Quyết định 34/2014/QĐ-UBND về quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội
Số hiệu: 34/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Văn Sửu
Ngày ban hành: 15/08/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tài chính, Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 34/2014/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ THANH TOÁN, KINH PHÍ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG DO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

Căn cứ Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 07/10/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp;

Căn cứ Công văn số 338/HĐND-KTNS ngày 23/7/2014 của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị tại Tờ trình số 3020/TTrLS: TC-GTVT ngày 4/6/2014 của liên Sở: Sở Tài chính - Sở Giao thông vận tải, Báo cáo thẩm định số 1322/STP-VBPQ ngày 27/5/2014 của Sở Tư pháp, Báo cáo số 4803/STC-GTĐT ngày 07/8/2014 của Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND ngày 16/02/2009 của UBND Thành phố về quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Tài chính, Giao thông vận tải; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT: Thành ủy, HĐND TP;
- Chủ tịch UBNDTP;
- Các PCT UBND TP;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TP;
- Trung tâm TH công báo TP;
- VPUB: các PCVP, TH, GT, NC, KT;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG DO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND ngày 45/8/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định về quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông (viết tắt TTATGT) do ngân sách nhà nước cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các nội dung khác không quy định ở văn bản này thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 07/10/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp và các văn bản quy định hiện hành khác.

2. Đối tượng áp dụng: các tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố, gồm: Thanh tra Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông Thành phố và lực lượng trực tiếp, phối hợp khác tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông thuộc UBND Thành phố.

Riêng lực lượng Công an Thành phố: căn cứ nhiệm vụ chính trị địa phương giao bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tùy theo khả năng cân đối ngân sách, ngân sách địa phương xem xét, hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 2. Nội dung chi bảo đảm TTATGT trên địa bàn Thành phố Hà Nội (Điều 3 Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 07/10/2013 của Bộ Tài chính)

1. Nội dung chi của Thanh tra Giao thông vận tải:

- Chi xây dựng kế hoạch và biện pháp phối hợp các Sở, ban, ngành và chính quyền các cấp trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông;

- Chi xây dựng các chương trình, đề án về bảo đảm TTATGT; nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm TTATGT;

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT;

- Chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc phối hợp hoạt động của các ngành, các tổ chức và các đoàn thể trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn;

- Chi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT;

- Chi khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo đảm TTATGT theo quy định của pháp luật;

- Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn hoặc gia đình cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT;

- Chi hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác bảo đảm TTATGT;

- Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ theo quy định hiện hành;

- Chi khác trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.

2. Nội dung chi của Ban An toàn giao thông Thành phố:

Ban An toàn giao thông Thành phố được chi theo các nội dung chi quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung chi sau:

- Chi khắc phục sự cố đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông;

- Chi thăm hỏi gia đình nạn nhân bị chết trong các vụ tai nạn giao thông hoặc nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 3. Mức chi bảo đảm TTATGT (Điều 4 Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 07/10/2013 của Bộ Tài chính)

1. Mức chi cho công tác bảo đảm TTATGT thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Một số mức chi quy định như sau:

a) Chi bồi dưỡng cho cán bộ trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT ban đêm: 100.000 đồng/người/ca.

b) Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn hoặc gia đình của cán bộ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT:

- Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn: 2.000.000 đồng/người. Mức độ bị thương, tai nạn do Thủ trưởng đơn vị được giao dự toán xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Chi hỗ trợ ban đầu cho gia đình cán bộ hy sinh: 5.000.000 đồng/người.

c) Chi thăm hỏi gia đình nạn nhân bị chết trong các vụ tai nạn giao thông hoặc nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng:

- Chi thăm hỏi gia đình nạn nhân bị chết: 2.000.000 đồng/gia đình.

- Chi thăm hỏi nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn: 1.000.000 đồng/người. Nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn là thành viên trong gia đình hộ nghèo, cận nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, hộ có lao động chính ốm đau thường xuyên và có mức sống thấp hơn mức trung bình ở nơi cư trú.

- Chi thăm hỏi nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng: 1.000.000 đồng/người. Việc xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện theo quy định tại khoản 4, 5 và 6 điều 5 Thông tư số 58/2009/TT-BCA(C11) ngày 28/10/2009 của Bộ Công an quy định và hướng dẫn thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông đường bộ.

d) Chi khác bảo đảm TTATGT

- Chi bồi dưỡng cán bộ trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT (Thanh tra giao thông): 1.000.000 đồng/người/tháng. Số lượng, đối tượng tham gia trực tiếp do Thủ trưởng đơn vị được giao dự toán phân công, tự chịu trách nhiệm.

- Chi bồi dưỡng cho thành viên của Ban An toàn giao thông Thành phố: 700.000 đồng/người/tháng.

- Chi bồi dưỡng cho tổ giúp việc của Ban An toàn giao thông Thành phố: 500.000 đồng/người/tháng.

- Chi bồi dưỡng cho cán bộ, lực lượng khác thuộc các tổ chức, đơn vị của Thành phố tham gia trực tiếp, phối hợp giữ gìn TTATGT: 50.000 đồng/người/ca.

Điều 4. Lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm TTATGT (Điều 5 Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 07/10/2013 của Bộ Tài chính)

Việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm TTATGT thực hiện theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

1. Lập dự toán:

Hàng năm, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chỉ thị của UBND Thành phố về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước của Sở Tài chính, tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm báo cáo, yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm kế hoạch, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và mức chi quy định tại Điều 3 quy định này, Sở Giao thông vận tải lập dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT (bao gồm cả Ban An toàn giao thông Thành phố), gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm báo cáo UBND Thành phố để trình HĐND Thành phố theo quy định.

2. Quản lý, cấp phát và thanh toán:

Việc quản lý, cấp phát và thanh toán kinh phí sự nghiệp kinh tế bảo đảm TTATGT thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước và hướng dẫn của Sở Tài chính về tổ chức thực hiện dự toán hàng năm.

3. Quyết toán kinh phí:

Các đơn vị được giao dự toán kinh phí sự nghiệp kinh tế bảo đảm TTATGT có trách nhiệm quyết toán theo quy định. Việc xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp.

Điều 5. Điều khoản thi hành

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị có trách nhiệm phản ánh kịp thời về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.