Quyết định 34/2008/QĐ-UBND quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Số hiệu: | 34/2008/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Nai | Người ký: | Võ Văn Một |
Ngày ban hành: | 28/04/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2008/QĐ-UBND |
Biên Hòa, ngày 28 tháng 4 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TỔ CHỨC CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ LONG KHÁNH, THÀNH PHỐ BIÊN HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về việc Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
Được sự chấp thuận của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai tại Văn bản số 94/HĐND-VP ngày 31/3/2008 về việc nhất trí về mô hình tổ chức 02 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom và Long Thành;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 398/TTr-SNV ngày 10 tháng 4 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Các cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai.
2. Phòng Tư pháp: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; chứng thực; hộ tịch; trợ giúp pháp lý; hòa giải ở cơ sở và các công tác tư pháp khác.
3. Phòng Tài chính - Kế hoạch: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực: Tài chính, tài sản; kế hoạch và đầu tư; đăng ký kinh doanh; tổng hợp, thống nhất quản lý về kinh tế hợp tác xã, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân.
4. Phòng Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Tài nguyên đất; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; khí tượng, thủy văn; đo đạc, bản đồ.
5. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực: Lao động; việc làm; dạy nghề; tiền lương; tiền công; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; an toàn lao động; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội; bình đẳng giới.
6. Phòng Văn hóa và Thông tin: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao; du lịch; bưu chính, viễn thông và Internet; công nghệ thông tin, hạ tầng thông tin; phát thanh; báo chí; xuất bản.
7. Phòng Giáo dục và Đào tạo: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bao gồm: Mục tiêu, chương trình và nội dung giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo và tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em; quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.
8. Phòng Y tế: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, gồm: Y tế cơ sở; y tế dự phòng; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người; mỹ phẩm; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; trang thiết bị y tế; dân số.
9. Thanh tra huyện: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
10. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân: Tham mưu tổng hợp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện về hoạt động của Ủy ban nhân dân; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân về chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; cung cấp thông tin phục vụ quản lý và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan Nhà nước ở địa phương; đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Điều 2. Các cơ quan chuyên môn được tổ chức phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính cấp huyện.
1. Đối với các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất, Vĩnh Cửu:
a) Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Nông nghiệp; lâm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại nông thôn, kinh tế hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn xã.
b) Phòng Công thương: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; thương mại; xây dựng; phát triển đô thị; kiến trúc, quy hoạch xây dựng; vật liệu xây dựng; nhà ở và công sở; hạ tầng kỹ thuật đô thị (gồm: Cấp, thoát nước; vệ sinh môi trường đô thị; công viên, cây xanh; chiếu sáng; rác thải; bến, bãi đỗ xe đô thị); giao thông; khoa học và công nghệ.
2. Đối với huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa:
a) Phòng Kinh tế: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp; lâm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phát triển nông thôn; tiểu thủ công nghiệp; khoa học và công nghệ; công nghiệp; thương mại.
b) Phòng Quản lý Đô thị: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kiến trúc; quy hoạch xây dựng; phát triển đô thị; nhà ở và công sở; vật liệu xây dựng; giao thông; hạ tầng kỹ thuật đô thị (gồm: Cấp, thoát nước; vệ sinh môi trường đô thị; công viên, cây xanh; chiếu sáng; rác thải; bến, bãi đỗ xe đô thị).
Điều 3. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của UBND cấp huyện và theo quy định của pháp luật; góp phần bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác ở địa phương.
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
1. Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định, chỉ thị; quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao.
2. Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý được giao.
3. Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đăng ký, cấp các loại giấy phép thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật và theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý Nhà nước đối với tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, các hội và tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên địa bàn thuộc các lĩnh vực quản lý của cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật.
5. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực quản lý của cơ quan chuyên môn cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
6. Tổ chức ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý Nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp huyện.
7. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở quản lý ngành, lĩnh vực.
8. Kiểm tra theo ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
9. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện chế độ, chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của cơ quan chuyên môn cấp huyện theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
10. Quản lý tài chính, tài sản của cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
11. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 5. UBND cấp huyện quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp mình theo quy định tại Điều 4 Quyết định này.
Điều 6. Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo tiêu chuẩn, chức danh do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định (tiêu chuẩn, chức danh và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra cấp huyện thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra).
Điều 7. Giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện; tách phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội thành phòng Nội vụ và phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội; đổi tên phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao thành phòng Văn hóa và Thông tin; Giải thể phòng Kinh tế, phòng Hạ tầng Kinh tế đối với các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất, Vĩnh Cửu;
Giải thể phòng Thương mại Dịch vụ và Du lịch thuộc UBND thành phố Biên Hòa; Giải thể phòng Hạ tầng Kinh tế đối với huyện Trảng Bom, Long Thành, để sắp xếp thành các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 1 của Quyết định này.
Điều 8. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định sau:
1. Quyết định số 6861/2004/QĐ.UBT ngày 28/12/2004 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Biên Hòa;
2. Quyết định số 6860/2004/QĐ.UBT ngày 28/12/2004 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thị xã Long Khánh;
3. Quyết định số 6859/2004/QĐ.UBT ngày 28/12/2004 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Long Thành;
4. Quyết định số 6858/2004/QĐ.UBT ngày 28/12/2004 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Nhơn Trạch;
5. Quyết định số 6857/2004/QĐ.UBT ngày 28/12/2004 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Định Quán;
6. Quyết định số 6856/2004/QĐ.UBT ngày 28/12/2004 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Tân Phú;
7. Quyết định số 6855/2004/QĐ.UBT ngày 28/12/2004 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Vĩnh Cửu;
8. Quyết định số 6854/2004/QĐ.UBT ngày 28/12/2004 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Thống Nhất;
9. Quyết định số 6853/2004/QĐ.UBT ngày 28/12/2004 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Trảng Bom;
10. Quyết định số 6852/2004/QĐ.UBT ngày 28/12/2004 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Xuân Lộc;
11. Quyết định số 6851/2004/QĐ.UBT ngày 28/12/2004 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Cẩm Mỹ;
Điều 9. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Nghị định 14/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Ban hành: 04/02/2008 | Cập nhật: 13/02/2008