dụng phải được bồi dưỡng lý luận chính trị tương đương trình độ sơ cấp trở lên.

- Về trình độ chuyên môn: tối thiểu phải được bồi dưỡng kiến thực nghiệp vụ tư pháp cấp xã; nếu được tuyển dụng lần đầu phải có trình độ trung cấp luật trở lên; phải qua bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước sau khi được tuyển dụng.

2. Nhiệm vụ quyền hạn:

Phó trưởng Ban Tư pháp thường trực là người giúp việc Trưởng ban, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Tư pháp được quy định tại Điều 2 Quy chế nay và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về kết quả thực hiện các nhiệm vụ đó.

Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của công chức Tư pháp - Hộ tịch theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Nhiệm vụ quyền hạn của các thành viên Ban Tư pháp:

- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, các thành viên Ban Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo và triển khai thực hiện các công việc có liên quan, theo sự phân công của Trưởng Ban Tư pháp, chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.

- Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban Tư pháp.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Trưởng ban phân công.

III. Chế độ hội họp và báo cáo công tác.

Điều 8. Hội họp.

Mỗi tháng 1 lần, Ban Tư pháp họp để kiểm điểm và xây dựng phương hướng công tác. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Tư pháp chỉ đạo triệu tập cuộc họp để giải quyết và triển khai thực hiện các nhiệm vụ đột xuất.

Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch chịu trách nhiệm về nội dung của phiên họp định kỳ.

Điều 9. Báo cáo công tác.

Các thành viên Ban Tư pháp thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm với Trưởng Ban Tư pháp (thông qua Phó trưởng ban thường trực) để tổng hợp và báo cáo Phòng Tư pháp

Ngoài việc báo cáo định ký, Ban Tư pháp có trách nhiệm báo cáo các công việc khác theo yêu cầu của Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cùng cấp.

IV. Khen thưởng và kỷ luật.

Điều 10. Khen thưởng và kỷ luật.

Các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của Quy chế này, tùy theo thành tích cụ thể thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật hiện hành về thi đua khen thưởng.

Nếu tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc có vi phạm trong công tác thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

V. Điều khoản thi hành.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trên cơ sở Quy chế này có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Tư pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; thường xuyên theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Tư pháp ở địa phương.

Ban Tư pháp xã có trách nhiệm triển khai thực hiện quy chế này; trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề mới phát sinh phải kịp thời đề xuất với chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp sửa đổi, bổ sung quy chế cho phù hợp với thực tế và quy định hiện hành của pháp luật.