Quyết định 3472/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Đề án Bảo vệ và Phát triển Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
Số hiệu: 3472/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Huỳnh Đức Hòa
Ngày ban hành: 24/12/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3472/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 24 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quy chế quản lý rừng ban hành theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch loại 3 loại rừng;

Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 25/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Tờ trình số 180/TTr-SNN ngày 11/12/2008 về việc phê duyệt Đề án Bảo vệ và Phát triển Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Bảo vệ và Phát triển Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. Hiện trạng tài nguyên rừng tỉnh Lâm Đồng:

1. Tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh: 602.142 ha, trong đó: Rừng tự nhiên 547.813 ha; rừng trồng 54.329 ha; đất lâm nghiệp 33.512 ha;

Phân theo ba loại rừng:

- Rừng đặc dụng: 83.813 ha, chiếm 13,91%;

+ Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà: 56.437 ha.

+ Vườn Quốc gia Cát Tiên: 27.237 ha.

- Rừng phòng hộ: 172.800 ha, chiếm 28,73%;

+ Rất xung yếu: 39.617 ha.

+ Xung yếu: 133.183 ha.

- Rừng sản xuất: 345.003 ha, chiếm 57,36%.

Tổng trữ lượng lâm sản: gỗ 56.182.789 m3 (rừng tự nhiên 55.172.965 m3, chiếm 95,04%; rừng trồng 1.009.824 m3, chiếm 4,96%) và 518 triệu cây tre nứa.

2. Tổng diện tích rừng trồng: 49.006 ha, chiếm 8,15% diện tích đất lâm nghiệp; Loài cây trồng chủ yếu là Thông 3 lá, Sao đen, Keo, Thông 2 lá...Diện tích rừng trồng từ năm 1976-2007 được đầu tư từ các nguồn vốn:

- Nguồn vốn ngân sách tỉnh: 24.707 ha, chủ yếu đầu tư trồng rừng tập trung trên đối tượng rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng;

- Nguồn vốn chương trình 327 (1993-1998): 7.538 ha, chủ yếu đầu tư trồng rừng trên đối tượng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng;

- Nguồn vốn chương trình 5 triệu ha rừng (1999-2007): 5.706 ha, chủ yếu đầu tư trồng rừng trên đối tượng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng;

- Nguồn vốn liên doanh, liên kết với Công ty cổ phần giấy Tân Mai (1998-2005): 10.716 ha, chủ yếu đầu tư trồng rừng phục vụ nguyên liệu giấy;

- Nguồn vốn trồng rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện Trị An: 1.954 ha, chủ yếu đầu tư trồng rừng tập trung trên đối tượng rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng;

- Nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình): khoảng trên 5.300 ha, chủ yếu đầu tư trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp.

II. Phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020:

1. Quan điểm, mục tiêu phát triển rừng:

a) Quan điểm:

- Phát triển lâm nghiệp một cách toàn diện coi trọng ba khâu: trồng, bảo vệ và sử dụng tổng hợp lợi ích tài nguyên rừng;

- Phát triển lâm nghiệp phải đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của Lâm Đồng;

- Phát triển lâm nghiệp phải gắn với chủ trương xã hội hóa việc bảo vệ phát triển rừng; giải quyết hài hòa các mối liên hệ giữa phát triển và bảo vệ sinh thái, môi trường; giữa lợi ích kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội; giữa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sống liền rừng;

- Phát triển lâm nghiệp phải lấy rừng giữ rừng, lấy rừng phát triển rừng, lấy rừng cải thiện đời sống người dân và phải gắn với các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh;

- Tập trung làm chuyển biến cơ bản, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng rừng, coi đó là khâu đột phá trong định hướng phát triển lâm nghiệp của tỉnh để rừng thực sự có chủ.

b) Mục tiêu:

- Duy trì độ che phủ 62%, đảm bảo môi trường sinh thái cho sự phát triển kinh tế bền vững ở Lâm Đồng;

- Ổn định 83.674 ha rừng đặc dụng với tính đa dạng sinh học cao;

- Nâng cao chất lượng 172.800 ha rừng phòng hộ;

- Nâng cao chất lượng 345.000 ha rừng sản xuất, đưa năng suất rừng từ 97m3/ha bình quân hiện nay lên 160m3/ha; phát triển 120.000 ha rừng trồng kinh tế chủ lực; nâng cao chất lượng gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

- Phấn đấu diện tích 180.000 ha cây công nghiệp có cây lâm nghiệp che bóng (từ 10-15%)

- Hàng năm cung cấp 250.000 - 300.000 m3 gỗ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;

- Giải quyết việc làm cho 5 vạn người lao động;

- Xã hội hoá ngành lâm nghiệp, thực hiện các biện pháp nâng cao đời sống người dân làm rừng tăng 3 đến 4 lần so với hiện nay; chấm dứt nạn phá rừng làm rẫy;

- Đưa dịch vụ chi trả môi trường rừng là nguồn thu cơ bản của ngành lâm nghiệp; nâng tỷ trọng lâm nghiệp từ 1,68 % lên 5-7% trong giá trị sản xuất nông nghiệp và trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương;

- Góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị - xã hội ở Lâm Đồng.

2. Phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2009-2020:

a) Sử dụng các loại rừng:

- Rừng đặc dụng: Tập trung bảo tồn nguyên trạng tài nguyên đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, bảo vệ các loài động vật, thực vật rừng quý hiếm, đặc hữu, có giá trị khoa học - kinh tế cao và đang có nguy cơ tuyệt chủng; kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hoá.

- Rừng Phòng hộ: Nâng cao chất lượng rừng phòng hộ trên cơ sở thực hiện các giải pháp kỹ thuật lâm sinh để ổn định cấu trúc và phát triển sinh thái rừng phòng hộ: Chặt hạ cây già cỗi, trong phạm vi lâm phần cách sông, suối lớn từ (20m-30m), tuyệt đối không được khai thác ngoài phạm vi nêu trên; trồng bổ sung: 2.000 ha.

- Rừng sản xuất: Chuyển rừng sản xuất có chất lượng kém, năng suất thấp sang rừng kinh tế chủ lực có năng suất cao. Quy hoạch 345.000 ha rừng sản xuất chủ yếu cung cấp gỗ lâm sản phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và gia dụng, tổ chức sản xuất theo hướng thâm canh, năng suất cao;

+ Phát triển 120.000 ha rừng kinh tế chủ lực, chất lượng cao để sau năm 2020 hàng năm cho sản lượng ổn định 500.000m3 gỗ năm góp phần quan trọng lớn vào sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. trồng 90.000 ha rừng kinh tế chất lượng cao;

+ Xử lý rừng nghèo kiệt và rừng lồ ô tre nứa, chặt trắng trồng lại là 33.000 ha (10.000 ha rừng lá rộng, 10.000 ha rừng hỗn giao, 13.000 rừng tre nứa);

+ Kinh doanh tổng hợp, phát triển bền vững 52.000 ha rừng thông ba lá thuần loại tự nhiên thuộc rừng sản xuất: Tiến hành khai thác 15.000 ha rừng thông 3 lá thành thục và 1.700 ha rừng thông rải rác theo phương thức khai thác chặt trắng cục bộ theo lô, theo đám, theo băng và trồng lại toàn bộ, hàng năm có 250.000-300.000 m3, bình quân mỗi năm khai thác trắng 1.400 ha rừng, trồng mới 1.500 ha; Sản phẩm tỉa thưa rừng trồng thông ba lá giai đoạn 2009-2020 dự kiến là 230.000m3, bình quân 20.000m3/năm; tương ứng 640 ha/năm; Khai thác trắng rừng trồng sản lượng 77.000m3/năm; tương ứng 400 ha/năm.

Tổng sản lượng gỗ khai thác rừng thông 3 lá: rừng thông tự nhiên 250.000-300.000 m3/năm; rừng thông trồng 97.000 m3/năm.

Trồng rừng thâm canh : 2.000 ha/năm.

Sản lượng nhựa thông : 2.500-2.700 tấn/năm

Phấn đấu kinh doanh trên một đơn vị diện tích rừng trồng kinh tế phải đạt được giá trị 10-15 triệu đồng/ ha/năm.

b) Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học:

- Chủ tịch UBND các cấp phải tổ chức thực hiện bảo vệ rừng và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại địa phương.

- Cơ quan Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt hỗ trợ cho các chủ rừng và các thôn, xã, là lực lượng chính trong việc xử lý các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời tham mưu cho chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ rừng; kiểm lâm địa bàn là cán bộ tham mưu trực tiếp cho UBND xã trong việc bảo vệ và phát triển rừng tại cơ sở góp phần ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng tận gốc.

- Về bảo tồn đa dạng sinh học: Bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững ĐDSH về các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái phong phú của Lâm Đồng, quản lý một cách có hiệu quả; đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn và phát triển ĐDSH trong khu vực cũng như toàn cầu.

c) Phát triển du lịch sinh thái rừng: Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng vùng du lịch sinh thái rừng ở thành phố Ðà Lạt và các huyện: Lạc Dương, Ðơn Dương, Ðức Trọng trở thành trung tâm về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của khu vực và cả nước; đưa du lịch sinh thái rừng thực sự trở thành động lực phát triển của tỉnh Lâm Ðồng.

d) Trồng cây phân tán: Phục hồi phong trào trồng cây phân tán ở các địa bàn trong tỉnh, đa dạng hoá các loại hình trồng cây; trồng xen cây rừng trên bờ vùng, bờ thửa, trên các vườn cây công nghiệp (cà phê, ca cao, chè) đảm bảo tỷ lệ 10-15% độ che phủ.

đ) Phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ: Khuyến khích sử dụng gỗ từ rừng trồng, phát triển công nghệ chế biến sử dụng gỗ rừng trồng, các loại lâm sản khác. Có chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, gỗ tinh chế.

3. Các giải pháp phát triển rừng bền vững, giai đoạn 2009-2020:

a) Về tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất:

- Đối với các Công ty Lâm nghiệp:

+ Diện tích rừng sản xuất đã giao, cho Công ty Lâm nghiệp thuê thì không thu hồi đất để cho các doanh nghiệp khác thuê mà chuyển sang hình thức thức hợp tác đầu tư, góp vốn của các thành phần kinh tế, các cá nhân, nhằm huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, đồng thời không làm xáo trộn quy hoạch và hoạt động của các Công ty Lâm nghiệp. Đồng thời các Công ty Lâm nghiệp phải chủ động tìm nguồn vốn để đưa diện tích đất lâm nghiệp vào sản xuất, nếu trong thời hạn 3 năm mà không sản xuất sản xuất thì thu hồi cho doanh nghiệp khác thuê.

+ Các Công ty Lâm nghiệp có xưởng chế biến gỗ được UBND tỉnh giao thầu bán cây đứng gỗ khai thác chính rừng tự nhiên hàng năm để sản xuất gỗ tinh chế, hàng mộc gia dụng, hàng xuất khẩu. Giá gỗ giao thầu bán cây đứng được UBND tỉnh phê duyệt tại thời điểm giao thầu phù hợp với giá thị trường. Thời gian giao thầu ổn định trong 3 năm.

+ Phải chủ động và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ yếu là kinh doanh rừng trồng, sản xuất chế biến gỗ rừng trồng nhưng phải đảm bảo hoàn trả vốn trong chu kỳ tiếp theo.

- Đối với các Ban Quản lý rừng

+ Tiến hành bố trí lại đất đai phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ của các Ban Quản lý rừng, quản lý chặt chẽ đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

+ Đất lâm nghiệp, đất quy hoạch cho nông nghiệp còn rừng phân bố rải rác, nhỏ lẻ, phân tán ở các tiểu khu tách ra khỏi các ban mới sắp xếp, giao cho UBND huyện, xã, cộng đồng dân cư quản lý sử dụng theo quy định. Trước mắt các Ban Quản lý rừng có trách nhiệm quản lý những diện tích trên đến khi có quyết định của cấp thẩm quyền.

- Rà soát lại quỹ đất và tổ chức giao, cho thuê cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quỹ đất lâm nghiệp của các Công ty Lâm nghiệp, các Ban Quản lý rừng sau khi sắp xếp lại. Các địa phương tổ chức giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tập thể theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó ưu tiên giao cho đồng bào dân tộc tại chỗ chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất.

- Đối với các hoạt động quản lý Nhà nước: Rà soát, phân định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hạt Kiểm lâm cấp huyện để tham mưu cho chính quyền cấp huyện, xã trong công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp. Xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp chính quyền, huyện, xã, chủ rừng, kiểm lâm, quân đội, công an và lực lượng quần chúng bảo vệ rừng.

b) Giải pháp về cơ chế chính sách:

- Chính sách thu hút đầu tư:

+ Nhà nước cho tổ chức kinh tế thuê môi trường rừng phòng hộ để kết hợp kinh doanh cảnh quan nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường thời hạn không quá 50 năm (năm mươi); không thu hồi diện tích rừng và đất rừng phòng hộ của các Ban Quản lý rừng phòng hộ để cho các tổ chức, doanh nghiệp thuê thực hiện dự án đầu tư, chỉ cho thuê môi trường rừng (đối với đất có rừng) và hợp tác, liên doanh liên kết với Ban Quản lý rừng để đầu tư trồng rừng trên diện tích đất không có rừng thuộc rừng sản xuất.

+ Chủ rừng Nhà nước được tự tổ chức hoạt động kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái trong rừng hoặc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng, nhận khoán rừng và môi trường rừng để kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái rừng trong rừng.

+ Chủ rừng Nhà nước được ủy quyền giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đối với các doanh nghiệp thuê rừng và đất rừng trong quy hoạch 3 loại rừng thuộc phạm vi lâm phần mình đã quản lý, phản ảnh kịp thời với các cơ quan chức năng khi chủ dự án không thực hiện đúng theo giấy Giấy chứng nhận đầu tư được cấp.

- Chính sách liên quan đến việc sử dụng đất, quản lý bảo vệ sử dụng rừng, bảo vệ cảnh quan môi trường, sinh thái:

+ Đối với rừng đặc dụng Vườn Quốc gia:

Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: Được lập các tuyến đường mòn, lều trú chân, cắm biển chỉ dẫn để tuần tra kết hợp du lịch sinh thái. Tuyến đường mòn quy định có chiều rộng tối đa không quá 1,5m.

Trong phân khu phục hồi sinh thái: Được mở các đường trục chính, xây dựng công trình để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp phục vụ các hoạt động dịch vụ - du lịch. Mức độ tác động của các công trình hạ tầng phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái tối đa là 20% tổng diện tích được thuê môi trường rừng đặc dụng đối với diện tích thuê từ 50 ha trở xuống, trong đó cho phép sử dụng 5% diện tích được thuê để xây dựng các công trình kiến trúc cơ sở hạ tầng, 15% diện tích còn lại được làm đường mòn, điểm dừng chân, bãi đỗ xe; Đối với diện tích thuê lớn hơn 50 hecta, mức độ tác động tối đa là 15% tổng diện tích được thuê, trong đó cho phép sử dụng 5% diện tích được thuê để xây dựng các công trình kiến trúc cơ sở hạ tầng, 10% diện tích còn lại được làm đường mòn, điểm dừng chân, bãi đỗ xe. Phần diện tích được thuê các công trình hạ tầng phải được xác định rõ trên bản đồ và phân định rõ ngoài thực địa, thông qua hệ thống biển báo.

+ Đối với rừng phòng hộ:

Những dự án du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thỏa thuận địa điểm đầu tư trong rừng phòng hộ, cảnh quan môi trường tiếp tục thực hiện dự án đã được phê duyệt.

Đối với những dự án mới đầu tư về sau vào các khu vực thuộc địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương và một phần của huyện Đức Trọng giáp ranh với thành phố Đà Lạt, chỉ được thực hiện các công trình kiến trúc có mái che ở khu quản lý trung tâm dự án trên diện tích đất không có rừng (trừ Khu du lịch hồ Tuyền Lâm và Khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng), không được xây dựng biệt thự, nhà nghỉ biệt thự; chỉ được làm đường mòn, lều trú chân, nhà tạm bằng vật liệu lắp ghép;

Không xem xét thỏa thuận địa điểm đầu tư đối với các dự án thuê đất lâm nghiệp thuộc đất đã quy hoạch cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông lâm kết hợp; không xem xét thỏa thuận địa điểm đầu tư đối với các dự án thuê đất thuộc rừng sản xuất (kể cả đất đã có rừng, đất chưa có rừng và đất đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp) để sản xuất nông lâm kết hợp; hạn chế tối đa việc cấp phép khai thác khoáng sản trên diện tích rừng phòng hộ môi trường cảnh quan thành phố Đà Lạt.

Nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì thực hiện việc hợp tác, liên kết đầu tư với các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (Nhà nước không cho thuê đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng); hoặc thuê môi trường rừng của Nhà nước để đầu tư du lịch sinh thái. Mức độ tác động của các công trình hạ tầng phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái tối đa là 20% tổng diện tích được thuê môi trường rừng phòng hộ đối với diện tích thuê từ 50 ha trở xuống, trong đó cho phép sử dụng 5% diện tích được thuê để xây dựng các công trình kiến trúc cơ sở hạ tầng, 15% diện tích còn lại được làm đường mòn, điểm dừng chân, bãi đỗ xe; Đối với diện tích thuê lớn hơn 50 hecta, mức độ tác động tối đa là 15% tổng diện tích được thuê, trong đó cho phép sử dụng 5% diện tích được thuê để xây dựng các công trình kiến trúc cơ sở hạ tầng, 10% diện tích còn lại được làm đường mòn, điểm dừng chân, bãi đỗ xe. Phần diện tích được thuê các công trình hạ tầng phải được xác định rõ trên bản đồ và phân định rõ ngoài thực địa, thông qua hệ thống biển báo.

+ Đối với rừng sản xuất:

Để ổn định tình hình quản lý bảo vệ rừng trên diện tích thu hút đầu tư, gắn trách nhiệm đến đời sống cộng đồng tại địa phương các doanh nghiệp thuê đất đầu tư tiếp tục duy trì hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ dân, đồng thời thanh toán chi phí chi trả tiền công nhận khoán không thấp hơn theo quy định hiện hành. Doanh nghiệp thuê đất rừng phải cam kết sử dụng lao động tại địa phương. Chủ rừng không thực hiện thủ tục lập hồ sơ hoán đổi diện tích giao khoán QLBV rừng.

Từng huyện xây dựng Đề án Bảo vệ và Phát triển rừng sản xuất trong đó: Quy hoạch diện tích rừng sản xuất tập trung có trữ lượng do Công ty Lâm nghiệp quản lý, sản xuất kinh doanh; quy hoạch diện tích rừng thu hút các nhà đầu tư trồng rừng, trồng cao su,…, nên lựa chọn nhà đầu tư có quy mô vốn lớn; diện tích rừng nghèo nhỏ lẻ, phân tán Huyện giao cho dân sản xuất kinh tế hộ, trồng cao su tiểu điền,…

Diện tích đất rừng phòng hộ, sản xuất cho các doanh nghiệp thuê quản lý bảo vệ rừng phải tiến hành định giá rừng và lập hồ sơ thuê rừng theo quy định của pháp luật hiện hành; mọi tác động vào tài nguyên rừng phải được cấp có thẩm quyền cho phép và đúng quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Những vùng đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông - lâm - ngư nghiệp kết hợp thì thực hiện theo quy hoạch được duyệt, còn lại đất quy hoạch lâm nghiệp thì chủ yếu trồng rừng kinh tế, rừng nguyên liệu tập trung, không sản xuất nông lâm kết hợp. Việc sản xuất nông nghiệp chỉ thực hiện trên diện tích đã quy hoạch cho nông nghiệp.

- Chính sách về đất đai: Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất để trồng rừng nguyên liệu công nghiệp gắn với xây dựng nhà máy chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ; giá thuê đất được áp dụng giá thấp nhất trong khung giá các loại đất theo quy định.

- Chính sách về giao rừng, khoán bảo vệ rừng:

+ Người được giao, khoán rừng được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của Chính phủ. Ngoài các quyền lợi trên còn được hỗ trợ khi chưa có thu nhập từ rừng.

+ Đối với rừng phòng hộ và đặc dụng (chủ rừng Nhà nước):

Người nhận khoán bảo vệ rừng: Các hộ gia đình, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài sẽ được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; được hưởng các sản phẩm từ rừng, sản xuất nông lâm kết hợp; tham gia các họat động dịch vụ du lịch; được tận thu tận dụng gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ theo qui định để giảm dần và thay thế các hình thức khoán bằng tiền từ ngân sách Nhà nước cấp như hiện nay.

Người nhận khoán trồng rừng:

Được hưởng tiền công, tiền hỗ trợ đầu tư, cây giống theo quy định, được tiếp tục nhận quản lý bảo vệ rừng và được chia sản phẩm khi tỉa thưa nuôi dưỡng và khai thác chính.

Ưu tiên giao khoán cho hộ đồng bào thiểu số tại chỗ. Tùy theo điều kiện của mỗi địa phương vận dụng các hình thức giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn, bản, nhóm hộ, hộ gia đình. Khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác trong sản xuất lâm - nông, khoán bảo vệ rừng.

+ Đối với rừng sản xuất:

Đối với đồng bào dân tộc thuộc diện nghèo thiếu đất sản xuất, đồng bào dân tộc sống gắn liền với rừng ở các vùng sâu, vùng xa được giao mỗi hộ dưới 30 ha rừng sản xuất là rừng nghèo kiệt để trồng rừng. Thời hạn trồng rừng trong 3 năm, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần vốn, kỹ thuật để trồng rừng. Khuyến khích các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sống ở ven rừng tham gia trồng rừng sản xuất theo kế hoạch của địa phương. Cộng đồng thôn buôn, hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán quản lý bảo vệ rừng được sử dụng 5% (hoặc 10%) đất không có rừng thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất để sản xuất nông nghiệp kết hợp.

Những diện tích rừng sau khi khai thác trắng chủ rừng Nhà nước đầu tư trồng lại rừng bằng hình thức hợp đồng khoán cho hộ gia đình, cá nhân trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Ưu tiên cho hộ nghèo thiếu đất sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đời sống còn khó khăn.

Người nhận khoán bảo vệ rừng hình thức khoán bằng tiền từ ngân sách Nhà nước cấp sẽ chuyển sang thực hiện khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 của Chính phủ, hình thức hưởng lợi trực tiếp từ các giá trị tăng lên của rừng; lộ trình thực hiện đối với rừng sản xuất của các Ban Quản lý rừng, Công ty Lâm nghiệp đến hết năm 2015.

Trồng rừng: Đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có sản xuất nương rẫy trong rừng sản xuất; được giao, khoán đất lâm nghiệp không có rừng được hỗ trợ đầu tư cây giống theo quy định, công tác khuyến lâm; hỗ trợ gạo trong thời gian chưa có thu nhập từ rừng.

- Các chính sách liên quan đến tài chính, thuế, lệ phí:

+ Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng: Rừng đặc dụng và phòng hộ: cần ưu tiên xúc tiến mô hình “Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES)” thực hiện cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu phí môi trường rừng phòng hộ đầu nguồn đối với các công trình thủy điện, công trình nước sạch, dịch vụ du lịch.

+ Thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng: Nguồn thu của quỹ này được huy động từ nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cũng như thu tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ và có trách nhiệm thanh toán trực tiếp cho đối tượng được chi trả.

+ Chính sách về thuê đất, thuê rừng: Nhà đầu tư thuê rừng để sản xuất kinh doanh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tiến hành ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường và ký hợp đồng thuê rừng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các đơn vị chủ rừng Nhà nước (Công ty Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng...) được ủy quyền giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đối với các doanh nghiệp thuê rừng trong lâm phần do mình quản lý trước khi thu hồi rừng và đất lâm nghiệp để cho nhà đầu tư thuê.

+ Chính sách tài chính, thuế:

Thuế: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất, giao đất để thực hiện trồng rừng nguyên liệu được miễn, giảm thuế sử dụng đất theo quy định hiện hành.

Cơ chế tài chính: Bổ sung định mức về trồng rừng theo hướng thâm canh.

Điều 2: Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

1. Chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 đã được phê duyệt.

2. Căn cứ các nội dung phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt để hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Cục Trưởng Cục Thống kê; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; Giám đốc các Công ty Lâm nghiệp, Lâm trường; Trưởng các Ban Quản lý rừng; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa