Quyết định 3332/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Bình Định
Số hiệu: 3332/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Trần Châu
Ngày ban hành: 08/09/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3332/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 08 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM”, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 05/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát;

Căn cứ Văn bản số 4914/BNN-VPĐP ngày 15/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2644/TTr-SNN ngày 25/7/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Bình Định.

Phạm vi thực hiện: 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện Đề án, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Châu

 

ĐỀ CƯƠNG

ĐỀ ÁN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3332/QĐ-UBND ngày 08/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

1. Tên Đề án: Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Bình Định (gọi tắt là Chương trình OCOP tỉnh Bình Định).

2. Cơ quan chủ trì thực hiện: Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 đến năm 2020.

5. Phạm vi thực hiện: 11 huyện, thị xã, thành phố.

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM

I. TÌNH HÌNH NÔNG THÔN BÌNH ĐỊNH SAU 06 NĂM (2011 - 2016) TRIỂN KHAI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

1. Tổng hợp những vấn đề cơ bản về khu vực nông thôn Bình Định đến cuối năm 2016

Khu vực nông thôn Bình Định có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là khu vực giữ sự cân bằng về hệ sinh thái và xã hội, là nơi sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, nơi có các nghề thủ công truyền thống, nơi có nguồn lực lao động ban đầu. Theo thống kê, đến cuối năm 2016, dân số khu vực nông thôn Bình Định là 1.025 triệu người, chiếm 66,5% dân số cả tỉnh. Lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực nông thôn, chiếm 66,3% lao động toàn tỉnh.

2. Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2016

Giai đoạn 2011 - 2016, số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh là 38 xã (chiếm 31,1%); số xã đạt 15-18 tiêu chí: 28 xã (chiếm 22,9%); số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí: 47 xã (chiếm 38,4%); số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí: 9 xã (chiếm 7,4%). Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của toàn tỉnh là 14,1 tiêu chí/xã. Mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 26,78 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn 11,85% (đánh giá theo tỷ lệ chuẩn nghèo đa chiều).

Phân tích tình hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh: Chương trình xây dựng nông thôn mới đang triển khai hiện nay đã mở ra hướng phát triển kinh tế đa dạng dựa vào lợi thế của từng vùng, miền theo hướng tăng giá trị gia tăng. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện (2011 - 2016) sự chuyển biến phát triển kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh còn chưa cao, do việc xác định sản phẩm lợi thế (trong từng lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, và cả dịch vụ), cũng như công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, mô hình sản xuất kinh tế hộ còn chiếm tỷ lệ cao, mô hình sản xuất tiên tiến (doanh nghiệp, hợp tác xã) còn hạn chế cả số lượng và chất lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo (theo sản phẩm lợi thế) và năng suất lao động khu vực nông thôn đạt thấp; công tác QLNN còn yếu về định hướng, quy hoạch sản xuất, cơ chế chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường, chất lượng đội ngũ cán bộ,.. Các chương trình, dự án hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ bên ngoài thiếu sự liên kết giữa các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân, chưa tận dụng hết tài nguyên trong khu vực (nguyên liệu, lao động, văn hóa,.), người dân chưa chú trọng phát triển sản phẩm truyền thống có lợi thế, nhiều dự án khi rút đi nông dân chưa đủ điều kiện (về trình độ, về năng lực tài chính) để tiếp cận và làm chủ để phát triển tiếp.

Sự chuyển biến phát triển kinh tế chậm, không đồng đều, cùng các vấn đề về ô nhiễm môi trường, sự dịch chuyển lao động trẻ có trình độ từ nông thôn ra thành thị làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của tỉnh cũng như tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

3. Yêu cầu nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Với tinh thần, chủ trương cả một quốc gia khởi nghiệp theo phát động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cần có sự khởi nghiệp của cả đội ngũ nông dân đông đảo hiện nay nhưng cần có sự tổ chức khoa học với sự chỉ đạo, hỗ trợ, dẫn dắt của Nhà nước để nông dân đứng trong tổ chức kinh tế của chính họ (là các doanh nghiệp, các hợp tác xã) để nông dân thực sự làm chủ, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế từ những lợi thế của mỗi địa phương trong cả nước.

Ngày 02/3/2017, tại Hội nghị “Phát triển Mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong phạm vi toàn quốc nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đồng thời thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Từ những thực tiễn nêu trên cho thấy tỉnh Bình Định cần phải triển khai Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên phạm vi toàn tỉnh.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Quyết định số 2683/QĐ-UBND ngày 03/8/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Phần thứ hai

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ KHU VỰC NÔNG THÔN THÔNG QUA PHONG TRÀO “MỖI LÀNG MỘT SẢN PHẨM” VÀ TRIỂN KHAI Ở BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2005 - 2016

I. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ KHU VỰC NÔNG THÔN

1. Phong trào Mỗi làng một sản phẩm OVOP của Nhật Bản.

2. Chương trình Mỗi cộng đồng một sản phẩm OTOP của Thái Lan.

3. Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh”, giai đoạn 2017 - 2020.

II. VẬN DỤNG VÀ THỰC HIỆN PHONG TRÀO MỖI LÀNG MỘT SẢN PHẨM TẠI BÌNH ĐỊNH, GIAI ĐOẠN 2005 - 2016

1. Kết quả thực hiện Đề án “Mỗi làng một nghề” (MLMN) giai đoạn 2005 - 2016 tại Bình Định sau 10 năm thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

2. Bài học kinh nghiệm thực tiễn từ Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm, giai đoạn 2013 - 2016 của tỉnh Quảng Ninh.

3. Hiện trạng về sản phẩm nông nghiệp lợi thế và các sản phẩm đặc sản của Bình Định (theo kết quả điều tra của Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện trong tháng 7/2017).

III. THÔNG TIN DỰ BÁO, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM

Yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thủ công trong bối cảnh toàn cầu hóa và việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phần thứ ba

MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ NGUYÊN TẮC CỦA CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế so sánh của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu.

- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH OCOP TỈNH BÌNH ĐỊNH

1. Phạm vi thực hiện

- Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

- Khu vực nông thôn của tỉnh Bình Định; cụ thể là cấp xã làm đơn vị tổ chức thực hiện, khuyến khích thực hiện Chương trình cả ở khu vực đô thị (phường, thị trấn).

2. Đối tượng thực hiện, bao gồm

a. Sản phẩm: Gồm sản phẩm (hàng hóa) và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ Bình Định, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản của từng địa phương, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, tri thức và công nghệ địa phương.

b. Chủ thể thực hiện: Lấy chủ thể kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể làm nòng cốt, cụ thể là các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nòng cốt cùng với Tổ hợp tác, hộ sản xuất.

3. Nguyên tắc thực hiện: Tuân thủ 3 nguyên tắc của OVOP:

a. Hành động địa phương hướng đến toàn cầu

b. Tự lực, tự tin và sáng tạo

c. Đào tạo nguồn nhân lực

- Hành động địa phương hướng đến toàn cầu: Sản phẩm được chấp nhận ở cấp độ toàn cầu phản ánh niềm tự hào của văn hóa địa phương, đây là điểm mạnh để cạnh tranh. Để gia nhập vào thị trường thế giới, các sản phẩm cần được cải tiến, thiết kế lại cho phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Do vậy luôn yêu cầu cải tiến các công nghệ truyền thống để tạo ra các sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận.

- Tự lực, tự tin và sáng tạo: Khi tự lực, tự tin và sáng tạo người dân sẽ có cách hành động phù hợp trong lựa chọn sản phẩm của địa phương mình và tổ chức sản xuất chúng một cách hiệu quả nhất. Nói cách khác chính sự độc lập lại kích thích tính sáng tạo phát triển một cách tối đa trong cộng đồng dân cư khi tham gia Chương trình.

- Nguồn nhân lực, đặc biệt là lớp trẻ, là chìa khóa quan trọng để phát triển nông thôn. Khi lớp trẻ địa phương có động lực, được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết, thì việc phát triển nông thôn của khu vực đó sẽ đem lại hiệu quả.

Phần thứ tư

NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM I. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHU TRÌNH OCOP

Chu trình OCOP được thực hiện theo 06 bước (theo sơ đồ):

Chu trình OCOP được thực hiện theo 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm” (đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, của các DN vừa và nhỏ, HTX). Trong đó quan trọng là bước thi đánh giá chất lượng sản phẩm.

II. PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM, DỊCH VỤ OCOP THEO 06 NHÓM

1. Thực phẩm (Food):

Nông sản tươi sống ( Rau, quả tươi (rau, quả như xoài, dứa, bưởi, chuối, quả có múi,…); Mật ong); Sản phẩm thô và sơ chế (dùng để chế biến các sản phẩm như: Cá đông lạnh, xúc xích, thịt hun khói,… như gạo, thịt tươi, thủy sản tươi); Thực phẩm tiện lợi, gồm: Đồ ăn nhanh, Tương, tương ớt, nước mắm,…, Chế biến từ rau, quả, Chế biến từ thịt, trứng, sữa, Chế biến từ thủy sản, Chế biến từ gạo và ngũ cốc.

2. Đồ uống (Drink):

Gồm đồ uống có cồn (rượu ngâm ủ, rượu chưng cất, rượu vang, …); Đồ uống không cồn (nước trái cây, trà thảo dược, bột quả, bột gừng, trà, trà thảo dược, sữa đậu nành, sản phẩm lên men,…).

3. Thảo dược (Herbal):

Gồm các sản phẩm có thành phần từ thảo dược như thuốc YHCT, thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, mỹ phẩm từ thảo dược, chế phẩm xua đuổi/diệt trừ côn trùng...

4. Vải và may mặc (Fabric):

Gồm các sản phẩm làm từ bông, sợi.

5. Lưu niệm - nội thất - trang trí (Derco):

Gồm các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may,... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng, đồ dùng nhà bếp, đồ nội thất, trang trí các tòa nhà…

6. Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (Service):

Gồm các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, giải trí, học tập, nghiên cứu,...

III. SƠ ĐỒ CHƯƠNG TRÌNH OCOP

IV. HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, THỐNG KÊ, KIỂM SOÁT

1. Bộ Tiêu chí Đánh giá và xếp hạng sản phẩm.

2. Hệ thống cơ sở dữ liệu cấp tỉnh Chương trình OCOP (Nhằm có dữ liệu phân loại cấp độ sản phẩm cấp huyện/xã).

3. Phần mềm quản lý sản phẩm, thông qua Hệ thống tem điện tử thông minh.

4. Hệ thống báo cáo theo Bộ chỉ số quốc gia OCOP.

5. Công tác kiểm soát, thanh tra.

V. CÔNG TÁC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

1. Công tác quảng cáo, quảng bá sản phẩm.

2. Thương mại điện tử (E-commercial).

3. Tổ chức sự kiện hội chợ, triển lãm.

4. Hệ thống bán lẻ: Trung tâm, điểm bán hàng; siêu thị, Chợ truyền thống; Family shop. Trung tâm OCOP quốc gia năm ở các vùng kinh tế trọng điểm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam (Hội An), Quảng Ninh (Hạ Long), Cần Thơ, Khánh Hòa (Nha Trang), Lào Cai (Sa Pa), Lâm Đồng (Đà Lạt).

VI. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

Đối tượng đào tạo:

- Nhà quản lý, cán bộ vận hành Chương trình OCOP cấp huyện, xã

- Chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ kinh doanh, kế toán DN vừa và nhỏ, HTX

- Lao động trực tiếp tại các DN vừa và nhỏ, HTX.

Phần thứ năm

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM

I. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, NÂNG CAO NHẬN THỨC

1. Xác định đây là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Các cấp ủy, chính quyền phải quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình, được thể hiện bằng ý chí và hành động thông qua việc đưa Chương trình OCOP vào Nghị quyết hành động của cấp ủy, kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương để triển khai thực hiện lâu dài và thường xuyên.

2. Triển khai quán triệt sâu sắc đến cấp ủy cơ sở, đến Ban Phát triển thôn, Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã về Chương trình.

3. Xây dựng kế hoạch truyền thông để thực hiện Chương trình.

4. Thực hiện tuyên truyền thông qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể để thực hiện chương trình[1] thường xuyên và liên tục.

II. XÂY DỰNG TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Thực hiện theo 3 cấp: Tỉnh - Huyện - Xã, bao gồm:

1. Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh đến cấp huyện và Ban quản lý xây dựng NTM cấp xã.

2. Cơ quan thường trực Chương trình ở cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và PTNT

- Cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách thực hiện: Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh.

- Cơ quan phối hợp ở Sở Nông nghiệp và PTNT: Chi cục Phát triển nông thôn.

3. Các Sở phối hợp thực hiện: Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

4. Cơ quan thường trực ở cấp huyện: Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng kinh tế).

5. Thường trực ở cấp xã: Công chức chuyên trách về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

6. Các cấp thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tại mỗi kỳ đánh giá thường niên.

III. XÂY DỰNG HỆ THỐNG HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH OCOP

1. Hệ thống tư vấn hỗ trợ

- Tư vấn phát triển DN vừa và nhỏ, HTX (tuyên truyền vận động, hình thành, cơ cấu tổ chức, thiết kế, các quy chế, phương án SXKD...).

- Tư vấn tài chính (nhu cầu vốn, nguồn vốn, phương pháp tiếp cận, quản lý tài chính vi mô,...).

- Tư vấn phát triển sản phẩm (nhu cầu thị trường, thiết kế sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn,...).

- Tư vấn quản trị doanh nghiệp (DN vừa và nhỏ, HTX) (sản xuất, nhân lực, R&D, chất lượng, marketing và bán hàng, các kỹ năng,...).

- Tư vấn kỹ thuật/công nghệ.

2. Hệ thống đối tác OCOP

- Các doanh nghiệp tham gia kéo dài chuỗi sản xuất: Cung ứng dịch vụ/vật tư đầu vào, nghiên cứu phát triển, khoa học công nghệ, dịch vụ hỗ trợ (thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký/công bố sản phẩm, tư vấn luật, quản lý sản xuất bằng Hệ thống Tem điện tử thông minh SmartLife,…), chế biến nông lâm sản, các nhà bán lẻ, các nhà đầu tư hệ thống trung tâm OCOP.

- Các tổ chức/doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, Đài phát thanh, truyền hình.

- Các ngân hàng, các quỹ đầu tư, các nhà báo, mạng xã hội,…

3. Hệ thống sản xuất

- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác.

- Các hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh).

IV. CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN

1. Chính sách hỗ trợ tín dụng.

2. Chính sách hỗ trợ vùng sản xuất tập trung: Hạ tầng, giống,…

3. Chính sách hỗ trợ KHCN: Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao.

4. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm: Nghiên cứu, thiết kế, tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

5. Chính sách đào tạo nhân lực: CEO các DN vừa và nhỏ, HTX.

6. Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại:

- Xúc tiến thương mại, quảng cáo.

- Đầu tư hệ thống trung tâm, điểm bán hàng OCOP (miễn thuê đất, hỗ trợ kinh phí trực tiếp, hệ thống thiết bị,..).

V. TÀI CHÍNH THỰC HIỆN

1. Tín dụng ngân hàng, tín dụng cộng đồng.

2. Huy động nguồn lực tài chính từ các quỹ đầu tư, các nhà tài trợ,…

3. Ngân sách nhà nước

- Nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới :

+ Giai đoạn 2017 - 2020: Cân đối trong nguồn vốn trung hạn (2016 - 2020) của Trung ương đã cân đối bố trí cho thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

+ Điều chỉnh cơ cấu bố trí hỗ trợ sản xuất để triển khai Chương trình, trong đó bố trí “cứng” tỷ lệ vốn dành cho thực hiện Chương trình OCOP.

- Nguồn vốn ngân sách lồng ghép từ đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, các nguồn vốn ngân sách lồng ghép khác.

- Nguồn vốn ngân sách địa phương.

VI. GIẢI PHÁP VỀ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Phần thứ sáu

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM

 I. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Xây dựng Đề án Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm

a. Tổ chức điều tra, khảo sát tại 11 huyện, thị xã, thành phố[2].

b. Hội thảo lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương.

c. Tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm tại tỉnh Quảng Ninh.

d. Xác định nguồn lực tài chính thực hiện.

e. Dự thảo cơ chế, chính sách của tỉnh (nếu có) thực hiện các cơ chế chính sách của Trung ương.

g. Hoàn thiện Đề án Chương trình trình UBND tỉnh phê duyệt tháng 12/2017.

h. Xây dựng lộ trình và chủ đề, kế hoạch hàng năm để thực hiện Chương trình.

2. Tổ chức thực hiện Chương trình

a. Tổ chức hội nghị quán triệt các cấp, đặc biệt tập trung quán triệt sâu rộng ở cấp huyện, cấp xã.

b. Tổ chức triển khai ở 03 cấp: Tỉnh, huyện, xã

Mỗi cấp cần lựa chọn, xây dựng nhóm cán bộ quản lý chương trình OCOP (mang tính chuyên gia) am hiểu sâu sắc các nhiệm vụ của OCOP để tham mưu, triển khai thực hiện và tư vấn hỗ trợ trực tiếp cho cơ sở, cho DN vừa và nhỏ, HTX.

c. Chỉ đạo đánh giá sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh.

II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Cấp tỉnh

- Xây dựng Đề án Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Bình Định;

- Triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh;

- Đề xuất bố trí tổ chức bộ máy quản lý, vận hành, tham mưu triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh;

- Tổ chức điều tra, đánh giá (theo chuỗi giá trị) các sản phẩm lợi thế trên địa bàn tỉnh;

- Ban hành các cơ chế chính sách của tỉnh để triển khai thực hiện Chương trình OCOP;

- Tư vấn, hỗ trợ và thực hiện các thủ tục hành chính hiệu quả hỗ trợ thành lập DN vừa và nhỏ, HTX và phê duyệt các dự án thực hiện có nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, cũng như thực hiện nhanh gọn các thủ tục hỗ trợ nguồn lực của nhà nước đối với DN vừa và nhỏ, HTX;

- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ quản lý, cho giám đốc, cán bộ kinh doanh, kế toán chủ doanh nghiệp, hợp tác xã;

- Tổ chức các kỳ đánh giá sản phẩm và tổ chức hội chợ OCOP thường niên;

- Quy hoạch quỹ đất đầu tư xây dựng Trung tâm, điểm bán hàng OCOP;

- Xây dựng quỹ phát triển Chương trình OCOP;

- Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm.

2. Cấp huyện

- Triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn;

- Bố trí tổ chức bộ máy quản lý, vận hành, tham mưu triển khai chương trình OCOP;

- Tổ chức điều tra, đánh giá (theo chuỗi giá trị) các sản phẩm lợi thế trên địa bàn huyện;

- Tư vấn, hỗ trợ và thực hiện các thủ tục hành chính hiệu quả hỗ trợ thành lập DN vừa và nhỏ, HTX, và phê duyệt các dự án thực hiện có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, cũng như thực hiện nhanh gọn các thủ tục hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước đối với DN vừa và nhỏ, HTX;

- Xây dựng quỹ phát triển Chương trình OCOP huyện.

3. Cấp xã

- Tuyên truyền sâu rộng, phát động nhân dân thi đua và đăng ký phát triển sản phẩm, thành lập và phát triển DN vừa và nhỏ, HTX.

- Triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

- Thực hiện quy hoạch và triển khai kế hoạch sử dụng đất hiệu quả đối với việc phát triển vùng, quy hoạch sản xuất sản phẩm tập trung.

- Triển khai nhanh chóng các thủ tục hỗ trợ của Nhà nước đối với DN vừa và nhỏ, HTX.

- Tạo môi trường, an ninh tốt để phát triển.

- Xây dựng quỹ và quản lý quỹ OCOP xã.

Phần thứ bảy

HIỆU QUẢ, Ý NGHĨA TÁC ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM

I. HIỆU QUẢ VỀ KINH TẾ

1. Là giải pháp thiết thực, hiệu quả cơ cấu lại và phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn và đô thị.

2. Xác định được và có chiến lược, kế hoạch phát triển 03 cấp độ sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương (huyện/xã).

3. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất và quản lý, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao.

II. HIỆU QUẢ VỀ VĂN HÓA, XÃ HỘI, MÔI TRƯỜNG

1. Tạo ra nhiều công ăn việc làm khu vực nông thôn.

2. Tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng đậm nét văn hóa từng địa phương (góp phần phục hồi và phát triển một số sản phẩm truyền thống đang bị mai một), khơi dậy niềm tự hào của người dân mỗi vùng quê giúp họ tự tin, sáng tạo, yêu quê hương.

3. Tạo ra sự quyến rũ của khu vực nông thôn, thu hút lao động và nguồn vốn đầu tư về khu vực này (hạn chế dòng người nông thôn kéo ra đô thị), giúp cho xây dựng NTM bền vững, thu hẹp khoảng cách đô thị - nông thôn.

III. Ý NGHĨA, TÁC ĐỘNG CỦA OCOP

Góp phần quảng bá, nâng tầm hình ảnh của Bình Định nói chung, của người nông dân nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực hiện giảm nghèo bền vững./.



[1] Tại Trụ sở chính quyền và khu vực trung tâm cấp huyện, xã đều có hình ảnh, sản phẩm của địa phương

[2] Khảo sát đánh giá nhằm: (1) Đánh động, tác động đến nhận thức xã hội, các cấp lãnh đạo địa phương; (2) Xây dựng Hệ thống CSDL, nhằm (i) Số, chủng loại sản phẩm, (ii) DN, HTX, THT, cơ sở sản xuất, (iii) Quy hoạch sử dụng đất, diện tích sử dụng, canh tác, (iv) Nguồn lực hiện có, (v) Dự báo, dự kiến kế hoạch, mục tiêu của địa phương, trên cơ sở đó xây dựng được mục tiêu cụ thể của tỉnh