Quyết định 34/2017/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động hợp pháp từ cộng đồng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Số hiệu: | 34/2017/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hải Phòng | Người ký: | Nguyễn Văn Tùng |
Ngày ban hành: | 19/12/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, Tài chính, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2017/QĐ-UBND |
Hải Phòng, ngày 19 tháng 12 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 21 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Pháp lệnh ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Thông tư số 85/1999/TT-BTC ngày 07 tháng 7 năm 1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế tổ chức huy động, quản lý và xử lý các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn;
Căn cứ Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về thanh toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 64/TTr-KHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2017; Báo cáo thẩm định số 60/BCTĐ-STP ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động hợp pháp từ cộng đồng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2017.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố, Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã; chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HUY ĐỘNG HỢP PHÁP TỪ CỘNG ĐỒNG THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2017/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này áp dụng trong công tác quản lý, sử dụng các khoản đóng góp hợp pháp từ cộng đồng (bao gồm vốn đóng góp tự nguyện của nhân dân; vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước) để xây dựng, nâng cấp sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban nhân dân các xã, chủ đầu tư, nhân dân, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội liên quan trong quá trình quản lý, triển khai thực hiện chương trình, dự án các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn huy động
1. Các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội để đầu tư xây dựng các công trình phải được sử dụng đúng mục đích, huy động cho công trình nào phải đầu tư trực tiếp cho công trình đó.
2. Phương thức huy động, mức huy động do nhân dân bàn bạc và quyết định theo nguyên tắc tự nguyện, được Hội đồng nhân dân xã thông qua.
3. Việc quản lý, sử dụng vốn đảm bảo công khai, có sự tham gia giám sát của cộng đồng, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan.
LẬP KẾ HOẠCH HUY ĐỘNG VỐN TỪ CỘNG ĐỒNG THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
1. Danh mục dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn huy động hợp pháp từ cộng đồng được đề xuất đồng thời với quá trình lập Kế hoạch đầu tư trên địa bàn xã và được xây dựng, phê duyệt theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Thông tư số 01/2017/TT-BKHĐT ngày 14 tháng 02 năm 2017 về hướng dẫn quy trình lập Kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã.
2. Ủy ban nhân dân xã tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện danh mục dự án sử dụng vốn huy động hợp pháp từ cộng đồng cần hỗ trợ kinh phí từ ngân sách huyện, thành phố.
3. Ủy ban nhân dân huyện xem xét, cân đối bố trí kinh phí đối với hạng mục đầu tư xã đề nghị hỗ trợ từ nguồn ngân sách huyện.
4. Uỷ ban nhân dân huyện tổng hợp đăng ký danh mục các dự án đề nghị hỗ trợ từ ngân sách thành phố, gửi về cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia để tổng hợp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HUY ĐỘNG
Các khoản đóng góp tự nguyện và viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) để đầu tư cho các dự án đầu tư do xã quản lý được thực hiện như sau:
1. Trường hợp đóng góp bằng tiền:
a) Khi thu khoản đóng góp bằng tiền mặt phải có chứng từ theo quy định về kế toán ngân sách xã hiện hành.
b) Uỷ ban nhân dân xã thực hiện thu và nộp vào tài khoản Tiền gửi vốn đầu tư của ngân sách xã do xã quản lý mở tại Kho bạc nhà nước (nếu đóng góp bằng ngoại tệ thì ngoại tệ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ do Kho bạc nhà nước công bố hàng tháng).
2. Trường hợp đóng góp bằng hiện vật và công lao động:
a) Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật và công lao động tự nguyện của nhân dân: Ủy ban nhân dân xã hạch toán vào giá trị công trình, dự án để theo dõi, quản lý, không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.
b) Uỷ ban nhân dân xã thành lập Hội đồng xác định giá trị hiện vật (bằng tiền Việt Nam) để giao cho Chủ đầu tư quản lý; Hội đồng xác định giá trị hiện vật do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã quyết định thành lập; thành viên gồm đại diện Chính quyền, Đoàn thể trong xã và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
c) Căn cứ quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân thành phố về giá đất, giá bồi thường các công trình kiến trúc cây cối, hoa màu; giá cả vật tư; giá trị ngày công lao động tại địa phương (tại thời điểm góp), Hội đồng xác định giá trị đóng góp của dân và công khai cho nhân dân nơi có dự án biết để thống nhất đưa vào giá trị công trình, được thể hiện trong hồ sơ quyết toán công trình.
d) Nguồn thu và tổng kinh phí có được cho dự án đó phải được niêm yết công khai bằng danh sách của từng đối tượng đóng góp bằng tiền, bằng hiện vật, ngày công lao động đã được quy đổi thành đồng tiền Việt Nam tại trụ sở thôn hoặc Uỷ ban nhân dân xã.
Điều 6. Quản lý và sử dụng vốn huy động
1. Các khoản đóng góp của nhân dân và các nguồn khác đầu tư cho dự án phải thực hiện đúng chế độ quy định. Kế toán xã phải mở sổ kế toán để phản ánh và hạch toán quá trình thu, sử dụng các khoản đóng góp, tính toán chính xác số chênh lệch thu - chi (nếu có).
2. Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, Chủ đầu tư lập và trình duyệt quyết toán theo quy định và báo cáo tình hình thu, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân và các nguồn huy động khác cho dự án để công khai cho nhân dân biết. Sau 15 ngày kể từ ngày quyết toán công trình được phê duyệt, Uỷ ban nhân dân xã lập báo cáo tình hình thu, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân gửi Uỷ ban nhân dân huyện, đồng thời trình ra Hội đồng nhân dân xã trong kỳ họp gần nhất.
3. Trong trường hợp có chênh lệch thu - chi, Uỷ ban nhân dân xã phối hợp với Mặt trận tổ quốc, đại diện các tổ chức quần chúng tổ chức họp dân để bàn bạc và thống nhất quyết định xử lý phần chênh lệch.
Điều 7. Nhận tặng 100% giá trị công trình từ các tổ chức, cá nhân
1. Ủy ban nhân dân xã được phép tiếp nhận công trình thuộc thẩm quyền quản lý do tổ chức, cá nhân xây tặng.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã:
a) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân tặng 100% giá trị công trình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và pháp luật liên quan. Xem xét sự phù hợp của các nội dung xây dựng công trình, bao gồm: tên công trình, quy mô xây dựng, thiết kế, hình thức thi công, thời gian thực hiện, tổng kinh phí, nguồn kinh phí, các điều kiện để triển khai thi công (diện tích sử dụng đất, giải pháp thi công, an toàn xây dựng, phương án giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường…).
Trường hợp cần thiết, có thể xin ý kiến cơ quan chuyên môn cấp huyện cho ý kiến về thiết kế công trình, các điều kiện để triển khai công trình trước khi cho phép tổ chức, cá nhân triển khai thi công.
b) Kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân xây dựng công trình theo phương án đã được phê duyệt, đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành; tiếp nhận công trình để quản lý.
3. Tổ chức, cá nhân tặng công trình có trách nhiệm triển khai đầu tư xây dựng công trình, đảm bảo quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật hiện hành; bàn giao cho Ủy ban nhân dân xã quản lý sau khi công trình hoàn thành.
Điều 8. Điều kiện để triển khai thi công
1. Hoàn thành thủ tục các dự án theo quy định hiện hành.
2. Người dân, tổ chức, cá nhân đã đóng góp 100% số tiền và hiện vật đã cam kết theo kế hoạch.
3. Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo quy định.
1. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại địa phương có trách nhiệm giám sát quá trình sử dụng vốn, cụ thể:
a) Thực hiện giám sát toàn diện các khâu trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí; giám sát quá trình thi công xây lắp, nghiệm thu xác nhận sự cố hoặc phát sinh của công trình (nếu có), xử lý kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng của công trình; bàn giao và quyết toán công trình đúng theo quy định.
b) Phát hiện và thông báo kịp thời cho cấp có thẩm quyền để xử lý đối với những vi phạm trong quá trình tổ chức huy động, quản lý các khoản đóng góp để xây dựng công trình và quá trình thi công, số lượng, chất lượng công trình.
2. Trường hợp những công trình yêu cầu cao về kỹ thuật, vượt quá khả năng của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thì Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có ý kiến bằng văn bản để Chủ đầu tư thuê đơn vị có chức năng giám sát thực hiện nhiệm vụ giám sát kỹ thuật công trình, mức kinh phí thuê tư vấn giám sát theo quy định hiện hành. Nội dung giám sát về sử dụng vốn vẫn thuộc trách nhiệm giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Điều 10. Thủ tục đầu tư công trình
1. Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và quy định hiện hành.
2. Chỉ phê duyệt đầu tư xây dựng công trình khi xác định rõ nguồn vốn, người dân cam kết đảm bảo đóng góp đầy đủ vốn đối ứng.
3. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng: Lựa chọn theo hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng (lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ tại địa phương nơi có gói thầu thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu) hoặc lựa chọn nhà thầu theo quy định hiện hành của Luật Đấu thầu.
Điều 11. Chế độ báo cáo, kiểm tra
1. Ủy ban nhân dân xã báo cáo kết quả huy động tài chính, tiến độ thực hiện dự án 6 tháng, hàng năm (hoặc đột xuất theo yêu cầu) về Ủy ban nhân dân huyện để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra đôn đốc thực hiện.
2. Ủy ban nhân dân huyện:
a) Thường xuyên rà soát kiểm tra, giám sát tình hình huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động triển khai thực hiện các dự án, chấn chỉnh kịp thời những sai sót; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo cấp trên để xử lý kịp thời.
b) Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện của các xã trên địa bàn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố định kỳ 6 tháng, hàng năm (hoặc đột xuất theo yêu cầu).
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở quản lý xây dựng chuyên ngành tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về huy động, quản lý, sử dụng vốn huy động hợp pháp từ cộng đồng tại địa phương theo quy định./.
Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2020 về Danh mục bí mật nhà nước của Đảng Ban hành: 03/11/2020 | Cập nhật: 03/11/2020
Thông tư 349/2016/TT-BTC quy định về thanh toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 Ban hành: 30/12/2016 | Cập nhật: 30/12/2016
Nghị định 161/2016/NĐ-CP Cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 Ban hành: 02/12/2016 | Cập nhật: 07/12/2016
Quyết định 41/2016/QĐ-TTg Quy chế quản lý, điều hành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Ban hành: 10/10/2016 | Cập nhật: 12/10/2016
Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 Ban hành: 02/09/2016 | Cập nhật: 06/09/2016
Quyết định 1600/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 Ban hành: 16/08/2016 | Cập nhật: 22/08/2016
Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2014 về Ngày Âm nhạc Việt Nam Ban hành: 26/09/2014 | Cập nhật: 27/09/2014
Thông tư 28/2012/TT-BTC quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn Ban hành: 24/02/2012 | Cập nhật: 23/03/2012
Quyết định 1600/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt điều chỉnh mức vay làm nhà ở và mua trả chậm nền nhà ở trong các cụm tuyến dân cư thuộc chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long Ban hành: 15/10/2009 | Cập nhật: 19/10/2009
Quyết định 1600/QĐ-TTg bổ sung dự toán ngân sách năm 2008 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ban hành: 07/11/2008 | Cập nhật: 15/11/2008