Quyết định 352/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
Số hiệu: 352/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang Người ký: Lê Thị Quang
Ngày ban hành: 05/09/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 352/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 05 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH CẤP NƯỚC SINH HOẠT VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 1975/QĐ-UB ngày 26 tháng 11 năm 2001 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2001-2010;
Căn cứ Công văn số 1546/UBND-TL ngày 07 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh về việc duyệt đề cương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006-2010 định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Kết luận số 17-KL/TU ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kỳ thứ 15;
Sau khi xem xét Tờ trình số 1477/TTr-SNN ngày 29/8/2007 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin phê duyệt dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; Văn bản số 261/BC-SKH ngày 03/8/2007 của Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thẩm định dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020, với nội dung chính như sau:

1. Quan điểm của quy hoạch:

- Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh, theo định hướng phát triển;

- Đẩy mạnh xã hội hoá phù hợp với cơ chế mới trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần tự lực của nhân dân;

- Quy hoạch đảm bảo tính kế thừa các tài liệu đã nghiên cứu; những cơ sở hạ tầng còn phù hợp, tiếp tục đưa vào quy hoạch;

- Quy hoạch xây dựng đi đôi với quản lý, khai thác, sử dụng. Kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp quản lý nhà nước, biện pháp hành chính với việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy hoạch.

2. Mục tiêu của quy hoạch

2.1. Mục tiêu chung:

- Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2010 và chiến lược đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;

- Làm căn cứ cho sự chỉ đạo về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; định hướng cho việc lập kế hoạch dài hạn; lập kế hoạch đầu tư hàng năm và xây dựng các dự án đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh;

- Khai thác hợp lý, có hiệu quả các nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước và bảo vệ môi trường bền vững nhằm giải quyết nhu cầu cấp nước sinh hoạt và bảo đảm vệ sinh môi trường cho nhân dân khu vực nông thôn;

- Tăng cường sức khoẻ cho nhân dân khu vực nông thôn, giảm bớt các bệnh có liên quan đến sử dụng nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Cấp nước sinh hoạt:

- Đến năm 2010 có 70% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, với định mức 60 lít/người/ngày, trong đó 35% dân số nông thôn được cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn;

- Đến năm 2020 có 95% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, với định mức 80 lít/người/ngày, trong đó 70% dân số nông thôn được cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn.

b) Vệ sinh môi trường:

- Đến năm 2010 có 80% số hộ nông thôn có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; 75% số hộ nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Đến năm 2020 có 100% số hộ nông thôn có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; 100% số hộ nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia chống ô nhiễm và bảo vệ chất lượng nguồn nước.

3. Phương án quy hoạch và quy mô đầu tư

3.1. Phương án quy hoạch

a) Về cấp nước sinh hoạt nông thôn:

- Trong giai đoạn trước mắt tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ăn chín, uống sôi nhằm tăng số lượng người dân sử dụng nước hợp vệ sinh;

- Ưu tiên phát triển cấp nước tập trung cho các khu đông dân cư, trường học, trạm y tế xã, trụ sở xã, các vùng khan hiếm nước và chất lượng nước kém.

b) Về vệ sinh môi trường nông thôn: Nơi dân cư tập trung và có điều kiện kinh tế áp dụng mô hình nhà tiêu tự hoại, thấm dội nước; nơi dân cư còn thưa, điều kiện khó khăn áp dụng nhà tiêu chìm có ống thông hơi, nhà tiêu sinh thái, nhà tiêu thấm dội nước.

3.2. Quy mô đầu tư:

Biểu số lượng công trình cần đầu tư trong giai đoạn 2007 - 2020

STT

Loại công trình

Đơn vị tính

Giai đoạn 2007 - 2010

Giai đoạn 2010 - 2020

Tổng cộng

1

Cấp nước tập trung

CT

88

190

278

2

Cải tạo giếng đào

Cái

11.522

20.489

32.011

3

Nhà tiêu tự hoại

Chiếc

1.943

2.601

4.544

4

Nhà tiêu thấm dội nước

Chiếc

3.990

5.290

9.280

5

Nhà tiêu hai ngăn

Chiếc

6.994

9.270

16.264

6

Nhà tiêu chìm

Chiếc

16.974

22.500

39.474

7

Chuồng trại có hố ủ

Chiếc

1.134

1.384

2.518

8

Hầm Biogas

Chiếc

17.586

17.701

35.287

3.3. Vốn đầu tư và nguồn vốn thực hiện:

Tổng mức đầu tư giai đoạn 2007 - 2020 là: 397.608 triệu đồng.

Trong đó:

- Vốn ngân sách nhà nước: 158.545 triệu đồng.

- Vốn hỗ trợ quốc tế: 50.620 triệu đồng.

- Vốn huy động từ cộng đồng: 188.443 triệu đồng.

a) Giai đoạn 2007 - 2010:

 Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Loại công trình

Tổng cộng

Ngân sách Nhà nước

Hỗ trợ quốc tế

Huy động cộng đồng

1

Cấp nước tập trung

70.599

49.419

10.590

10.590

2

Cải tạo giếng đào

11.522

576

 

10.946

3

Vệ sinh môi trường

61.138

3.057

3.057

55.024

4

Truyền thông, đào tạo, tập huấn

4.000

1.600

2.400

 

5

Cải tạo các công trình cấp nước tập trung

10.000

10.000

 

 

 

Tổng cộng

157.259

64.652

16.047

76.560

b) Giai đoạn 2011 - 2020:

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Loại công trình

Tổng cộng

Ngân sách Nhà nước

Hỗ trợ quốc tế

Huy động cộng đồng

1

Cấp nước tập trung

136.573

81.855

27.359

27.359

2

Cải tạo giếng đào

20.489

1.024

 

19.465

3

Vệ sinh môi trường

72.287

3.614

3.614

65.059

4

Truyền thông, đào tạo, tập huấn

6.000

2.400

3.600

 

5

Cải tạo các công trình cấp nước tập trung

5.000

5.000

 

 

 

Tổng cộng

240.349

93.893

34.573

111.883

4. Giải pháp thực hiện:

- Tăng cường và đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông và huy động sự tham gia của cộng đồng;

- Thu hút các nguồn lực từ Trung ương, các nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức Quốc tế, kết hợp với ngân sách của địa phương và huy động nguồn lực trong nhân dân; khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tiềm lực về tài chính đầu tư để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn để thực hiện mục tiêu, phương án quy hoạch đã đề ra;

- Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình cấp nước sinh hoạt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Thời gian thực hiện quy hoạch trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2020. Định kỳ 5 năm rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch, từ đó điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất quản lý, thực hiện quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; phối hợp với các ngành liên quan và chỉ đạo UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện quy hoạch; đề xuất kế hoạch đầu tư ngắn hạn, dài hạn về cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

- Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thị xã căn cứ quy hoạch được duyệt, theo thứ tự ưu tiên và khả năng nguồn vốn, hàng năm tiến hành rà soát, lập kế hoạch đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt để tổ chức thực hiện.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang, có trách nhiệm thẩm định kế hoạch đầu tư hàng năm của tỉnh thuộc Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1975/QĐ-UB ngày 26 tháng 11 năm 2001 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2001-2010.

Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Xây dựng; Giao thông Vận tải, Công nghiệp, Thương mại và Du lịch; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang; Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Thị Quang