Quyết định 35/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế phối hợp trong công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp và rà soát thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Số hiệu: | 35/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Nai | Người ký: | Nguyễn Thành Trí |
Ngày ban hành: | 08/01/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Hành chính tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/QĐ-UBND |
Đồng Nai , ngày 08 tháng 01 năm 2014 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 148/TTr-STP ngày 23/12/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp và rà soát thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 4. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp thực hiện Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC TRA CỨU, XÁC MINH, TRAO ĐỔI, CUNG CẤP VÀ RÀ SOÁT THÔNG TIN LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 08/01 /2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp, cập nhật, rà soát thông tin lý lịch tư pháp giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Quy chế này áp dụng đối với Sở Tư pháp, cơ quan Công an (Công an tỉnh, Công an cấp huyện), Tòa án nhân dân (Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện), Viện Kiểm sát nhân dân (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện); Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các Chi cục Thi hành án dân sự; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã) và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp và rà soát thông tin lý lịch tư pháp.
1. Sự phối hợp giữa các cơ quan phải chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhằm đảm bảo thời gian cung cấp thông tin lý lịch tư pháp và xác định trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan có liên quan.
2. Việc phối hợp hoạt động trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan và các quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động của cơ quan và ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân.
3. Thời gian cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định trong Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành là thời gian tối đa. Trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, các cơ quan có thể rút ngắn thời gian so với quy định.
4. Mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức là quan hệ phối hợp dựa trên những nguyên tắc phối hợp, tôn trọng lẫn nhau để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Thông tin lý lịch tư pháp và Phiếu lý lịch tư pháp
1. Thông tin lý lịch tư pháp bao gồm thông tin về án tích, thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp.
2. Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp cấp theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Điều 4. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Đối với các thông tin có trước ngày 01/7/2010
a) Công an tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp khi Sở Tư pháp có yêu cầu tra cứu, xác minh để làm cơ sở lập lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trừ những thông tin, tài liệu không được cung cấp theo quy định của Bộ Công an.
b) Trong thời hạn 09 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phiếu xác minh lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp, Công an tỉnh thực hiện việc tra cứu thông tin về tình trạng án tích của đương sự và gửi Sở Tư pháp kết quả tra cứu. Trường hợp phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an thì thời hạn tra cứu thông tin có thể kéo dài không quá 12 ngày làm việc.
c) Trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, ngay sau khi nhận được yêu cầu, Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh thực hiện việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp của đương sự và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.
2. Đối với thông tin có từ ngày 01/7/2010
a) Từ ngày 01/7/2010, Công an tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp khi Sở Tư pháp có yêu cầu xác minh để làm cơ sở lập thông tin lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trừ những thông tin, tài liệu không được cung cấp theo quy định của Bộ Công an.
b) Thời hạn cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Chỉ đạo Công an cấp huyện gửi Sở Tư pháp các giấy chứng nhận sau đây trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận:
a) Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ;
b) Giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo;
c) Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt cấm cư trú;
d) Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt quản chế;
đ) Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tước một số quyền công dân;
e) Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Điều 5. Các nội dung đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp
1. Đối với thông tin có trước ngày 01/7/2010
a) Đề nghị Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm vụ án hỗ trợ Sở Tư pháp xác minh, tra cứu hồ sơ án lưu trong trường hợp sau khi đã tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại Công an tỉnh mà vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc nội dung về tình trạng án tích của đương sự có điểm chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, nhằm khẳng định đương sự có án tích hay không có án tích. Thời hạn tra cứu hồ sơ lưu tại Tòa án không quá 05 ngày làm việc.
b) Trường hợp cần xác định về các thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, thì Sở Tư pháp liên hệ với Tòa án đã giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản để tra cứu thông tin. Thời hạn tra cứu thông tin không quá 05 ngày làm việc.
2. Đối với thông tin có từ ngày 01/7/2010
a) Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm vụ án có trách nhiệm gửi cho Sở Tư pháp các văn bản sau đây:
- Trích lục bản án hình sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, trích lục bản án hình sự phúc thẩm;
- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự;
- Quyết định ân giảm hình phạt tử hình;
- Quyết định thi hành án hình sự;
- Quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù;
- Quyết định xóa án tích;
- Giấy chứng nhận đương nhiên xóa án tích.
b) Đề nghị Tòa án nhân dân đã ra quyết định gửi cho Sở Tư pháp các quyết định sau đây:
- Quyết định miễn chấp hành hình phạt tù;
- Quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù;
- Quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;
c) Nội dung trích lục bản án quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này gồm:
- Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi thường trú hoặc tạm trú; họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người bị kết án;
- Ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Tòa án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí.
d) Đối với các quyết định, giấy chứng nhận quy định tại điểm a và điểm b Khoản 2 Điều này thì gửi bản chính hoặc bản sao quyết định, giấy chứng nhận.
đ) Thời hạn gửi trích lục bản án, quyết định, giấy chứng nhận quy định tại điểm a và điểm b Khoản 2 Điều này là 10 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định hoặc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận.
e) Đề nghị Tòa án nhân dân đã ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã gửi trích lục quyết định tuyên bố phá sản, trong đó có nội dung cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã cho Sở Tư pháp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật.
g) Nội dung trích lục quyết định tuyên bố phá sản, bao gồm:
- Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nơi thường trú hoặc tạm trú của người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
h) Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện gửi Sở Tư pháp các văn bản được quy định tại điểm a, điểm b và điểm e Khoản 2 Điều này.
Điều 6. Các nội dung đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp
1. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm gửi quyết định cho Sở Tư pháp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định theo quy định tại Khoản 3, Điều 15 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP .
2. Phối hợp xác minh để làm rõ việc người bị kết án có đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử để cập nhật thông tin vào lý lịch tư pháp của người bị kết án theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ; điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự
1. Tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 01/7/2010 theo quy định tại Khoản đ Điều 4, Điều 8 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp
2. Cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp như sau:
a) Các quyết định thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác của người bị kết án trong bản án hình sự;
b) Quyết định đình chỉ thi hành án (phần dân sự trong bản án hình sự);
c) Giấy xác nhận kết quả thi hành án (phần dân sự trong bản án hình sự);
d) Văn bản thông báo kết thúc thi hành án trong trường hợp người bị kết án đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình trong bản án hình sự.
3. Cục Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện gửi cho Sở Tư pháp các văn bản được quy định tại Khoản 1 Điều này.
4. Thời hạn gửi các văn bản được quy định tại Khoản 1 Điều này là 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cấp giấy xác nhận hoặc kể từ ngày người bị kết án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.
5. Phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trong thời hạn 07 ngày làm việc khi nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
1. Tiếp nhận và cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin lý lịch tư pháp do cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân tỉnh và Thi hành án dân sự cung cấp theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
2. Trong quá trình tiếp nhận và cập nhật thông tin lý lịch tư pháp, trường hợp các thông tin về nhân thân của người bị kết án, người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã có điểm chưa rõ ràng, chính xác thì Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an (quản lý về dân cư, hộ khẩu, chứng minh nhân dân) để xác minh, làm rõ.
3. Phối hợp với UBND cấp xã, Tòa án nhân dân, Viện kiểm soát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức khác có liên quan xác minh làm rõ việc người bị kết án có đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hay không để cập nhật thông tin vào lý lịch tư pháp của người bị kết án; về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP .
4. Đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tra cứu, xác minh, cung cấp thêm thông tin lý lịch tư pháp liên quan đến bản án hình sự, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm và quyết định thi hành án dân sự, thông tin lý lịch tư pháp liên quan đến việc đặc xá, thông tin lý lịch tư pháp liên quan đến việc thi hành án phạt trục xuất, thông tin lý lịch tư pháp liên quan đến thi hành án dân sự, thông tin lý lịch tư pháp liên quan đến việc chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ, án treo và các hình phạt bổ sung, thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã để lập lý lịch tư pháp của người bị kết án và xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định tại Khoản 1, Điều 26 Luật Lý lịch tư pháp, Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP .
5. Thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức và các cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Điều 9. Bổ sung, đính chính thông tin lý lịch tư pháp
1. Trong trường hợp thông tin lý lịch tư pháp chưa đầy đủ, có sai sót, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Thi hành án dân sự bổ sung, đính chính.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, các cơ quan đã cung cấp thông tin có nhiệm vụ bổ sung, đính chính thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí nhằm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương theo quy định tại Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Điều 11. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan, tổ chức liên quan
1. UBND cấp huyện khi ban hành quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có trách nhiệm gửi bản chính hoặc bản sao quyết định cho Sở Tư pháp trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định.
2. UBND cấp xã khi cấp giấy chứng tử có trách nhiệm gửi bản sao giấy chứng tử cho Sở Tư pháp trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng tử.
3. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ, án treo, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân có nhiệm vụ cung cấp thông tin về việc chấp hành xong các hình phạt trên khi nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp trong thời hạn 07 ngày làm việc.
Điều 12. Phối hợp rà soát việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp
Sở Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành dân sự tỉnh, Công an tỉnh thực hiện việc rà soát về số lượng thông tin lý lịch tư pháp đã cung cấp theo quy định tại Khoản 2, điểm b Khoản 3 Điều 26 Thông tư Liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP.
Điều 13. Chế độ giao, nhận hồ sơ
1. Việc cung cấp, tiếp nhận và cập nhật thông tin lý lịch tư pháp, đề nghị bổ sung, đính chính thông tin lý lịch tư pháp được gửi trực tiếp, qua bưu điện hoặc thư điện tử.
2. Khi tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp về án tích do các cơ quan chuyển đến, Sở Tư pháp phải ghi vào Sổ tiếp nhận theo mẫu quy định.
Điều 14. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Sở Tư pháp thực hiện việc thống kê, báo cáo định kỳ 06 tháng, năm và đột xuất khi có yêu cầu của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh và gửi các cơ quan phối hợp về tình hình cung cấp, tiếp nhận và cập nhật thông tin lý lịch tư pháp.
2. Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh khi báo cáo định kỳ hoặc đột xuất những vấn đề có liên quan đến phạm vi áp dụng Quy chế này cho cơ quan có thẩm quyền đề nghị gửi Sở Tư pháp một bản để theo dõi trong công tác quản lý Nhà nước.
Điều 15. Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.
Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai và chỉ đạo các đơn vị cấp huyện thực hiện đúng nội dung Quy chế này.
Đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp triển khai thực hiện.
Điều 16. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp do Bộ Tư pháp - Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng ban hành Ban hành: 10/05/2012 | Cập nhật: 21/05/2012
Nghị định 111/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp Ban hành: 23/11/2010 | Cập nhật: 25/11/2010