Quyết định 3420/QĐ-UBND năm 2007 duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (giai đoạn 2006 - 2010) và định hướng đến năm 2015
Số hiệu: 3420/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ Người ký: Nguyễn Thị Kim Hải
Ngày ban hành: 20/12/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3420/QĐ-UBND

Việt Trì, ngày 20 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUI HOẠCH TỔNG THỂ CẤP NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH PHÚ THỌ (GIAI ĐOẠN 2001 - 2010) VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015

CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005, số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004, số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tờ trình số 792/TT-KH&ĐT ngày 30 tháng 11 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (giai đoạn 2006 - 2010) và định hướng đến năm 2015 như sau:

1. Tên: Quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Thọ (giai đoạn 2006 - 2010) và định hướng đến năm 2015.

2. Mục tiêu qui hoạch:

2.1. Mục tiêu chung:

- Làm cơ sở cho việc quản lý, chỉ đạo, triển khai thực hiện về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Cơ sở, định hướng cho việc lập kế hoạch và đầu tư.

- Định hướng cho việc quản lý, bảo vệ nguồn nước; quản lý và khai thác các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

+ Mục tiêu đạt được đến năm 2010:

- 85% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch với định mức 60 lít/người/ngày.

- 70% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.

- 70% số hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.

- 100% các nhà trẻ, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề (đặc biệt là các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm).

+ Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt được:

- 95% người dân nông thôn được dùng nước sạch.

- 85% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.

- Chấm dứt ô nhiễm môi trường ở các làng nghề.

3. Phạm vi quy hoạch: Bao gồm toàn bộ các vùng nông thôn trong tỉnh.

4. Phân vùng quy hoạch: Căn cứ điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội phân chia thành 3 vùng quy hoạch để lựa chọn phương án, công nghệ phù hợp là:

- Vùng đồng bằng: 68 xã, chiếm khoảng 10% diện tích toàn tỉnh.

- Vùng trung du: 130 xã, chiếm khoảng 40% diện tích toàn tỉnh.

- Vùng miền núi: 76 xã, chiếm khoảng 50% diện tích toàn tỉnh.

(Trong phân vùng quy hoạch có gắn với lưu vực sông để thuận tiện cho quản lý tài nguyên nước).

5. Quy hoạch các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn:

5.1. Về cấp nước sinh hoạt:

+ Tổng cộng người dân cần được cấp nước sạch là 169.238 người. (Trong đó đến năm 2010 là: 140.494 người; từ năm 2011 đến năm 2015 là: 28.789 người).

+ Thực hiện đầu tư xây dựng: Xây dựng mới 10.814 công trình cấp nước các loại; cải tạo 40 công trình cấp nước tập trung và 2.000 giếng đào có sẵn. Trong đó:

- Đến năm 2010 là: Xây dựng mới 5.794 công trình; cải tạo 20 công trình cấp nước tập trung và 2.000 giếng đào.

- Giai đoạn 2011 đến 2015 là: Xây dựng mới 5.020 công trình; cải tạo 20 công trình cấp nước tập trung.

5.2. Về vệ sinh môi trường: Thực hiện đầu tư xây dựng:

- Chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh: Xây dựng 58.600 công trình. (Trong đó đến năm 2010 là 47.700 công trình; giai đoạn từ năm 2011 - 2015 là 10.900 công trình).

- Nhà tiêu hợp vệ sinh: Xây dựng 113.511 công trình. (Trong đó đến năm 2010 là 93.286 công trình; từ năm 2011 - 2015 là 20.225 công trình).

- Bể chứa thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Xây dựng 1.250 công trình.

6. Về nhu cầu và nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch:

6.1. Tổng nhu cầu về vốn là: 974,418 tỷ đồng.

Trong đó thực hiện các nội dung:

- Truyền thông, vận động, tuyên truyền: 20,65 tỷ đồng (đến năm 2010 cần 10,05 tỷ đồng; từ năm 2011 - 2015 cần 10,60 tỷ đồng).

- Đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch: 308,968 tỷ đồng (đến năm 2010 cần 202,968 tỷ đồng; từ năm 2011 - 2015 cần 106,0 tỷ đồng).

- Đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh môi trường: 644,8 tỷ đồng (đến năm 2010 cần 524,634 tỷ đồng; từ năm 2011 - 2015 cần 120,166 tỷ đồng).

6.2. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách Nhà nước (gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài, vốn vay) và vốn đóng góp của nhân dân.

Cơ cấu nguồn vốn thực hiện như sau:

- Xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung: Vốn NSNN 80%; vốn đóng góp của nhân dân 20%.

- Xây dựng các công trình cấp nước, vệ sinh trường học: Vốn NSNN 80%; vốn đóng góp của nhân dân 20%..

- Xây dựng các công trình cấp nước, vệ sinh trạm y tế: Vốn NSNN 100%.

- Xây dựng các công trình cấp nước, vệ sinh chợ nông thôn: Vốn NSNN 50%; vốn đóng góp của nhân dân 50%.

- Xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh tại hộ gia đình: Vốn nhân dân tự huy động thực hiện 100%.

- Xây dựng các bể chứa, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Vốn nhân dân tự huy động thực hiện 100%.

7. Các giải pháp thực hiện:

7.1. Giải pháp về huy động vốn.

- Phát huy nội lực, tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự tham gia của người dân, các thành phần kinh tế - xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư.

- Tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn tín dụng ưu đãi để xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh môi trường.

7.2. Giải pháp về kỹ thuật, công nghệ.

- Áp dụng công nghệ phù hợp với từng vùng, ưu tiên việc sử dụng công nghệ tiên tiến đối với các thị trấn, thị tứ, vùng đông dân cư có kinh tế phát triển.

- Ưu tiên các công trình khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm.

- Đầu tư kinh phí cho: Công tác khảo sát, tìm nguồn nước ổn định cho các vùng đặc biệt khó khăn; tập huấn, đào tạo tuyên truyền viên; áp dụng thử nghiệm mang tính trình diễn và chuyển giao công nghệ đối với việc xây dựng các công trình vệ sinh nông thôn.

7.3. Giải pháp về cơ chế chính sách.

- Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách theo quy định và phù hợp với đặc tính từng vùng để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực hiện chương trình (về nguồn vốn đầu tư; quản lý, thực hiện đầu tư; khai thác sử dụng; đào tạo nguồn nhân lực v.v...).

7.4. Giải pháp về vận động và truyền thông.

- Xây dựng kế hoạch truyền thông có nội dung thích hợp và các hình thức truyền thông đa dạng, dễ hiểu, phù hợp với trình độ dân trí của từng vùng, từng địa phương cho từng nhóm đối tượng cần truyền thông. Thực hiện truyền thông trên quy mô rộng rãi, thường xuyên, liên tục.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông tới tận người dân, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia và đóng góp công sức, vốn để thực hiện chương trình.

Kết hợp phong trào xây dựng làng xã văn hóa với việc vận động tuyên truyền xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn, gắn tiêu chí việc được sử dụng nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường với tiêu chí làng, xã văn hóa.

- Kết giữa việc thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn với việc thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường bền vững của quốc gia.

8. Tổ chức thực hiện:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì trong việc tham mưu, quản lý, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện. Phối hợp với các sở quản lý chương trình chuyên ngành xây dựng các mô hình điểm, khai thác nguồn vốn và các nội dung liên quan để thực hiện.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chịu trách nhiệm cân đối, khai thác, lồng ghép nguồn vốn để thực hiện.

- Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động, hướng dẫn thực hiện chương trình.

- UBND các huyện, thành thị chịu trách nhiệm huy động nguồn lực địa phương và vận động nguồn vốn đóng góp của nhân dân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tại cấp cơ sở; quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện đầu tư và khai thác sử dụng.

9. Dự toán và nguồn vốn lập điều chỉnh qui hoạch:

+ Dự toán lập điều chỉnh qui hoạch: 507.171.000,0 đồng.

+ Nguồn vốn thực hiện: Vốn ngân sách Nhà nước (307.171.000,0 đồng); vốn tài trợ của Tổ chức Unicef (200.000.000,0 đồng).

10. Các nội dung cụ thể khác theo hồ sơ qui hoạch điều chỉnh đã được chỉnh sửa theo kết quả thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư trình duyệt.

Điều 2. Các nội dung liên quan khác giữ nguyên theo nội dung đã được phê duyệt tại Quyết định số 2376/QĐ-UB ngày 31/7/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Thọ; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Thọ và các ngành, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thực hiện.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Kim Hải