Quyết định 3554/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Nghệ An năm 2012
Số hiệu: 3554/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Nguyễn Xuân Đường
Ngày ban hành: 05/09/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3554/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 05 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH NGHỆ AN NĂM 2012

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020; Căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 1229/LĐTBXH-BTXH ngày 20/4/2010 về triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1278/TTr.LĐTBXH ngày 29 tháng 8 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Nghệ An năm 2012 (có kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Đề án 32 và các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đường

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM 2012
(Kèm theo Quyết định số 3554/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An)

I. Tình hình triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội

Theo khảo sát đến ngày 30/7/2011 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có gần 25.000 người bị tàn tật, gần 52.000 người cao tuổi đang hưởng chế độ trợ cấp, 1.620 trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em bị mồ côi mất nguồn nuôi dưỡng; 6.000 người nghiện ma túy và gần 9.000 người nhiễm HIV. Ngoài ra, tỉnh đang quản lý gần 85.000 đối tượng thuộc diện chính sách có công (thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học...).

Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 4879/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2010 về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020; Xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở BTXH công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thành phố Vinh quản lý và 4 cơ sở BTXH ngoài công lập đang quản lý và chăm sóc nuôi dưỡng tập trung những đối tượng là người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa, người nghiện ma túy và người tâm thần, thương binh tâm thần kinh.

II. Tồn tại và nguyên nhân

Sau chín tháng triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020, tuy đã xây dựng được mục tiêu, chỉ tiêu và kế hoạch cho từng Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị nhưng việc triển khai kế hoạch còn chậm do cán bộ kiêm nhiệm, đa số chưa được đào tạo nghiệp vụ về công tác xã hội.

- Nghệ An là tỉnh có dân số đông, cơ cấu dân số không đồng đều, là một tỉnh nghèo nên việc thực hiện chính sách an sinh xã hội còn nhiều khó khăn.

- Hiện cơ sở hạ tầng của các trung tâm bảo trợ xã hội công lập đang xuống cấp, các trung tâm ngoài công lập chưa phát huy được khả năng thực tế, chưa đáp ứng được nguyện vọng của các đối tượng.

- Các cán bộ tại các huyện, thành, thị chưa được đào tạo chuyên sâu, còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác xã hội.

III. Nội dung kế hoạch năm 2012

- Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020;

- Căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 1229/LĐTBXH-BTXH ngày 20 tháng 4 năm 2010 về triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 và Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển Nghề công tác xã hội UBND tỉnh Nghệ An xây dựng Kế hoạch năm 2012 như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội;

1.2. Áp dụng mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội; tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội; áp dụng ngạch, bậc lương đối với ngạch viên chức công tác xã hội theo quy định của Nhà nước trên địa bàn của tỉnh;

1.3. Hoàn thiện đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong toàn tỉnh. Mỗi huyện, thành phố, thị xã có một cán bộ chuyên trách nghề công tác xã hội; mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định;

1.4. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 220 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp;

1.5. Xây dựng mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

1.6. Tiếp tục áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, xây dựng và triển khai các văn bản có liên quan theo thẩm quyền của địa phương nhằm tạo môi trường đồng bộ, thống nhất để phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Nội dung thực hiện

2.1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nghề công tác xã hội. Gồm các hoạt động

- Tổ chức các Hội nghị triển khai, hội thảo cấp tỉnh, cấp huyện.

- Xây dựng sổ tay, cẩm nang tuyên truyền.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố.

2.2. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp

a) Thống kê, rà soát, phân loại lại cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn tỉnh; các nhóm đối tượng có nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

b) Đào tạo, đào tạo lại cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn tỉnh như sau:

- Đào tạo khoảng 220 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kiến thức về công tác xã hội chuyên nghiệp. Sau đó cử đi đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học, trong đó:

+ Đào tạo 30 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kiến thức về công tác xã hội trình độ Đại học.

+ Đào tạo 90 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kiến thức về công tác xã hội trình độ Cao đẳng.

+ Đào tạo 100 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kiến thức về công tác xã hội trình độ Trung cấp.

- Tập huấn kỹ năng cho 1.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội.

- Cử, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đang làm công tác xã hội tham gia các lớp đạo tạo chuyên nghiệp tại các Trung tâm, các trường Cao đẳng, Đại học trên toàn quốc;

- Tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học công tác xã hội;

2.3. Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong năm 2012

- Phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội theo hướng gắn kết giữa các cơ sở bảo trợ xã hội do Nhà nước thành lập với các cơ sở bảo trợ xã hội do tổ chức, cá nhân được phép thành lập; giữa trung tâm công tác xã hội với hệ thống bảo trợ xã hội;

- Xây dựng mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh, trực thuộc Sở Lao động TB&XH.

- Tiếp tục hoàn thiện đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội.

- Trao đổi, học tập các mô hình phát triển nghề công tác xã hội tiên tiến ở một số tỉnh, thành trong nước để áp dụng tại địa phương;

- Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về cả 3 lĩnh vực kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính để phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh.

2.4. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện

- Từng bước sửa đổi, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền có liên quan đến quy định vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội;

- Ban hành cơ chế, chính sách theo thẩm quyền về mở rộng các dịch vụ công tác xã hội trợ giúp các đối tượng theo hướng linh hoạt và gia tăng mức trợ giúp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương;

- Thực hiện đúng tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội;

- Áp dụng tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tại cộng đồng;

3. Tổ chức thực hiện

3.1. Phân công trách nhiệm

Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Nghệ An có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch Đề án phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2012. Nhiệm vụ cụ thể như sau:

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội; lập kế hoạch kinh phí thực hiện đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và điều phối các hoạt động theo kế hoạch. Phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động xây dựng mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên; quy hoạch mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội;

Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành xây dựng đề án thành lập Trung tâm cung cấp dịch vụ làm công tác xã hội trình UBND tỉnh quyết định.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; giám sát các hoạt động thực hiện Kế hoạch; tổng hợp tình hình thực hiện Đề án theo định kỳ.

b) Sở Nội vụ

- Xây dựng văn bản thông báo chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội; Chỉ đạo áp dụng ngạch, bậc lương, các chế độ phụ cấp lương, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với viên chức công tác xã hội theo hướng dẫn của Trung ương;

- Chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định trình UBND tỉnh thành lập Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Chỉ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định trình UBND tỉnh về bố trí cán bộ, công chức làm nghề công tác xã hội tại các xã, phường thị trấn.

c) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Bố trí kinh phí thực hiện đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

d) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm

- Xây dựng chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phù hợp trên địa bàn;

- Bố trí một phần ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Kế hoạch.

g) Các Sở, ban, ngành, Đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch; nghiên cứu, xây dựng, đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để phát triển nghề công tác xã hội.

3.2. Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết

- Hàng quý tổ chức hoạt động giám sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; các cơ sở cung cấp các dịch vụ công tác xã hội về mặt tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và các chính sách, pháp luật về công tác xã hội.

- Các Sở, ngành, đoàn thể tổ chức đánh giá sơ kết 6 tháng và tổng kết năm, gửi báo cáo về cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án phát triển nghề công tác xã hội trực tiếp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Kinh phí thực hiện

Tổng nhu cầu kinh phí để thực hiện Kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2012 là: 20.644.000.000 đồng (Hai mươi tỷ sáu trăm bốn mươi tư triệu đồng), trong đó:

- Nguồn ngân sách Trung ương: 15.119.000.000 đồng (Mười lăm tỷ một trăm mười chín triệu đồng);

- Ngân sách địa phương: 5.525.000.000 đồng (Năm tỷ năm trăm hai mươi lăm triệu đồng);

(Có biểu tổng hợp dự toán đính kèm)

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Nghệ An năm 2012, yêu cầu các đơn vị chủ động tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh, bổ sung, đề nghị các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Ban chỉ đạo và tổ giúp việc (qua cơ quan Thường trực: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.