Quyết định 3510/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Quy trình bảo trì hệ thống cầu trên đường địa phương do Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý
Số hiệu: | 3510/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu | Người ký: | Nguyễn Văn Thọ |
Ngày ban hành: | 20/11/2020 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3510/QĐ-UBND |
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 20 tháng 11 năm 2020 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/06/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT ngày 12/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tuần tra, kiểm tra và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ;
Quyết định số 3409/QĐ-BGTVT ngày 08/9/2014 của Bộ Giao thông vận tải về định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 2660/TTr-SGTVT ngày 09/10/2020 về việc phê duyệt Quy trình bảo trì hệ thống cầu trên đường địa phương do Sở Giao thông vận tải quản lý,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy trình bảo trì hệ thống cầu trên đường địa phương do Sở Giao thông vận tải quản lý bao gồm các nội dung cụ thể như sau:
a. Phạm vi áp dụng:
- Quy trình áp dụng đối với công việc quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống cầu đường bộ do Sở Giao thông vận tải quản lý và áp dụng đối với các tổ chức cá nhân có liên quan tới quản lý, khai thác và sử dụng công trình cầu đường bộ nhằm đảm bảo khai thác an toàn và hiệu quả công trình.
- Quy trình quy định nội dung công tác quản lý, khai thác, bảo trì, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức về quản lý, bảo trì và trách nhiệm về quản lý, bảo trì cầu đường bộ.
- Quy trình được áp dụng trong toàn bộ thời gian vận hành, khai thác, bảo trì công trình cầu đường bộ kể từ khi được ban hành.
b. Công tác quản lý, khai thác và bảo trì cầu
- Đơn vị quản lý hệ thống cầu đường bộ là Sở Giao thông vận tải.
- Đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình cầu đường bộ là nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình cầu đường bộ.
- Tuần tra cầu là hoạt động tuần tra, kiểm tra bảo vệ hệ thống cầu đường bộ của nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên.
- Công trình cầu đường bộ là công trình vượt chướng ngại vật, có khẩu độ không dưới 6m tạo thành một phần của đường bộ.
c. Mục đích, yêu cầu của công tác bảo trì:
- Công tác bảo trì nhằm duy trì công năng công trình, đảm bảo công trình được vận hành và khai thác phù hợp yêu cầu của thiết kế trong suốt quá trình khai thác sử dụng.
- Mọi kết cấu cần được thực hiện chế độ bảo trì đúng mức trong suốt tuổi thọ thiết kế.
- Công tác bảo trì cần được thực hiện ngay khi đưa vào sử dụng.
- Công tác bảo trì công trình cầu đường bộ được thực hiện theo quy trình bảo trì.
d. Nội dung bao trì cầu đường bộ:
- Công tác bảo trì cầu đường bộ bao gồm: Bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.
a. Bảo vệ cầu: Phạm vi bảo vệ cầu bao gồm phần đất của cầu và phần đường đầu cầu, hành lang an toàn phần trên không, phần dưới đất và mặt nước liên quan đến an toàn của cầu.
- Theo chiều dọc cầu tính từ đuôi mố cầu ra mỗi bên:
+ 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét trở lên;
+ 30 mét đối với cầu có chiều dài dưới 60 mét.
- Theo chiều ngang cầu:
+ Cầu ngoài đô thị tính từ mép ngoài cùng đất của đường bộ trở ra mỗi phía:
• 150 mét đối với cầu có chiều dài lớn hơn 300 mét;
• 100 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét đến 300 mét;
• 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 20 mét đến dưới 60 mét;
• 20 mét đối với cầu có chiều dài nhỏ hơn 20 mét.
+ Cầu trên đường trong đô thị: phần cầu tính từ mép ngoài lan can ngoài cùng của cầu ra mỗi bên 07 mét, phần mố cầu lấy như hành lang đường đô thị.
- Nội dung bảo vệ cầu: Đơn vị quản lý của cầu phối hợp với Sở Giao thông vận tải, chính quyền địa phương và các đơn vị bảo vệ pháp luật bảo đảm an toàn cho cầu và các công trình phụ trợ khác theo đúng quy định của pháp luật.
- Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến các bộ phận của cầu.
- Phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm an toàn giao thông của xe và người đi bộ trên cầu. Không cho phép tập trung đông người trên cầu.
- Bảo vệ và giữ gìn hệ thống thiết bị an toàn giao thông.
- Tổ chức tốt nhiệm vụ bảo vệ các bộ phận cầu, phát hiện sự cố và nhanh chóng khắc phục.
- Phối hợp với các cơ quan hữu quan xử lý các phương tiện thủy va trôi vào trụ cầu.
- Không cho các đơn vị thi công trên cầu và hành lang bảo vệ cầu nêu chưa có giấy phép thi công.
b. Tuần tra cầu: Nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên phải tuần tra hàng ngày ở trên cầu, dưới cầu và đường hai đầu cầu, tham gia xử lý tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm công trình cầu.
c. Đảm bảo an toàn giao thông
- Khi có sự cố trên cầu, nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên phải cùng với Sở Giao thông vận tải, công an giải quyết sự cố, điều hành giao thông không để ùn tắc trên cầu.
- Xe bị hư hỏng không tự di chuyển được phải có xe kéo.
- Kiểm tra xe quá khổ, quá tải, không cho các xe này qua cầu khi không có giấy phép.
d. Trực đảm bảo giao thông mùa mưa bão
- Vào mùa mưa bão, lực lượng bảo vệ cầu phải thường xuyên cập nhật thông báo về tình hình mưa bão của cơ quan phòng chống thiên tai để có kế hoạch đảm bảo giao thông khi mưa bão, nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông và người qua cầu.
- Vào mùa mưa bão khi có yêu cầu nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên phải bố trí lực lượng trực 24/24h để nắm và xử lý nhanh nhất các tình huống xảy ra do ảnh hưởng của bão lụt.
a. Phân loại kiểm tra cầu: Để bảo đảm khai thác an toàn và tuổi thọ của cầu, cần phải tiến hành kiểm tra bao gồm các loại kiểm tra sau:
- Kiểm tra thường xuyên.
- Kiểm tra định kỳ gồm:
+ Kiểm tra định kỳ tháng.
+ Kiểm tra định kỳ quý.
+ Kiểm tra định kỳ năm hay là kiểm tra chi tiết.
+ Kiểm tra đột xuất hay kiểm tra bất thường.
b. Nội dung công tác kiểm tra cầu:
- Kiểm tra tình trạng kỹ thuật kết cấu phần trên: mặt, thoát nước, lan can, khe co dãn, giải phân cách, hệ thống điện chiếu sáng.
- Kiểm tra tình trạng kỹ thuật kết cấu phần dưới: dầm, mố, trụ, gối cầu.
- Kiểm tra tình trạng kỹ thuật công trình phòng hộ, điều tiết dòng chảy.
c. Xử lý kết quả kiểm tra
- Trường hợp hư hỏng nhỏ, việc xử lý không cần vật tư thiết bị, thực hiện việc sửa chữa hoặc yêu cầu công nhân bảo trì thường xuyên xử lý ngay.
- Khi kiểm tra gặp hư hỏng lớn, sửa chữa cần vật tư, thiết bị, phải có biện pháp báo hiệu cho người tham gia giao thông biết để phòng tránh, báo cáo Tuần kiểm viên, báo cáo Sở Giao thông vận tải để có giải pháp xử lý kịp thời.
4. Nội dung kiểm tra các bộ phận chính của cầu: Áp dụng cho kiểm tra định kỳ năm hay kiểm tra chi tiết.
a. Kiểm tra kết cấu nhịp dầm giản đơn.
- Khi kiểm tra mỗi nhịp phải kiểm tra cả tất cả các dầm;
- Khi kiểm tra mỗi dầm phải kiểm tra khuyết tật (vỡ bê tông, nứt bê tông) trên cả 7 mặt.
+ Đáy cánh phía trái tuyến (mặt 1);
+ Sườn dầm phía trái tuyến (mặt 2);
+ Đáy dầm (mặt 3);
+ Sườn dầm phía phải tuyến (mặt 4);
+ Đáy cánh phía phải tuyến (mặt 5);
+ Mặt trước đầu dầm (mặt 6);
+ Mặt sau đầu dầm (mặt 7).
- Kiểm tra phần dầm ngang trên nhịp xem các dầm ngang bê tông có bị nứt, sứt, vỡ...
b. Kiểm tra kết cấu nhịp liên tục
- Trên mỗi nhịp kiểm tra theo từng khối đúc trên hướng của tuyến.
- Với mỗi khối đúc kiểm tra cả 4 mặt: vách trái tuyến (mặt 1), nắp hộp (mặt 2), vách phải tuyến (mặt 3) và đáy hộp (mặt 4).
- Trên mỗi mặt phải kiểm tra sút, vỡ bê tông, vết nứt, tình trạng thấm nước.
c. Kiểm tra kết cấu nhịp đeo - Khung T:
- Khi kiểm tra mỗi nhịp phải kiểm tra cả tất cả các dầm;
- Khi kiểm tra mỗi dầm phải kiểm tra khuyết tật (vỡ bê tông, nứt bê tông, rỗ mặt bê tông, bụi bê tông, bạc màu bê tông...) trên tất cả các mặt.
+ Đáy cánh phía trái tuyến (mặt 1);
+ Sườn dầm phía trái tuyến (mặt 2);
+ Đáy dầm (mặt 3);
+ Sườn dầm phía phải tuyến (mặt 4);
+ Đáy cánh phía phải tuyến (mặt 5);
+ Kiểm tra khấc đầu dầm;
- Khi kiểm tra nhịp phải kiểm tra tình trạng mối nối cánh dầm (xem các mối nối có thấm nước không, bê tông mối nối có bị nứt, sứt, vỡ).
- Kiểm tra phần dầm ngang trên nhịp xem các dầm ngang bê tông có bị nứt, sứt, vỡ...
d. Kiểm tra kết cấu khung T - nhịp đeo
- Trên mỗi khung T kiểm tra theo từng khối đúc trên cả hai hộp trái tuyến và phải tuyến phía.
- Với mỗi khối đúc kiểm tra cả 4 mặt trong hộp, mỗi mặt phải kiểm tra sứt, vỡ bê tông, vết nứt, tình trạng thấm nước:
+ Vách trái tuyến (mặt 1);
+ Nắp hộp (mặt 2);
+ Vách phải tuyến (mặt 3);
+ Và đáy hộp (mặt 4);
- Kiểm tra khấc đầu dầm;
- Khi kiểm tra khung T phải kiểm tra cả mặt ngoài hộp (xem các mặt bê tông có thấm nước không, bê tông có bị nứt, sứt, vỡ).
e. Kiểm tra mố, trụ
- Kiểm tra bê tông mố, trụ: sứt, vỡ, nứt.
- Kiểm tra bệ kê gối.
- Kiểm tra ụ chống xô.
- Kiểm tra sự nghiêng, lệch.
- Kiểm tra xói lở chân khay,
- Kiểm tra lún, sụt, nứt đá xây nón mố.
- Kiểm tra phạm vi lưỡng cư, khu vực nước lên xuống.
f. Kiểm tra gối cầu nhịp giản đơn
- Kiểm tra tất cả các gối cầu, ở mỗi gối cần kiểm tra:
+ Vị trí gối.
+ Tình trạng gỉ sét, độ nghiêng của gối cầu thép.
+ Tình trạng lão hóa gối cao su.
+ Nứt thành bên gối cao su.
+ Độ phình thành bên gối cao su.
+ Tình trạng vệ sinh của gối.
+ Gối bị ướt khi mưa, do nước chảy xuống từ khe co giãn.
g. Kiểm tra gối cầu liên tục nhịp
- Đối với gối ngàm cần kiểm tra nứt, vỡ bê tông tại vị trí tiếp giáp giữa trụ với kết cấu nhịp.
- Với các gối chậu cần kiểm tra:
+ Vị trí gối;
+ Bê tông gối đệm thớt trên và thớt dưới;
+ Bề mặt thép góc, thớt trên và thớt dưới;
+ Kiểm tra vòng đệm, bu lông, neo gối;
+ Tình trạng vệ sinh của gối;
+ Gối bị ướt khi mưa, do nước chảy xuống từ khe co giãn.
h. Kiểm tra khe co giãn
+ Hoạt động của khe co giãn, đầu nhịp trên gối di động còn dịch chuyển bình thường khi thay đổi nhiệt độ;
+ Tình trạng đất, cát chèn giữa hai ray của khe co giãn.
+ Tình trạng thanh ray có bị cong vênh, trồi lún, han gỉ...
+ Tình trạng các Gioăng cao su của khe co giãn có còn nguyên vẹn, bong bật; cao su bị lão hóa, mất liên kết với thanh ray.
+ Nứt bê tông ở hai bên khe co giãn.
+ Tình trạng thấm nước qua khe co giãn xuống đỉnh xà mũ mố, trụ và đầu dầm.
+ Tiếng ồn của các phương tiện khi đi qua khe.
i. Kiểm tra hệ thống thoát nước
- Các ống nước có bị tắc, bị rác, đất cát lấp kín.
- Tình trạng đọng nước trên mặt cầu khi mưa.
- Ống thoát nước bị gỉ, nước chảy vào sườn dầm.
- Nắp chắn rác của ống thoát nước bị mất, hư hỏng.
j. Kiểm tra đường dẫn đầu cầu và mặt đường trên cầu
- Kiểm tra nền, mặt đường, mặt cầu;
- Kiểm tra taluy hai bên;
- Tình trạng vệ sinh ở đường đầu cầu;
- Kiểm tra hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông;
- Hệ thống hộ lan mềm;
- Kiểm tra độ chênh lún giữa đường đầu cầu và mố cầu.
a. Định ngạch
STT |
Hạng mục |
Đơn vị |
Định ngạch |
1 |
Sửa chữa lan can cầu bằng bê lông |
% tổng chiều dài lan can |
1 |
2 |
Sơn lan can cầu bằng thép |
% diện tích lan can |
30% |
3 |
Sơn lan can cầu bằng bê tông |
% diện tích lan can |
50% |
4 |
Sửa chữa hư hỏng cục bộ 1/4 nón mố cầu |
m3/cầu/năm |
0,4 |
5 |
Bôi mỡ gối cầu thép |
lần/năm |
2 |
6 |
Vệ sinh mặt cầu, ống thoát nước |
lần/năm |
6 |
7 |
Thay thế ống thoát nước |
% tổng chiều dài ống |
1 |
8 |
Bảo dưỡng khe co dãn |
% tổng chiều dài khe co dãn |
0,5 |
9 |
Vệ sinh khe co dãn cầu |
lần/năm |
4 |
10 |
Vệ sinh mố cầu |
lần/năm |
4 |
11 |
Vệ sinh trụ cầu |
lần/năm |
1 |
12 |
Vá ổ gà, bong bật, sửa chữa lún trồi mặt cầu |
% tổng diện tích mặt cầu |
3 |
13 |
Vệ sinh hai đầu dầm |
lần/năm |
2 |
14 |
Vệ sinh nút liên kết dầm |
lần/năm |
2 |
15 |
Kiểm tra, bắt xiết bu lông cầu liên hợp thép - bê tông cốt thép |
lần/năm |
1 |
16 |
Phát quang cây cỏ |
lần/năm |
4 |
17 |
Bảo dưỡng công trình phòng hộ (kè hướng dòng) |
|
Theo thực tế |
18 |
Thanh thải dòng chảy dưới cầu |
|
Theo thực tế |
19 |
Vệ sinh lan can cầu bằng thép mạ chống gỉ |
lần/năm |
2 |
b. Bảo dưỡng thường xuyên khe co giãn
- Vệ sinh sạch sẽ phía trên màng gioăng cao su.
- Thay thế các joint cao su bị mất.
- Phải có biện pháp để nước trên mặt cầu không chảy qua khe co giãn xuống đỉnh xà mũ mố, trụ và đầu dầm.
c. Bảo dưỡng thường xuyên dầm cầu BTCT DƯL
- Khi kiểm tra nếu phát hiện có hư hỏng nhỏ, phải sửa chữa ngay. Trong quá trình bảo dưỡng thường xuyên kết cấu bê tông cần lưu ý xử lý các hư hỏng sau:
+ Những vị trí mà bê tông bề mặt của dầm bị lão hóa hoặc bị rêu mốc do môi trường gây ra thì phải được làm sạch. Nếu do nước thấm thì phải tìm hiểu nguyên nhân để xử lý triệt để bằng cách quét lớp chống thấm để bảo vệ;
+ Những vị trí mà bê tông bị hư hỏng hay nếu cốt thép thường trong bê tông bị hở ra và bị gỉ thì phải đánh sạch gỉ và trát bằng chiều dày của lớp bảo vệ ban đầu.
+ Nếu xuất hiện vết nứt lớn hơn 0,15mm thì phải được đánh dấu, sơ họa và theo dõi hàng tháng. Nếu vết nứt không phát triển thì tiến hành xử lý bằng cách trám vá vết nứt; nếu vết nứt phát triển xác định nguyên nhân và lập phương án xử lý.
- Đầu dầm:
+ Xuất hiện vết gỉ sét thì cần tìm hiểu nguyên nhân có phải do gỉ đầu cáp DƯL hay không để có biện pháp xử lý kịp thời.
+ Vữa trám và bảo vệ đầu cáp bị nứt, vỡ, rộp thì trám vá lại bằng vữa xi măng polymer biến tính có cường độ không nhỏ hơn 70Mpa (hoặc vật liệu tương đương).
d. Bảo dưỡng thường xuyên gối cầu
- Bảo dưỡng thường xuyên: vệ sinh bề mặt gối cầu, không được để đọng nước bề mặt đặt gối.
- Đánh gỉ sơn lại các bộ phận thép của gối chậu thép.
- Vệ sinh sạch sẽ bề mặt gối cao su.
e. Bảo dưỡng thường xuyên mố cầu, trụ cầu
- Móng mố, trụ cầu: Nếu có hiện tượng xói lở trụ cầu vượt quá so với xói lở dự kiến trong hồ sơ thiết kế, cần có biện pháp khắc phục.
- Vệ sinh bề mặt đỉnh và xung quanh mố, trụ cầu.
- Trát các chỗ vỡ, bung mạch vữa xây cục bộ của mố và bả bằng vữa xi măng.
- Phát quang cây cỏ 20m trong phạm vi phải tuyến, trái tuyến cầu.
- Thanh thải dòng chảy dưới cầu, gỡ cây trôi mắc vào mố, trụ cầu.
- Trường hợp hư hỏng lớn như chuyển vị, nứt phải khảo sát, đánh giá, đề xuất phương án sửa chữa.
f. Lan can, gờ chắn, lề bộ hành.
- Sơn kẻ lại sơn trắng đỏ đối với gờ lan can bê tông cốt thép.
- Trám vá các vị trí sứt vỡ bê tông gờ lan can.
- Uốn nắn các đoạn lan can tay vịn bị cong vênh.
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bề mặt lan can, gờ bê tông.
a. Sửa chữa hư hỏng mặt đường trên cầu
- Khi mặt đường xuất hiện hư hỏng ổ gà, cóc gặm, bong tróc, rạn chân chim, lún lõm cục bộ phải tiến hành sửa chữa kịp thời khi mới phát sinh.
- Khoanh vùng mặt đường bị hư hỏng, cắt mặt đường theo hình chữ nhật ra mỗi bên ít nhất 5cm, cào bóc bỏ lớp mặt đường hư hỏng, chú ý không làm mất lớp phòng nước, đục mở rộng vết nứt tạo thành dạng hình nêm.
- Làm sạch bờ mặt.
- Tưới vật liệu dính bám.
- Rải hỗn hợp Bê tông nhựa nóng.
b. Sửa chữa khe co giãn
- Xử lý trám vá các vị trí vỡ bê tông khe co giãn do cơ học, các vị trí khe hở giữa khe co giãn và bê tông, giữa bê tông và bán mặt cầu bằng bê tông Polyme, vữa không co ngót sau khi đục phần hư hỏng vuông thành sắc cạnh.
- Các bộ phận của khe co giãn bị hỏng, bị mất phải được thay thế.
- Khe co giãn bị thấm nước phải khắc phục triệt để tránh để lâu làm ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng của khe.
- Chênh lệch cao độ giữa khe với các bộ phận làm cho phương tiện qua lại không êm thuận; tiến hành vuốt nối, bù vênh tạo êm thuận.
c. Sửa chữa dầm cầu BTCT DƯL
- Các dầm BTCT DƯL cần lưu ý sửa chữa các hư hỏng có thể gặp phải sau:
- Bê tông bị rạn nứt, mục, vỡ
+ Nếu vỡ do các nguyên nhân cơ học thì phải tiến hành sửa chữa ngay bằng cách trát chỗ võ bằng vữa xi măng polymer biến tính, vữa không co ngót hoặc vật liệu tương đương.
+ Nếu do cốt thép gỉ sét phải tiến hành xác định mức độ gỉ và đánh giá khả năng chịu lực của kết cấu để đưa ra giải pháp hợp lý đối với cốt thép cũng như giải pháp đối với bê tông bảo vệ.
- Vết nứt ≥ 0,15mm
+ Các vết nứt rộng hơn 0,15mm phải tiến hành đo chiều dài, bề rộng bình quân và theo dõi sự phát triển của vết nứt.
+ Nếu các vết nứt này không phát triển, các vết nứt nhỏ có thể xử lý bằng cách bơm keo gốc Epoxy trám vá vết nứt.
+ Nếu các vết nứt tiếp tục phát triển cần theo dõi đề xử lý kịp thời trước khi vết nứt làm ảnh hưởng tới khả năng khai thác của cầu.
- Các dấu gỉ sét
+ Đục bỏ bê tông, làm sạch vá bằng lớp epoxy, hay bê tông polymer hoặc bằng vữa xi măng cường độ cao không co ngót.
+ Vết gỉ sét được xác định rõ tại vùng thép dự ứng lực, vùng dây cáp hoặc tại neo, đây là loại hư hỏng nghiêm trọng và phải ghi chép đầy đủ, nghiên cứu, khảo sát để tìm ra nguyên nhân và phương pháp xử lý kịp thời.
- Vết thấm nước
+ Xác định nguyên nhân gây thấm nước. Tùy theo quy mô và mức độ hư hại của công trình, đề xuất thực hiện sửa chữa đặc biệt.
+ Nếu nước gỉ ra từ vết nứt bê tông có thể bơm keo epoxy để trám vá lại ngay trong trường hợp nghiêm trọng.
d. Sửa chữa mố, trụ cầu
- Vết nứt ≥ 0,2mm
+ Xác định nguyên nhân gây vết nứt và theo dõi sự phát triển của vết nứt để xác định đúng nguyên nhân của vết nứt và đề ra phương án sửa chữa thích hợp.
+ Vết nứt đã ngừng phát triển thì tiến hành bơm vữa vào từng vết nứt và sau đó quét lớp vữa bảo vệ bề mặt trên toàn khu vực bề mặt có vết nứt.
+ Vết nứt do cốt thép bị gỉ sét, phải sửa chữa ngay vùng bị nứt.
- Vết sứt, vỡ bê tông
+ Các vùng vỡ bê tông chưa để lộ cốt thép do va chạm cơ học thì tiến hành trám vá lại bằng vữa bê tông không có ngót (hoặc vật liệu tương đương).
+ Các vị trí vỡ bê tông để lộ cốt thép tiến hành đục rộng vùng vỡ, tạo nhám bề mặt bê tông, đánh sạch gỉ, bề mặt cốt thép sau đó trám vá bằng vữa bê tông không cơ ngót (hoặc vật liệu tương đương).
- Các hư hỏng khác
+ Móng trụ bị xói, lở: Nếu hiện tượng xói lở trụ cầu vượt quá so với xói lở dự kiến trong hồ sơ thiết kế, cần xem xét xác định nguyên nhân gây xói lớn để có biện pháp khắc phục.
+ Móng bị lún, nhất là lún không đều làm mố, trụ bị nghiêng lệch, nứt vỡ bê tông. Cần tiến hành quan trắc lún thường xuyên và có chu kỳ cố định để đánh giá lún và tác động của nó đến kết cấu để đưa ra các giải pháp sửa chữa kịp thời.
+ Tứ nón bị nứt, lún, sụt, vỡ đá hộc: Trát các chỗ vỡ, bung mạch vữa xây cục bộ của mố và bả bằng vữa xi măng.
e. Sửa chữa gối cầu
- Các gối cao su bản thép cần lưu ý sửa chữa một số hư hỏng sau:
+ Chỗ phình bất thường ở mặt bên của gối: Cần chụp lại hình ảnh màu ngay vị trí bị phình, theo dõi và thay thế gối kịp thời.
+ Vết nứt ở cạnh bên của cao su: theo dõi vết nứt để có biện pháp thay mới kịp thời.
+ Vị trí của gối bị lệch: ghi chép và theo dõi để đưa ra biện pháp điều chỉnh lại vị trí gối.
+ Vết nứt lớp vữa đệm: Phải được sửa chữa ngay, không được chậm trễ.
- Các gối con lăn thép:
+ Vị trí của gối bị lệch, gối bị nghiêng: ghi chép và theo dõi để đưa ra biện pháp điều chỉnh lại vị trí gối.
+ Sửa chữa theo catalog của hãng sản xuất.
- Các gối chậu thép cần lưu ý sửa chữa theo catalog của hãng sản xuất.
7. Nội dung chi tiết thể hiện trong Quy trình bảo trì cầu do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình giao thông lập, được Sở Giao thông vận tải kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu.
1. Sở Giao thông vận tải
- Thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác bảo trì hệ thống cầu đường bộ trên địa bàn tỉnh được giao quản lý theo đúng Quy trình báo trì để đảm bảo khai thác an toàn và hiệu quả.
- Hàng năm tổ chức xây dựng kế hoạch bảo trì trình Sở Tài chính và UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt theo quy định
2. Sở Tài chính chủ trì, báo cáo đề xuất tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách hàng năm để thực hiện kế hoạch bảo trì hệ thống cầu đường bộ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Thông tư 37/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 07/06/2018 | Cập nhật: 07/06/2018
Thông tư 26/2016/TT-BXD quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Ban hành: 26/10/2016 | Cập nhật: 26/10/2016
Nghị định 64/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Ban hành: 01/07/2016 | Cập nhật: 01/07/2016
Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng Ban hành: 12/05/2015 | Cập nhật: 15/05/2015
Quyết định 3409/QĐ-BGTVT năm 2014 về Định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 08/09/2014 | Cập nhật: 06/11/2014
Nghị định 10/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Ban hành: 11/01/2013 | Cập nhật: 17/01/2013
Thông tư 47/2012/TT-BGTVT quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 12/11/2012 | Cập nhật: 06/12/2012
Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Ban hành: 24/02/2010 | Cập nhật: 27/02/2010