Quyết định 347/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chương trình phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao
Số hiệu: | 347/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 22/02/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 04/03/2013 | Số công báo: | Từ số 133 đến số 134 |
Lĩnh vực: | Khoa học, công nghệ, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 347/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao (sau đây viết tắt là Chương trình) với những nội dung sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Đến năm 2015:
- Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, nâng cao chất lượng các dịch vụ.
- Nâng cao năng lực, hiệu quả, đổi mới công nghệ và đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghệ cao để đáp ứng khoảng 20 - 25% nhu cầu sản phẩm công nghệ cao thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước đồng thời đạt giá trị xuất khẩu khoảng 15% giá trị sản lượng.
- Hình thành, phát triển ít nhất 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
- Tập trung đầu tư sản xuất một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đạt tỷ lệ sản xuất trong nước trong các sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 40% về giá trị.
2. Đến năm 2020:
- Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo ra các dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.
- Nâng cao năng lực, hiệu quả, đổi mới công nghệ và đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghệ cao để đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sản phẩm công nghệ cao thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước đồng thời đạt giá trị xuất khẩu khoảng 25% giá trị sản lượng.
- Hình thành, phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
- Phát triển mạnh sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đạt tỷ lệ sản xuất trong nước trong các sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 50% về giá trị.
II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ, tổ chức xây dựng và triển khai các đề án, dự án làm chủ, thích nghi công nghệ cao; triển khai thực nghiệm nhằm tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; đầu tư sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, trong đó tập trung ứng dụng các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển vào các ngành công nghiệp được lựa chọn sau:
a) Ngành cơ khí chế tạo và tự động hóa
- Ứng dụng công nghệ thiết kế và sản xuất nhờ máy tính (CAD/CAM) trong chế tạo máy và thiết bị toàn bộ, máy động lực, máy nông nghiệp, máy và thiết bị xây dựng; máy và thiết bị điện, ô tô, tàu thủy, máy - thiết bị y tế.
- Làm chủ và ứng dụng công nghệ vật liệu mới, kỹ thuật laser, kỹ thuật đo lường chính xác tự động vào sản xuất và trang bị cho các nhà máy và thiết bị do Việt Nam sản xuất.
- Ứng dụng thiết bị cơ điện tử, các hệ thống điều khiển tự động hiện đại, thông minh vào các dây chuyền thiết bị đồng bộ trong ngành xây dựng, luyện kim, hóa chất, chế biến nông, lâm, thủy sản và giao thông vận tải.
- Thiết kế, chế tạo một số thiết bị tự động hóa, đo lường và xử lý thông tin, mô phỏng hệ thống, rô bốt để tự động hóa các quá trình sản xuất công nghiệp.
- Ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất sản phẩm điện tử; công nghệ cơ - điện tử trong tất cả các công đoạn sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế tạo các loại vật liệu điện tử có tiềm năng trong nước về nguyên liệu; công nghệ laser; công nghệ chế tạo linh kiện điện tử - bán dẫn (các loại mạch IC, chíp điện tử); công nghệ thiết kế và chế tạo các thiết bị đo lường; công nghệ chế tạo các thiết bị điện tử y - sinh.
b) Ngành năng lượng
- Làm chủ và ứng dụng công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị toàn bộ các nhà máy nhiệt điện và thủy điện công suất trung bình và lớn, thiết bị điều khiển và đo lường của hệ thống truyền tải và phân phối điện.
- Làm chủ và ứng dụng hệ thống đo lường, điều khiển thông minh nhằm tăng độ tin cậy và góp phần nâng cao hiệu suất của các nhà máy điện; độ tin cậy của hệ thống truyền tải, phân phối điện năng.
- Ứng dụng các công nghệ quan trắc hiện đại để vận hành hiệu quả và an toàn các hồ chứa, đập thủy điện...
- Làm chủ công nghệ, sản xuất thử nghiệm một số thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ khai thác năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió, khí sinh học, sinh khối, thủy điện nhỏ, địa nhiệt và nhiên liệu sinh học.
- Ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện năng; từng bước làm chủ công nghệ chế tạo các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
- Ứng dụng năng lượng hạt nhân, ứng dụng năng lượng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân phục vụ lĩnh vực công nghiệp, chế tạo thử nghiệm một số thiết bị bức xạ, kỹ thuật hạt nhân.
c) Ngành luyện kim - hóa chất
- Ứng dụng công nghệ hệ thống điều khiển tự động quá trình luyện kim từ nguyên liệu đầu vào tới sản phẩm hoàn chỉnh đầu ra; các phần mềm và các chương trình tích hợp để điều khiển quá trình; các thiết bị phục vụ điều chỉnh, kiểm soát tự động.
- Từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ chế tạo sơn chuyên dụng cao cấp thân thiện với môi trường, công nghệ chế tạo cao su kỹ thuật, cao su tổng hợp chuyên dụng cho chế tạo máy, điện, điện tử, quốc phòng, an ninh.
d) Ngành chế biến thực phẩm
- Tiếp cận, làm chủ và phát triển công nghệ để tạo ra các chủng vi sinh vật mới có chất lượng tốt, hiệu suất lên men cao và ổn định trong sản xuất ở quy mô công nghiệp.
- Làm chủ và hoàn thiện các quy trình công nghệ, thiết bị ứng dụng công nghệ enzym để sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hóa chất, nguyên liệu hóa dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng bảo đảm chất lượng ổn định và có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
- Ứng dụng các công nghệ sinh học để sản xuất thử nghiệm sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp các chế phẩm enzym, protein phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hóa chất, nguyên liệu hóa dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng.
- Ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các công nghệ enzym và protein đã được nghiên cứu, tạo ra trong nước hoặc nhập khẩu nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến.
- Chế tạo dây chuyền, thiết bị công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm.
đ) Ngành khai thác và chế biến khoáng sản
Ứng dụng công nghệ đo laser, công nghệ định vị toàn cầu (GPS), ảnh lập thể, ảnh hàng không và viễn thám trong công tác đo địa vật lý thăm dò, lập hình vẽ và bản đồ chính xác cao;
- Ứng dụng các phần mềm tích hợp, mô hình hóa dữ liệu, quan trắc và điều khiển các quá trình tự nhiên;
- Làm chủ và ứng dụng công nghệ than sạch, khí hóa than mặt đất, hóa lỏng than, sản xuất và sử dụng huyền phù than;
- Ứng dụng công nghệ điều khiển học, cơ giới hóa, tự động khai thác mỏ và tuyển chế biến khoáng sản; công nghệ khí hóa than hầm lò (UCG).
2. Nâng cao hiệu quả và phát triển một số dịch vụ ứng dụng công nghệ cao
Phát triển và nâng cao hiệu quả các dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao, bao gồm:
- Phát triển hoạt động thương mại ứng dụng công nghệ di động, các dịch vụ số hóa cung cấp thông qua các thiết bị đầu cuối di động.
- Phát triển các dịch vụ tích hợp dựa trên công nghệ cao.
- Ứng dụng công nghệ các hệ thống nhúng; nhận dạng chữ viết, tiếng nói, hình ảnh; mạng thế hệ sau, tính toán phân tán và tính toán hiệu năng cao, Internet Ipv6, Internet di động, công nghệ bảo đảm an ninh, an toàn mạng và bí mật thông tin ở mức cao trong thương mại điện tử.
- Hình thành và phát triển một số dịch vụ mới như dịch vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và truyền dữ liệu vệ tinh; dịch vụ xử lý ảnh vệ tinh; dịch vụ tính toán đám mây; dịch vụ ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu/công nghệ thông tin địa lý (GPS/GIS) trong hoạt động quản lý phương tiện; dịch vụ thiết kế và tích hợp hệ thống ứng dụng Web thế hệ mới, Internet IPv6; Internet di động.
- Ứng dụng công nghệ gen để nâng cao hiệu quả của dịch vụ xác định trình tự và giám định gen; dịch vụ thử nhanh phát hiện vi sinh vật nguy hại và độc tố.
3. Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao
Tổ chức xây dựng và triển khai các dự án, nhiệm vụ để hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể như sau:
a) Nâng cao năng lực, hiệu quả, đổi mới công nghệ và tập trung đầu tư có trọng điểm để đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao sau đây:
Công nghiệp công nghệ thông tin
Đầu tư sản xuất hệ điều hành máy tính cho máy tính chuyên dụng, hệ điều hành cho các thiết bị di động; các mạng lưới và hệ thống viễn thông trong hạ tầng viễn thông quốc gia; giao diện máy tính và thiết bị di động bằng ngôn ngữ tiếng Việt; phần mềm bảo đảm an ninh, an toàn mạng và bí mật thông tin ở mức cao; phần mềm điều khiển thiết bị đầu cuối 3G và mạng thế hệ sau; Soft phone và codecs hỗ trợ đa dịch vụ trên nền 3G và mạng thế hệ sau; phần mềm cho hệ thống ứng dụng công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến (RFID); phần mềm xử lý thông tin y - sinh; hệ dịch tự động văn bản đa ngôn ngữ; phần mềm nhận dạng chữ viết, hình ảnh và âm thanh, cử chỉ, chuyển động, ý nghĩ; phần mềm nền tảng chuyên dụng cho đo lường và điều khiển.
Công nghiệp sản xuất thiết bị tự động hóa:
- Hỗ trợ đầu tư các dự án chế tạo, lắp ráp máy điều khiển số; sản xuất, lắp ráp bộ điều khiển số cho các máy công cụ và máy gia công chế tạo; chế tạo, lắp ráp máy quang học y tế để sản xuất máy phẫu thuật khúc xạ laser; chế tạo, lắp ráp thiết bị chẩn đoán hình ảnh y tế để sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật số.
- Đầu tư sản xuất hệ thống thiết bị đo lường, cơ cấu chấp hành, bộ điều khiển và giám sát tự động cho các hệ thống thiết bị đồng bộ trong các nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy điện, nhà máy xi măng, dây chuyền sản xuất thực phẩm, dược phẩm; bộ biến đổi thông minh từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời; tấm pin mặt trời thông minh kết nối lưới điện và internet; thiết bị biến đổi điện tử công suất; chip chuyên dụng cho đo lường và điều khiển; hệ thống vi cơ điện tử (MEMS) và thiết bị sử dụng hệ thống vi cơ điện tử, hệ thống nano cơ điện tử; pin, ắc quy có hiệu năng cao cho các thiết bị thông tin và truyền thông; thẻ thông minh và đầu đọc thẻ thông minh; thiết bị in thẻ RFID và thiết bị đọc thẻ RFID; các thiết bị thu, phát và chuyển đổi sử dụng trong truyền hình số mặt đất và thông tin chuyên dụng cự ly ngắn.
Công nghiệp công nghệ sinh học
- Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ enzym, protein, vi sinh để sản xuất quy mô công nghiệp các axit amin, protein, axit hữu cơ, dung môi hữu cơ, chế phẩm vi sinh phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, nhiên liệu sinh học, thuốc chữa bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường.
- Đầu tư sản xuất vắc xin AND tái tổ hợp, vắc xin protein tái tổ hợp dùng cho người, gia súc, gia cầm và thủy sản; nhiên liệu sinh học được sản xuất bằng công nghệ sinh học từ tảo, phế phẩm nông nghiệp, chất thải.
Công nghiệp vật liệu mới
Đầu tư sản xuất vật liệu nano cho công nghiệp, nông nghiệp, y tế, sinh học và môi trường; nano compozit cho một số ngành công nghiệp; nhựa kỹ thuật có độ bền kéo và mô đun đàn hồi cao, bánh răng, hộp giảm tốc bằng nhựa kỹ thuật; thép hợp kim không gỉ, hợp kim bền nóng, chịu mài mòn và hợp kim đặc biệt; vật liệu siêu bền, siêu nhẹ trong xây dựng, đáp ứng các yêu cầu tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên.
b) Hình thành và phát triển các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao
Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu thích nghi, làm chủ, hoàn thiện và phát triển công nghệ nhập khẩu, công nghệ được chuyển giao; nghiên cứu về thiết kế của sản phẩm công nghệ cao, nguyên lý hoạt động của máy móc, thiết bị công nghệ cao; ứng dụng kết quả triển khai thực nghiệm để sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao trước khi đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp.
Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong việc nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, tiếp thị và quảng bá cho sản phẩm công nghệ cao.
- Hình thành mạng lưới phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu của thị trường, liên kết chuyên ngành về nghiên cứu - sản xuất - thị trường, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
- Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê về công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao; điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp cho từng giai đoạn; tình hình sản xuất, cung ứng các sản phẩm công nghệ cao trên thị trường.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nước ngoài đối với các sản phẩm công nghệ cao; xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam.
c) Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao
Xây dựng và triển khai các đề án, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao, trước hết tập trung sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển sau đây:
Linh kiện, phụ tùng
Đầu tư sản xuất các chi tiết cơ khí có độ chính xác cao và yêu cầu kỹ thuật đặc biệt; các loại khuôn mẫu có độ chính xác cao, khuôn đúc nhựa có độ chính xác cao; các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời; các cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng mới và năng lượng tái tạo; các loại chi tiết nhựa chất lượng cao
Vật liệu chế tạo
Ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án trọng điểm khai thác phát triển vật liệu điện tử, đất hiếm, các kim loại quý theo từng giai đoạn; sản xuất hóa chất cơ bản cho công nghiệp công nghệ sinh học, hóa chất chuyên dụng cho công nghiệp vật liệu mới; tập trung đầu tư sản xuất thép chế tạo, nhựa, composit, gốm... phục vụ công nghiệp sản xuất thiết bị tự động hóa và công nghiệp công nghệ thông tin.
Thiết bị và dịch vụ cho công nghiệp công nghệ cao
Phát triển hệ thống bảo trì sửa chữa máy móc, dịch vụ kiểm định tư vấn và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghệ cao.
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi
a) Các dự án, đề án, nhiệm vụ khác thuộc phạm vi của Chương trình được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật công nghệ cao và các quy định tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
b) Các dự án sản xuất thử nghiệm, sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc phạm vi Chương trình được ưu tiên xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí của các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư theo quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện các chương trình đó.
c) Các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp thụộc phạm vi của Chương trình được xem xét hỗ trợ kinh phí từ các quỹ khoa học và công nghệ đối với các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài.
2. Về tài chính
Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ, các quỹ khoa học và công nghệ, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
3. Về nâng cao nhận thức xã hội
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các thành tựu ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong các ngành công nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Xây dựng và phát sóng một số chương trình truyền hình chuyên đề khoa học chuyên sâu về các hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp và dịch vụ, phát triển công nghiệp công nghệ cao.
- Xây dựng và vận hành hiệu quả trang thông tin điện tử của Chương trình nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn và phục vụ quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp và dịch vụ, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao.
- Biên soạn các tài liệu, ấn phẩm về sản xuất sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp; phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình thành công trong nước và nước ngoài trên các báo, tạp chí chuyên ngành.
b) Tổ chức các diễn đàn chuyên đề về ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong các ngành công nghiệp.
c) Tổ chức thăm quan, khảo sát ở trong nước và nước ngoài, tập huấn cho các cán bộ quản lý hoạch định chính sách về hoạt động phát triển công nghiệp công nghệ cao ở trong nước và nước ngoài.
4. Về hội nhập và hợp tác quốc tế
a) Tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, đề án, dự án hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là với các nước phát triển, trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
b) Tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và các tổ chức tư vấn, dịch vụ thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp, hội thảo khoa học.
c) Hợp tác xây dựng chính sách, thể chế, tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực phát triển công nghiệp công nghệ cao.
d) Phối hợp với mạng lưới thử nghiệm của khu vực ASEAN và quốc tế để thử nghiệm các sản phẩm công nghệ cao.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
- Hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện của Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình.
- Phối hợp thực hiện Chương trình với các chương trình thành phần khác thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện.
- Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, điều chỉnh bổ sung nội dung của Chương trình khi cần thiết.
2. Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan của Chương trình.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan bố trí dự toán chi đầu tư thực hiện các nội dung của Chương trình, trình các cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan bố trí dự toán chi thường xuyên thực hiện các nội dung của Chương trình, trình các cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.
5. Các Bộ, ngành, địa phương:
- Căn cứ vào nội dung Chương trình và chức năng, thẩm quyền được phân công, phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện Chương trình.
- Lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình với các nhiệm vụ phát triển của ngành/địa phương, chương trình phát triển kinh tế xã hội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
Quyết định 2457/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 Ban hành: 31/12/2010 | Cập nhật: 11/01/2011
Quyết định 49/2010/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển Ban hành: 19/07/2010 | Cập nhật: 22/07/2010