Quyết định 35/2008/QĐ-UBND về giao mặt nước biển, cho thuê mặt nước biển đối với các tổ chức, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành
Số hiệu: 35/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Bùi Ngọc Sương
Ngày ban hành: 05/11/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 35/2008/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 05 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH GIAO MẶT NƯỚC BIỂN, CHO THUÊ MẶT NƯỚC BIỂN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỂ SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003; Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 171/TTr-STNMT ngày 29 tháng 9 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về việc giao mặt nước biển, cho thuê mặt nước biển đối với các tổ chức, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có mặt nước biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cùng các ngành có liên quan hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có mặt nước biển cùng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 76/2002/QĐ-UB ngày 18 tháng 12 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Ngọc Sương

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC GIAO MẶT NƯỚC BIỂN, CHO THUÊ MẶT NƯỚC BIỂN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỂ SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2008/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Bản quy định này quy định về thẩm quyền giao, cho thuê, thu hồi mặt nước biển để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản; quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

2. Mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là vùng nước biển được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản, tính từ đường mép nước biển triều kiệt trung bình trong nhiều năm trở ra.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân đang sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản hoặc có nhu cầu sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển

Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển, được sử dụng mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo Luật Đất đai năm 2003. Cách ghi các nội dung trong giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang.

Chương 2.

GIAO, CHO THUÊ, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN MẶT NƯỚC BIỂN ĐỂ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 4. Thẩm quyền giao, cho thuê, cấp giấy chứng nhận mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, đồng thời là cơ quan cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển.

1. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố giao mặt nước biển không thu tiền sử dụng mặt nước biển cho cá nhân sinh sống tại địa phương trực tiếp nuôi trồng thủy sản mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản, hoặc cá nhân sinh sống tại địa phương làm nghề khai thác thủy sản ven bờ chuyển sang nuôi trồng thủy sản được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sở tại xác nhận.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trong các trường hợp sau đây:

a. Tổ chức, cá nhân thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt;

b. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xét duyệt.

3. Đối với tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 (ngày Luật Thủy sản 2003 có hiệu lực) thì được chuyển sang thuê khi hết thời hạn được giao, trừ đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh giao mặt nước biển cho cơ quan nghiên cứu khoa học về thủy sản theo quy hoạch, chương trình được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5. Hạn mức diện tích và thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

1. Diện tích mặt nước biển được giao để nuôi trồng thủy sản không quá một (01) ha.

2. Diện tích mặt nước biển cho thuê để nuôi trồng thủy sản không quá ba mươi (30) ha trong vùng biển ba (3) hải lý trở vào bờ hoặc không quá một trăm (100) ha trong vùng biển cách bờ từ ba (3) hải lý trở ra. Riêng đối với các đảo và quần đảo: diện tích mặt nước biển cho thuê để nuôi trồng thủy sản không quá ba mươi (30) ha trong vùng biển một (1) hải lý trở vào bờ đảo, quần đảo.

3. Thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá hai mươi (20) năm, được tính từ ngày ghi trong quyết định giao, cho thuê mặt nước biển.

Điều 6. Căn cứ để giao, cho thuê mặt nước biển sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản

1. Việc giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản phải thực hiện theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Trường hợp ở các vùng biển chưa có quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản thì phải có văn bản thỏa thuận quy hoạch nuôi trồng thủy sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang.

2. Nhu cầu sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản được thể hiện trong các văn bản sau:

a. Dự án đầu tư của tổ chức có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư.

Văn bản thẩm định về nhu cầu sử dụng mặt nước biển để thực hiện dự án đầu tư của tổ chức kinh tế không sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc không phải là dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thẩm định về nhu cầu sử dụng mặt nước biển trên cơ sở xem xét hồ sơ dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

b. Đơn xin giao mặt nước biển hoặc đơn xin thuê mặt nước biển.

Điều 7. Trình tự thủ tục giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

1. Hồ sơ xin giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản:

Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Bản quy định này có nhu cầu xin giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản nộp một (01) bộ sồ sơ tại Bộ phận nhận và giao trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố hoặc cơ quan Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có mặt nước biển quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Hồ sơ gồm có:

- Đơn xin giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận. Trong đơn phải thể hiện năng lực kỹ thuật nuôi trồng và cam kết bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản;

- Trích đo, trích lục sơ đồ, bản đồ vị trí khu mặt nước biển xin giao.

2. Hồ sơ xin thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản:

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản lập hai (02) bộ hồ sơ nộp tại Bộ phận nhận và giao trả kết quả thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Hồ sơ gồm có:

a. Đối với tổ chức, cá nhân trong nước:

- Đơn xin thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản;

- Báo cáo dự án khả thi nuôi trồng thủy sản được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định; trong đó có bản thuyết minh về năng lực kỹ thuật nuôi trồng thủy sản;

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thủy sản hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao hợp lệ) nếu có;

- Trích đo, trích lục sơ đồ, bản đồ vị trí khu mặt nước biển xin thuê.

b. Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài:

- Đơn xin thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản;

- Báo cáo dự án khả thi nuôi trồng thủy sản được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định; trong đó có bản thuyết minh về năng lực kỹ thuật nuôi trồng thủy sản;

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thủy sản và kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;

- Giấy phép đầu tư nước ngoài (bản sao hợp lệ);

- Trích đo, trích lục sơ đồ, bản đồ vị trí khu mặt nước biển xin thuê.

3. Trình tự thực hiện:

Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định giao, cho thuê mặt nước biển và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Trường hợp không giao, không cho thuê mặt nước biển thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

a. Trường hợp giao mặt nước biển cho cá nhân để nuôi trồng thủy sản:

- Ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc hôm sau kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ phận nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển đến cơ quan Tài nguyên và Môi trường cấp huyện;

- Trong thời gian 20 ngày làm việc, cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ xác minh thực địa, lập tờ trình, dự thảo quyết định, in giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển và chuyển hồ sơ xin giao mặt nước biển đến Bộ phận nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân huyện;

- Trong thời gian 05 ngày làm việc Bộ phận nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xem xét ký quyết định giao mặt nước biển và giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển;

- Trong thời gian 05 ngày làm việc Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét ký ban hành quyết định giao mặt nước biển, giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển và chuyển cho bộ phận nhận và trả kết quả;

- Sau khi nhận được quyết định, giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển đã ký, Bộ phận nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân huyện trao quyết định và giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển cho người được giao; chuyển hồ sơ về cơ quan Tài nguyên và Môi trường để thực hiện việc chỉnh lý và lưu trữ hồ sơ.

Thời gian nói trên không tính đến thời gian người được giao mặt nước biển thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có).

b. Trường hợp cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản:

- Trong thời gian 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện:

+ Thẩm tra hồ sơ xin thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản;

+ Lập tờ trình, dự thảo quyết định, in giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển trình đến Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định việc cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu;

+ Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính.

- Trong thời gian 05 ngày làm việc sau khi nhận được tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi đến. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm xem xét và ký quyết định cho thuê mặt nước biển và giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, ký hợp đồng thuê mặt nước biển với người sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; trao giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển và tổ chức giao mặt nước biển tại thực địa cho người được thuê mặt nước biển sau khi người được thuê mặt nước biển đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Thời gian nói trên không tính đến thời gian người thuê mặt nước biển thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Điều 8. Gia hạn thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

1. Trước thời điểm hết hạn quyền sử dụng mặt nước biển sáu (6) tháng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản phải lập hồ sơ như quy định tại khoản 1, khoản 2 Ðiều 7 của Bản quy định này, gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (qua cơ quan Tài nguyên và Môi trường) để xin gia hạn được giao, thuê mặt nước biển.

2. Ðối với tổ chức, cá nhân nước ngoài còn phải có bản sao hợp lệ giấy phép đầu tư.

3. Thời hạn gia hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không vượt quá thời hạn giao, cho thuê trước đó.

4. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc gia hạn thời hạn giao hoặc cho thuê và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Trường hợp không gia hạn thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 9. Đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

Nhà nước thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cho những trường hợp sau đây:

1. Tổ chức, cá nhân đang sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đã được Nhà nước giao, cho thuê trước ngày Bản quy định này có hiệu lực mà diện tích được giao, cho thuê không vượt quá hạn mức được giao, cho thuê quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 của Bản quy định này thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản.

2. Trường hợp diện tích mặt nước biển được giao trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 (ngày Luật Thủy sản 2003 có hiệu lực thi hành) vượt hạn mức được giao thì vẫn được sử dụng như hiện trạng và khi hết thời hạn được giao theo quyết định giao mặt nước biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải chuyển sang thuê nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng trừ đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 4 của Bản quy định này và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển. Trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì Nhà nước thực hiện thủ tục thu hồi.

3. Trường hợp diện tích mặt nước biển được thuê vượt hạn mức, được sử dụng như hiện trạng và khi hết thời hạn được thuê theo quyết định cho thuê mặt nước biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Nhà nước thực hiện thủ tục thu hồi mặt nước biển. Trường hợp có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định.

4. Trường hợp tổ chức, cá nhân đang sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 (ngày Luật Thủy sản 2003 có hiệu lực thi hành) kể cả phần diện tích mặt nước biển đang sử dụng được Nhà nước giao hoặc cho tổ chức, cá nhân khác thuê trước đó thì cũng được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển.

Điều 10. Trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

1. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển:

Người đang sử dụng mặt nước biển được giao để nuôi trồng thủy sản mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển nếu có nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển thì lập hồ sơ để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản. Hồ sơ được lập thành một (01) bộ gồm những văn bản sau:

a. Đối với cá nhân được giao mặt nước biển. Hồ sơ gồm có:

- Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có mặt nước biển được giao kèm theo trích đo, trích lục sơ đồ, bản đồ khu mặt nước biển được giao.

- Quyết định giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Bản cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Văn bản thỏa thuận quy hoạch nuôi trồng thủy sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đối với diện tích mặt nước biển được giao (ở các vùng biển chưa có quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản).

Hồ sơ được nộp tại Bộ phận nhận và giao trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi có mặt nước biển mà cá nhân được giao.

b. Đối với tổ chức, cá nhân đang thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Hồ sơ gồm có:

- Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển kèm theo trích đo, trích lục sơ đồ, bản đồ khu mặt nước biển đang thuê;

- Quyết định cho thuê, hợp đồng thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Văn bản thỏa thuận quy hoạch nuôi trồng thủy sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đối với diện tích mặt nước biển đang thuê (ở các vùng biển chưa có quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản).

Hồ sơ được nộp tại Bộ phận nhận và giao trả kết quả thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

c. Đối với tổ chức, cá nhân đang sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản.

- Thời điểm sử dụng mặt nước biển trước ngày 01 tháng 7 năm 2004. Hồ sơ gồm có:

+ Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển kèm theo trích đo, trích lục sơ đồ, bản đồ khu mặt nước biển đang sử dụng;

+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

+ Văn bản thỏa thuận quy hoạch nuôi trồng thủy sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đối với diện tích mặt nước biển đang sử dụng (ở các vùng biển chưa có quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản);

+ Bản tự kê khai về hiện trạng sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản của cá nhân, tổ chức được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có mặt nước biển đang sử dụng xác nhận.

Hồ sơ được nộp tại Bộ phận nhận và giao trả kết quả thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Thời điểm sử dụng mặt nước biển để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 trở về sau: tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ giao mặt nước biển, cho thuê mặt nước biển theo Điều 7 của Bản quy định này.

2. Trình tự thực hiện:

a. Đối với cá nhân đang sử dụng mặt nước biển được giao để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển. Trình tự thực hiện như sau:

- Ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc hôm sau, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ phận nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển đến cơ quan Tài nguyên và Môi trường cấp huyện;

- Trong thời gian 20 ngày làm việc, cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ xác minh thực địa, thực hiện việc trích lục, trích đo địa chính, lập tờ trình, in giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển và chuyển hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển đến Bộ phận nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân huyện;

- Trong thời gian 05 ngày làm việc Bộ phận nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xem xét ký giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển;

- Trong thời gian 05 ngày làm việc Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét ký giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển và chuyển cho Bộ phận nhận và trả kết quả;

- Sau khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển đã ký, Bộ phận nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân huyện trao giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển cho người xin cấp giấy chứng nhận; chuyển hồ sơ về cơ quan Tài nguyên và Môi trường để thực hiện việc chỉnh lý và lưu trữ hồ sơ.

Thời gian nói trên không tính đến thời gian người được cấp giấy chứng nhận mặt nước biển thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có).

b. Đối với tổ chức, cá nhân đang sử dụng mặt nước biển được Nhà nước cho thuê sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển. Trình tự thực hiện như sau:

- Trong thời gian 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện:

+ Thẩm tra hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản;

+ Lập tờ trình, in giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển trình đến Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ký giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu;

+ Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính.

- Trong thời gian 05 ngày làm việc sau khi nhận được tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi đến. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm xem xét và ký giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển đã ký, Sở Tài nguyên và Môi trường trao giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển và tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển sau khi đã hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Thời gian nói trên không tính đến thời gian người thuê mặt nước biển thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Điều 11. Giá cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

1. Đơn giá cho thuê mặt nước biển và việc miễn, giảm tiền thuê mặt nước biển để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được thực hiện theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

2. Trong trường hợp đấu giá quyền thuê mặt nước biển hoặc đấu thầu dự án có sử dụng mặt nước biển thuê thì đơn giá thuê mặt nước là đơn giá trúng đấu giá.

Chương 3.

THU HỒI MẶT NƯỚC BIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 12. Những trường hợp Nhà nước thu hồi mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản

1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi toàn bộ hoặc một phần mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản trong các trường hợp sau đây:

a. Sử dụng không đúng mục đích; trường hợp diện tích mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản mà không được sử dụng hết theo quy định, thì bị thu hồi phần diện tích mặt nước biển không được sử dụng đó.

b. Quá 24 tháng liền mà không sử dụng để nuôi trồng thủy sản, trừ trường hợp có lý do chính đáng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

c. Người sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Ðiều 14 của Bản quy định này;

d. Người sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản tự nguyện trả lại diện tích được giao, thuê;

đ. Nhà nước có nhu cầu thu hồi vì mục đích công cộng, quốc phòng và an ninh.

2. Cơ quan nào có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản thì có quyền thu hồi mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đã giao, cho thuê theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Xử lý tài sản đã đầu tư trên mặt nước biển, tiền thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản khi mặt nước biển đã giao, cho thuê bị thu hồi hoặc tự nguyện trả lại

1. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi hoặc tự nguyện trả lại diện tích mặt nước biển nuôi trồng thủy sản quy định tại điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 12 của Bản quy định này phải tự chịu trách nhiệm tháo dỡ, di chuyển tài sản đã đầu tư trên mặt nước biển đó. Trường hợp thời hạn thuê chưa hết thì được Nhà nước trả lại số tiền thuê của thời gian còn lại (nếu đã trả trước).

2. Đối với trường hợp thu hồi diện tích mặt nước biển quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Bản quy định này được quy định như sau:

a. Được Nhà nước trả lại tiền thuê của thời gian còn lại (nếu đã trả trước);

b. Được Nhà nước hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản đã đầu tư trên mặt nước biển và thủy sản nuôi trồng (nếu có);

c. Được bồi thường thiệt hại về thủy sản (nếu có);

d. Được ưu tiên giao, cho thuê mặt nước biển khác để nuôi trồng thủy sản nếu có nhu cầu và địa phương còn quỹ mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Trường hợp địa phương không còn quỹ mặt nước biển để giao được bổ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và ổn định cuộc sống.

Chương 4.

QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC NHÀ NƯỚC GIAO, CHO THUÊ MẶT NƯỚC BIỂN ĐỂ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Ðiều 14. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản

1. Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả diện tích mặt nước biển được giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản và bảo vệ các công trình phục vụ chung cho nuôi trồng thủy sản.

2. Sử dụng đúng ranh giới khu vực nuôi trồng, tuân theo quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản.

3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.

4. Báo cáo thống kê nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về thống kê.

5. Giao lại mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản khi có quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

7. Không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng mặt nước biển xung quanh; thực hiện các quy định về an toàn cho người và tài sản.

8. Không làm ảnh hưởng đến việc giao thông đi lại trên biển và an ninh quốc phòng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ðiều 15. Quyền của tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

Tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản có các quyền sau đây:

1. Ðược cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản.

2. Ðược Nhà nước bảo vệ khi bị người khác xâm hại đến quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản hợp pháp của mình; được bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh trước khi hết thời hạn được giao, cho thuê theo quy định của pháp luật.

3. Ðược cơ quan chuyên ngành thủy sản phổ biến, đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới về nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật sản xuất giống thủy sản mới, kỹ thuật phòng trừ và phát hiện dịch bệnh thủy sản, thông báo về tình hình môi trường và dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản, thông tin về thị trường thủy sản.

4. Cá nhân được giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản được để thừa kế; được thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với quyền sử dụng mặt nước biển để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;

5. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản mà trả tiền thuê mặt nước biển hàng năm có các quyền sau đây:

a. Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với mặt nước biển được thuê tại tổ chức tín dụng Việt Nam để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b. Chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với mặt nước biển được thuê; người nhận tài sản đó nếu có yêu cầu được Nhà nước tiếp tục cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản thì vẫn có các quyền quy định tại khoản này.

6. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đã trả trước tiền thuê mặt nước biển ít nhất là 10 năm có các quyền sau đây:

a. Thế chấp giá trị quyền sử dụng mặt nước biển được thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với mặt nước biển được thuê trong thời hạn thuê tại tổ chức tín dụng Việt Nam để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b. Chuyển nhượng quyền sử dụng mặt nước biển cùng với tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với mặt nước biển được thuê. Cá nhân được để thừa kế quyền sử dụng mặt nước biển được thuê trong thời hạn thuê theo quy định của pháp luật. Người nhận chuyển nhượng, người được thừa kế quyền sử dụng mặt nước biển đã thuê để nuôi trồng thủy sản có các quyền quy định tại khoản này;

c. Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng mặt nước biển được thuê cùng với tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với mặt nước biển đã thuê để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật;

d. Cho thuê lại quyền sử dụng mặt nước biển trong thời hạn thuê mặt nước biển. Việc cho thuê lại chỉ được thực hiện khi mặt nước biển đó đã được đầu tư theo dự án và người thuê lại phải sử dụng mặt nước biển đó đúng mục đích.

Chương 5.

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 16. Tổ chức hoặc cá nhân nào bao chiếm mặt nước biển; chuyển nhượng quyền sử dụng mặt nước biển trái phép; không tuân thủ quyết định thu hồi mặt nước biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản hoặc xâm hại đến tài sản người khác thì tùy theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 17. Tổ chức hoặc cá nhân nào có hành vi gây thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên hoặc gây thiệt hại cho người khác, thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại Điều 16 của Bản quy định này, còn phải khôi phục lại theo hiện trạng ban đầu và bồi thường cho người bị thiệt hại.

Điều 18. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc vượt quá quyền hạn cho thuê; cho phép chuyển quyền, cho thuê lại mặt nước biển trái với quy định này thì tùy theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý, kỷ luật.

Chương 6.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có mặt nước biển căn cứ vào quy hoạch nuôi trồng thủy sản để giao, cho thuê đối với các đối tượng có nhu cầu sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản.

Điều 20. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp cùng các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn theo dõi tiến trình triển khai thực hiện Quy định này./.





Nghị định 27/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thủy sản Ban hành: 08/03/2005 | Cập nhật: 07/12/2012

Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai Ban hành: 29/10/2004 | Cập nhật: 10/12/2012