Quyết định 346/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) giai đoạn 2013 - 2015
Số hiệu: 346/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Vũ Văn Ninh
Ngày ban hành: 22/02/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 346/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU TỔNG CÔNG TY GIẤY VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Hội đồng thành viên Tổng công ty Giấy Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) giai đoạn 2013 - 2015 với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

Bảo đảm Vinapaco có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh giấy, bột giấy, trồng và khai thác rừng nguyên liệu giấy; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vai trò nòng cốt trong ngành giấy Việt Nam; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh, quốc phòng nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

II. NỘI DUNG TÁI CƠ CẤU

1. Ngành, nghề kinh doanh:

a) Ngành, nghề kinh doanh chính: Sản xuất, kinh doanh giấy, bột giấy, các sản phẩm từ giấy; trồng và khai thác rừng nguyên liệu giấy.

b) Ngành, nghề kinh doanh có liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính:

- Sản xuất, kinh doanh gỗ rừng trồng;

- Sản xuất, kinh doanh điện, nước, hơi nước, vật tư, máy móc, thiết bị, hóa chất ngành giấy.

c) Các ngành, nghề kinh doanh khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

2. Vốn điều lệ của Tổng công ty Giấy Việt Nam: Do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính

3. Phân loại, sắp xếp các đơn vị thành viên hiện có của Tổng công ty Giấy Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015:

a) Duy trì Công ty mẹ - Vinapaco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các đơn vị phụ thuộc Công ty mẹ (20 đơn vị):

- Chi nhánh Tổng công ty Giấy Việt Nam tại Hà Nội;

- Chi nhánh Tổng công ty Giấy Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng;

- Chi nhánh Tổng công ty Giấy Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh;

- Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham;

- Công ty Lâm nghiệp Ngòi Sảo;

- Công ty Lâm nghiệp Vĩnh Hảo;

- Công ty Lâm nghiệp Tân Thành;

- Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên;

- Công ty Lâm nghiệp Tân Phong;

- Công ty Lâm nghiệp Đoan Hùng;

- Công ty Lâm nghiệp Thanh Hòa;

- Công ty Lâm nghiệp Sông Thao;

- Công ty Lâm nghiệp Yên Lập;

- Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn;

- Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài;

- Công ty Lâm nghiệp Tam Thắng;

- Công ty Lâm nghiệp Tam Thanh;

- Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch;

- Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc;

- Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh.

b) Duy trì doanh nghiệp do Công ty mẹ - Vinapaco giữ 100% vốn điều lệ: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nguyên liệu giấy miền Nam.

c) Doanh nghiệp do Công ty mẹ - Vinapaco nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ (09 doanh nghiệp):

- Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai;

- Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà;

- Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất;

- Công ty cổ phần In Phúc Yên;

- Công ty cổ phần Giấy Việt Trì;

- Công ty cổ phần Giấy Bãi Bằng;

- Công ty cổ phần Công đoàn Bãi Bằng;

- Công ty cổ phần Sắn Sơn Sơn;

- Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại Châu Giang Sóc Đăng.

d) Thực hiện cổ phần hóa, Công ty mẹ - Vinapaco giữ dưới 50% vốn điều lệ (04 doanh nghiệp):

- Công ty Vận tải và Chế biến lâm sản;

- Công ty Giấy Tissue Sông Đuống;

- Công ty Chế biến và Xuất nhập khẩu dăm mảnh;

- Công ty Thiết kế lâm nghiệp.

đ) Sáp nhập các công ty lâm nghiệp (04 doanh nghiệp):

- Sáp nhập Công ty lâm nghiệp Mộc Sơn vào Công ty lâm nghiệp Tam Sơn;

- Sáp nhập Công ty lâm nghiệp A Mai vào Công ty lâm nghiệp Yên Lập.

e) Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp (03 đơn vị):

- Chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 199/TTg-ĐMDN ngày 29 tháng 01 năm 2010 đối với: Viện Công nghệ Giấy và Xenluylô và Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy;

- Chuyển về Bộ Công Thương quản lý: Trường Cao đẳng Công nghệ giấy và Cơ điện.

4. Tái cơ cấu tài chính:

a) Thoái 100% vốn của Công ty mẹ - Vinapaco tại 09 doanh nghiệp:

- Công ty cổ phần May - Diêm Sài Gòn;

- Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư Việt Thái;

- Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Thọ;

- Công ty cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

- Công ty cổ phần Giấy Thanh Hóa;

- Công ty cổ phần Tân Mai Miền Đông;

- Công ty cổ phần Tân Mai Miền Trung;

- Công ty cổ phần Tân Mai Tây Nguyên;

- Công ty cổ phần Tân Mai Lâm Đồng.

b) Xử lý tồn tại tài chính:

- Đối với Dự án mở rộng Bãi Bằng giai đoạn II: Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết toán và xử lý tài chính của Dự án, báo cáo Bộ Công Thương theo từng nội dung xử lý cụ thể phù hợp với pháp luật hiện hành;

- Đối với Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam: Tổng công ty lập phương án tái cơ cấu báo cáo Bộ Công Thương giải quyết, trường hợp vượt thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp:

a) Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ

- Xây dựng, triển khai thực hiện các quy chế, quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện mục tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con, công ty liên kết theo quy định;

- Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn định mức chi phí cho tất cả các khâu: Trồng rừng nguyên liệu giấy, khai thác, sơ chế, tinh chế, quản lý, bán hàng các mặt hàng chủ yếu của Tổng công ty Giấy Việt Nam;

- Rà soát, phối hợp với các cơ quan chức năng để đo vẽ, lập bản đồ quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai của các đơn vị thành viên; hoàn tất các thủ tục pháp lý về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

b) Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành.

c) Hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, quy chế hoạt động của Kiểm soát viên, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.

d) Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ.

đ) Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

e) Kiện toàn tổ chức Đảng, đoàn thể trong Tổng công ty Giấy Việt Nam.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công Thương:

a) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này, định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời xử lý những vướng mắc nảy sinh hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

b) Quyết định việc điều chỉnh vốn điều lệ của Tổng công ty Giấy Việt Nam sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính.

c) Phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Giấy Việt Nam.

2. Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Khoản 1 Phần III Điều này.

3. Hội đồng thành viên Tổng công ty Giấy Việt Nam:

a) Triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 529/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2012.

b) Xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên phù hợp với nội dung Đề án này để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt. Việc sắp xếp cổ phần hóa các lâm trường quốc doanh sẽ được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi tổng kết Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.

c) Có lộ trình và phương án cụ thể đến hết năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn tại các doanh nghiệp được ghi tại Điểm a Khoản 4 Phần II Điều này. Chỉ đạo hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên theo Kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2012 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nghiên cứu, xem xét việc tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp được ghi tại Điểm c Khoản 3 Phần II Điều này vào thời điểm thích hợp.

d) Tập trung thực hiện tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp theo các nội dung nêu tại Khoản 5 Phần II Điều này.

đ) Phối hợp với các địa phương rà soát lại một số cơ sở nông, lâm trường hoặc công ty nông, lâm nghiệp tại một số địa bàn dự kiến làm vùng nguyên liệu cho nhà máy giấy. Nếu các dự án không triển khai, thực hiện được thì bàn giao lại đất cho địa phương quản lý, sử dụng.

e) Định kỳ hàng quý báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp kết quả thực hiện Đề án này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Giấy Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và PTDN;
- Tổng công ty Giấy Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTN, KTTH, PL, V.III;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Văn Ninh